9totalk #43: Hôn nhân có nhất thiết phải trước 30 tuổi?
Tuy đang đạt cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Để đối phó với thực...
Tuy đang đạt cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Để đối phó với thực trạng này, cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 588 trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Trong đó, các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con được ưu tiên nhận một số ưu đãi từ nhà nước như: mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào trường công lập khi con đến tuổi đi học, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em… Ngược lại, Nhà nước sẽ có những biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội cho nhóm đối tượng không kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Trong Quyết định của Thủ tướng chưa nêu cụ thể các hành động “đóng góp xã hội”, nhưng một số trang tin đã có ý muốn “đóng góp” 12 triệu đồng cho Nhà nước khi đưa tin giả về việc người kết hôn muộn sẽ bị phạt tiền.
Sau khi đọc qua các bài báo, memes hay cả fake news mà dân tình đang chia sẻ ngập tràn Newsfeed, chắc hẳn nhiều bạn cũng nhận ra ngay xung quanh mình có thể vẫn tồn tại những người thuộc cả 2 nhóm đối tượng được nhắc đến trong Quyết định trên của Thủ tướng.
Đơn cử như người viết có một người chị họ - chị H. - năm nay đã ngoài 30 tuổi. Chị H. học giỏi từ nhỏ, ngay từ cấp 3 đã xuống thành phố học trường chuyên rồi đi du học khi vừa tròn 18 tuổi. Trải qua quá trình học Đại học và vài năm đi làm ở nước ngoài, chị về Việt Nam năm 27 tuổi và làm việc ở một tập đoàn lớn. Khi đó, bố mẹ và họ hàng thúc giục chị lập gia đình, bạn bè ra sức mai mối nhưng không ai có thể thuyết phục được chị. Đáp lại những câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?” và những lời so sánh kiểu “Con bé X, Y bằng tuổi mày mà giờ đã có 2 đứa rồi đấy!” của họ hàng mỗi lần về quê, cuối năm vừa rồi chị H. lên đường học Thạc sĩ ở tuổi 30 – độ tuổi được coi là “ế” ở quê.
Ở chiều ngược lại, T. – em họ người viết thì lấy vợ khi vừa học xong cấp 3 năm… 20 tuổi (Vâng, nó bị đúp). Tuy mới 22 tuổi nhưng hiện tại T. đã làm bố của 2 đứa trẻ. Dù vậy, cuộc sống hằng ngày của “người có vợ” cũng không khác cuộc sống của một học sinh trong thời gian nghỉ hè lắm: sáng chơi game, chiều đi đá bóng còn tối thì trà chanh. Mọi việc chăm sóc con cái được T. “ủy thác” cho bố mẹ. Khi quyết định mới của Thủ tướng được đưa vào thực hiện, hy vọng cô chú người viết sẽ bớt đi nỗi lo tìm trường cho cháu nội của họ. Còn T. có thay đổi được cách làm bố hay không thì… cũng chưa biết.
Đối với người viết, nếu Quận không phát người yêu cho thì có khả năng cao sẽ không nhận được ưu tiên theo Quyết định nói trên.
Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của việc dân số bị già hóa. Tuy nhiên, việc gia đình, xã hội và nay là cả luật pháp đang có những phương pháp tác động phần nào cũng có thể gây ra áp lực đối với những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng (là nhóm thanh niên dưới 30 tuổi). Một người đủ tuổi nhưng chưa đủ chững chạc và sẵn sàng để lập gia đình khi phải cưới vợ/chồng một cách khiên cưỡng thì không tránh khỏi những hệ lụy xấu, trong đó có thể kể tới ly hôn, bỏ bê chăm sóc, dạy dỗ con cái v.v...; ngược lại, một người dù không lập gia đình sớm nhưng vẫn hoàn toàn có thể đóng góp không nhỏ cho xã hội thông qua các hoạt động học tập và làm việc, tạo ra của cải.
Còn các bạn, các bạn có đồng tình với việc đặt ra tiêu chuẩn độ tuổi cho việc lập gia đình?
Tham khảo:
Xem thêm các số 9totalk khác:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất