Cam phuc nu sinh DH Quy Nhon thi dau het minh tai SEA Games hinh anh 1
Ảnh từ Zing News.
Trong những ngày gần đây, nếu bạn lướt Facebook sẽ thấy hình ảnh này xuất hiện trên các trang tin thể thao, và cả các trang không chuyên về thể thao khác. Đây là nữ VĐV Phạm Thị Hồng Lệ - HCĐ nội dung Marathon dành cho nữ tại Sea Games 30. Sau khi về đích, Hồng Lệ (và cả VĐV nước chủ nhà – người về nhất) đã gục ngã theo nghĩa đen, cho thấy họ đã dành 100% sức lực của mình cho cuộc chạy đã qua.


Là một người mới chạy, bạn hẳn sẽ rất vui mừng khi mới tháng trước mình chạy 5Km mất 30 phút mà đến tháng này thời gian rút ngắn xuống chỉ còn 28 phút, cải thiện đến gần 7%. Nhưng càng lên cao, theo quy luật lợi ích cận biên giảm dần trong kinh tế học, mức độ cố gắng bỏ ra để cải thiện thành tích càng phải nhiều. Trong trường hợp của các VĐV chuyên nghiệp, họ tốn 7-10 tiếng mỗi ngày chỉ để cải thiện (hoặc duy trì) vài phần trăm thành tích của mình.
Còn nhớ ở Đại hội Thể dục thể thao đầu tháng 12/2018, Hồng Lệ đã về đích với thành tích 2:48:21, nhanh hơn đến gần 15 phút so với kết quả tại Sea Games hồi sáng nay, sau khi về đích ở Đại hội, cô thậm chí còn rất tươi tỉnh – thay vì all-out và mất sức đến mức không thể tự mặc quần dài như ở Sea Games.

Vậy lý do là gì? Đó chính là điều kiện thi đấu. Càng lên tới đỉnh cao, vài phần trăm dốc, vài km/h gió, vài độ C nhiệt độ càng ảnh hưởng đến thành tích của các VĐV. 

Nếu bạn là người theo dõi bộ môn điền kinh đủ nhiều, bạn có thể sẽ biết hồi tháng 10 vừa rồi, Eliud Kipchoge là người đầu tiên phá mốc 2h cho cự ly marathon – cự ly mà Hồng Lệ thi đấu sáng nay – với thời gian 1:59:40. Nhưng để đạt được mốc thời gian đó (nhanh hơn mốc 2:00:25 mà chính Kipchoge từng chạy 65s), ban tổ chức đã phải khảo sát khắp thế giới để tìm địa điểm thi đấu có nhiệt độ, sức gió, lượng mưa và cao độ phù hợp. Ngoài ra, họ còn tính toán chi tiết độ dốc của từng khúc cua trên đường chạy, và thậm chí làm lại một bùng binh trên đường chạy chỉ để có điều kiện tối ưu cho Kipchoge.
Thông số chi tiết cho một đoạn cua nhằm đạt được "điều kiện lý tưởng" cho Kipchoge, tất cả chỉ để cải thiện chưa đến 1% thành tích.
Đội hình người dẫn tốc đã được sử dụng phần mềm máy tính để tính toán tối ưu nhằm cản gió cho Kipchoge, cũng chỉ để cải thiện chưa đến 1% thành tích. Đội hình này được chọn ra từ hơn 100 đội hình mô phỏng.
Đôi giày mà Kipchoge sử dụng để phá mốc 2h, do Nike tài trợ. Những đôi giày racing dạng này thường có giá thành đắt nhất trong các dòng giày chạy và tuổi thọ chỉ bằng khoảng 1/5. À mình không tính đến mấy đôi giày "chạy" limited, street style gì đó nhé :p
Trong thời gian Hồng Lệ thi đấu tại Philippines sáng nay, trời có nắng gắt ở cuối chặng đua – khi cơ thể đã mệt mỏi – và đường chạy cũng được nhận xét là có nhiều đoạn dốc. Đường chạy chỉ được BTC thông báo trước khi cuộc đua chính thức diễn ra 1 ngày, vì vậy, cô gái người Bình Định đã không có thời gian để chạy thử trước cuộc đua. Nếu là tôi, hay bất kỳ ai khác, bước chân vào một cự ly thi đấu sở trường của mình ở một giải hội thể thao có thể ghi dấu sự nghiệp của mình, chắc hẳn chúng ta đều sẽ ước lượng thời gian hoàn thành tương đương với thành tích tốt nhất của mình. Đáng tiếc là khác với các cự ly trong SVĐ, đường chạy Marathon không phải lúc nào cũng giống nhau.
Chúc mừng, và kính phục bạn, Phạm Thị Hồng Lệ!
-C-  

Theo dõi fanpage của chúng tớ tại: https://facebook.com/ThePayLakAcademy