Trong các vụ cưỡng hiếp, nhiều nạn nhân là nữ dù bị ép buộc, sợ hãi nhưng vùng kín vẫn ướt sũng. Bản thân không hề có ham muốn nhưng cơ thể vẫn bị kích thích. Không ít cô gái cảm thấy như mình đang bị chính cơ thể phản bội.
Tương tự, những lần người yêu (nam) muốn làm chuyện ấy nhưng bạn nữ không có hứng. Dù vậy, khi bị (ép) kích thích, “cô bé” vẫn chảy nước – một dấu hiệu của sự kích thích. Và anh chàng sẽ cười mỉm và bảo:
“Cơ thể em thành thật hơn em đấy”
Nhưng có đúng là cơ thể chúng ta thành thật hơn những gì chúng ta nói không?
Nhiều người thường nghĩ kích thích tình dục và cực khoái sẽ được thúc đẩy bởi ham muốn mãnh liệt và bị dập tắt bởi sự sợ hãi, căng thẳng và ép buộc.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy.
Trong quá trình kích thích tình dục của con người, tâm lý và sinh lý tương tác theo những cách rất phức tạp. Khi cả hai cùng hoạt động – cơ thể chúng ta được kích thích và trái tim chúng ta thật sự khao khát, chúng ta dễ có được trải nghiệm tình dục như ý.
Nhưng không phải lúc nào cơ thể cũng tuân theo lời khẩn cầu của trái tim. Đôi khi mình có lòng nhưng lực bất tòng tâm. Ví dụ, đàn ông bị rối loạn chức năng cương dương và phụ nữ mắc chứng co thắt âm đạo, họ khao khát làm tình với người yêu một cách tuyệt vọng nhưng vùng kín lại từ chối hợp tác.
Cũng có những trường hợp xảy ra theo chiều ngược lại. Cơ thể trở nên hưng phấn bất chấp tinh thần kịch liệt phản đối và kêu gào nên ngừng phản ứng. Chẳng hạn như những lần “chào cờ” ngang ngược vào thời điểm không thích hợp của các bạn trai tuổi teen.
Kích thích cũng có thể xuất hiện trong lúc chúng ta hoàn toàn không có ý định đó. Ví dụ điển hình là giấc ngủ ướt át ở cả nam và nữ (nữ cũng trải qua mộng tinh nhé). Hơn nữa, sự kích thích khi sợ hãi đôi khi tạo ra phản ứng sinh lý ở bộ phận sinh dục.
Sự biến đổi của cơ thể và tâm trí đối với phản ứng tình dục của chúng ta rất tinh tế, phức tạp và thường gây hoang mang. Một ví dụ gây tranh cãi và được nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này là cả nam lẫn nữ đôi khi báo cáo rằng họ đã trải qua cảm giác kích thích, thậm chí là cực khoái trong những lần quan hệ tình dục không mong muốn, bị ép buộc hoặc nói cách khác là không có sự đồng thuận.
Một đánh giá đầu tiên (2004) về bằng chứng cho hiện tượng này ước tính tỷ lệ kích thích khi bị tấn công tình dục vào khoảng 4% – 5%. Các tác giả kết luận khi chịu kích thích tình dục không muốn hoặc không có sự đồng thuận của nam hoặc nữ có thể tạo ra phản ứng sinh lý của cơ thể, thậm chí dẫn đến cực khoái. Những trường hợp như vậy vẫn xảy ra. Nhưng điều đó không có nghĩa nạn nhân đồng thuận với kích thích.
Tuy nhiên, đánh giá vẫn chưa được đầy đủ do các nạn nhân bị tấn công tình dục lo sợ sẽ bị chỉ trích hoặc cảm thấy xấu hổ về bản thân khi xảy ra sự việc.
Tóm lại, mối liên hệ giữa kích thích và ham muốn là không đơn giản. Thực tế hai hệ thống này – khi được kết nối – dường như hoạt động độc lập. Nghiên cứu cho thấy điều này đặc biệt đúng với phụ nữ.
Nguồn: @koketit
Nguồn: @koketit
Họ thường xuyên chịu các kích thích tình dục không đúng với ham muốn của mình. Nói cách khác, cơ thể của phụ nữ thường bị kích thích ngay cả khi họ không có hứng làm chuyện ấy.
Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2011 ở Đại học Lethbridge cho thấy nam giới thể hiện sự kích thích ở “thằng nhỏ” lớn nhất khi phản ứng với những câu chuyện mô tả quan hệ tình dục đồng thuận, không bạo lực. Trong khi đó, phụ nữ thể hiện những phản ứng tương tự với tất cả câu chuyện liên quan đến hoạt động tình dục, bao gồm cả tấn công tình dục.
Phản ứng kích thích không mong muốn này ở nữ giới phần lớn không phụ thuộc vào xu hướng tính dục hoặc ham muốn chủ quan. Nó có thể đã phát triển như một cơ chế bảo vệ để tránh tổn thương âm đạo trong trường hợp bị ép buộc quan hệ tình dục.
Những dữ liệu trên đã đập tan tính dối trá của cái lý lẽ: Phụ nữ “ướt” nghĩa là đang ham muốn.
Kích thích tình dục không phải là một dấu hiệu đáng tin cậy của ham muốn tình dục. Và hóa ra đó cũng không phải là sự thất bại trong việc kháng cự hoặc thoát khỏi tấn công tình dục. Nghiên cứu đã chỉ ra, giống như các động vật khác, con người có thể tạo ra phản ứng “đóng băng”, hay còn gọi là “chết cứng” (tonic immobility), khi bị đe dọa nghiêm trọng.
Ví dụ, trong số 298 phụ nữ sống sót sau các cuộc tấn công tình dục được khảo sát bởi nhà nghiên cứu Thụy Điển Anna Möller (2017) và các đồng nghiệp, 70% báo cáo tình trạng đóng băng đáng kể và 48% báo cáo tình trạng đóng băng cực độ trong cuộc tấn công. Tất nhiên, tình trạng cơ thể tê liệt hoàn toàn đó không thể được hiểu là sự đồng thuận.
Hơn nữa, tấn công tình dục không cần phải có bạo lực thể xác hoặc thậm chí là kích thích trong sợ hãi. Một số người bị tấn công trong khi say hoặc phê thuốc. Một số nạn nhân bị thiểu năng trí tuệ hoặc trẻ em – những đối tượng không thể hiểu đầy đủ những gì đang xảy ra hoặc chưa đủ điều kiện để đạt sự đồng thuận hoặc thậm chí là quan hệ tình dục.
Những trường hợp này có cả hành vi kích thích tình dục (người tấn công) và hành vi không phản kháng (người bị tấn công). Nhưng không có hành vi nào là đồng thuận, tự nguyện hoặc có ham muốn tình dục thực sự.
Tóm lại, kích thích tình dục về mặt sinh lý không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy ham muốn hoặc sự đồng thuận cho quan hệ tình dục.
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn nữ – những người từng bị tấn công tình dục – đỡ hoang mang và xấu hổ về phản ứng của cơ thể khi ấy. Và vài người cũng hãy thôi dùng lý lẽ “Cơ thể em thành thật hơn em đấy” khi ép buộc người yêu quan hệ.
.Ngưn.