"Đạo đức" hay sự hèn hạ, ích kỷ trong võ thuật?
Những võ sinh sẽ luôn tìm thấy tính kỷ luật, rèn luyện ý chí và vị tha chia sẻ trong mỗi võ đường. Tuy nhiên, võ thuật cũng tồn tại...
Những võ sinh sẽ luôn tìm thấy tính kỷ luật, rèn luyện ý chí và vị tha chia sẻ trong mỗi võ đường. Tuy nhiên, võ thuật cũng tồn tại rất nhiều điều hèn hạ và ích kỷ đội lốt "đạo đức".

Việc võ thuật được mọi người tôn vinh là một môn thể thao "đậm nhân văn" quả thực không sai. Thậm chí võ đường có thể trở thành một ngôi trường thứ hai dạy cho võ sinh mọi đức tính của một con người đạo đức và tiến bộ.

Thế nhưng cũng có nhiều võ sư đã biến những quy chuẩn đạo đức đó thành một trò lố lăng để che đậy sự hèn hạ ích kỷ của chính võ đường mình đang dạy.
1. Đức tính trung thành bị biến chất thành lòng tin mù quáng
Võ thuật là cả một quá trình phát triển, mỗi người lại có một cách phát triển khác nhau. Do đó, cuộc đời người võ sĩ hiếm khi gắn chặt với một người thầy hoặc một võ đường nào.
Nếu một võ sinh đã đạt đến trình độ cao nhất ở võ đường đó, hoặc họ muốn tìm hiểu ở một môn võ khác, họ hoàn toàn có thể tiếp tục ra đi "tầm sư học đạo" mà vẫn giành sự tôn trọng hết mực cho người thầy cũ của mình.

Tuy nhiên có nhiều võ sư lại không thích điều này. Họ cho rằng đó là hành động "phản bội" và đặt điều gay gắt cho học trò. Họ muốn người học trò của mình chỉ biết đến mình, chỉ tôn thờ mình.
Có lẽ đâu đó, họ sợ học trò trên đường "tầm sư học đạo" đó đã phát hiện ra rằng người thầy cũ của mình chỉ là một tên yếu kém, chỉ biết che giấu trình độ của mình qua những bài giảng đạo đức.

2. Tính khiêm tốn giả tạo
Võ thuật dạy cho võ sinh tính khiêm tốn và cầu tiến. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa của từ khiêm tốn. Khiêm tốn vốn đến từ tâm, tính khiêm tốn chính là đức tính quan trọng nhất để học hỏi, bạn biết rằng mình vẫn còn thiếu sót, bạn sẽ chịu mở lòng để học hỏi những cái mới.
Thế nhưng cả người học võ và người dạy võ ở Việt Nam đều không chọn khiếm tốn bằng thái độ cầu thị, mà đa số lại "khiêm tốn" bằng một câu cửa miệng tự nhận mình yếu kém so với trình độ thật.
Đó không phải là khiêm tốn, đó là một lời mời gọi người khác khen ngợi mình. Nói cách khác, sự khiêm tốn ấy cũng chẳng khác "cưa sừng làm nghé" là bao.

Bạn nghĩ sao nếu một ngày Jon Jones dần đối thủ của mình ra bã xong trả lời phỏng vấn: "Dạ em trình còn kém, mong các anh chỉ giáo nhiều thêm. May mà lúc nãy thi đấu, đối thủ đã nhẹ tay với em."
Những con người này, khi chiến thắng họ sẽ tự nhận mình yếu kém để mời gọi những lời tán tụng. Nhưng khi thất bại, họ đổ lỗi cho mọi thứ. Đó là tính kiêu ngạo trá hình sự khiêm tốn giả tạo.
3. Sự hèn nhát mang danh võ đạo

"Học võ không phải để đánh nhau" - hoàn toàn đúng và cũng hoàn toàn sai. Mục đích ra đời của võ thuật là để đánh, có võ dùng để đánh, có võ dùng để giết. Câu răn dạy trên thực chất cũng chỉ như một lời cảnh báo nguy hiểm không được lạm dụng võ thuật.
Nếu con người bạn đạo mạo nhưng bạn đánh đấm không ra hồn, bạn là một người có đạo đức tốt, nhưng hoàn toàn không có võ đạo tốt. Thế nhưng nhiều võ sinh lại hiểu nhầm câu nói đó thành việc hèn nhát không dám tranh đấu cho bất cứ điều gì dù đúng hay sai.

Trong quá trình học hỏi, giao lưu thử sức cũng là những việc rất cần thiết. Vậy nhưng nhiều lò võ, võ sư nhất quyết không để học trò đi giao đấu. Nếu chỉ không đi giao đấu thì không có gì đáng nói. Điều quan trọng là họ dùng "võ đạo" để cấm học trò đi mở mang tầm mắt, nhưng lại dùng "võ mồm" để nói về chiến tích của môn phái và bản thân.
4. Sự hung hăng hiếu thắng bị hiểu lầm là quả cảm, lì lợm

Nếu có người dùng võ đạo để che giấu đi sự hèn nhát, cũng có những võ sinh, võ sư dùng sự quả cảm để nói về sự hung hăng. Khi đấu tập, có những người nhất quyết không bao giờ đánh nương hoặc không bao giờ biết dừng. Tùy theo mỗi trình độ khác nhau mà việc nương đòn sẽ khác nhau.
Tuy nhiên đừng hiểu lầm việc đấu tập sparring với thi đấu thật. Mục tiêu của sparring là để những người bạn tập chung với nhau có thể cùng nhau tiến bộ, cùng nhau chỉ ra điểm mạnh yếu của nhau. Đấu tập có thể đánh mạnh, đánh đau, nhưng làm ơn hãy đánh đúng với trình độ và giao kèo trước đó.

Rất nhiều người khi nhập cuộc xin đánh với 50% sức lực, nhưng rồi họ lại vung "hết sức bình sinh". Có những người khi đi giao lưu với người mới, thay vì đánh nương để nâng cao kỹ thuật, họ lại coi bạn tập của mình là bao cát sống để nã đòn.
Đối với những người thua cuộc, đó chỉ là một bài sparring, bạn không nên quá buồn phiền vì kết quả. Bạn vẫn còn cơ hội để sửa chữa tiến bộ. Đừng vì một buổi đấu tập mà quá "ê mặt" và buồn phiền.
Kết luận

Tập luyện võ thuật là một quá trình sẽ trải qua đầy mồ hôi, máu và có khi là nước mắt. Nhờ sự trui rèn đó, người võ sinh sẽ trở nên quả cảm hơn, khiêm tốn hơn. Những lần đổ máu cùng bạn tập cũng sẽ giúp võ sinh trở nên gắn bó, đoàn kết với bạn tập hơn.
Võ thuật thật sự mang lại niềm vui và những trải nghiệm thú vị đầy "đau đớn". Nếu tại lớp võ của mình bạn phải giả dối, sợ hãi, hay hung hăng tức giận, đó là vì bạn chưa thật sự hiểu về võ thuật.
Khôi Nguyên

Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Lê Bảo Châu
Cảm ơn bài viết. Em đã tìm ra những cái sai của mình khi học võ
- Báo cáo

Đỗ Khôi Nguyên
Cảm ơn bác nhiều nhiều lắm ạ :'(
- Báo cáo

Thanh_Chuong
Mình hiểu "võ đạo" là đạo đức của người học võ thuật. Nên nếu nói đánh đấm không ra hồn thì hoàn toàn không có võ đạo thì có vẻ không đúng.
- Báo cáo

Đỗ Khôi Nguyên
thế thì nó chỉ là đạo đức thôi bác ạ :3 ko có chữ "võ" ở trong đó nữa.
- Báo cáo

Thanh_Chuong
Tại vì mình học Vovinam thì võ đạo được tách riêng và không đồng nghĩa với võ thuật, bạn tìm hiểu thêm thử nhé.
- Báo cáo

Anh Khoa Nguyen
Theo mình thấy thì võ đạo phải đi kèm với võ thuật. Võ đạo là con đường của võ thuật. Chẳng hạn ,BJJ lập ra với mục đích là để người có thể hình kém có thể dùng kỹ thuật để chiến thắng người to cao, khỏe mạnh hơn. Vậy trong trường hợp BJJ, bạn ko có kỹ thuật, ko có khả năng để chứng minh cho cái hướng đi của môn võ này, thì bạn có thể nhận là mình có võ đạo theo môn đó không? Theo mình là không. Xin đừng nhầm lẫn giữa võ đạo và đạo đức, nghe có vẻ giống nhau nhưng lại là khác nhau.
:D


- Báo cáo

Thanh_Chuong
Vậy nên mình mới nói là "đạo đức của người học võ", chứ không tách rời khi nói về võ đạo. Nó như kiểu phần định hướng về tinh thần, thái độ của người học võ. Bạn mới học võ khoảng 6 tháng, thì dĩ nhiên là lên đài đánh đấm chưa ra hồn rồi, nhưng như thế đâu thể khẳng định rằng bạn không có võ đạo được. "Đạo" trong võ đạo ở đây mình nghĩ mang ý nghĩa về mặt tinh thần nhiều hơn. Lúc còn học võ mình cũng được các thầy dạy như vậy.
- Báo cáo