Nếu đã từng xem anime One Punch Man, bạn hẳn không lạ gì anh chàng đầu hói Saitama, vốn nổi tiếng với sức mạnh vô song, "đấm phát chết luôn".
Trong một tập phim One Punch Man, Saitama đã bình thản tiết lộ phương pháp luyện tập của mình như sau:
"100 lần push-ups.
100 lần sit-ups.
100 lần squats.
Chạy 10 km.
Uống sữa, ăn chuối và tuyệt đối không được dùng đến máy điều hòa để tăng sức mạnh ý chí.
Cứ như vậy mỗi ngày trong suốt ba năm"
Kết quả là sau 3 năm ngoài sức mạnh vô song, anh còn có một hình thể rắn chắc:

Hiển nhiên chúng ta đều biết One Punch Man chỉ là một câu chuyện hư cấu. Tác giả của nó có quyền bịa ra bất cứ phương pháp luyện tập gì cho nhân vật của mình.
Nhưng nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc, liệu một phương pháp luyện tập như vậy có khả thi và hiệu quả thật hay không? Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi đó.

Đọc thêm:

"100 push-ups, 100 sit-ups, 100 squats"

Vấn đề lớn nhất của phương pháp Saitama, theo nhiều người, là nó dẫn đến trạng thái overtraining. Việc tập quá sức mà không có thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục sẽ dẫn đến sự tích tụ căng thẳng cả về sinh lý lẫn tâm lý, khiến chúng ta mệt mỏi, kiệt quệ.
Điều này hiển nhiên đúng. 
Chẳng hạn, nếu bạn cố gắng nâng tạ nặng mỗi ngày trong suốt một tuần mà không ngủ đủ giấc, cũng không nạp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể thì hiển nhiên sức khỏe của bạn chỉ xấu đi chứ không hề tốt hơn.
Việc tập luyện, muốn cân bằng và bền vững, phải giống như một cái kiềng ba chân, gồm đủ cả ba thành tố: Tập luyện, nghỉ ngơi và dinh dưỡng. Chỉ cần thiếu 1, coi như công sức và thời gian của mình bỏ phí.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy cơ thể chịu đựng được nhiều thứ hơn mình tưởng, và có thể thích nghi với những tình huống đặc biệt.
Chẳng hạn những người công nhân xây dựng hoặc khuân vác, họ có thể phải vận động cơ thể 8 tiếng mỗi ngày, 5-6 ngày mỗi tuần, mà vẫn không chịu ảnh hưởng gì nghiêm trọng.
Matt Perryman trong cuốn sách Squat Every Day: Thoughts on Overtraining and Recovery in Strength Training có nói rất nhiều về điều này.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không bao giờ bị overtraining. Nó có nghĩa là, mỗi cơ thể đều có một cách phản ứng riêng, và mỗi trường hợp đều có những vấn đề riêng. 
Về điểm này, vận động viên Brandon Carter từng nói một câu rất hay: "Mọi thứ vẫn sẽ chỉ là lý thuyết cho đến khi bạn áp dụng nó cho chính mình".
Phương pháp luyện tập của Saitama - 100 push-ups, 100 sit-ups, 100 squats - thoạt nghe thì nặng nề, nhưng với nhiều vận động viên chuyên nghiệp, nó thực sự chỉ là trò trẻ con.
Tiêu biểu là Herschel Walker. Anh chia sẻ trong một bài phỏng vấn, ngay từ trước theo con đường thể thao chuyên nghiệp, mỗi ngày anh đã tập 1500 push-ups và 3500 sit-ups.

Do đó, tôi nghĩ, chúng ta có thể áp dụng những bài tập như 100 push-ups, 100 sit-ups, 100 squats mỗi ngày của Saitama, nhưng nên có sự nghỉ ngơi hợp lý.

Đọc thêm:


Vậy còn chạy 100km thì sao?

Với những ai hiếm khi chạy bộ, tin tôi đi, chỉ cần chạy 10km trong ngày đầu tiên, ngay hôm sau đi đứng còn khó khăn chứ đừng nói đến tiếp tục chạy thêm 10km, liên tục mỗi ngày trong 3 năm.
Trên thực tế, có nhiều người vẫn chạy được nhiều hơn mức đó, nhưng chỉ là thiểu số.
Chạy quá sức và nhất là không đúng cách có thể dẫn đến những tổn thương hoặc chứng tật nguy hiểm. Nếu không có một huấn luyện viên bên cạnh với những chỉ dẫn đúng, kèm theo sự nghỉ ngơi hợp lý, chắc chắn bạn sẽ gặp hại nhiều hơn lợi.
Chung quy lại, chúng ta có thể cải biên lại phương pháp của Saitama trong One Punch Man để áp dụng cho bản thân. Như vậy, rất có thể chưa cần đến 3 năm, bạn cũng sẽ có được cơ thể săn chắc như cậu đầu hói này.
Còn sức mạnh "đấm phát chết quái vật" thì chắc chỉ có thể thi triển trong giấc ngủ!