Cuộc đời Đức Phật, cũng như nhiều vị thánh khác trong lịch sử, cũng ít nhiều bị người đời sau thêm vào các chi tiết thần thoại. Dù kinh sách Nguyên Thủy có ghi lại, thì chúng ta cũng nên tìm hiểu cho kỹ vì ngay cả kinh sách Nguyên Thủy chưa chắc đã hoàn toàn “nguyên thủy”.
Người phương Đông hay thích các chi tiết thần thoại và các ẩn dụ phi thực tế trong kinh sách. Mình không phủ nhận ý nghĩa và lợi ích của những ẩn dụ này. Nhưng đối với người mới tìm hiểu, chúng giống như một mê cung, biến cuộc đời rất thật của một vị giác ngộ thành những câu chuyện huyền thoại, khiến cho người thích thực tế thì không tin, mà người tin thì dễ vướng vào mê tín.
Các học giả phương Tây thì chịu khó tìm hiểu ở góc độ lịch sử hơn, mặc dù sự nhìn nhận ở góc độ của họ không phải là không có khuyết điểm.
Để có góc nhìn rộng hơn về cả hai mặt của đồng tiền, ngoài phiên bản cuộc đời đức Phật thường thấy trong các sách Phật giáo, mọi người có thể đọc thêm: Đức Phật Lịch Sử của Schumann, một học giả phương Tây.
Các chi tiết chính về cuộc đời Ngài thì đa số chắc đã biết, mình sẽ tóm tắt và thêm thắt chút quan điểm cá nhân về quá trình mà mình nghĩ là quan trọng nhất trong đời Ngài.

HÀNH TRÌNH TÌM ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT

Vào thời đại của đức Phật, có 4 trường phái tâm linh chính: nhóm Veda, nhóm duy vật luận, nhóm du sĩ và nhóm khổ hạnh.Bối cảnh chung lúc đó cũng giống như bây giờ: tôn giáo chính là Hindu (tiêu biểu bởi các Bà La Môn tin vào triết lý Veda) ngày càng sa đà vào hình thức lễ bái mà không chú trọng đến mục đích tâm linh. Nên trong xã hội Ấn Độ trỗi dậy nhiều trường phái tâm linh khác nhau và vô số người đi tìm con đường giải thoát. Đức Phật là một trong số đó.

VỊ THẦY THỨ NHẤT

Trong 6 năm xa nhà đi tìm đạo, ngài học và tham vấn với nhiều vị thầy. Sử sách không ghi lại chi tiết nhưng có 2 vị nổi bật. Vị thứ nhất đã chứng tầng thiền thứ 7. Khi Đức Phật đến học với vị này, giai đoạn đầu tiên ngài học giáo lý. Sau khi thông suốt giáo lý, ngài tưởng mình thật sự đã hiểu những gì mình được đọc. Nhưng một ý nghĩ chợt lóe lên: thầy mình có thực sự chứng đắc trên thực tế những gì thầy giảng dạy hay không?Thế là ngài đi hỏi thầy và nhận được câu trả lời rằng thầy đã chứng đắc tầng thiền thứ 7.
Ngài tiếp tục thực hành và chẳng bao lâu cũng chứng đắc được những gì thầy mình chứng đắc. Lúc này thầy ngỏ ý mời ngài ở lại cùng hướng dẫn chúng đệ tử, tức là được làm thầy kẻ khác. Nhưng ngài thấy đây chưa phải mục đích của mình nên đã từ chối lời mời và tiếp tục tìm thầy học đạo.Sách nói giáo lý của vị thầy thứ nhất có thể là một hình thái yoga nguyên thủy. Vậy là đức Phật đã trải nghiệm 1 trong 4 quan điểm.

VỊ THẦY THỨ 2

Sau đó ngài theo học vị thầy thứ 2, vị này thuộc trường phái Veda. Cũng tương tự như lần trước, ngài chứng được tầng thiền thứ 8. Lần này vị thầy cũng mời đức Phật ở lại lãnh đạo hội chúng, nhưng ngài vẫn tiếp tục từ chối. Lý do như cũ: sau khi đã chứng nghiệm điều được học, ngài thấy đây vẫn chưa là đích đến. Và lại tiếp tục ra đi. Đã trải nghiệm 2 trên 4 quan điểm.

NHỮNG NĂM KHỔ HẠNH

Tiếp theo ngài dành 5 – 6 năm thực hành đủ mọi loại khổ hạnh đến cùng cực, đến mức thân thể khô héo chỉ còn da bọc xương, sắp chết. Lúc này ngài nghĩ: mình đã trải qua cùng cực của khổ hạnh, không người tu nào có thể khổ hạnh qua mình mà vẫn chưa thấy giác ngộ, liệu có còn phương pháp nào khác hay không? Trải nghiệm 3 trên 4 quan điểm.Kinh sách không ghi lại việc đức Phật có học duy vật luận hay không, hoặc có ghi mà mình chưa biết. Nhưng nếu ngài đã trải nghiệm tầng thiền thứ 8, tức là cảnh giới vô sắc cao nhất, thì chuyện bác bỏ duy vật luận là điều dĩ nhiên. Vậy là trải nghiệm xong 4 trên 4 quan điểm.

GIÁC NGỘ

Đến lúc này, ngày quân bình và quay lại với thiền. Một đêm nọ, ngài nhập định thâm sâu và hồi tưởng lại các tiền kiếp. Ngài nhìn về vô số kiếp trong quá khứ, thấy rõ mình lầ ai, sinh ở đâu, đã làm những gì, vì làm như vậy mà tái sinh ở đâu, là ai, làm gì, và lại tái sinh tiếp. Vô số kiếp như vậy. Thời nay gọi lượng dữ liệu này là big data.Có đủ dữ liệu rồi thì ngài đi đến kết luận. Khi nhìn thấy rõ ràng dòng luân hồi như thế, ngài nhận ra quy luật nghiệp, nhân - quả, hiểu mình và hiểu vũ trụ.
Có dữ liệu, ngài đủ cơ sở kết luận được insight, chính là Tứ Diệu Đế & Khổ - Vô Thường - Vô ngã mà sau này ngài giảng dạy.

KẾT LUẬN ĐƯỢC GÌ?

1. Đức Phật không phủ nhận những vị thầy & pháp môn khác trên con đường của ngài như nhiều người lầm tưởng. Chính những kinh nghiệm này là nền tảng để ngày đạt được mục tiêu tối thượng. Chính những kinh nghiệm này là phương tiện để ngài giải thích chân lý cho nhiều loại người khác nhau.
2. Giác ngộ không phải là điều gì thần bí, nó chỉ là quá trình khai mở những giác quan tiềm ẩn để nghe, thấy, hiểu những gì mà giác quan, trí não bình thường không làm được. Sau đó thì đưa ra kết luận từ những gì đã tự mình chứng nghiệm.
3. Quá trình tu tập là quá trình trải nghiệm mọi thứ để tìm ra phương pháp phù hợp. Quá trình này mang tính giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có một pháp môn phù hợp. Mỗi người mỗi khác.
4. Đức Phật không bắt đầu hành trình với mục đích thoát khổ, Ngài truy tìm trí tuệ. Thoát khổ là “bonus” thôi.
5. Trên này là tổng kết từ quan điểm cá nhân. Mọi người có thể tin, hoặc không tin. Thấy phù hợp thì có thể chia sẻ, không thì thôi.
Chúc những người có lòng rồi sẽ tìm thấy điều mình cần tìm. Hẹn gặp nhau ở đích đến.

MỘT SỐ COMMENT CHẤT LƯỢNG ĐỂ MỞ RỘNG VẤN ĐỀ

Mình có post bài ở một số diễn đàn, sau đây là vài comment chất lượng của các bạn khác, xin trích ra đây để mở rộng góc nhìn hơn.
Nếu nói về những người thầy thì đức Phật có nhiều hơn 2 người Thầy ! Bao gồm cả những vị thầy dạy văn học, chiêm tinh, võ nghệ và thuật trị nước cho đức Phật lúc còn là thái tử.
Thứ 2, duy vật luận đã được đức Phật học từ hồi làm thái tử, bởi lẽ để trị vì 1 nước đặc biệt là 1 quốc gia có hệ thống tín ngưỡng phức tạp như ấn độ thì việc tập trung vào tìm hiểu tín ngưỡng là thứ được đề cao ngay từ khi làm thái thử. Và trong thời gian trước khi gặp 2 vị thầy tâm linh đức Phật đã gặp rất nhiều vị trường phải duy vật ntn. (Bạn có thể đọc thêm “Một cuộc đời 1 vần nhật nguyệt” – cụ Giới Đức).
Thứ 3, là thắc mắc của mình. Bạn nói đức Phật đi tìm cầu trí tuệ chứ k phải là mục đích thoát khổ ? Vì sao ? Giai đoạn nào trong lịch sử đức Phật nhắc đến việc ngài tìm cầu trí tuệ thay vì thoát khổ. Nếu quan điểm tìm mục đích thoát khổ ra rõ ràng có dẫn chứng : 1. Lễ hạ điền năm ngài 12t và đã chứng kiến cảnh khổ của các loại sâu bọ bị trâu bò dẫm đạp. 2. Lần dạo 4 cổng thành trước khi quyết định đi tìm lý tưởng giải quyết nỗi đau cho tha nhân.


Có 3 con đường để thành tựu được giác ngộ. 1. Dùng trí tuệ 2. Dùng Giới hạnh 3. Dùng niềm tin. Đức Phật đã từng nói Ngài đi theo con đường trí tuệ và ngài đã mất 2 a tăng kì 100k đại kiếp còn 2 cách kia thậm trí còn nhiều hơn gấp đôi và gấp 3. Đây là lý do tại s đức Phật đề cao trí tuệ vì đơn giả đó là pháp tu của ngài thành tựu, con đường ngài chọn.
À tất cả thứ mình nói đều trên tinh thần Nikaya trước thời kì Độc Tử Bộ phát triển.
Mọi người đuổi theo cái gọi là sử liệu và cho rằng nó đúng mà quên mất để đánh giá 1 tôn giáo ngoại trừ tính sử liệu còn phải nói đến nền tảng giáo lý cụ thể là.tinh thần “Tuỳ Duyên Bất Biến” của đạo Phật.

Và tôi xin phép được thêm vào 2 chi tiết mà tôi biết được:
1. Vị thày đầu tiên của đức Phật chính là hóa thân của nhiên đăng cổ Phật (vị Phật có sẵn trong tự nhiên), để giúp đức Phật hoàn thành sứ mệnh tại kiếp sống này.
2. Tại thời điểm đức Phật quyết định rời bỏ các vị thày để tự mình tìm đường tu đạo, khi đó không chỉ có một mình đức Phật mà còn có thêm 5 vị đồng môn nữa cũng đi theo ngài. Tuy nhiên sau đó họ đều bỏ cuộc, và cuối cùng, khi đức Phật đã tu thành công, ngài đi tìm lại 5 người bạn đồng môn cũ để chia sẻ và 5 người đó đã trở thành 5 đệ tử đầu tiên của đức Phật, góp phần vào công cuộc truyền bá Phật giáo ra công chúng.
Đó là lý do tại sao có bức tranh Phật ngồi giảng đạo cho 5 người trong rừng.