Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Đây không phải là nguồn cảm hứng của tôi khi viết bài này
Tôi vừa mới đọc bài "Ừ thì sự thật là, tôi vừa bỏ đại học", và định bình luận dài dài chút vào đấy, có điều sau khi nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ nên viết một bài tử tế thì hơn, với cả cũng lâu rồi tôi không viết gì về vấn đề kỹ năng hướng nghiệp. Xin nói trước (một lần nữa) là bài viết này tổng hợp những góc nhìn và kinh nghiệm của cá nhân tôi. Nó có thể đúng với bạn, có thể không, nên từ những gì tôi chia sẻ, bạn áp dụng được thì tốt, không áp dụng được thì có thể trao đổi để cùng bàn luận. 
Thời gian vừa rồi tôi vô cùng bận, cho nên có một số câu hỏi trong bài đối thoại về kỹ năng cũ tôi sẽ cố gắng dành thời gian để trả lời trong tuần này, om lâu quá rồi... À, trước khi bước vào vấn đề chính thì tôi cũng xin phép bật mí một chút là sắp tới Spiderum sẽ tổ chức một sự kiện về hướng nghiệp, kỹ năng và tôi có tham gia với vai trò chia sẻ. Đội ngũ admin của Spiderum sẽ thông báo sớm thôi, mong các bạn sẽ tham gia sôi nổi. 
Rồi, giờ bước vào màn chính nào.

ĐẤY LÀ MỘT SAI LẦM


Nếu như phải dành một lời khuyên cho bạn nào đang có ý định bỏ đại học, thì trên danh nghĩa là một người đã bỏ học đại học, tôi sẽ nói rằng: "Tốt nhất là không nên."
Tại sao lại là tốt nhất, bởi cho dù việc đấy có xảy ra, như trong trường hợp của tôi chẳng hạn, bạn sẽ vẫn có thể xoay sở được thôi. Có điều, rất nhiều khi tôi nghĩ lại, có những việc trong công việc đáng lẽ sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu như lúc đấy tôi biết cách lắng nghe và kiên nhẫn hơn. Tôi không hối hận về quyết định của mình, chưa bao giờ, nhưng nếu giả sử tôi không bỏ đại học mà tận dụng, kết quả sẽ tốt hơn khi:
1 - Hiểu rằng học đại học không chỉ đơn giản là học
Một trong những người sếp tôi tôn trọng nhất trong những công ty tôi từng làm đã hỏi tôi rằng tại sao tôi nghỉ học và tôi trả lời rằng vì chương trình học ở trường rất chán, không thiết thực, tôi muốn làm những cái tôi thích hơn. Tôi muốn theo đuổi đam mê của tôi hơn (lúc đấy là về game, có điều tại thời điểm cuộc hội thoại này diễn ra thì tôi đã bỏ ngành game được vài năm rồi.) 

Đọc thêm:

Sếp tôi có hỏi lại tôi rằng: Đã bao giờ mày nghĩ mày vừa có thể làm những cái mày thích vừa hoàn thành đại học chưa? Câu trả lời của tôi là tao cũng cố, nhưng thực sự thì việc học rất chán. Sếp tôi đã cười và cho tôi một góc nhìn, mà đến giờ đối với tôi vẫn có ích:
Học đại học thì phần kiến thức thực ra rất hạn chế, trừ khi đi theo nghiên cứu. Lý do là bởi các chương trình đại học, kể cả trong các trường lớn ở các quốc gia khác (ông có lấy ví dụ ở Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung, nhưng tôi không nhớ cụ thể phần này), vẫn lệch nhiều so với thực tế, nhất là các trường liên quan đến kinh tế. Các trường kỹ thuật thường việc này ít hơn, nhưng vẫn có, bởi việc cập nhật chương trình học hàng năm gần như là không thể. Thế nên thực tế thì đại học chẳng trang bị được kỹ năng cứng gì cả, nhưng đại học lại có một lợi thế rất lớn khác. Đó là các mối quan hệ. 
Sau này tôi mới hiểu được điều này, nhất là trong môi trường ở Việt Nam. Các mối quan hệ trong đại học rất quan trọng, không chỉ là giữa sinh viên với sinh viên mà còn giữa sinh viên với giảng viên. Nếu như mối quan hệ giữa sinh viên với sinh viên thường phải trong một thời gian dài mới có kết quả (thực tế thì vài đối tác làm ăn của tôi hiện tại là bạn cùng lớp đại học) thì mối quan hệ giữa sinh viên với giảng viên lại có thể có kết quả trong thời gian ngắn. Theo quan sát của tôi, ở Việt Nam, nhiều giảng viên cũng có công việc ở bên ngoài và họ dùng việc giảng dạy như một công cụ để tìm kiếm nhân lực. Việc đón nhân lực từ bậc đại học có nhiều cái lợi:
- Đây là nguồn nhân lực nhiều tiềm năng nhưng có giá trị chưa cao do thiếu kinh nghiệm. Việc đào tạo sẽ giúp phát hiện được những tài năng từ trong nhà trường. 
- Nếu như sinh viên chịu khó học hỏi, họ có rất nhiều thời gian để có thể chuẩn bị kỹ năng trước khi tham gia vào các công ty, có điều trong trường đại học thường thiếu đi phần "dạy nghề" này, việc giảng dạy có thể giúp giảng viên trực tiếp đưa vào giảng dạy những bài tập tình huống (case study) có thật và cập nhật, từ đó gián tiếp đào tạo nguồn lực. 
- Trực tiếp tạo cơ hội thực tập thực tế, không phải thực tập "cho có" như phần lớn chương trình thực tập luận văn bây giờ. 
Đại học là một xã hội thu nhỏ và là một bước chuyển giao tốt giữa việc "đi học" với "đi làm". Nếu bạn quan sát, để ý, trong trường hợp tốt nhất là có những người kèm cặp tốt, bạn sẽ thấy rất nhiều cơ hội về công việc, làm ăn sau này xuất phát từ bậc đại học, đôi khi không liên quan gì đến ngành học của bạn. Thế nên nếu thấy ngành học của bạn chán, không thực tế, hãy nghĩ đến việc những người đang dạy mình hay đang học cùng mình sẽ đem đến cơ hội về sau này. 
2 - Bốn năm đại học là rất nhiều
Nếu như bạn đã từng đi làm khoảng tầm ba năm, bạn sẽ nhận ra rằng thời gian trôi qua rất nhanh một khi công việc vào guồng. Để có thể ổn định lại guồng quay này cả về thời gian, tinh thần, thể lực, thông thường bạn sẽ cần khoảng hai đến ba năm nữa. Và sau khi ổn định, nếu muốn tiếp tục phát triển bản thân bạn sẽ cần phải đưa vào những hoạt động như học kỹ năng mới, học thêm ngôn ngữ mới, thể dục thể thao, v.v. để rồi chợt nhận ra rằng: Mình không có thời gian. 
Trên thực tế, thời gian đại học là một trong những khoảng thời gian tốt nhất để tạo nền tảng phát triển bản thân. Vì bạn trẻ, bạn khỏe, bạn có thể nhồi nhiều hoạt động vào lịch trình của mình mà chỉ cần rất ít thời gian nghỉ ngơi. Tôi sẽ không nói rằng bạn phải dành tận bốn tiếng để học một cái gì đó, nhưng chỉ cần đều đặn nửa tiếng, một tiếng trong một thời gian từ nửa năm đến một năm là rất nhiều. Khi bạn bỏ học đại học, ngay lập tức bạn có thể có thu nhập, nhưng thu nhập đó là bạn đánh đổi bằng thời gian, và thời gian đấy về sau rất khó để lấy lại. Đến một thời điểm, tôi nghĩ các bạn sẽ thấy rằng dù là nửa năm cũng vô cùng quý giá.
Nếu như có một vài định hướng về nghề nghiệp, năm thứ 3 và thứ 4 đại học là quãng thời gian quan trọng để có thể thử-sai và chưa phải bỏ công bỏ sức hoàn toàn vào. Tôi đã từng nghĩ rằng thứ tôi chọn lúc đấy (làm về game) sẽ là đam mê để theo cả đời nhưng năm năm sau đã chứng minh điều ngược lại. Đến hiện tại đấy vẫn là đam mê của tôi, nhưng tôi không chọn đấy là nghề nghiệp chính. Phụ thì được. Hơn nữa, hỗ trợ từ các bậc phụ huynh giai đoạn này cũng là một nguồn lực lớn nếu bạn biết tận dụng đúng chỗ. Cụ thể ra sao thì bạn có thể đọc bài này:

CÒN NẾU ĐÃ BỎ RỒI THÌ LÀM SAO GIỜ?

Nếu như bạn đã bỏ học đại học, hoặc có ý định bỏ đại học, thì bạn nên xác định rằng, quãng thời gian phía trước rất khó khăn. Ở đây không phải là theo tháng, mà là theo năm. 
Bạn bỏ đại học (để đi làm, chứ không phải nghỉ để thi lại trường khác) đồng nghĩa với việc bạn đang đánh một canh bạc mà ở đó bạn đã tự mình tước đi một trong những lá bài quan trọng nhất cho những ván mở đầu. Ở đây tôi đang nói đến môi trường ở Việt Nam. Xã hội này là xã hội trọng bằng cấp, cho dù bạn có muốn hay không. Thực tế đấy đang thay đổi, nhưng để hoàn toàn thay đổi sẽ cần một thời gian dài. Khả năng cao là không trong thời đại của tôi hay con tôi... 
Và khi bạn đã mất lá bài đấy rồi, thì bạn buộc phải tìm cách khác để tạo ra lợi thế cho mình. Lợi thế đấy là:
- Sự dũng cảm. Nhưng cần phải sử dụng sự dũng cảm này một cách thông minh, chứ đừng vừa kém thông minh lại còn vừa hăng hái. Đừng biến sự dũng cảm thành "cứng đầu". Tôi sẽ nói rõ hơn ở phần giải thích. 
- Tiền. Cái này thì tương đối dễ hiểu.
- Sự khác biệt. Nhưng cũng đừng lập dị. Bạn có thể lập dị một thời gian, nhưng nếu như không biết cách biết đấy thành điểm tích cực, bạn sẽ khó có thể làm được gì. Kể cả những người giỏi nhất cũng cần đồng đội.  
Khi bạn bỏ học đại học, bạn rất dũng cảm, nhưng nếu như không biết cách biến sự dũng cảm này thành một thứ gì đó thực tế hơn, bạn sẽ mất nhiều lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động. Lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động thường bao gồm những yếu tố sau theo kinh nghiệm của tôi:
- Kinh nghiệm làm việc
- Danh tiếng của trường bạn tốt nghiệp (đối với những người mới bắt đầu)
- Mạng lưới quan hệ
- Kỹ năng cứng
Đối với người bỏ học đại học, bạn chỉ còn đúng một thứ có thể dựa vào: Kỹ năng cứng. Mạng lưới quan hệ mất do bạn không xây dựng được trong bậc đại học. Kinh nghiệm là thứ bất khả thi. Danh tiếng của trường bạn học lúc này là dĩ vãng rất xa rồi. Nhưng vậy nếu như không có kỹ năng cứng, rất nhanh thôi bạn sẽ thấy hậu quả. 
Đối với tôi, kỹ năng cứng là các kỹ năng mà trong trường hợp bạn buộc phải làm việc một mình, bạn vẫn có thể dùng chúng để tạo ra một loại sản phẩm bán được hoặc hẹp hơn là hoàn thiện được một khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm. 
Nếu như bạn muốn theo đuổi cái gọi là "đam mê", bạn buộc phải có những kỹ năng cứng này. Và bạn phải nhìn những kỹ năng này như một công cụ để kiếm tiền trước đã, rồi sau này mới có thể chuyển nó dần dần về một dạng hoạt động tinh thần theo kiểu "tao thích" được. 
Tôi sẽ lấy ví dụ về việc viết lách. Tôi là người đam mê viết lách và ngôn ngữ, thậm chí cũng đã có một quyển sách viết và một quyển sách dịch được phát hành. Nhưng tôi sẽ không chọn viết sách và dịch sách làm nghề chính nếu như tôi sử dụng kỹ năng viết lách hay dịch thuật của tôi được vì những lý do:
- Đầu tư nhiều nhưng hiệu quả thấp: viết lách là việc rất tốn công sức, suy cho cùng thì đó vẫn hoạt động sáng tạo/sáng tác. 
- Phụ thuộc vào quá nhiều vào thị trường người dùng: thị trường sách viết và sách dịch là thị trường B2C, còn thị trường ngành bản địa hóa tôi đang làm thì lại là thị trường B2B. Thị trường B2C có độ biến động và thay đổi rất nhanh, nhất là về mặt văn hóa, giải trí, khó lâu dài. Bạn buộc phải là người đặc biệt về một hoặc nhiều mặt để có thể trụ được trong thị trường này và ngay cả điều này đôi khi cũng... hên xui.
- Khó định lượng, khó cải thiện.
Cho nên mặc dù yêu thích việc này, tôi sẽ không chọn nó làm nghề mà sẽ sử dụng một số đặc trưng để cải thiện những kỹ năng khác thực tế hơn:
- Viết quảng cáo, viết nội dung giải trí
- Dịch phần mềm, dịch nội dung cho các website có lượng nội dung đều đặn
- Phiên dịch
Tiêu chí để chọn những loại kỹ năng này bao gồm:
- Có thể làm đi làm lại theo một khuôn mẫu, làm hàng loạt được, không cần quá đầu tư về mặt chất lượng ban đầu (vì kiểu gì cũng sẽ không ra gì, nhưng vì làm hàng loạt nên sẽ tiến bộ theo thời gian được.) 
- Định lượng và tính ra năng suất được, ví dụ: một giờ viết được bao nhiêu từ, dịch được bao nhiêu từ. Điều này gần như là không thể với các kỹ năng thuần túy sáng tạo/sáng tác.
- Có thể hệ thống hóa và phát triển lên được. Khi hệ thống hóa và phát triển lên, bạn có thể sử dụng các khuôn mẫu của mình tạo ra để đào tạo, tìm kiếm nhân lực phù hợp, thay vì làm thuần túy chuyên môn sẽ dần chuyển sang đào tạo chuyên môn đi kèm với xây dựng đội ngũ. 
- Có thể linh hoạt thay đổi phù hợp với thị trường. Ví dụ như viết quảng cáo, nếu như bạn có một quy trình cho bản thân cụ thể, bạn có thể viết cho nhiều nhãn hàng chứ không chỉ cho một nhãn hàng. 
Học kỹ năng cứng thì cách nhanh nhất là bỏ tiền để học, và đây là khi việc bỏ học đại học đem cho bạn một lợi thế rất lớn: đó là cách bạn kiểm soát tài chính của mình. Vì đấy là tiền bạn bỏ ra, bạn buộc phải chi tiêu một cách hợp lý đồng thời tìm cách để lấy lại số tiền đấy nhanh nhất có thể. Khi đấy bạn thực sự phải cân nhắc mình nên học cái gì, trong thời gian bao nhiêu, mất bao nhiêu tiền, và dùng kết quả đấy với mục đích lớn nhất là có thể có được một môi trường làm việc tốt hơn (cho dù đấy là công ty khác hay làm cho mình như freelance chẳng hạn.) 
Để tìm kiếm được kỹ năng cứng trong các ngành kỹ thuật không khó, nhưng trong các ngành đòi hỏi sáng tạo nhiều hơn thì lại rất khó. Tôi có đưa ra ba tiêu chí ở trên để có thể phần nào giúp đỡ bạn chọn được kỹ năng cụ thể. 
Sự khác biệt cũng là một lợi thế khác, nhưng lợi thế này là một lợi thế cần phải có sự linh hoạt mới đem lại hiệu quả được. Bạn phải hiểu ngành nghề mình dấn thân vào trước khi quyết định có thể sử dụng lợi thế này hay không, và ngay cả khi có được đi chăng nữa, cũng sẽ vẫn phải hi sinh nhiều thứ ban đầu để đổi lại được thành quả. Giả sử như bạn bỏ đại học để đi theo con đường thuần túy nghệ thuật, bạn sẽ nhận ra rằng khả năng cao cũng sẽ có những người bỏ học đại học giống bạn vì một ngày tự dưng thấy mình "cũng có năng khiếu". Bạn sẽ chỉ đặc biệt khi bạn ở một môi trường mà xung quanh không có ai giống mình, chứ ai cũng giống thì khi đấy bạn sẽ không còn đặc biệt nữa. Theo kiểu "khi ai mà cũng cởi truồng, thì đứa mặc quần là đứa khiêu dâm."
Đối với các ngành kỹ thuật thì điều này khả dĩ hơn, bởi lợi thế nằm ở việc bạn sẵn sàng chấp nhận được đào tạo lại trong các công ty với một mức lương thấp. Tuy nhiên nếu như làm cho các công ty không chuyên nghiệp thì khả năng cao những thứ bạn học sẽ "đầu thừa đuôi thẹo", việc này lợi bất cập hại. Còn nếu như chọn các công ty chuyên nghiệp, tốt nhất là nên chọn các công ty phải thi mới được vào mà không yêu cầu bằng cấp. Nhưng để chuẩn bị cho các cuộc thi này thì lại là vấn đề thời gian, công sức đã nói ở trên. Đối với nhiều công ty, bằng cấp có thể không quan trọng, nhưng chứng chỉ lại rất quan trọng. Đến cuối ngày, bạn luôn phải có bằng chứng cho kỹ năng của mình. Không ai công nhận bạn giỏi khi chưa nhìn thấy thành quả của bạn cả. 


DÀI QUÁ, KẾT THÔI


Nói chung thì không nên bỏ đại học. Còn nếu đã bỏ học đại học, thì tốt nhất là đừng lãng phí thời gian tiền bạc. Còn nếu đã biết không nên lãng phí thời gian, thì hãy học cách đầu tư cho chính bản thân mình một cách thông minh.