Hai hôm trước, cậu tôi đi khám bệnh và bị chẩn đoán mắc ung thư đường mật đi kèm với viêm dạ dày và viêm tuỵ.
Tình trạng của cậu tôi nặng đến mức bác sỹ chỉ định nhập viện ngay để tiến hành phẫu thuật. Bác sỹ cũng nói gia đình cần xác định tinh thần là còn nước còn tát.
Thực ra chuyện này không phải điều gì quá bất ngờ với gia đình tôi. Cậu tôi vốn là một người nghiện rượu nặng trong nhiều năm. Cậu sống ở quê bằng nghề thợ hàn. Đi làm công trình ở các nơi thường rủng rỉnh tiền nên cậu thường xuyên ăn nhậu với bạn bè và người cùng làm, có những ngày 2-3 bữa là chuyện bình thường.
Cậu thích rượu tới mức thường mua những loại bình lớn 20 lít để trong góc nhà để lôi ra uống bất cứ lúc nào thích và cậu rất tự hào về điều đó.
Vợ cậu, mẹ tôi và người nhà nhiều lần khuyên can cậu nhưng không được. Cậu gạt hết đi, nói mọi người làm cậu mất tự do. Nếu ai nhắc nhiều thì cậu sẵn sàng hạ cẳng chân cẳng tay, đập phá đồ đạc để được làm theo ý mình. Là con út trong gia đình hơn 10 anh em, cậu đã quen được chiều từ nhỏ và mọi thứ phải theo ý mình.
Đương nhiên người xung quanh dần cũng nản và để mặc cậu uống rượu như cậu muốn. Mọi người chỉ cố nhắc cậu đi khám sớm khi có dấu hiệu vấn đề sức khoẻ. Là trụ cột kinh tế gia đình, cậu và sức khoẻ của cậu rất quan trọng. Nhưng cậu cũng không nghe và thường tránh né việc đi khám để được uống tiếp.
Nhưng đến giai đoạn gần đây, khi cơ thể quá suy kiệt đến mức vàng da, mắt mờ và không thể tiếp tục làm việc thì cậu mới đồng ý đi khám. Và kết quả là như vậy. Đã quá muộn.
Lúc này cậu mới bắt đầu hoảng loạn. Gia đình thì phải ở bên cạnh động viên cậu và lo liệu cho gia đình cậu với một thái độ pha trộn của sự bình thản, sự chấp nhận và tất nhiên là đau buồn nữa. Mọi người đều biết ngày này sớm muộn cũng sẽ tới, và nó đã tới.
Thương cậu mà cũng phải trách cậu. Chính cậu chứ không ai khác đã tự chọn huỷ hoại cơ thể và bản thân mình trong nhiều năm trời như vậy. Cậu nói đúng, mọi người không có quyền bắt cậu ngừng uống rượu và làm cậu mất tự do. Cậu hoàn toàn có quyền tự do để quyết định cách cậu muốn sống cuộc đời mình, dù đó là tự do để sống tốt hay tự do huỷ hoại bản thân đến chết.
Mỗi người trưởng thành chúng ta đều như vậy, có quyền lựa chọn và tự do để sống theo cách mình muốn. Nhưng đồng thời điều đó đồng nghĩa với việc ta phải chịu trách nhiệm với chính sức khoẻ, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của chính mình.
Từ những bài học của cậu tôi và chính trải nghiệm bản thân, tôi cũng dần nhận ra tầm quan trọng của việc chăm sóc cơ thể của mình. Trước đây tôi cũng thường ăn uống vô tội vạ, thích ăn mặn và ngọt. Có nhiều khi đi làm không kịp ăn tôi bỏ bữa đến mức bị hạ đường huyết.
Việc nấu ăn cũng thất thường vì đi làm ca và tôi thường xuyên ăn ngoài. Lại thêm thói quen ngồi nhiều và ít vận động, sức khoẻ tôi bắt đầu đi xuống trong 2 năm gần đây, với biểu hiện là trào ngược dạ dày và rối loạn thần kinh thực vật.
Giống như cậu tôi, nhưng sớm hơn một chút, tôi nhận ra mình đã bỏ bê và đối xử tệ với cơ thể của mình như thế nào và rất hối hận. Tôi bắt đầu học cách ăn uống lành mạnh hơn, chia bữa nhỏ và chọn những thực phẩm lành mạnh cho bản thân cũng như duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hơn.
Mỗi sáng thức dậy, tôi dành 10 phút thiền ngắn và quét từng bộ phận cơ thể, gọi là body scan. Nó giúp tôi chú ý hơn tới những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình, kết nối với cơ thể và biết ơn rằng tôi vẫn có đủ sức khoẻ để đi lại tự do và làm những việc cần làm mỗi ngày.
Tôi rất ấn tượng về một cuốn sách trong đó tác giả so sánh cơ thể như một chiếc xe máy mà chúng ta rất yêu quý. Nếu chúng ta có thể chăm sóc cơ thể mình như chăm sóc chiếc xe máy đó, bảo quản nó từng ly từng tí, không cho nó bị xước xát dù chỉ một chút xíu, thì chúng ta sẽ có thể tận hưởng một cuộc sống dài lâu và mạnh khoẻ.
Bạn có thể tự so sánh cơ thể mình với bất cứ thứ gì bạn yêu quý nhất, không phải là xe máy thì có thể là cái ô tô, cái đồng hồ, cái điện thoại, vv... Câu hỏi ở đây là bạn có chăm sóc cơ thể của mình như chăm sóc món đồ đó không?
Thực sự thì cơ thể chúng ta mới là vốn quý giá nhất mà ta có, là "ngôi đền thiêng liêng", là ngôi nhà quan trọng nhất của chúng ta. Hơn bất cứ thứ gì khác ngoài thân, cơ thể chúng ta mới là món đồ chúng ta cần coi trọng nhất.
Tôi nhận ra điều này một cách sâu sắc ở tuổi 27, không còn sớm nhưng ít ra cũng chưa quá muộn. Và tôi biết ơn vì mình nhận ra được bài học quan trọng về sức khoẻ đó ngay trong hiện tại.
Dù đài báo ti vi có nói một nghìn lần về tầm quan trọng của sức khoẻ cũng không đủ. Phải qua trải nghiệm của chính bản thân và nhìn vào tấm gương những người xung quanh như cậu tôi mới đủ khiến tôi biết trân trọng cơ thể và sức khoẻ của mình.
Tôi viết bài này cũng hi vọng các bạn trẻ giống như tôi có thể sớm nhận ra và trân trọng giữ gìn cơ thể của bản thân. Khi chúng ta hiểu, yêu thương và chăm sóc cơ thể của mình, nó chắc chắn sẽ trả lại cho chúng ta một cuộc sống khoẻ mạnh và đáng sống hơn rất nhiều.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet