"Tại con bị out ra mấy lần nên con không vào lớp nữa!" - đứa cháu nhỏ của mình vừa nói vừa nức nở, khi mẹ nó đi làm về và đánh cho nó một trận vì "trốn học online"
(nguồn: Báo Thanh Niên)
(nguồn: Báo Thanh Niên)
Mình mới quay lại Hà Nội hôm 22/9, sau gần 3 tháng về quê "nghỉ hè" bất đắc dĩ. Đợt đó mình phải về quê làm một số giấy tờ cho công việc, giấy tờ thì cũng xong xuôi cả, mình nghĩ bụng, thôi ở nhà thêm vài hôm, có mấy khi được nghỉ ngơi đâu. Có ai ngờ dịch nó bùng lên, Hà Nội đóng cửa chống dịch, thế là ở nhà dài hạn luôn. Mãi cho tới ngày 21, Hà Nội gỡ bỏ giấy đi đường, nới lỏng giãn cách, mình mới quay về được.
Bộ máy tính mới cứng sắm đợt trước dịch của mình được trưng dụng cho đứa nhỏ học online, còn đứa lớn thì dùng máy của bố mẹ. Nhưng bất cập là ở chỗ, Hà Nội nới lỏng giãn cách, đồng nghĩa một vài ngành nghề cũng quay trở lại hoạt động. Thế là cả bố lẫn mẹ đều phải đi làm, bàn giao lại 2 đứa, một đứa vừa lên lớp 1, một đứa lớp 4 cho mình trông nom.
Ngày đầu tiên "trông trẻ" trôi qua tốt đẹp, bài tập được giao hai đứa nhỏ cũng hoàn thành. Nhưng hóa ra cũng chỉ là sự bình yên trước cơn giông bão. Sáng nay Hà Nội mưa, internet cũng vì thế mà chập chờn theo. Đăng nhập vào lớp học cho cả 2 đứa xong, mình chạy ra chợ Nghĩa Tân mua ít đồ về nấu cơm trưa, loanh quanh cũng gần tiếng đồng hồ. Quay về nhà cũng vừa đến giờ nấu cơm, thế là lội vào bếp luôn, chẳng kịp chạy lên tầng coi xem 2 đứa từ sáng đến giờ học hành thế nào.
Hơn 12 giờ trưa mẹ chúng nó về, mặt nó hầm hầm(mình gọi là "nó" vì đó là cháu của mình, kiểu theo vai vế á, chứ nó năm nay 28 tuổi rồi, hơn mình 5 tuổi cơ): - Thằng Đức đâu, mày xuống đây ngay! Ông con lật đật chạy xuống, chưa kịp thanh minh gì thì đã bị mẹ "quật" liền 2 phát vào đít: - Tao dặn mày ở nhà học như thế nào, biết từ sáng đến giờ cô giáo mày gọi điện cho tao bao nhiêu cuộc không? Học thì không học, tao hỏi mày từ sáng đến giờ mày làm cái gì! Cứ sau một câu, mẹ Đức lại phát cho 1 cái. Thằng nhỏ điếng hồn, chỉ dám mếu máo: - Tại con bị out ra mấy lần nên con không vào lớp nữa - Mày bị out thì mày phải bảo với ông Việt Anh chứ, đây mày im ỉm như không có gì, thế là thế nào! - Nhưng mà ông đi chợ mà, con có biết gọi hỏi ai đâu
Vậy là thằng lớn ăn cơm trưa chan nước mắt.
Đến chiều thì mình trông cho đứa nhỏ học, còn đứa lớn thì chiều làm bài tập. Thắng năm nay mới vào lớp 1, vốn đã quen đi chơi, giờ bị bắt ngồi một chỗ học, trả lời bài với cô giáo, thỉnh thoảng cu cậu lại giơ tay xin phép cô cho đi vệ sinh, lúc khác lại xin đi lấy cốc nước, lúc thì ngọ nguậy kêu mệt. Mình ngồi trông đến khổ.
Mãi tối muộn hai vợ chồng mới đi làm về. Ăn uống qua loa một hồi, hai bố mẹ chia nhau: Mẹ thì kiểm tra bài thằng nhỏ ở tầng 2, bố thì kiểm tra bài thằng lớn trên tầng 3. Phòng mình thì ở tầng lửng, nên khi đang gõ tới những dòng này là lúc mình được nghe tiếng của cả hai vợ chồng đang quát con, một lúc sau lại quay qua dỗ ngon dỗ ngọt làm nhanh lên để còn chụp ảnh lại gửi cho cô giáo rồi đi ngủ. Bố thì làm bên chuyển phát nhanh, cả ngày trời rong ruổi ngoài đường, mẹ thì làm ở hiệu tóc, gỡ giãn cách một cái là dân tình đổ xô đi cắt tóc, gội đầu, cả ngày không hết việc.
Chờ bố mẹ đi ngủ hết, thằng Đức lại chạy xuống phòng mình rủ lắp nốt bộ lego. Nhìn thằng bé phờ phạc đi vì chuyện học, mình bỗng thấy, trong thời gian dịch bệnh như thế này, người đi làm đã khổ, nhưng con trẻ phải ở nhà học qua cái màn hình máy tính còn khổ gấp nhiều lần. Chúng nó đang tuổi ăn tuổi lớn, nếu không vì dịch bệnh mà chôn chân ở nhà, ít ra chúng còn được tới trường, vẫn có giờ ra chơi để nô nghịch với bè bạn. Khổ hơn cả là bọn nhỏ mới vào lớp 1, là lớp học đầu tiên trong đời, nhưng ấn tượng sẽ theo chúng đến mãi về sau này lại là những lớp học online, triền miên và mệt mỏi không biết tới khi nào mới chấm dứt.
Hà Nội đang đề xuất ý kiến sẽ cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học vào tháng 11, nếu như kịch bản kiểm soát được dịch bệnh trở thành hiện thực. Dĩ nhiên là kịch bản đó đang có dấu hiệu khả quan, khi thành phố đã đạt được độ "phủ" nhất định lớp kháng thể khi hơn 90% người dân đã được tiêm chủng vaccine tối thiểu 1 mũi. Nhưng đó đều là phần trăm dân số có độ tuổi trên 18, và số trẻ em chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine vẫn còn rất nhiều. Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, chính vì vậy, trước khi con số ca nhiễm mới trở về "zero", việc cho các em quay trở lại trường học luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ấy là còn chưa kể, trẻ em cũng chưa có được ý thức về dịch bệnh như người lớn, khi tới trường, làm sao có thể đảm bảo các em sẽ luôn luôn tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người,... Đó là những vấn đề nổi cộm vô cùng nan giải mà những người làm quản lý sẽ phải lưu tâm rất nhiều.
Nhưng tiếp tục để cho trẻ em học tại nhà như hiện nay thì còn quá nhiều bất cập: - Phụ huynh cũng bắt buộc phải đi làm, nên không thể ở bên cạnh trông coi và đốc thúc cho việc học của con cái. - Con trẻ được tiếp xúc với những thứ đồ công nghệ như máy tính, laptop, điện thoại thông minh sẽ rất dễ mất tập trung. - Đường truyền internet không ổn định sẽ rất dễ khiến cho một lớp học bị gián đoạn. Như ví dụ cụ thể là trường hợp của cháu mình sáng nay. - Học online cũng khiến cho việc tương tác xã hội của trẻ em bị ảnh hưởng, do chúng đang trong quá trình hình thành tư duy và nhận thức về Thế giới xung quanh.
Tổng kết lại: Sau hơn một năm phải đối mặt và chống chọi với COVID-19, chúng ta có thể vẫn đang hoàn thành tốt ở một khía cạnh nào đó, nhưng sự bất cập của giáo dục trong mùa dịch vẫn còn đó, và nó có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn rất nhiều nếu như không có một quyết sách cụ thể hay một chương trình học hiệu quả hơn hiện tại. Sau cùng, trẻ em luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những sự thay đổi của Thế giới, đừng bao giờ lơ là, rồi khi dịch bệnh qua đi, nhìn lại, chúng ta sẽ phải đối diện với hậu quả to lớn hơn rất nhiều.