Gặp đúng người, xây dựng một mối quan hệ bền vững và hạnh phúc – Liệu có “bí quyết” nào để hiện thực hóa những mong mỏi ấy?
Bạn có muốn gặp được đúng người?
Bạn có muốn gặp được đúng người?
Tình yêu vốn là câu chuyện của cảm xúc và trái tim, có phải bạn đang nghĩ vậy khi đọc tiêu đề bài viết của tôi? Đúng vậy, tôi cũng từng nghĩ thế và hoàn toàn để cảm xúc kiểm soát chuyện tình cảm của mình, để rồi mắc phải vô số sai lầm. Thật may mắn, cuối cùng tôi cũng gặp được người mình cần gặp (là chồng tôi bây giờ). Nhưng khi suy nghĩ lại, tôi cho rằng việc tôi gặp và ở bên chồng tôi không hoàn toàn là do may mắn. Có một số cách tư duy và hành động của tôi dẫn tôi đến sự gặp gỡ và ở lại ấy. Đồng thời, tôi cũng thấy rất nhiều bạn trẻ mãi kẹt trong những mối quan hệ hoặc không lành mạnh, hoặc không có tính cam kết cho tương lai mà không thể thoát ra. Đó là nguyên nhân cho sự ra đời của bài viết này, một bài viết chia sẻ những kinh nghiệm “xương máu” để giúp bạn phần nào bớt khó khăn trên hành trình tìm Mr/Ms. Right của đời mình.

Thế nào là “đúng người”?

Có thể bạn sẽ cho rằng, “đúng người” là khi ta lao vào một tình yêu sâu đậm, mãnh liệt và đẩy đam mê. Điều đó không sai, nếu xét về mặt cảm xúc. Nhưng chừng đó cũng chưa phải là tất cả, nếu chúng ta dùng thêm lý trí để suy nghĩ thấu đáo. Dù viết về chuyện tình cảm một – cách – logic thật khó nhằn và nhiều rủi ro, sau khi đã tham khảo nhiều bài báo và ý kiến của mọi người, tôi vẫn xin mạn phép tóm gọn các dấu hiệu của một người thực sự phù hợp với bạn.

Hai người có thể CHIA SẺ với nhau về mọi thứ

Đúng vậy, ý tôi chính xác là “mọi thứ”. Trong cuộc sống, có rất nhiều mối quan hệ yêu cầu chúng ta phải tính toán, “giữ kẽ”. Ta hiếm khi có thể thoải mái bộc bạch hết nỗi lòng với đồng nghiệp (như là ta chán việc quá chẳng hạn), hay với bạn bè (giả sử như việc ta đã khóc cả tuần trời chỉ vì một cuốn sách). Ta ít khi nào có thể tâm sự về một lỗi lầm trong quá khứ với một người xa lạ, hay kể về những dự định (đôi khi hơi điên rồ) trong tương lai với một mối quan hệ xã giao. Nhưng nhu cầu được lắng nghe, được chia sẻ luôn nằm đó, bên trong mỗi người. Vì vậy, theo tôi, chia sẻ là điểm tựa đầu tiên cho một mối quan hệ bền vững.
Mỗi người có cuộc sống tách biệt với những mối bận tâm, lo lắng, cảm xúc khác nhau. Bằng việc chia sẻ thẳng thắn và thành thật, chúng ta đang mở cánh cửa thế giới của mình cho người kia bước vào để thấu hiểu và kết nối. Bên cạnh đó, càng chia sẻ được nhiều, hai bạn cũng sẽ càng tránh được những tranh cãi không đáng có. 
Vì vậy, nếu bạn và người ấy có thể thoải mái chia sẻ với nhau mọi thứ từ nhỏ đến lớn, đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đã gặp đúng người.

Hai người cảm thấy AN TÂM khi ở cạnh nhau

Có người gọi đó là bình yên, hoặc cảm giác an toàn. Nhìn chung, đó là cảm giác thoải mái, an tâm, giống như chúng ta đang ở nhà của mình và có thể làm mọi điều tùy thích. Khi ra ngoài, tôi luôn muốn trông mình thật ổn và chỉn chu, với áo quần thẳng thớm cùng khuôn mặt tươi tắn. Nhưng một khi đã về tới nhà, tôi chỉ muốn mặc bộ đồ ngủ rộng rãi, để mặt mộc, đôi khi còn không chải đầu mà chỉ buộc túm gọn lên. Hai hoàn cảnh đó cũng giống như crush – người tôi say nắng và “người ấy” – người tôi có thể gắn bó thật lâu. Nghĩa là, tôi có thể rộn ràng thích thú và cố gắng sao cho mình trông hoàn hảo nhất khi gặp crush. Nhưng sau tất cả, tôi chỉ muốn được ở bên một người cho phép tôi xuề xòa, vụng về hoặc phơi bày những nhược điểm tự ti nhất của mình mà không lo sợ bị đánh giá.
Cảm giác an tâm và khả năng chia sẻ tôi đề cập ở phần trên giống như những mũi tên hai chiều. Khi cảm thấy an lòng và đủ tin tưởng, chúng ta sẽ càng tích cực chia sẻ những suy nghĩ và bí mật sâu kín với đối phương. Và ngược lại, chính việc chia sẻ và lắng nghe nhau cũng giúp gia tăng cảm giác thoải mái và bình yên giữa hai người.

Hai người có tác động TÍCH CỰC tới đối phương

Gần đây có một khái niệm rất hay được mọi người nhắc đến, đó là “mối quan hệ toxic” (Tôi để link bài viết tiếng Anh vì chưa tìm được bài tiếng Việt nào ưng ý). Trái ngược với nó chính là mối quan hệ lành mạnh, mà trong đó có một yếu tố rất quan trọng, là những tác động tích cực mà mối quan hệ ấy mang lại cho chúng ta. Ai cũng muốn phát triển bản thân và trở thành phiên bản tốt hơn theo thời gian. Nhưng nếu bạn có một người đồng hành phù hợp, những chặng đường sẽ được rút ngắn hoặc ít nhất, tràn đầy cảm hứng hơn rất nhiều. 
Những tác động tích cực chúng ta có thể cho và nhận với người ấy là gì?
Những lời khen tặng, động viên đúng lúcSự bao dung để chữa lành những tổn thương trong quá khứSự khích lệ để hoàn thành các mục tiêuSự hỗ trợ cần thiết (về cả vật chất và tinh thần) 
Tôi từng là người rất tự ti, với nhiều mặc cảm về bản thân và nhiều lo sợ về tương lai. Chính chồng tôi đã luôn là người động viên, cổ vũ tôi làm những điều mới, từ việc đơn giản như làm MC cho chương trình tiệc cuối năm trước hàng trăm nhân sự của công ty, cho tới những việc lớn lao hơn như viết sách, thay đổi công việc (đó thực sự là một bước ngoặt lớn với tôi – Bạn có thể đọc thêm tại đây). Ở chiều ngược lại, tôi cũng đưa ra những lời khuyên để chồng tôi chi tiêu có kế hoạch hơn, chịu khó chăm sóc sức khỏe hơn. Nhờ những bước tiến nho nhỏ trong cuộc sống của cả hai như vậy, chúng tôi thấy được tác động tích cực của mình lên đối phương và càng hài lòng hơn với đời sống hôn nhân.

Hai người có những MỤC TIÊU tương đồng trong cuộc sống

Đó là một điều cần thiết, bởi vì khi gặp đúng người, bạn sẽ muốn gắn bó với người ấy thật lâu trong tương lai (với những cột mốc như kết hôn, sinh con…). Nếu những mục tiêu trong cuộc sống của hai người quá khác biệt, việc xa cách là điều khó tránh khỏi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cặp đôi chia tay vì phía nữ muốn lập gia đình, trong khi phía nam vẫn “chưa sẵn sàng”. Đó là một minh chứng cụ thể cho sự khác biệt về mục tiêu cuộc sống. Trong khi mục tiêu của các cô gái là lập gia đình, vun vén cho tổ ấm nhỏ thì mục tiêu của các chàng trai trẻ phần lớn là xây dựng sự nghiệp, tích lũy thêm trải nghiệm, hoặc đôi khi chỉ là… thoải mái rong chơi mà không cần bận tâm đến bất cứ gánh nặng nào. Với những mục tiêu khác biệt đó, thật khó để hòa hợp và việc chia tay xảy ra như một lẽ tất yếu.
Nếu bạn và người ấy có những mục tiêu chung thì thật tốt, điều đó sẽ giúp các bạn thêm gắn kết và hỗ trợ nhau trong hành động để đạt được những mục tiêu đó. Nhưng nếu không, tôi nghĩ mục tiêu tương đồng là đã tương đối “đủ dùng”. Từ những mục tiêu tương đồng đó, các bạn hoàn toàn có thể thảo luận và dung hòa để đi tới một cái đích mà cả hai đều hài lòng. 

Vì sao bạn mãi chưa gặp đúng người?

Tôi có một người bạn, dù đã hẹn hò tới 3,4 người nhưng lần nào câu chuyện cũng kết thúc với một lý do từa tựa nhau: cô ấy bị cắm sừng, hoặc bị bạn trai bỏ rơi chẳng vì lý do cụ thể nào. Là người ngoài cuộc, chúng tôi nhanh chóng nhận ra mấu chốt vấn đề: Cô ấy LUÔN thích những người đàn ông có tính cách giống nhau! Gu của cô ấy là “bad boy”, có phần sành sỏi trong việc nắm bắt tâm lý phụ nữ, từng trải và bảnh bao. Và rõ ràng sự hiền lành, nhu mì, an toàn của cô ấy lại không đủ hấp dẫn với những anh chàng đó. Vì vậy, sau một thời gian, họ sẽ dành sự quan tâm cho những thứ (hoặc những người) khác. 
Sau này, may mắn thay cô bạn tôi đã gặp gỡ một người đàn ông tốt hơn và gắn bó hơn 2 năm. Và đương nhiên, anh ấy khác hẳn những người bạn trai trước đó. Anh ấy là một “good boy” chính hiệu, điều có thể nhìn ra ngay từ phong thái bên ngoài. 
Bạn có hiểu điều tôi muốn nói qua câu chuyện ấy không? Nếu như bạn tôi không mở lòng đón nhận một người đàn ông khác với hình mẫu lý tưởng của cô ấy, có lẽ cô ấy sẽ không yêu người bạn trai hiện tại. Nghĩa là, nếu bạn không nhận ra đâu là người phù hợp với mình, bạn sẽ luôn đưa ra những lựa chọn sai lầm.
Một lần nữa, tôi xin mạn phép phân loại một số lý do khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm người thực sự dành cho mình.

Không có những nguyên tắc cần thiết khi lựa chọn người ấy

Trước tiên, tôi muốn các bạn phân biệt giữa “tiêu chuẩn” và “nguyên tắc”. Tôi từng nghe rất nhiều người nói rằng không muốn đặt ra tiêu chuẩn khi lựa chọn người yêu, thay vào đó để mọi chuyện xảy ra thật tự nhiên. Tôi cũng là người không có tiêu chuẩn gì cho bạn trai hay chồng mình (Những tiêu chuẩn thường được mọi người nhắc tới như đẹp trai, công việc ổn định, có nhà, có xe…). Tuy nhiên, tôi có những nguyên tắc riêng và sẽ chỉ tiếp tục tìm hiểu những người có suy nghĩ và hành vi nằm trong những nguyên tắc đó. Giả sử, nguyên tắc của tôi là phải thành thật, thì tôi sẽ ngay lập tức “gạch tên” những người có dấu hiệu của sự thiếu trung thực. Bằng việc xác lập những nguyên tắc ấy, tôi có thể sáng suốt hơn trong việc gạt bỏ những người không phù hợp ra khỏi cuộc đời mình sớm nhất có thể.

Luôn để cảm xúc lấn át lý trí

Đồng ý rằng cảm xúc là yếu tố quan trọng trong tình yêu, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta có thể hoàn toàn bỏ rơi lý trí trong các mối quan hệ. Vậy lý trí trong tình yêu dùng để làm gì?
Quan sát hành vi, lời nói và thái độ của người ấy với mình và với các mối quan hệ khácĐánh giá khách quan về đạo đức, phẩm chất, mục tiêu của  người ấy và đối chiếu với những nguyên tắc của bản thânPhân tích những cuộc tranh luận để tìm ra vấn đề và cách giải quyếtCuối cùng, kết thúc mối quan hệ nếu không thể giải quyết được các vấn đề kể trên.
Tôi đã từng là một người thiếu lý trí khi yêu, và cũng đã thấy rất nhiều bạn bè, người quen của mình gặp tình trạng tương tự. Hậu quả của việc để cảm xúc lấn át lý trí là đưa ra những quyết định vô cùng cảm tính, dễ mềm lòng, dễ tin tưởng người khác một cách mù quáng và rồi cuối cùng “vỡ mộng” khi chứng kiến kết cục của những mối quan hệ ấy. Đôi khi cũng có thể là ngược lại, việc quá bốc đồng khiến chúng ta dễ cảm thấy thất vọng, thậm chia từ bỏ mối quan hệ trong khi nếu nhìn nhận bình tĩnh, sẽ có rất nhiều cách để cải thiện mối quan hệ đó.

Không nhận ra những sai lầm mình từng mắc phải

Quay trở lại câu chuyện của cô bạn tôi trong phần trước. Cô ấy đã không nhận ra sai lầm của chính mình: quá dễ xiêu lòng bởi những lời đường mật và vẻ hào nhoáng bên ngoài mà không tỉnh táo để quan sát bản chất thật của những người bạn trai cũ. Đồng thời, cô cũng thừa nhận rằng có những lúc đã lờ mờ thấy mối quan hệ đó có vấn đề, nhưng vì muốn giữ hòa khí nên lại im lặng cho qua. Bởi vậy, những người bạn trai cũ đều thiếu thành thật và không nghiêm túc trong mối quan hệ với cô ấy. Chỉ sau khi đổ vỡ tới 3,4 lần thì bạn tôi mới nhận ra những sai lầm đó và bắt đầu thay đổi. Chỉ sau khi thay đổi, cô ấy mới gặp đúng người và có được hạnh phúc.
Còn bạn, bạn đã bao giờ nghĩ về lý do những mối quan hệ của bạn thường xuyên đi sai hướng? Là con người, chúng ta hiển nhiên phạm rất nhiều sai lầm. Tôi từng quá nhạy cảm, thường xuyên giận dỗi, thích thể hiện tầm quan trọng của mình với bạn trai, và vô số vấn đề khác nữa. Có một vài mối quan hệ của tôi từng đổ vỡ vì những lý do tương tự nhau. Nhưng cũng chỉ tới khi tôi nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm của mình, tôi mới xây dựng được mối quan hệ bền vững với chồng.

Vậy làm sao để gặp được đúng người?

Tuân thủ những nguyên tắc của bản thân

Những nguyên tắc sẽ không có giá trị gì nếu bạn xây dựng rồi… để đó. Khi yêu, chúng ta thường có xu hướng tự biện minh cho những hành vi chưa đúng của đối phương. Sau này tôi nhận ra, đó là sự bao dung thừa thãi cho cả đôi bên: Đối phương không nhận ra mình đã sai ở đâu, còn chúng ta cũng sẽ dần trở nên dễ dãi hơn với những nguyên tắc của mình.
Tất nhiên, tôi không có ý khuyên bạn tuân thủ nguyên tắc một cách cực đoan, nghĩa là lập tức chấm dứt nếu người yêu phạm phải một sai lầm nào đó. Thông thường, tôi sẽ có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với họ, cho họ cơ hội để giải thích mọi chuyện trước. Sau khi hiểu rõ nguồn cơn vấn đề, cả hai sẽ cùng thảo luận xem có thể làm gì để khắc phục chúng – ai trong hai người sẽ thay đổi, hoặc cả hai? Tuy nhiên, nếu họ không có thiện chí muốn thay đổi để cùng xây dựng mối quan hệ, hoặc lặp lại cùng một sai lầm quá hai lần, tôi sẽ dứt khoát buông bỏ. 
Lời khuyên của tôi là: Hãy nói cho đối phương biết những nguyên tắc của bạn và đồng thời cũng ghi nhớ những nguyên tắc của họ. Trong quá trình hoàn thiện bản thân của cả hai cho phù hợp với nhau, bạn có thể bỏ qua cho một vài sai sót nếu đối phương NHẬN RA điều đó và có thành ý muốn sửa đổi. Tuy nhiên, nếu họ có dấu hiệu COI THƯỜNG những nguyên tắc của bạn, hãy thể hiện thái độ thật dứt khoát.

Rút kinh nghiệm sau mỗi lần đổ vỡ

Có thể bạn không tin, nhưng những người bạn trai sau của tôi luôn phù hợp với tôi hơn người trước. Giả sử, tôi từng không thích sự ham chơi của người bạn trai cũ, thì sau khi chia tay tôi đã quen một người chẳng mấy khi nhậu nhẹt, chơi bời. Hoặc tôi từng không thích sự thiếu quyết đoán ở người cũ, thì sau này chồng tôi lại rất dứt khoát và có lập trường. Tôi nghĩ, sau mỗi lần đổ vỡ, tôi lại tìm ra thêm được những nguyên tắc cho mình và sau đó “chọn lọc” cẩn thận hơn trước khi bước vào một mối quan hệ mới.
Ở chiều ngược lại, tôi cũng tự rút kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân mình sau mỗi lần đổ vỡ. Trước đây, tôi rất dễ nói lời chia tay trong trạng thái giận dữ sau mỗi cuộc cãi vã hoặc xảy ra chuyện không vừa ý. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng việc đó không khiến mối quan hệ tốt lên mà ngược lại, khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng và dần chai sạn cảm xúc khi nghĩ tới chuyện chia tay thực sự. Vậy là sau này tôi cẩn trọng hơn trong việc kiểm soát lời nói của mình mỗi khi nóng giận, tôi và chồng đã yêu nhau hơn ba năm trước khi kết hôn mà chưa nhắc tới chuyện chia tay lần nào.
Dĩ nhiên không ai mong muốn chuyện đổ vỡ trong tình yêu. Mỗi lần thất tình là một lần khó khăn để quay lại cuộc sống thiếu vắng sự hiện diện của một người ta đã cảm thấy vô cùng thân thuộc. Nhưng nếu nhìn theo một cách tích cực, đó là những tấm gương phản chiếu hình ảnh của chúng ta trong tình yêu, là cơ hội để chiêm nghiệm lại mọi thứ và rút ra những bài học cho tương lai.

Giữ một tư duy mở

Khi còn trẻ tuổi, rất nhiều lần tôi rơi vào một trạng thái lo lắng rằng nếu chia tay người này, mình sẽ không thể gặp được ai khác tốt hơn. Còn kết quả thì như tôi đã kể phía trên, ngược lại với tất cả những lo lắng đó. Sẽ có một số thời điểm bạn cảm thấy khó bước chân ra khỏi một mối quan hệ, bởi bạn cho rằng người ấy có rất nhiều ưu điểm sẽ khó tìm thấy được ở người khác. Và vì vậy, bạn tự thuyết phục mình bằng cách suy nghĩ thật nhiều đến ưu điểm của họ nhằm xoa dịu bản thân mỗi khi không chịu nổi những khuyết điểm.
Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy trong mối quan hệ có điều gì đó không ổn, thì đúng là nó không ổn thật. Thay vì cố gắng thuyết phục bản thân, bạn có thể hướng tới một tư duy mở hơn: những điều tốt đẹp còn đang ở phía trước, những người phù hợp hơn có thể đang chờ đợi bạn ở đâu đó. Lẽ hiển nhiên là bạn sẽ không thể gặp đúng người nếu như bạn cứ mãi dùng dằng trong một mối quan hệ sai người.
Lời khuyên của tôi là hãy chuyển sự tập trung sang các cơ hội, thay vì quá chú ý vào nỗi lo sợ. Một cuộc sống độc thân (FA) có thể không buồn tẻ như bạn nghĩ, thay vào đó bạn có thể dành thời gian, tâm trí cho bản thân mình nhiều hơn. Việc cô đơn trong một khoảng thời gian cũng chưa chắc đã quá tệ, nếu sau đó bạn gặp được một người thích hợp hơn. Hãy giữ một tư duy mở!

“Nâng cấp” bản thân mỗi ngày

Có lẽ câu nói “Gió tầng nào gặp mây tầng đó” đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng “tầng” ở đây không nhất thiết phải là gia cảnh, môi trường sống hay thu nhập. Với tôi, đúng hơn đó là tầng của tư duy, tâm hồn, năng lực và bản lĩnh. Và nếu như gia cảnh là thứ chúng ta không được lựa chọn, thu nhập là thứ khó lòng thay đổi trong một sớm một chiều, thì những thứ như tư duy, tâm hồn, năng lực và bản lĩnh có thể được bồi đắp để trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Bởi vậy, đừng bao giờ ngừng đầu tư vào bản thân. Đọc thêm sách để mở mang tri thức, cố gắng hơn trong công việc để gia tăng giá trị, tự chữa lành những tổn thương trong tâm hồn, chăm sóc ngoại hình chỉn chu… là những việc bạn luôn có thể làm để nâng cấp “tầng” của chính mình. Khi bạn ưa nhìn, tự tin, bao dung, tích cực hơn, bạn sẽ thu hút được những người có cùng tần số và tất nhiên, khả năng gặp được đúng người cũng sẽ cao hơn.

Kết

Tôi hi vọng bài viết đã mang tới thêm cho các bạn một góc nhìn mới hơn về việc gặp đúng người. Chúc các bạn luôn yêu bản thân đúng cách và sẽ thật hạnh phúc bên Ms/Mr. Right! Nếu có bất kì chia sẻ gì về chủ đề này, hãy để lại comment phía dưới để tôi cùng được biết nhé! Bạn cũng có thể ghé thăm Blog của tôi tại đây: A Dreamaholic Blog.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
Thân mến,
A Dreamaholic