Lời nói đầu

Cuộc chiến Israel - Palestine có lẽ là cuộc tranh chấp điển hình nhất và dai dẳng nhất về chủ quyền lãnh thổ và hiện vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc. Viết về cuộc chiến này cũng là một công việc ít hấp dẫn nhất, vì ít nhất 3 lý do. Một là bạn bắt buộc phải viết dài, nếu không sẽ không bao quát hết được những sự kiện quan trọng. Nó kéo theo khối lượng công việc không nhỏ tra cứu, fact check, kiểm chứng tài liệu liên quan. Hai là nó không hề hấp dẫn, vì đã có khá nhiều bài viết về nó rồi. Ngay cả trên nền tảng Spiderum cũng có không dưới 10 bài viết. Ba là mặc dù có nhiều bài viết, chúng lại không có sự thống nhất với nhau về góc nhìn. Đầu tiên, các bài viết thường sẽ thiên về một trong hai “phe”, tạo ra những góc nhìn rất phân cực. Tiếp theo, ngay kể các bài viết trong cùng một “phe”, có rất nhiều sự kiện cần bàn tới nhưng mỗi tác giả lại cực đoan hoá hoặc phiến diện ở chỉ một hoặc một vài góc độ cần phải điều chỉnh. Chốt lại là: việc phải làm thì nhiều, tính mới thì ít, kể cả làm được thì đóng góp cũng hạn chế.
Nhưng có lẽ, đó vẫn là một việc có ý nghĩa và nên làm. Cuộc chiến Israel - Palestine có tất cả mọi chủ đề đáng bàn nhất, từ xung đột vũ trang, tranh chấp lãnh thổ, mâu thuẫn về tôn giáo, về văn hoá, về sắc tộc, các cuộc chiến ý thức hệ, công cuộc xóa sổ chủ nghĩa đế quốc, buổi bình minh của công pháp quốc tế, cho tới xung đột giữa các góc nhìn chính trị của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do. Bất cứ dân tộc, quốc gia nào cũng tìm thấy một phần của mình ở đó. Bất cứ người ngoài cuộc nào cũng có thể tìm thấy cho mình một vọng gác và cầm lấy cho mình một “khẩu” súng trên đầu trận tuyến của cuộc xung đột này.
Cầm bút luôn là một thử thách. Tôi thường xuyên không ngần ngại chỉ trích các bài viết của các tác giả khác; điều đó không đồng nghĩa với việc tôi không đồng cảm với họ, hay không trân trọng nỗ lực của họ. Trái lại, tôi luôn cố gắng chỉ trích “in good faith” để chúng ta cùng có thể tiến bộ. Never set the bar low just to appear kind. Tôi hoàn toàn hoan nghênh được mọi người đối xử với cùng cách thức như vậy.

Palestine - Lịch sử hình thành và hai nhà nước Do Thái.

Palestine là vùng đất nằm ở Tây Á, phía bắc giáp biển Địa Trung Hải và cao nguyên Golan, phía nam giáp bán đảo Sinai và biển Đỏ, phía đông có biên giới tự nhiên là sông Jordan. Diện tích khu vực khoảng 22.000 km2. Về mặt địa lý, phần lớn khu vực này là sa mạc. 
(1)
(1)
(2)
(2)
(3)
(3)
Vùng đất Palestine qua các thời kỳ: (1) Thời vua David và Solomon, (2) Thời thuộc La Mã (đường màu xanh) và thời uỷ trị bởi British Empire (đường màu đỏ) (3) Israel, West bank và Gaza strip.
Khu vực này đã có người ở từ khoảng 3200 - 3500 năm trước. Moses dẫn người dân rời bỏ đất Ai Cập khoảng năm 1.300 BC. Sau đó, họ đi qua biển Chết, qua sa mạc Sinai, rồi đến xứ Canaan thì nghe thấy lời Thượng Đế “Ta cho con cháu ngươi đất này”, và định cư tại đó. Ở thời điểm này, “người dân” có lẽ chỉ cỡ một bộ lạc, với khoảng 3-4 dòng họ và 100 người mà thôi. Nhưng họ là những người đầu tiên định cư tại đây, Kinh Cựu ước ghi chép gọi là gia đình Abraham xứ Canaan. Họ trở thành thủy tổ của dân tộc Do Thái, sáng lập ra Do Thái giáo (gốc của Ki tô giáo và đạo Hồi sau này), và cũng thành lập ra nhà nước đầu tiên trên mảnh đất này (từ khi nó còn chưa được gọi là Palestine) là một nhà nước Do Thái dưới thời vua David. David cũng cho xây dựng thành Jérusalem làm kinh đô, và con ông là Solomon cho xây đền thờ đầu tiên tại đây vào năm 957 BC (nơi mà hiện tại đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, chỉ còn sót lại duy nhất một bức tường, gọi là Bức tường than khóc - the Wailing Wall).
Nhà nước Do Thái này tồn tại được khoảng 400 năm thì bị chia làm hai, rồi đến năm 722 BC thì bị Assyrian thôn tính. Đến năm 586 lại thuộc về Babylon. Mấy chục năm sau, đến lượt đế quốc Ba Tư (Persian). Đến năm 515 BC, nhà nước Do Thái thứ hai hình thành. Dấu ấn của họ là cho xây lại đền thờ ở Jérusalem, đền thờ này hiện nay cũng đã bị phá huỷ hoàn toàn.

Giai đoạn thuộc La Mã - Nguồn gốc cái tên Palestine

Khoảng năm 63 BC, khu vực này - khi đó được gọi tên là Judea, rơi vào tay La Mã (Roman), từ đó trở thành một dạng chư hầu của La Mã. Trải qua một vài cuộc chiến, một vài cuộc khởi nghĩa của dân Do Thái rồi bị dập tắt bởi La Mã, thì thành Jérusalem và các đền thờ bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Trong số này, có một sự kiện cần phải nhắc tới, đó là cuộc khởi nghĩa Bar Kokhba vào năm 132. Cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn 4 năm, và nó làm người La Mã tức giận tới nỗi, sau khi dập tắt nó, họ quyết định đổi tên vùng đất này thành Palestine như một sự sỉ nhục đối với người Do Thái.
Từ Palestine hiện đại là một phiên bản của từ “Philistia” trong tiếng Hy Lạp, chỉ vùng đất nhỏ ở Trung Đông do người Philistines sinh sống và cai quản. Người Philistines đúng gốc theo tên gọi thì lại là một chủng người gốc Aegean và không có liên hệ máu mủ gì với người Palestine đương đại ngày nay. Từ này thì đã có từ lâu, tuy nhiên đây mới lần lần đầu tiên nó được sử dụng để chỉ vùng đất này, vừa là sự trả thù của chính quyền La Mã đối với người Do Thái do cuộc khởi nghĩa Bar Kokhba của họ, vừa là một nỗ lực đồng hoá bằng cách xoá bỏ danh tính dân tộc của người Do Thái như là những người đầu tiên khai phá và là chủ nhân của mảnh đất đó. 
Từ đó cho tới ít nhất là trước khi nhà nước Israel thành lập năm 1948, danh từ riêng Palestine thường được dùng để chỉ vùng địa lý nằm giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan. Như vậy, cái tên Palestine ra đời khoảng 1.200 năm sau khi những người Do Thái đầu tiên định cư tại đây và thành lập nhà nước của riêng mình, và khoảng 1800 năm trước khi “một nhà nước khác mang tên Palestine” xuất hiện.

Giai đoạn Ả rập - Ottoman

Năm 636, người Ả rập thay La Mã chiếm giữ Palestine. Cuối thế kỷ 11 cho tới cuối thế kỷ 13 là giai đoạn của những cuộc Thập Tự Chinh (crusaders). Cuộc thập tự chinh cuối cùng kết thúc năm 1291, người Mamluk và sau đó là đế quốc Ottoman (đa số theo đạo Hồi dòng Sunni) cai quản Palestine. Sự cai trị này chỉ chấm dứt cho tới khi kết thúc Thế chiến thứ nhất  cùng với sự tan rã của Ottoman. Dưới thời Ottoman, thống kê dân số cho thấy ở Palestine có khoảng 300k - 700k dân. Trong đó, khoảng 80% là dân Ả rập theo đạo Hồi, 13% theo đạo Thiên Chúa, và 7% theo Do Thái giáo.
Trên đây là lịch sử của vùng đất Palestine cho tới trước thế kỷ 20. Nói chung anh em nào chơi AOE, thì sẽ hiểu là khoảng ½ số đạo quân trong game này đều từng chiếm mảnh đất Palestine. Nhưng cũng không phải là vì nó quý giá hay giàu có, ngược lại, là vì nó quá nghèo đói, cằn cỗi. Chỉ có những người cùng đường bí lối mới phải chạy nạn, chạy giặc tới đây, nhưng sau khi mọi chuyện êm xuôi họ lại tính cách đi nơi khác. Nói cách khác, ít người dân sống ở đây thực sự coi đây là nhà, người nhập cư (immigrant) có lẽ còn đông hơn người định cư (settlers).
Trong suốt lịch sử hơn 3000 năm, chỉ có hai lần người dân nơi này xây dựng nhà nước độc lập, hình thành một danh tính quốc gia thực sự, và đó chính là nhà nước Do Thái thứ nhất và nhà nước Do Thái thứ hai. Kể từ sau khi Jesus bị đóng đinh trên cây Thánh Giá, người Do Thái cũng bị La Mã đuổi ra khỏi mảnh đất, phải đi lang bạt khắp nơi, không dựng được một quốc gia cho mình. Thứ kết nối họ chỉ là tôn giáo - Do Thái giáo. Ngược lại, mảnh đất Palestine cũng trải qua gần 2000 năm không có bất kỳ một quốc gia nào được xây dựng. 
Nhiều nhà sử học gọi hiện tượng này là: dân tộc Do Thái là “một dân tộc không có đất đai”, còn xứ Israel là “một đất đai không có dân tộc”. Tôi không hoàn toàn đồng tình với cách diễn đạt có phần over simplistic này. Tuy nhiên không thể phủ nhận sự thật là sau bao nhiêu năm, bao nhiêu dân tộc tiếp tục nhau sống tại đó, không một dân tộc nào lập nghiệp một cách vĩnh viễn, coi đó là nhà của mình. Người La Mã, người Ba Tư, người Ả-rập đều từng là những đế quốc rộng lớn, tham vọng lãnh thổ đối với họ thì không cần phải nói rồi. Họ thay phiên nhau làm chủ, nhưng rốt cuộc chỉ coi Palestine là một thuộc địa xa xôi không có ý khai hoá hay khai thác. Godefroy de Bouillon, trong cuộc thập tự chinh đầu tiên, khi tiến vào Jerusalem năm 1099, thì thấy một tình trạng rất hỗn loạn về chính trị cũng như về tôn giáo, không có ai làm chủ, quyền hành bị chia năm xẻ bảy, người ta chống đối nhau, tranh giành nhau: mà dân chúng thì gồm đủ các giống người: Ả-rập du mục, Do Thái, Hy Lạp ở Syria, rồi Pháp, Hungary, Anh, Nhật Nhĩ Mãn, Ấn Độ.
Người Do Thái cùng với sự hình thành của nhà nước Israel 1948 đã chấm dứt tình trạng này. Điều thú vị là tình trạng "dân tứ xứ" vẫn tiếp diễn đối với người Palestine kể cả cho tới ngày nay, khi mà không ít trong số họ không hề sinh ra ở West Bank hay Gaza, mà là ở Ai Cập, Jordan, Syria, Lybia, Lebanon, và cả Israel. Yasser Arafat - “lãnh tụ” của người Palestine - thực ra sinh ra tại Ai Cập, là một ví dụ điển hình. Tôi hy vọng sẽ có thể nói kỹ hơn điều này trong bài viết sau, tuy nhiên ngoài ảnh hưởng của các biến cố lịch sử, một phần không nhỏ lý do là đến từ văn hoá: trải hơn một ngàn năm, đối với người Palestine, danh tính quốc gia - nếu có - thì không hề có tầm quan trọng bằng danh tính tôn giáo (đạo Hồi) và danh tính sắc tộc (Ả rập). 

Về khái niệm Danh tính quốc gia (National Identity)

Danh tính quốc gia - nếu chỉ hiểu theo nghĩa nôm na, có lẽ ai cũng cho rằng quá dễ để định nghĩa, đó là sự gắn bó danh tính mỗi cá nhân với một quốc gia nào đó. Tuy nhiên, khi mà thế kỷ 20 con người dần đặt ra các tiêu chuẩn để hình thành quốc gia, xác định đường biên giới, xác định những đặc quyền mà chỉ một quốc gia mới có thể được nhận từ những quốc gia khác (mà không áp dụng cho nhóm vũ trang, nhóm tự trị chẳng hạn), thì việc định nghĩa như thế nào là một quốc gia trở nên một vấn đề quan trọng, cần được làm rõ và pháp điển hoá để đạt được sự đồng thuận quốc tế. Ở mặt đối nội, trong nội bộ quốc gia, các chính quyền cũng thường xuyên cần sử dụng các diễn ngôn giải thích danh tính quốc gia, nhằm đoàn kết người dân và tạo tính chính danh cho chính quyền. Lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, khẳng định sự tồn tại của danh tính quốc gia Việt Nam, là một dạng diễn ngôn như vậy. Xây dựng danh tính quốc gia là một phần không thể thiếu để xây dựng tính chính danh của chính quyền, điều đó đúng với mọi đất nước chứ không chỉ riêng Việt nam.
Hãy tạm bắt đầu bằng cách xem xét định nghĩa từ wiki:
A nation is a type of social organization where a collective identity, a national identity, has emerged from a combination of shared features across a given population, such as language, history, ethnicity, culture, territory or society.  — https://en.wikipedia.org/wiki/Nation
Một cách ngắn gọn thì có thể hiểu danh tính quốc gia sẽ được định hình như là tổng hòa của ngôn ngữ, lịch sử, sắc tộc, văn hoá, lãnh thổ hoặc xã hội. Đây cũng là cách hiểu thông thường của mọi người nhưng nó lại không đủ cụ thể để có thể đạt được sự đồng thuận. Một số quốc gia đặc biệt coi trọng tôn giáo và sắc tộc, một số khác lại coi trọng lịch sử, văn hoá và ngôn ngữ. Nói cách khác, nó không hình thành một bộ tiêu chuẩn khách quan cho tất cả mọi người.
Ở góc nhìn của công pháp quốc tế, theo Công ước Montevideo, có bốn yếu tố cơ bản để đánh giá một thực thể chính trị đã đến ngưỡng quốc gia (state) trong pháp luật quốc tế hay chưa. Mặc dù xuất phát nó chỉ là một công ước nội bộ giữa một số nước Nam Mỹ, bộ tiêu chuẩn này dần dần đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.
The state as a person of international law should possess the following qualifications: (a) a permanent population; (b) a defined territory; (c) government; and (d) capacity to enter into relations with the other states.  — https://www.ilsa.org/Jessup/Jessup15/Montevideo%20Convention.pdf
Bốn yếu tố đó là:
- Có dân cư xác định;
- Có lãnh thổ xác định;
- Có chính quyền đại diện, quản lý;
- Có năng lực tham gia và bảo đảm các nghĩa vụ quốc tế.
Căn cứ vào những yếu tố trên, và nhìn nhận lịch sử của vùng đất Palestine, có thể khẳng định rằng, người dân sống tại Palestine đầu thế kỷ 20 về căn bản không hình thành một danh tính quốc gia. Điểm rõ nhất là yếu tố thứ ba: Giai đoạn từ sau khi người Do Thái mất nước (thế kỷ thứ nhất) cho tới thế kỷ 20, ở Palestine chưa từng có một chính quyền đại diện, quản lý do người dân nơi đó dựng nên. Thậm chí, họ cũng chưa từng cố gắng làm điều đó: không hề có cuộc cách mạng hay cuộc khởi nghĩa nào của họ để xây dựng một chính quyền cho riêng mình. Mặc dù dân Ả Rập, dân Hồi chiếm đa số nhưng đây không phải là một cộng đồng dân số ổn định coi nơi đây là nhà của họ. Chưa từng tồn tại cái gọi là Quốc Gia Palestine, hoặc một danh tính quốc gia gắn liền với người dân sống trong vùng đất đó. 
Đến đây, có lẽ cần dẫn một vài bài viết trên Spiderum có đề cập tới chủ nghĩa yêu nước và danh tính quốc gia. Bài thứ nhất "Tifosi, yêu nước online, và Chủ nghĩa Sô vanh.” của trantuanst22
và bài thứ hai là “Lòng yêu nước: Truyền thống ngàn đời hay truyền thống tân tạo?” của Tornad
Để tránh mọi người hiểu nhầm rằng tôi đồng tình với mọi thứ trong hai bài viết trên, tôi phải khẳng định rằng, trantuanst22 có góc nhìn nặng về chủ nghĩa hiện thực - điều tôi cho là có thể sẽ dẫn tới những góc nhìn cực đoan nếu không được cân bằng với góc nhìn của chủ nghĩa tự do. Và bài viết của Tornad thì có cách trình bày khá rườm rà về một vấn đề nên được trình bày ngắn gọn súc tích hơn, và chắc chắn là không hề thiếu những diễn ngôn cực đoan. Mặc dù vậy, đây vẫn là những bài viết đáng để đọc, kể cả là “chỉ đọc một lần cho biết” như với bài viết của Tornad.
Mặc dù không hoàn toàn đồng tình với cách trình bày của các bài viết trên (một số diễn ngôn trong bài của Tornad thậm chí tôi sẽ cho là cực đoan), tôi chia sẻ quan điểm cho rằng chủ nghĩa dân tộc và khái niệm quốc gia là các social construct mới được hình thành khoảng vài thế kỷ trở lại đây. Trong khi người ta vẫn justify chủ nghĩa dân tộc bằng yếu tố lịch sử, bằng những sự kiện vài ngàn năm trước, việc xây dựng một danh tính quốc gia rõ ràng chỉ thực sự trở nên quan trọng từ thế kỷ 20. Trước đó, thế giới là những sân chơi của chế độ phong kiến, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, nơi mà đường biên giới có thể thay đổi ngày này qua ngày khác, và việc sử dụng vũ lực để thay đổi đường biên giới là hoàn toàn được chấp nhận.
Khái niệm “quốc gia” với nội hàm bao gồm một dân cư ổn định, một lãnh thổ ổn định, với quyền tự quyết, với việc mọi hành vi xâm lược phải bị lên án, là một khái niệm hoàn toàn mới.
Chính vì thế, mặc dù người Palestine ngày nay sẽ không thể vin vào lịch sử để xây dựng danh tính quốc gia, họ hoàn toàn có thể xây dựng một danh tính quốc gia mới cho chính mình. Các quốc gia sinh ra, phát triển rồi biến mất, điều đó là bình thường. Cần bao nhiêu năm, bao nhiêu cuộc chiến hoặc bao nhiêu hi sinh để một quốc gia được coi là một quốc gia? Theo tôi, sẽ khó có câu trả lời cụ thể cho điều đó, thậm chí không nên coi chiến tranh, đổ máu như là một tiêu chuẩn - rõ ràng chúng ta không thích bạo lực, cũng không mong muốn dùng chúng để biện minh cho bất kỳ điều gì. Thế giới hẳn sẽ tốt đẹp hơn nếu như ngay cả những vấn đề phức tạp nhất như tranh chấp lãnh thổ cũng có thể được giải quyết thông qua các biện pháp phi bạo lực. Còn về thời gian, cá nhân tôi cho rằng chỉ cần 1-2 life time (say 40-60 năm?) là đủ để chúng ta chấp nhận rằng một nhóm dân cư xác định được một danh tính quốc gia mới cho mình, và nguyện vọng độc lập về chính trị của họ là thứ đáng được cân nhắc (lưu ý: cân nhắc khác với chấp thuận vô điều kiện). Nhưng có lẽ điều này nên được đề cập chi tiết hơn trong bài viết sau, cùng với các vấn đề như one-state solution, two-state solution, cùng với các cáo buộc chống lại nhà nước Israel như ethnic cleansing hay thực hành Apartheid.
Bài viết tiếp theo tôi hy vọng có thể trình bày sơ lược lịch sử của cuộc xung đột Israel - Palestine trong thế kỷ 20 cho tới hiện nay. Và sau đó sẽ là các bài viết về những nội dung tranh cãi cụ thể xoay quanh cuộc xung đột này.
Bài viết tham khảo nhiều nguồn tài liệu và credit thuộc về các tác giả.

Tài liệu tham khảo

[1] “Bài học Israel”, Nguyễn Hiến Lê
[6] wikipedia
[7] spiderum