Tiền ở đâu - Đầu ở đó
Để bắt đầu, cho phép mình kể cho các bạn đôi ba câu chuyện nhảm nhí. Kinh điển 1: "Ông ơi, tôi mới đăng ký học khóa X trên Coursera,...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Để bắt đầu, cho phép mình kể cho các bạn đôi ba câu chuyện nhảm nhí.
Kinh điển 1:
"Ông ơi, tôi mới đăng ký học khóa X trên Coursera, đọc chương trình học thấy mê lắm, mỗi tuần bỏ ra chút thời gian là ổn."
"Ê, khóa học trên Coursera của ông thế nào rồi?"
"Khóa học nào nhỉ? Đợt này tôi bận quá ông ạ, có lẽ phải đợi khi khác."
Khi khác:
"Ông ơi tôi tìm được khóa Y này hay còn hơn khóa X, chờ mãi mới được khóa free mà nội dung hay thế. Lần này tôi viết cả kế hoạch phân bổ thời gian để học rồi, hứa chắc chắn sẽ hoàn thành."
"Ê ông ơi, học xong khóa học Y chưa? Hay không?"
"À, đang có khóa Z..."
"..."
Kinh điển 2:
"New year Resolution:
- Chăm chỉ thể thao, giảm 5 cân, lấy lại vóc dáng
- Đọc 30 cuốn sách
- Đi du lịch 2 nước
- Tiết kiệm được XXX triệu đồng trong tài khoản
- Blah blah blah..."
"Ông ơi, năm nay đọc sách thấy có cuốn nào hay không giới thiệu cho tôi để tôi đọc thêm với"
"À ông đọc Tắt đèn - Làm đĩ nhé. Rất giàu tính nhân văn, thể hiện tiếng lòng của cả một giai cấp, là bức tranh sống động khắc họa một giai đoạn lịch sử của dân tộc..."
"Ok ông. Nhưng 3 năm liền đã được gợi ý Tắt đèn - Làm đĩ rồi năm nay vẫn lại tiếp tục Tắt đèn - Làm đĩ à? Tôi thấy giờ người ta làm ô tô điện với tên lửa vũ trụ rồi ông ei..."
Bạn thấy quen chứ?
Welcome to Miền đất Hứa - nơi những mục tiêu được sản sinh hàng ngày hàng giờ, để mãi mãi nằm ngay ngắn, phẳng phiu, không tì vết ở một nơi nào đó rất đỗi xa xăm . . .
Những kẻ lạc quan
Tháng 8 năm 1958, trong không khí của phong trào Đại Nhảy Vọt, Bộ chính trị Trung Quốc - đứng đầu là Chủ tịch nước Mao Trạch Đông - quyết định đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng thép sản xuất được trên cả nước trong vòng một năm. Tất cả mọi tầng lớp xã hội, từ viên chức, giáo sư tới công nhân, nông dân được điều động, hàng trăm ngàn lò luyện thép được xây dựng. Kết quả là sau rất nhiều nỗ lực, sản xuất thép ở Trung Quốc tăng trưởng về số lượng nhưng lại sụt giảm nghiêm trọng về chất lượng; vừa không đạt được mục tiêu đặt ra, lại vừa trực tiếp ảnh hưởng tới cơ cấu lao động của các ngành nghề khác. Điều này gián tiếp làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo khủng khiếp ở Trung Quốc lúc bấy giờ và đẩy hàng chục triệu người vào chỗ chết.
Đó là cái tai hại của việc đặt ra những mục tiêu phi thực tế.
Ở cấp độ quốc gia, những mục tiêu kiểu này dễ dàng bị gắn mắc "ngông cuồng", "ảo tưởng", "ngu ngốc", "thảm họa".
Nhưng chỉ ở cấp độ quốc gia đại sự thôi nhé. Còn ở cấp độ cá nhân thì việc đặt ra các mục tiêu tương tự sẽ diễn ra bình thường như cân đường hộp sữa kiểu này:
"CHỈ nhân đôi năng suất thôi à? Cùi vãi"
Tất nhiên thông thường chẳng ai nói trắng ra như vậy để tránh ăn gạch vì ảo tưởng sức mạnh. Ngược lại, chúng ta -những sinh vật đầy khéo léo - thường sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật đặc sắc để thiên biến vạn hóa, chẳng hạn:
Làm cả tháng chưa chắc kiếm nổi 1000 USD nhưng định bỏ ra chỉ vài tiếng mỗi ngày cho một công việc gì đó để nhanh chóng kiếm thêm một khoản tương tự. Vì kiếm tiền dễ mà:
Mình cũng từng nghĩ thế, và đó là lý do tại sao giờ này vẫn đang cào phím thay vì quay vô-lăng Ferrari ở Paris, cụ thể chi tiết thế nào xin được khất sang bài khác...
Tuy vậy, cũng xin khẳng định rằng điều này không hề bất khả thi (thực tế mình biết những người thậm chí có thể làm được hơn con số ví dụ phía trên rất nhiều). Nhưng chắc chắn rằng khi được hỏi về những gì phải đánh đổi để đạt được cột mốc này, người có tâm sẽ đưa ra cho bạn một câu trả lời phức tạp hơn "chỉ 2-3 tiếng mỗi ngày" rất nhiều. Trừ khi họ sắp bán cho bạn khóa học làm giàu giá vài chục triệu với đảm bảo không thành CÔNG thì cứ thêm đại chữ NHÂN vào sau nó...
Một vĩ nhân từng nói:Suy nghĩ đơn giản không khiến cuộc sống của bạn đơn giản (Mình xạo cho deep thôi chứ thật ra đây là tiêu đề một bài viết trong series "Lời tự thú của một cháu Husky" - click thử thì biết). Tương tự, việc vô tình hay hữu ý gạt đi những vật lộn, những lên voi xuống chó để đắm mình trong mộng tưởng về tương lai tươi đẹp cũng không khiến con đường đến đích của bạn dễ dàng hơn tẹo nào.
Vậy phía sau 2-3 giờ/ngày để dễ dàng kiếm 1000 đô kia là gì?
Là rất nhiều thời gian/tiền bạc bỏ ra để học, trải nghiệm và tối ưu hóa thời gian cũng như hiệu quả công việc. Là dăm ba lần ngã sấp mặt nhưng vẫn đứng lên, tươi cười và đi lừa thằng khác. Chỉ xét riêng về thời gian thôi, có người cần vài tuần, một số khác cần vài tháng, và một số nữa vì không phù hợp nên có khi cần tới cả đời chỉ để nhận ra mình đã lựa chọn sai lầm.
Một vài ví dụ khác cho thêm phần sinh động:
Đọc cả năm không được 100 trang sách nhưng đặt mục tiêu 1 cuốn mỗi tháng để cải thiện thói quen đọc. Dạo Tết năm ngoái mình bắt gặp không ít bạn share ảnh liệt kê mấy chục cuốn sách đủ thể loại làm mục tiêu đọc cho năm mới. Trong số đó, chẳng hiểu bao nhiêu đã hoàn thành và bao nhiêu đành bỏ cuộc sau hơn 1 năm? Và cũng chẳng hiểu trong số đã hoàn thành, bao nhiêu người thực sự "đọc" hay chỉ băm bổ cày lấy số lượng? May năm ngoái lượng sức mình nên không share cái ảnh đó, không là năm nay có cớ để anh em bạn bè sỉ nhục, phỉ nhổ mỗi khi gặp mặt rồi. Bạn biết đấy, sai lầm lớn nhất đời người là xem thường những thằng bạn thân, lũ thú hoang bằng một cách kỳ diệu nào đó luôn "tình cờ" thấy những gì thối nát nhất của bạn trên Facebook và không ngại ngần chỉ ra điều đó ở khắp mọi nơi để giúp bạn tốt hơn.
Bản thân mình cũng từng đặt mục tiêu viết 1 bài mỗi tuần trên Spiderum (chi tiết tại đây) và kết quả là sml chỉ sau vài tuần vì không lường trước được chuyện viết tử tế sẽ khó và tốn thời gian đến thế. Nói văn hoa thì là vậy, còn trần trụi ra thì là do không dự tính được độ cùi bắp của bản thân - yếu tố hiếm hoi khiến mình nhận ra rằng trong cuộc sống hữu hạn này vẫn cứ luôn tồn tại những điều vô hạn.
Shameless clickbait:
Tại sao chúng ta lại lầy như vậy?
Okay, thật ra có hai lý do thôi.
1. Ảo tưởng sức mạnh, đặc biệt là ảo tưởng về khả năng tuân thủ kỷ luật của bản thân. Với vấn đề này, có hai cách giải quyết:
- Trải nghiệm: cứ đặt mục tiêu, lao vào làm nghiêm túc (keyword: nghiêm túc nhé), điều chỉnh lại mục tiêu v.v. Dần dần, va vấp càng nhiều thì mức độ ảo tưởng sẽ càng được tiết chế.
- So sánh: tìm kiếm một hình mẫu, xem/hỏi/trao đổi để biết họ làm được gì, trong bao lâu, từ đó đặt mục tiêu cho riêng mình dựa trên kết quả thực đó. Tuy nhiên, hãy chấp nhận chuyện mọi so sánh chỉ là tương đối.
2. Sai lầm khi tiếp cận mục tiêu theo lối "chả có gì để mất, nếu được thì tốt không được thì thôi".
99/100 người tiếp cận vấn đề theo kiểu này sẽ fail ngay từ trong suy nghĩ. Đây cũng là lý do thỉnh thoảng mình vẫn vào window shopping mấy khóa học trên Coursera hay Edx nhưng chưa bao giờ hoàn thành được dù chỉ một.
Thay đổi thế nào đây?
Vì biết rằng sự ảo tưởng của bản thân đã vượt quá giới hạn có thể cứu chữa, mình lựa chọn thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Cụ thể hơn, mình tạo ra "một thứ gì để mất" khi theo đuổi mỗi dự định bất kỳ. Và trong trường hợp này, lựa chọn đơn giản nhất là TIỀN (chống chỉ định cho những ai không thích tiền, hay có thể hiểu nôm na là không-ai-cả).
Nói vậy chứ nếu không thích tiền thì bạn hãy đặt thứ gì có giá trị một chút, thậm chí cực đoan thì có thể là những thứ lỡ mất thì coi như đời bạn cũng tèo, ví dụ như Son của Gấu, Phấn của Vợ, Mascara của Bồ, học bạ của Con, hay sổ đỏ của gia đình chẳng hạn.
Lúc này, đầu óc bạn sẽ tự nhiên chuyển dịch và hướng sự chú ý tới điều bạn đang muốn thực hiện. Đó là sức mạnh của nỗi sợ mất mát. Nói về nỗi sợ này, trong cuốn Tư duy nhanh và chậm, tác giả Daniel Kahneman có đưa ra một ví dụ khá thú vị liên quan tới hành vi của các tài xế taxi dựa theo thời tiết. Thông thường, các tài xế này kiếm được nhiều tiền hơn vào những ngày mưa so với ngày nắng; vậy nên, logic nhất là họ nên cố gắng chạy xe thêm vào ngày mưa, và về sớm hơn vào ngày nắng để đạt hiệu quả kiếm tiền cao mà lại tốn ít công sức nhất. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại.
Tại sao lại như vậy?
Vì trời mưa các tài xế taxi thường kiếm được tiền nhanh, họ hài lòng vì đạt chỉ tiêu và có xu hướng về sớm. Ngược lại, khi trời nắng, mức thu nhập thấp (tương đương với cảm giác mất mát vì không đạt chỉ tiêu) khiến họ cố gắng chạy lòng vòng với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh, và cuối cùng lại về muộn hơn dự định.
Hãy tận dụng hiệu ứng tâm lý này để tăng thêm quyết tâm theo đuổi mỗi dự định của bạn:
Bỏ tiền ra cho Coursera để học lấy chứng chỉ, nỗi sợ mất tiền oan chả được gì sẽ giúp bạn có động lực học tới nơi tới chốn.
Cắm sổ đỏ để kinh doanh/buôn bán/trade coin, nỗi sợ màn trời chiếu đất sẽ giúp bạn tìm hiểu mọi thứ kỹ càng thay vì chỉ làm ăn theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa (ví dụ thôi nhé, thường thì cắm xe thôi là ok rồi).
Chi tiền mua sách về đọc hoặc đi học một kỹ năng nào đó, nỗi sợ phí tiền vô ích sẽ khiến bạn nghiêm túc hơn. Thử nghĩ lại xem, bạn có bao giờ đọc mấy cuốn ebook đc gửi free sau khi like/share/tham gia minigame trên Facebook không? Mình thì không bao giờ. Nhưng mình có đọc những cuốn sách tự bỏ tiền ra mua về.
Trên thực tế, bản thân mình cũng đã áp dụng phương pháp này (và đến bây giờ vẫn đang toàn đau thương mất mát) chứ không chỉ chém gió suông cho sướng miệng:
Thích tìm hiểu về chứng khoán và thị trường, mình bỏ tiền ra chơi - kết quả là thị trường xuống sml nhưng mình thực sự cảm thấy có động lực để đọc tin tức, tìm hiểu lại về tài chính v.v.
Thích tập đàn, mình bỏ tiền ra đi học thay vì tin tưởng rằng bản thân sẽ đủ kỷ luật để nghiên cứu và tự học qua Youtube (mặc dù ở thời điểm hiện tại, mình hoàn toàn có thể làm được điều này vì Youtube cực kỳ nhiều tài nguyên và vì kỹ năng nền của mình cũng đã tàm tạm đủ để không rơi vào cảnh chẳng biết bắt đầu từ đâu).
Thích thử tập tọe kinh doanh, mình cũng bỏ tiền để trải nghiệm, thay vì chỉ ngồi nghĩ. Kinh nghiệm bản thân chỉ ra rằng càng nghĩ thì càng không ra - vì đã có kinh nghiệm quái gì về lĩnh vực đó đâu mà nghĩ ngợi. Thà rằng cứ bỏ tiền ra, để tư duy chuyển từ "phải làm giàu" (rất chung chung) thành "phải làm sao cho đỡ mất chỗ X tiền đã đầu tư" (hết sức cụ thể), và thậm chí là mất trước một chút vì ngu phí còn tốt hơn.
Ở đây có một lưu ý nhỏ:
Hãy đảm bảo khoản tiền/thứ đặt cược ít nhất đủ giá trị và khiến bạn nuối tiếc khi mất... Nếu không lỡ mà lợi bất cập hại, vừa mất tiền vừa chả được ích lợi gì các bạn lại chửi mình xui dại thì oan lắm... Kiểu bỏ những 3k tiền gửi xe để có động lực làm việc XYZ nào đó xong vẫn không thấy động lực đâu lại quay ra chửi thằng @please chém gió thì đắng lòng...
À, và đừng cắm sổ đỏ để trade coin/đánh chứng nhé, trừ khi bạn đang có sẵn tầm chục cuốn có xác nhận của chính quyền địa phương rồi.
Chúc may mắn,
Please
Đã đọc tới đây rồi chẳng lẽ lại sợ đọc thêm bài nữa?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất