Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Việc đánh đồng Sci Fi (tức khoa học viễn tưởng) với truyện vũ trụ/công nghệ lại là một lầm tưởng phổ biến, thế nên trong bài này, mình sẽ điểm qua về độ rộng của dòng để mấy bạn mới có tí kiến thức nền, còn mấy bạn cũ đỡ thấy chán.
Sci Fi có thể được định nghĩa là những câu chuyện bịa dựa trên nền tảng khoa học, hoặc trên nền tảng các sản phẩm do khoa học tạo thành (tức công nghệ đấy).
Nhưng “khoa học” rộng lắm.
Cực rộng.
Điểm sơ sơ thì nó có 3 nhóm chính sau:
1) Khoa học hình thức: về cơ bản là những thứ mang tính lý thuyết thuần túy, không nhất thiết phải đem ra so với hiện tượng thực ngoài đời nào. Ví dụ bao gồm lôgic học, đại số học, hình học, lượng giác học…
2) Khoa học tự nhiên: nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên, hay nói nôm na là những gì nhìn thấy và sờ mó vào được. Ví dụ bao gồm vật lý, hóa học, sinh học, thiên văn học...
3) Khoa học xã hội: nghiên cứu về hành vi và xã hội của con người. Đây là những thứ mang tính “Khối C” cao, khối thường hay bị lầm tưởng là dành cho đám “dốt” khoa học ấy <(“). Ví dụ bao gồm ngôn ngữ học, chính trị học, khảo cổ học, tâm lý học, kinh tế học…
Mỗi một nhóm có đến hàng chục mảng nhỏ, và mỗi mảng nhỏ đó đều chia ra thành cả trăm ngành nghiên cứu khác nhau. Mọi người có thể xem qua một bảng liệt kê các ngành của riêng mình thằng xã hội ở đây để thấy nó khổng lồ đến thế nào (lưu ý là nó còn chưa nói đủ đâu đấy nhé): https://en.wikipedia.org/wiki/Outline_of_social_science
Khoa học tự nhiên thường là thứ hay được thiên hạ nghĩ đến nhiều nhất khi nghe đến chữ “Sci Fi”, đặc biệt là vũ trụ các kiểu, bởi vì nghe nó đầy cao siêu. Ngay cả truyền thông cùng các tác giả cũng thích cho vũ trụ vào vì nó nổi, dễ hút khách. Nhưng cái vũ trụ đó chỉ cấu thành một phần rất nhỏ. Tất cả những ngành trên đều có thể làm cơ sở cho những câu chuyện hay. Công viên Kỷ Jura của Michael Crichton là xây dựng dựa trên sinh vật học, khảo cổ học, và thuyết hỗn mang; Flatland của Edwin A. Abbott (các truyện chưa dịch sẽ lấy tên gốc) thì là toán học căn bản; Omnilingual của H. Beam Piper là ngôn ngữ học; The Egg của Andy Weir thì là thần học; Children of Time của Adrian Tchaikovsky là lịch sử học và sinh học tiến hóa; Sleeping Giants của Sylvain Neuvel là địa chất học;…
Bên cạnh đó, anh em cần lưu ý rằng Sci Fi là các câu chuyện DỰA TRÊN khoa học, chứ không phải là XOAY QUANH khoa học. Tất nhiên, cũng có những tác phẩm đặt trọng tâm là giới thiệu kiến thức hoặc đề cao khoa học, chẳng hạn như Người về từ Sao Hỏa của Andy Weir với Tam Thể của Lưu Từ Hân có thể gọi là “science porn” thuần túy. Nhưng hầu hết các tác phẩm Sci Fi đều có trọng tâm nằm ngoài khoa học. Xứ Cát của Frank Herbert mặc dù đầy tàu bè vũ trụ với lá chắn năng lượng nhưng thực chất lại là một diss track dành cho Hassan-i Sabbāh, cảnh báo về hiểm họa của thủ lĩnh tôn giáo. Trạm tín hiệu số 23 của Hugh Howey cũng chiến tranh ngoài hành tinh, bắn nổ ầm ầm, nhưng nó xoay quanh chấn động tâm lý mà chiến tranh để lại. Tương tự với nó, The Forever War của Joe Haldeman cũng bài kích chiến tranh, thể hiện sự vô nghĩa của nó cũng như cảm giác lạc lõng của những người sống sót trở về. Thế giới Mới Tươi đẹp của Aldous Huxley thì có công nghệ “gò” thai cho hợp nhu cầu xã hội và thuốc phê tận nóc nhà, nhưng là một bài luận phân tích về xã hội con người. Hoa Trên Mộ Algernon của Daniel Keyes thì chỉ dùng đúng một “giọt” khoa học bé tí thôi, còn đâu thì xoay quanh bản chất của hạnh phúc và cái giá của trí tuệ. 451 độ F của Ray Bradbury thì chắc khỏi cần giới thiệu nữa rồi…
-----
Bài đăng gốc: