Nhân dịp dạo này cũng có một chút thời gian dư dả, đọc lại bộ Fantasista lần thứ 4, cảm xúc lại dâng trào để viết về một trong những niềm đam mê nhất của mình - bóng đá. Nếu xem bóng đá như một đĩa Spaghetti ngon lành, thì thứ nước sốt cà chua đầy mê hoặc đó chắc chắn phải là những cầu thủ được mệnh danh là Fantasista, những kẻ có khả năng xoay chuyển cục diện và định đoạt số phận của trận đấu. (So sánh với Spaghetti vì từ Fantasista là định nghĩa bắt nguồn từ tiếng Italy :D)
Bìa truyện một tập của Manga Fantasista
Nói một cách ngắn gọn, câu chuyện xoay quanh Sakamoto Teppei - một nhân vật hư cấu có năng khiếu bóng đá bẩm sinh và được tôi luyện một cách bài bản trong độ tuổi 9 - 12 tuổi - tuổi vàng (Golden Age) trong bóng đá - luôn tìm cách thôi thúc bản thân đi tìm giới hạn của chính mình. Trên hành trình đầy khó khăn nhưng cũng đầy đam mê ấy, cậu bé đã tìm gặp được những Fantasista tuyệt vời và có những cuộc so tài sòng phẳng, mang đậm yếu tố kịch tính cũng như thi vị của bóng đá. Trải qua sự rèn giũa trên tuyển U18 Nhật Bản và nhiều năm trời miệt mài thi đấu cho đội trẻ của AC Milan, từ một cậu bé không hề có khái niệm chuyền bóng, Teppei đã trở thành một Fantasista hoàn hảo, một viên ngọc sáng nhất khi luôn huy động được nguồn lực của đồng đội và biến bóng đá trở thành một môn thể thao phối hợp của 11 con người trên sân theo đúng bản chất của nó.
Khái niệm Fantasista bắt nguồn từ Italy, một trong những cái nôi của bóng đá thế giới và người dân nơi đây luôn xem nó như một thứ tôn giáo. Đâu đó có người nói Brazil, Tây Ban Nha hoặc Arghentina - những đội bóng Latin - là những đội bóng có nhiều Fantasista nhất trên thế giới, điều đó không hẳn sai, nhưng theo quan điểm của cá nhân người viết, chính Italy mới là đội bóng dựa vào hơi thở của những Fantasista mà làm nên những chiến tích lịch sử (sẽ chứng minh quan điểm này vào đoạn sau của bài viết). Fantasista được định nghĩa là một loại cầu thủ mà mỗi khi có bóng trong chân luôn làm cầu trường dậy sóng và đợi chờ những gì anh ta sẽ làm trong giây tiếp theo, bên cạnh đó là khả năng kéo cả tập thể đi lên dựa vào kỹ thuật cá nhân cũng như khả năng phối hợp, lôi kéo đồng đội chơi theo ý mình, và đặc biệt là khả năng đọc trận đấu cực tốt đến mức có thể tiên đoán được điều gì có thể xảy ra trong khoảnh khắc sắp tới. Rõ ràng, dạng cầu thủ thế này không nhiều, và hoàn toàn là những tài năng thiên bẩm trăm năm mới có một, kèm theo được rèn giũa trong một môi trường phù hợp và có sự định hướng tốt về tương lai mới có thể hình thành nên một Fantasista nguyên vẹn.
World Cup 1982, Brazil với thế hệ vàng trong lịch sử với "bộ tứ huyền ảo" gần như không thể bị đánh bại trong mọi trận đấu. Thắng Liên Xô 2-1, vùi dập Arghentina 3-1, bộ tứ Falcao, Socrates, Cerezo và "Nhà hiền triết" Zico luôn thi đấu với một thứ vũ điệu mê hoặc người xem, có lúc đến mức phóng túng, và luôn vùi dập đối thủ đến mức không thể đứng dậy và từ bỏ ý định kháng cự. Italy không có được lối đá áp đảo đối phương như vậy, trong đội hình của HLV Enzo Bearzot năm ấy chỉ có thủ thành Dino Zoff, Libero "không-bao-giờ-sai-lầm-dù-chỉ-một-bước" Franco Baresi và một Fantasista Paolo Rossi, vậy là đủ để họ chiến thắng được đội hình khủng bố của Brazil trong trận chung kết và giành lấy chức vô địch. Trận chung kết tại Espana năm ấy vẫn còn được nhắc đến và ví von sự thất bại của Brazil như "Cái chết của thiên nga đen" thể hiện sự tiếc nuối cho một dàn cầu thủ xuất sắc bậc nhất lịch sử nhưng không thể giải quyết trận đấu một cách gọn gàng và sai lầm đến từ hàng phòng ngự quá lớn. Tuy nhiên, cũng phải nói Italy đã chơi một trận đấu xù xì, gai góc với lối đá Catecnacio trứ danh đã không cho các nghệ sĩ bên phía đối phương có dịp thể hiện toàn bộ kỹ năng chơi bóng bậc thầy của mình. Còn lại, công thức Baresi chuyền cho Paolo Rossi ghi bàn vẫn không có được lời giải nào thỏa đáng bên phía Brazil, và chiến thắng đến như một kỳ tích, nhưng là một kỳ tích rất hợp lý xét đến bối cảnh xảy ra trận chung kết ấy.
Đội tuyển Italy vô địch Espana 82
Trong suốt chiều dài lịch sử của túc cầu giáo, có rất nhiều Fantasista được sản sinh từ khắp nơi trên thế giới. Hà Lan có Johan Cruyff thì người Bồ Đào Nha sở hữu Luis Figo hay Cristiano Ronaldo. Người Anh lên đỉnh năm 1966 với Sir Bobby Charlton thì người Pháp vô địch ngay tại quê nhà năm 1998 với Zinedine Zidane. Người Arghentina tự hào với "cậu bé vàng" Diego Maradona và Lionel Messi thì người Brazil tự hào mình là quốc gia có lượng Fantasista đông nhất thế giới: Pelé, Garrincha, Romario, Rivaldo, Kaká, Neymar Jr và đặc biệt là "Người ngoài hành tinh" Ronaldo. Ở châu Âu, có lẽ người Italy luôn tự hào họ là nơi sở hữu nhiều Fantasista nhất, với Paolo Rossi, Roberto Baggio, Alessandro Del Piero hay Francesco Totti. Bỏ qua 2 chức vô địch World Cup 1934 và 1938, thời kỳ bóng đá còn sơ khai và chưa định hình chiến thuật một cách rõ ràng, thì 2 lần bước lên đỉnh thế giới của họ đều là những thời kỳ mà Fantasista của họ đạt điểm rơi phong độ tốt và có một độ tuổi chín chắn vừa đủ cho một hành trình khó khăn tại World Cup. Nếu Espana 82 đã được phân tích ở trên, thì tại Đức 2006, Del Piero và Totti đã có một kỳ World Cup thành công, dựa trên nền tảng của một bộ óc quan sát vĩ đại của Andrea Pirlo. Lối đá của Italy là một lối đá được định hình sẵn từ những năm 60 của thế kỷ XX - Catecnacio của HLV Helenio Herrera - và nó hoạt động dựa trên sự kèm người 1 vs 1 cùng một vị trí định sẵn có tên là Libero mang nhiệm vụ truy quét đối phương, lãnh đạo các cầu thủ khác trên mặt trận phòng ngự cũng như là người phát động đợt phản công nếu có cơ hội. Nếu Franco Baresi đã làm quá tốt công việc trên tại Espana 82 thì World Cup 2006, HLV Marcelo Lippi đã đưa vị trí Libero lên đứng trước hàng phòng ngự của Italy thay vì lãng phí 1 cầu thủ lùi sâu và làm quá nhiều nhiệm vụ và dĩ nhiên, Andrea Pirlo vào thời điểm sung sức nhất thì anh không có đối thủ tại vị trí đó trên thế giới. Và cầu thủ lãnh trách nhiệm lao lên phía trước trong hệ thống Catecnacio ấy không ai khác chính là Del Piero hoặc Totti, nếu không muốn nói rằng Italy có ghi được bàn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Lối đá của Italy đơn điệu, nhàm chán, nhưng đầy khoa học và xen lẫn xúc cảm, nếu không muốn nói là mâu thuẫn đến cực độ. Azurri luôn luôn vào trận với tư thế cửa dưới, luôn phòng ngự chắc chắn, đưa trận đấu vào một trận solo theo từng vị trí 1 vs 1, đôi khi còn dùng chiến thuật "biển người" ép đối thủ ra biên nhưng không bao giờ bỏ quên vị trí khác dựa vào khả năng chạy chỗ liên tục của các cầu thủ phòng ngự. Một đội bóng luôn lấy phòng ngự làm kim chỉ nam, có những cái tên đã nâng tầm phòng thủ thành nghệ thuật như Paolo Maldini, Costacurta, Alessandro Nesta hay Fabio Cannavaro nhưng lại luôn luôn sống dựa vào những kỳ tích từ Fantasista, đó chính là sự mâu thuẫn đến từ lối chơi đầy khoa học nhưng lại chờ đợi thời cơ ghi bàn đến từ những "kỳ tích". Thế nên mặc dù Italy họ không có được một lối đá quyến rũ như Brazil hay Tây Ban Nha, nhưng fan hâm mộ của họ thì chẳng hề thua kém những đội bóng kia, vì họ luôn biết cách chạm vào trái tim của người hâm mộ bằng cách tận dụng toàn bộ khả năng của những Fantasista huyền thoại.
Hai Fantasista của Italy rơi lệ trong chiến tích vô địch World Cup 2006 trên đất Đức
Bóng đá hiện đại không có chỗ cho những Fantasista và những điều xem là kỳ tích trước giờ luôn cần phải tránh một cách tuyệt đối. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, bóng đá cũng dựa vào những con số, những thuật toán thống kê. Cầu thủ cũng được đào tạo và sử dụng phù hợp với chiến thuật, bóng đá trở thành một cuộc đấu trí thực thụ giữa những nhà quản lý thiên tài với nhau. Tuy nhiên vai trò của những Fantasista trong một trận đấu thắt chặt chiến thuật vẫn luôn được đề cao. Trong một trận cầu quá cân não, một giây phút tỏa sáng của cá nhân hoàn toàn có thể định đoạt toàn bộ số phận trận đấu (hay của cả giải đấu). Lối đá phi chiến thuật đôi khi khiến những nhà quản lý khó chịu, nhưng nó chính là niềm cảm hứng, là nguồn sống của bóng đá, là điều khiến cho bóng đá trở thành môn thể thao hấp dẫn nhất trên toàn thế giới.
Bóng đá sẽ không thể trở nên nhàm chán, vì những bước chạy của Eden Hazard, Neymar Jr vẫn còn tồn tại. Và cho đến khi Lionel Messi ngừng chạy, chính là lúc người ta nhận ra bóng đá đã mất đi Fantasista tài năng nhất, tuyệt vời nhất mà có lẽ chẳng bao giờ xuất hiện một cầu thủ thứ hai.
Leo Messi - không cần phải nói nhiều về tay này ^^