Lời tựa:
Trong Z-lab, một trang nghiên cứu giới trẻ của Kênh 14, có 1 dòng khiến mình rất chú ý, đó là:
Gen Z bước vào thế giới việc làm với tư duy bất an về tài chính
Cái này làm mình cảm thấy khá tò mò, không biết thực trạng hiện nay đã đến mức độ như thế nào, đâu là những nguyên nhân cốt lõi, và có chăng một vài biện pháp thiết thực để có thể cải thiện tình hình. Vậy nên series 3 phần này sẽ tập trung vào những nội dung chính ấy.
Rất mong bạn sẽ ủng hộ, cho ý kiến và tiếp tục theo dõi series nhé!
Phần 1: Thực trạng
Khảo sát của Ernst & Young (EY) năm ngoái (2023) ở Mỹ về Gen Z cho thấy hơn 2 phần 3 số người được hỏi lo lắng về tài chính (69%). Thậm chí hơn một nửa số người tham gia (52%) nói rằng họ cực kỳ lo lắng về việc không có đủ tiền trang trải cuộc sống và có thể lâm vào cảnh nợ nần.
Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở UK. Trong khảo sát hồi đầu năm nay, RiseUp UK chỉ ra rằng 68% số người khảo sát Gen Z cảm thấy lo lắng trong những ngày trước khi nhận được lương tháng. Điều này thậm chí còn khiến họ có cảm giác xấu hổ vì không thể để dành tiền tiết kiệm.
Cụ thể hơn nữa, trong khảo sát của RiseUp, cảm giác cực kỳ lo lắng về tài chính được thừa nhận bởi 40% các bạn Gen Z tham gia. Điều này cũng dễ hiểu khi 38% thừa nhận họ không thể để dành quá 100 bảng Anh (khoảng 6% lương trung bình của sinh viên khi ra trường) vào cuối mỗi tháng, và vì vậy luôn luôn trong trạng thái lo lắng vì thiếu tiền.
Ở Việt Nam mình chưa tìm thấy kết quả của một khảo sát nào tương tự. Tuy nhiên trong các bài báo liên quan trên CafeF hay trang OCD.VN, họ thường trích dẫn khảo sát của Experian năm 2019, với kết quả chính là 51% người thuộc thế hệ Z lo sợ vấn đề tiền bạc sẽ ngăn cản họ làm những gì họ muốn trong cuộc sống.
Vậy vấn đề này dẫn đến thay đổi gì trong thái độ và hành vi của Gen Z?
Thay đổi rõ rệt nhất được ghi nhận trong khảo sát của EY tại Mỹ là 46% các bạn Gen Z đặt việc kiếm tiền lên làm mục tiêu hàng đầu, cao hơn rất nhiều so với con số 32% họ thu được trong khảo sát năm 2021.
Điểm đặc biệt là sự cấp thiết của việc kiếm tiền khiến rất nhiều bạn trẻ phải gồng mình mà nhận thêm job. Báo cáo của EY cũng chỉ ra có đến 40% số người được hỏi có thu nhập từ cả việc chính lẫn nghề phụ tay trái.
(Bình: mình nghĩ điểm này là cực kỳ quan trọng. Vì với hầu hết các nghề nghiệp mình biết, thời gian đầu ra trường là vô cùng quan trọng, trong việc học hỏi kiến thức thực tế để có thể trở nên lành nghề, đồng thời nhìn nhận và bổ sung các kỹ năng mềm trong quá trình làm việc. Tuy nhiên việc nhận và làm thêm công việc thứ 2, thứ 3 sẽ khiến quỹ thời gian phát triển nghề nghiệp chính này gần như trở về con số 0)
Một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của vấn đề này là gần một nửa số bạn tham gia khảo sát (47%) tại Mỹ của EY đã trả lời rằng họ luôn trong trạng thái lo âu, và thậm chí cảm thấy trạng thái này thường xuyên vượt ngoài tầm kiểm soát của họ.
Và cuối cùng, một điểm khá thú vị nữa trong khảo sát của RiseUp UK là việc các bạn trẻ Gen Z đầu tư khá nhiều tiền bạc vào những sản phẩm và dịch vụ nhằm chăm sóc sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, họ dường như hoàn toàn không để ý đến việc chính những sản phẩm ấy lại khiến cho họ gặp nhiều hơn áp lực phải kiếm tiền. Vì vậy mà càng khó thoát ra khỏi cái vòng xoáy lo âu kim tiền ấy.
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai)
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782 Ngân hàng: Vietbank Chủ TK: Lương Minh Hoàng
Nguồn:
Trang Z-lab: https://zlab.vn/report
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất