Xuân hay Tết sẽ làm chúng ta liên tưởng tới sự khởi đầu mới, tươi trẻ hơn, đầy sức sống hơn, việc này luôn được biểu hiện qua những bài hát thật vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng cần một ít hương vị của nỗi buồn, sự trống vắng của tâm hồn về một niềm vui không trọn vẹn, đó là bài hát được chuyển thể từ nhạc Pháp là “ Le géant de papier” sang lời Việt với cái tên thật lãng mạn: “Lạc mất mùa xuân”.

Rất nhiều trong chúng ta có thể đã từng nghe qua về bài hát này hoặc nghe rất nhiều là đằng khác. Riêng mình, đã trở thành một quy tắc, thì bài này tết nào mình cũng phải bật lên để cảm nhận ca từ cùng giai điệu của nó, và Tết năm ngoái mình vừa được nghe lần đầu tiên! Bài hát nguyên gốc bằng tiếng Pháp nói về một anh chàng có một tình yêu mãnh liệt với một cô gái, vì cô, anh sẵng sàng làm mọi chuyện: khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, hay bất kì từ gì gây nhức nhối nhất chỉ để được một nụ cười, hay ánh mắt của cô gái, có thể nói tình yêu làm người ta mất hết lý trí, chỉ còn cảm xúc, mà như người ta hay gọi là “Yêu dại khờ”.Nếu như bản tiếng Pháp nồng nàn với một niềm khao khát tình yêu cháy bỏng thì khi chuyển qua lời Việt, nó trở nên thật tha thiết về một hồi ức đẹp nhưng đầy tuyệt vọng mà như một ai đó đã ví von thật ý vị “Một bản nhạc, hai cuộc đời”.

Mình sẽ không so sánh “cuộc đời” nào hay hơn, vì bản nào cũng hay theo cách của mình, nên mình chỉ xin nói về bản dịch “Lạc mất mùa xuân” của nhạc sĩ Lữ Liên vì mình nghĩ rằng “Người Việt dùng hàng Việt” sẽ hay hơn chăng? (Tất nhiên, sau này nếu có dịp và điều kiện mình  sẽ nói về bản tiếng Pháp ) Điều thú vị là dù tựa đề có tên là “Lạc mất mùa xuân” nhưng mùa xuân không phải là chủ đề chính trong bài hát, chắc có lẽ mùa xuân lạc rồi nên làm sao mà nói nhiều được đây? Nhạc sĩ Lữ Liên đã rất tinh tế khi dùng những từ ngữ hoa mĩ nhưng không quá hào nhoáng để nói lên nỗi lòng của một người đã đánh mất đi tình yêu của mình, sự sâu lắng không phải ở mùa xuân mà là ở tâm hồn.

  • Xuân về cho cây xanh lá
    Có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân


  • Xuân về cho cây xanh lá
    Có riêng mình anh, lạc mất mùa xuân


Đây có lẽ là những câu nổi tiếng nhất trong bài hát, sự oán trách khi một mùa của hy vọng, sự đổi mới xuất hiện nhưng sao anh chẳng cảm nhận được gì, trong anh chỉ tồn tại một mùa của nỗi buồn nơi thực tại: đó là mùa thu! Những sự lo lắng, khắc khoải lại tìm đến trong trái tim của nhân vật trong bài hát. “Tim ta say đắm đã yêu em trọn cuộc tình”, nhưng tiếc thay tất cả đã cuốn trôi đi hết! Chúng ta có thể nhận thấy nhưng hình ảnh liên quan tới nước xuất hiện rất nhiều trong bài hát: “Chiều mưa rơi”, “thuyền ra khơi”, “bèo trôi theo sông nước”, “sóng dâng cao ngọn thuỷ triều”,……chưa kể là có “men đắng” là rượu nữa chứ! Tất cả đều để nói một điều : Mọi thứ đều đã phôi pha theo thời gian, đã cuốn mãi về những nơi xa xăm nhất của dĩ vãng, nhân vật nam vô vọng vì đã yêu hết mình, nhưng kết quả sao mà “đắng lòng” đến thế, anh không thể làm được gì ngoài lặng lẽ ngắm nhìn nhưng góc khuất nơi tâm hồn của bản than, nhìn thực tại mà nghĩ tới cái phi thực tại, tìm lại kỉ niệm thật đẹp nhưng quá mơ hồ. Khi có những đau khổ riêng mà không biết cách nào để tháo gỡ, hầu như ai cũng sẽ tìm đến một thứ mà Uỷ Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia đã khuyến cáo hạn chế sử dụng ngày Tết, đó là  “men đắng” như đã nói ở trên.

Anh tìm tới nó như để vơi đi bớt nỗi buồn, sự hụt hẫng trong suốt canh vắng và để tìm cho mình những hình ảnh thật lãng mạn với cái nhìn nghệ sĩ, mà như khoa học ngày nay gọi một cách phũ phàng là “ảo giác”:

  • Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc 

     

    Đôi mắt em buồn thiên thu”


 

Liệu anh có hoa mắt không khi người con gái ấy xuất hiện vừa thực vừa ảo. Dường như anh cố kiếm tìm hoài niệm bằng sự vô thức, tưởng rằng nó sẽ làm dịu đi những mất mát trong anh nhưng không, nó chỉ anh thêm nhói đau vì người con gái ấy, theo cách gọi của bài hát “Trái tim bên lề” là: “Tuy ngay đây nhưng rất xa xôi”. Để đến khi tỉnh dậy và tàn cơn say, anh phải chấp nhận rằng anh đang nằm ở ngoài đường với: “Rồi nắng mai đến mây trắng bay khi tàn cơn say”(Xin lỗi, cái này mình chỉ xin phỏng đoán) và tình đã xa thật rồi nhưng anh không thể nào quên được, vì càng quên lại càng nhớ, mà càng nhớ thì làm sao mà quên được- nhớ kĩ hơn là đằng khác, sự đau khổ vì tình yêu là vậy!

Đánh mất khái niệm của thực tại đã và đang diễn ra trong anh: mùa thu cũng chết, mùa xuân tới anh cũng không thể cảm nhận được, vì nỗi niềm về người con gái đã trở thành cái gì đó vĩnh hằng luôn ở trong anh, anh luôn chờ đợi, chờ đợi những điều mà anh luôn muốn có lại, nắm lấy nó, hoà quyện vào nó. Xuyên suốt bài hát, anh luôn muốn tìm kiếm hình ảnh người con gái ấy: đang ở chốn nào? Chẳng lẽ do anh tưởng tượng ra, dưới đáy biển sâu hay trong giấc mơ, có lẽ anh bị chìm đắm……..Khi đêm xuống là lúc hoài cảm trong anh trỗi dậy, khung cảnh “đầu non trăng xế” như những giá trị của hạnh phúc, của vẻ đẹp rạng ngời anh luôn muốn quay lại để tận hưởng nhưng rồi tất cả cũng phải “tàn canh bóng xế”, thực tế là những điều anh luôn muốn trốn tránh khi đối diện vì anh biết rõ những ân tình cũ chỉ còn là những cảm xúc xa vắng, chỉ có thể gặp nhau ở một kiếp nào đó, đầy bâng khuâng với hy vọng trong tuyệt vọng, vì có lẽ chăng “Lạc mất mùa xuân” cũng là lúc lạc mất linh hồn đầy sức sống của anh?

Năm cũ qua đi và năm mới sắp đến, trong chúng ta đều luôn chờ đón những điều tốt đẹp sẽ tới nhưng ẩn sâu và giấu kín trong tâm hồn chúng ta, vẫn có chút gì đó tiếc nuối, mà chúng ta muốn mang theo nó trong năm mới. Tất nhiên trong những ngày này chẳng ai muốn nghĩ tới những điều không vui, nhưng sao không thử ngồi xuống, trải nghiệm đôi chút ưu tư, chút “Lạc mất mùa xuân” nhỏ nhoi trước một năm đầy bận rộn, hoà mình với giai điệu đầy mê hoặc, đầy nỗi niềm ấy. Có vẻ điều đó tựa như thay một bộ đồ mới lắng đọng hơn cho ngày Tết chăng, giống nhạc sĩ Lữ Liên đã thay cho “Le géant de papier” vậy?!