Nhập đề theo kiểu lung khởi...
Đó là lần mình đọc được bài đăng trên page Bà Dì Nulo về cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh mà bạn ấn tượng nhất. Ai cũng có cho mình một cuốn, Hạ đỏ, Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây... và cả câu chuyện của Bà Dì về Kính vạn hoa. Bà Dì đã mua từng cuốn truyện bìa xanh ở nhà sách Sư Phạm khi còn đi học. Mình chợt nhớ ra, cố lục lọi trong ký ức và trên giá sách một chút để thấy mình cũng đã lớn lên với Kính vạn hoa như thế nào. Cuốn đầu tiên mà mình có là tập 6 Người bạn lạ lùng, nó có bìa màu tím, trên vẫn còn dòng chữ "Quyển sách này của:....Hằng". Ngày 18/2/2009, chị Hương gửi về cho mình từ Nha Trang. Đó là cuốn sách (truyện) nhiều chữ đầu tiên mình có với những bức vẽ mà hồi đó mình không thể hiểu sao có thể nguệch ngoạc đến vậy. Mùa hè năm đó, mình có thêm Nhà ảo thuật, Theo dấu chim ưng và rồi là Bên ngoài cửa lớp, dần dần thì cũng đọc hết. 
Nhỏ Hạnh, Tiểu Long và Quý Ròm trong tập truyện đầu tiên mình có
Mình đã lớn cùng với bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Quý với cái tôi của một nhà khoa học vẫn còn chưa lớn, tâm hồn của một Thi sĩ hạng ruồi, tính cách của Ông thầy nóng tính. Với đứa trẻ lên 9, khoa học đầu tiên mình biết là những trò ảo thuật của Quý Ròm, là "nấu ăn thì không bỏ chung bột ngọt với đường, vì bột ngọt kỵ đường ăn vào khó tiêu lắm". Tiểu Long chân cứng đá mềm, là con nhà võ sống tình cảm ấm áp. Đọc Nhà ảo thuật, mình vẫn nhớ Tiểu Long đã buồn vì "tối nào nhỏ Oanh cũng ôm chiếc gối và nũng nịu...ngủ đi gấu bông ngoan của chị" và đã có cả hành trình mua cho em con gấu bông. Mình không có em, cũng chưa bao giờ có nỗi buồn như vậy. Nhưng mình có chị, người cũng cho mình nhiều hơn mình nghĩ. Cuối cùng là nhỏ Hạnh, "nhà thông thái", "bộ từ điển biết đi", cô bé với cặp kính cận và mái tóc dài chấm ngang lưng. Nhỏ Hạnh thích ăn hủ tiếu bò viên, hậu đậu đụng đâu bể đó nên phải uống nước trong một cái ca nhựa lớn. Mình cũng đã từng viết về nhỏ Hạnh trong bài tập làm văn hồi lớp 5, "Kể về nhân vật trong một tác phẩm để lại cho em nhiều ấn tượng nhất". Mình chẳng còn nhớ được chính xác, cũng mơ hồ về những ngày xưa đã tưởng tượng bộ ba sẽ có ngoại hình ra sao, tính cách thế nào. Những gì còn lại chỉ còn có vậy, những mảnh ghép khó ghép lại thành bức tranh...
Mình đã cùng đi với từng câu chuyện của lớp 8A4 rồi là lớp 9A4 trường Tự Do. Bước vào cửa lớp đã thấy Lớp phó trật tự  Minh Vương đang dẹp loạn mỗi giờ trống tiết. Nơi bàn cuối có băng tứ quậy với thủ lĩnh là thi sĩ hoàng hôn Lâm. Nhìn lên một chút là dãy bàn của tổ bốn, có Thủ môn bị từ chối  Tần ghẻ, có họa sỹ Cung lúc nào cũng đưa mắt ra Bên ngoài cửa lớp ngóng tìm Kim Em. Và cả lớp trưởng Xuyến Chi, Họa mi một mình Hiền Hòa, Thằng thỏ đế Duy Dương... Cũng còn có những tình yêu tuổi học trò ngây ngô đủ để ngồi cười một mình, có Lâm với Bạn gái Thủy Tiên, đôi bạn cùng bàn Quới Lương - Thạch Anh và Quý Ròm với rung động đầu đời trong Hoa tỉ muội. Lớp còn có cô Trinh chủ nhiệm lúc nào ho húng hắng, cô Nga dạy sử dẹp loạn với chai dầu gió, thầy Hiếu dạy toán khiến Tiểu Long lúc nào nhìn thấy là lủi mất, rồi cô Kim Anh dạy hóa, cô Diệu Lý dạy vật lý... Có những tập truyện bây giờ đọc lại vẫn bất giác cười thành tiếng và cũng có những tập hơi nổi da gà như Con mả con ma, những khi Theo dấu chim ưng cùng Mạnh, em họ của Quý tập làm thám tử... Mỗi tập truyện là mỗi cái lắc nhẹ của Kính vạn hoa, đều mang đến thật nhiều bất ngờ.
Từ những ngày chiều nào cũng ngồi trước hiên nhà đọc được vài đoạn đến ngày hôm sau lại bắt đầu từ câu mở đầu "Này này, mày đi đâu đó?" trong tập Người bạn lạ lùng, cũng đã hơn 10 năm. 
Từ những ngày mình chỉ bằng tuổi nhỏ Diệp, em Quý ròm rồi khi cũng vào lớp 9, Quý Long và Hạnh thì không lớn lên còn mình thì đã 20.
20 tuổi, để đọc một tập chắc không còn dài như cả mùa hè nhưng để hiểu được hết thì cũng cần nhiều nhiều thời gian như vậy.
20 tuổi, mình đã để lại Kính vạn hoa trên giá sách nhưng vẫn cần cho mình một chiếc kính vạn hoa trong đời. Để khi lắc nhẹ một cái, sẽ có hàng triệu bông hoa xuất hiện, nhiều hình dáng, nhiều màu sắc...kỳ diệu vậy đó.

Link page Bà Dì Nulo, nơi bạn muốn biết nhiều hơn về cuộc sống theo một cách không quá cứng nhắc: https://www.facebook.com/badinulo