Hình chụp artbook “Lam Mộc Kỷ - Vol1” | Dự án Việt Sử Kiêu Hùng
Donate để nhận sách này tại www.vietsukieuhung.com
Chào các anh chị em nhà Nhện, có nhiều bạn bè hỏi mình kinh nghiệm tự xuất bản sách theo dạng cá nhân hoặc dự án nhỏ mà không cần thông qua các công ty sách, nên sẵn đây mình viết bài chia sẻ với anh em luôn. Với tinh thần “Đuốc Mồi”, hy vọng bài viết này có thể truyền lửa cho những ai còn đang ấp ủ xuất bản những tác phẩm tâm huyết của mình.

1. Xác định rõ từ đầu: In để làm gì?

Vì mục đích xuất bản sẽ quyết định toàn bộ quá trình làm sách, từ khâu thiết kế luôn chứ không phải là chỉ ở khâu gia công.
Ví dụ: Bạn in sách ảnh hoặc artbook thì thường để trải nghiệm đọc tốt nhất là in khổ vuông hoặc khổ ngang (landscape), hoặc khổ dọc (portrait) thì phải size giấy phải to. Rồi lúc dàn trang (layout) sẽ có những kỹ thuật khác nhau. Rồi đến lựa chọn chất liệu…
Về phần mình, mình từng in 2 quyển, mỗi quyển in 1000 bản (phiên bản giới hạn). Cả hai đều là artbook của dự án Việt Sử Kiêu Hùng. Mục đích là để tặng tri ân cho người đóng góp. Vậy nên mình phải cố gắng làm sao để chất lượng sách xịn nhất trong chi phí cho phép.
Tới quyển thứ hai, mình tự tin đây là quyển tiểu thuyết lịch sử hoàn thiện đẹp nhất ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. (Nếu bạn nào thấy quyển nào xịn hơn, xin comment thông tin để mình tìm mua và nghiên cứu học hỏi nhé.)
Bởi vì mục đích của mình là tặng tri ân những người đã đồng hành cùng dự án, không phải là kiểu “trả nợ cho xong” nên mình đã nghiên cứu rất nhiều, và ở đây sẽ chia sẻ toàn bộ với các bạn. Bài sẽ hơi dài, bạn có thể đánh dấu lại để khi cần thì mở lại xem.

Đọc thêm:

Artbook để tri ân thì phải đẹp, chớ hông phải kiểu trả nợ cho xong nhen!

2. Nội dung sách và vấn đề kiểm duyệt

Toàn bộ các sản phẩm in ấn số lượng lớn ở Việt Nam đều phải thông qua kiểm duyệt. “Số lượng lớn” là bao nhiêu thì tùy định nghĩa của “nhà in”, nhưng chủ yếu là cột mốc 1000 bản.
Vì sao cột mốc là 1000 bản?
- Vì các máy in offset đều bị quản lý rất chặt. Mà công nghệ máy này thì mỗi lần chạy là tối thiểu 1000 bản. Loại này vẫn rất phổ biến, đơn giản vì GIÁ IN RẺ.
- Nếu bạn chọn in bằng kỹ thuật số thì không giới hạn số lượng. Vì máy kỹ thuật số in 1 bản cũng vẫn in được. Cho nên một số nhà in có thể “lách” bằng cách ngắt ra nhiều phần. Tất nhiên, giá cao hơn.
Team biên kịch của tụi mình gồm 11 người, tốn hơn 1 năm để hoàn thành cốt truyện Lam Mộc Kỷ, và giờ mới chỉ in được vol 1 (còn 4 cuốn nữa chưa in)
Tuy nói là có thể lách, nhưng nếu sách của bạn có nội dung quá nhạy cảm, thì cũng không có nhà in nào dám nhận (trừ khi bạn trả rất rất nhiều tiền, đủ để họ bù rủi ro). Không thì bạn tự mua máy in kỹ thuật số về mà in. Mà sau khi in xong mà phát hành nội dung không qua kiểm duyệt sẽ là phạm pháp nhé. Cho nên hãy cân nhắc về nội dung của bạn thật kỹ. Đề nghị: 100% nội dung nên gửi đi xin giấy phép hết cho chắc.
*Ghi chú nhỏ: Sách có nội dung tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Trung Quốc thì sẽ kiểm duyệt gắt gao hơn. Khó hơn. Sách có bản đồ địa lý thì kiểm duyệt rất khó, đặc biệt là bản đồ Việt Nam.
Mình biết rất nhiều bạn muốn “thể hiện chân thực” nhưng bạn nên nhớ là “Chợ Lớn không có bụi đời” nhé. Đùa vậy thôi. Nhưng giới hạn kiểm duyệt sẽ khó thông qua những nội dung đả phá chính trị, công kích tôn giáo, dâm dục, và các nội dung nhạy cảm khác. Cho nên, hãy cẩn thận với quyết định của mình. Nếu đã không được cấp phép mà còn cố in chui thì dễ vô tù ngồi viết tiếp phần 2 lắm.

Đọc thêm:

Artbook Đa Bang (đã hết) dù cố tối giản nhưng vẫn phải đủ tên tác giả, tên sách, logo NXB
Cách lách luật: [Tên tác giả: Việt Sử Kiêu Hùng | Tên tác phẩm: Artbook 16+]
Quy trình cấp giấy phép:
- Gửi bản in nháp: Bạn in 1 bản (hoặc 2, tùy NXB yêu cầu), chỉ cần in A4 trắng/đen là được, rồi gửi sang cho NXB kèm với thông tin bao gồm: Thông tin người xin cấp phép: các thông tin trên CMND, địa chỉ, số điện thoại; Tên sách, tên tác giả (hoặc bút danh); Số lượng in; Thông tin nhà in (bạn phải tìm nhà in trước khi được cấp phép)
- Kiểm lỗi chính tả: Sẽ phải theo chuẩn chính tả từ người có nghiệp vụ. Các NXB đều kiểm tra rất kỹ lưỡng và rất chuẩn. Họ sẽ đánh dấu từng vị trí 1, từ từ một và gợi ý cách sửa cho bạn luôn. Mình thấy đáng tiền nhất là ở phần này (đặc biệt với các mod Tinh Tế chắc người ta phải tính phí gấp ba. hehe).
- Kiểm tra nội dung: Cái này đúng là tùy vào nội dung. NXB có thể thấy nó “không phù hợp” và đề nghị sửa. Sau khi sửa xong thì tác phẩm của bạn không còn là của bạn nữa luôn. Như kiểu bạn bày một đĩa đồ ăn đẹp mắt chưa kịp chụp đăng instagram thì mỗi đứa chọt vào một đũa. Cái này nếu bạn thấy bực thì tìm NXB khác mà xin thôi. Tùy khả năng thuyết phục của bạn nha.
Cả 2 quyển artbook, tụi mình đều gắn mác [16+] để cảnh báo về nội dung. Nhưng vẫn phải sửa vài thứ khá bực mình về phần nội dung.
Chi phí giấy phép:
- Tùy vào số lượng in, thể loại sách, độ dài, độ chi tiết, hàm lượng học thuật,…
- Mỗi NXB sẽ có mức giá khác nhau, tùy vào “tên tuổi” và uy tín. Tức là “khả năng bảo kê” về nội dung. Ví dụ đắt nhất cả nước chắc là NXB Trẻ, mình nhớ là lên tới 15% giá bìa luôn (cắt cổ).
- Muốn in thêm thì xin giấy phép tiếp. Tái bản không chỉnh sửa thì giá giấy phép cũng có “discount” xuống một xíu, nhưng cũng không đáng bao nhiêu.
- Ví dụ tham khảo: Sách tụi mình làm thuộc thể loại tiểu thuyết lịch sử, có minh họa nhưng không có bản đồ địa lý, in 1000 bản, xin giấy phép của NXB Văn Hóa Văn Nghệ, thì chi phí trong khoảng 2-3 triệu.
Thời gian cấp phép:
- Thông thường là 20 ngày, tùy nhiều yếu tố.
- Các yếu tố quyết định thời gian: Nhiều lỗi chính tả không? Có sửa gì về nội dung không? Có cần thêm người đứng tên bảo chứng nội dung không? Vân vân… Rồi tất cả trên cả nước đều sẽ được chuyển về Hà Nội để chốt.
Nộp lưu chiểu:
- Giấy phép kèm hợp đồng in 3 bên: Bạn – NXB – Nhà in.
- Sau khi xong giấy phép. Bạn in xong thì gửi lại cho NXB từ 15-20 cuốn (tùy bên yêu cầu) để nộp lưu chiểu, kèm với hợp đồng của nhà in ký hết.
- Xong.
Chia sẻ này còn nhiều giới hạn, mọi người bổ sung luôn nhé!

3. Thiết kế cực kỳ quan trọng: Tốt nhất là nên thuê!

Mình thấy nhiều tác giả chỉ quan tâm tới nội dung, rồi lúc in sách thì quăng cho nhà in tự dàn trang, tự làm hết. Ra một cuốn sách như kiểu đập vào mặt người xem. Dàn trang, font chữ các kiểu… thấy rõ sự cẩu thả, không có tâm.
Hầu hết những người in sách ở dạng cá nhân thì đều sẽ đem tặng kha khá. Đã là đem tặng thì phải khiến người nhận cảm thấy được trân trọng. Và nó thể hiện rất nhiều ở ấn tượng đầu tiên: Thiết kế và Gia công.
Yêu cầu về thiết kế:
- Đúng ý đồ của người làm sách. Bạn phải đặt câu hỏi tại sao ở mọi chi tiết, tức là mọi thứ phải có mục đích chứ không phải làm đại cho xong, đặc biệt là hình minh họa.
- Không được “ngắt nhịp đọc”. Ví dụ như đang đọc đến đoạn gay cấn thì chèn vào cái khung “trích dẫn to đùng” hoặc một cái hình méo liên quan. Hoặc là xuống dòng/qua trang không đúng chỗ làm tuột mood của người đọc.
- Nên cân bằng giữa trải nghiệm đọc và trải nghiệm xem hình nếu là loại sách có hình minh họa như mình làm. Tụi mình cố gắng đạt tỉ lệ 1:1 giữa hình và chữ để người đọc không cảm giác “nhìn ngán”.
- Chú ý bản quyền của toàn bộ font chữ, các hình minh họa. Nên dùng Google Font free.
Vì phần lớn mọi người đều ngán chữ, nên tụi mình cố gắng làm sách cân bằng giữa hình và chữ, tỷ lệ tiệm cận 1:1
Các vấn đề về thiết kế:
- Cách thiết kế sẽ quyết định luôn cách gia công. Ví dụ bìa cứng cán vàng sẽ khác với in cấn nổi. Hoặc bìa cứng có bìa áo đính kèm như mình làm sẽ khác với bìa mềm có tai gấp.
- Cần người có kinh nghiệm làm việc với mảng in ấn, vì bản thiết kế có thể đẹp trên máy tính, nhưng khi in ra thì bị sai màu, bị “cắn viền”, và đủ thứ khác. Có nhiều loại giấy hút màu rất ghê, nên in sẽ hoàn toàn khác.
- Tùy nhà in và cách in mà “bù trừ cắt” (bleed) khác nhau. Nếu không thì nội dung của bạn sẽ bị xén mất trong lúc sản xuất.
Tóm lại, thiết kế là vấn đề quyết định cuốn sách sẽ được hiện thực hóa như thế nào. Nó còn bao gồm luôn cả hộp đựng, vận chuyển, bookmark,… vân vân.
Nếu là quyển đầu tiên, nên thuê designer có tâm, tỉ mỉ, chịu khó ngồi sửa với mình, đi test với nhà in. Và quan trọng là: HÃY SẴN SÀNG TRẢ THÊM TIỀN CHO DESIGNER! Đừng mong đợi cái gì tốt mà rẻ!
Chú ý cả chuyện chụp hình sách sao cho đẹp nữa nhen. Cái này tụi mình đem vào studio chụp luôn.

4. Chọn cách sản xuất: Từ chất liệu tới công nghệ

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là: Tìm nhà in chịu khó tư vấn.
Làm sao để tìm nhà in? Đơn giản nhất là bạn vào nhà sách, tìm quyển nào gần giống với cuốn sách mà bạn muốn nhất, lật ra phía sau xem nhà in nào gia công, rồi đem cuốn đó đến gặp họ luôn. Vậy sẽ rất dễ trao đổi. Từng câu hỏi ở phần tiếp theo sẽ quyết định chi phí in sách.
Hầu hết máy in ở Việt Nam là máy in cũ, mua lại từ Trung Quốc, và công nghệ cũng cũ luôn. Vậy nên bạn thấy artbook xịn có giá tiền triệu hầu như đều Made in China. Ở Việt Nam tìm được nhà in làm được artbook xịn thì phải nói là đỏ con mắt. Có rất nhiều tiểu tiết khác biệt, ai sở hữu artbook vài triệu một cuốn thì đều biết.
*Chú ý: Các nhà in chỉ báo giá cho bạn khi bạn đã có bản thiết kế final.
Những chi tiết của một cuốn sách bình thường:
- Khổ sách: Khổ quy chuẩn hay phá cách? Khổ sách thông thường hay là “khổ lạ”?
- Bìa: Cứng hay mềm? Nếu bài cứng thì dùng ván hay carton lạnh? Có bìa áo không? Có ruy băng hay nhãn tag gì không? In ép kim không? Có in nổi không? Tráng UV định hình không? Vân vân…
- Gáy: Mở phẳng, may chỉ, hay là dán keo? Có cần dây bookmark ko? Dán vải không?
- Ruột: Bóng hay mờ? Có dùng giấy mỹ thuật không? Giấy xốp hay đặc?
- Tờ gạt: Là tờ dán bìa cứng với phần ruột bên trong, chọn giấy gì, dày hay mỏng, có in gì không?
- Có pha trộn các loại giấy không? Ví dụ như trong cuốn sách có xen vài trang hình?
Chú ý: Quy định yêu cầu trên bìa phải có đầy đủ tên tác giả, tên sách, logo NXB. Vậy nêu nếu bạn muốn làm bìa tối giản, bạn phải làm thêm 1 cái bìa áo với đầy đủ thông tin theo quy định. Và tụi mình cũng làm như vậy.
Artbook của tụi mình làm 100% giấy mỹ thuật. Bìa cứng bằng gỗ chứ không phải bằng carton lạnh, giúp sách cứng cáp hơn, ko bị cong theo thời gian. Thiết kế tối giản, ép nhũ vàng huy hiệu ở bìa và gáy. 
Ảnh chụp zoom cận logo được ép nhũ trên giấy mỹ thuật có sẵn texture tự nhiên
Bìa áo giấy bóng course 300gr, phủ UV định hình. Tờ gạt là giấy nhũ kim 300gr. Ruột là giấy mỹ thuật từ cây sợi gai, có vân tự nhiên, 220gr. Gáy may chỉ, mở phẳng. Kích thước 18x26cm, portrait.
Đặc điểm của sách “tiền triệu” mà Việt Nam chưa tìm được chỗ làm:
- May gáy: Mũi kim cách đều nhau, thường là từ 12 lỗ kim trở lên, có khi lên tới 24 mũi. Mình tìm hoài vẫn chưa thấy chỗ nào may gáy sách được kiểu này. Có quyển “Lĩnh Nam Chích Quái” (bản kỷ niệm của NXB Kim Đồng) có may đều được như thế này, mà mình chưa hỏi được là họ có may được dày hơn không? Vì mũi may dày sẽ giúp cuốn sách cứng cáp, dùng lâu không bị xộc xệch và cái lỗ kim nó to chà bá ra.
- Công nghệ in khác: Ép kim phẳng như gương ở 3 cạnh, in 3D (giống tem pin Nokia ấy), in biến màu, in tàng hình…
- Các chi tiết gia công cao cấp: Bọc da, cán lá vàng, đóng cạnh đồng, chạm khắc bìa, vẽ lên cạnh sách, pop-ups, các chi tiết sáng tạo khác dán vào trong sách.
Để tối ưu chi phí, người ta thường chọn kiểu in offset, mỗi block là 1000 bản. Nhưng bạn cũng có thể in vài trăm bản tặng bạn bè gì đấy thì in kỹ thuật số cũng được, nhưng đắt hơn. Chú ý là in kỹ thuật số sẽ là các hạt nhựa được nung nóng rồi bắn lên trên bề mặt giấy, nó sẽ làm cho bề mặt trang giấy bị bóng.
 Dưới đây là video về cách vẽ cạnh ngang của một cuốn sách

5. Những vấn đề khác: Đồ đi kèm, tỷ lệ hư hỏng, yếu tố độc lạ…

Tùy vào khổ giấy bạn chọn, có thể bạn sẽ được “dư giấy” để làm 1 mớ đồ miễn phí, như bookmark chẳng hạn. Đôi khi là dư cả giấy làm postcard luôn. Cái này nhà in sẽ tư vấn cho bạn.
Vận chuyển: Hộp dày cứng như kiểu tiki? Hay là cuộn? Hay là phong bì có lót xốp bong bóng? Cái đống này cũng tốn kém đó. Và thường phải làm riêng so với sách.
Rồi tiếp đó là bạn có tặng gì kèm sách không? Ví dụ: Poster, móc khóa, và ti tỉ thứ nhỏ nhỏ ăn theo sách dành cho fan ruột chẳng hạn.
Tỉ lệ hư hỏng: Mình hỏi bạn bè các kiểu, cả mấy quyển của Spiderum nữa, đó là khi in ấn, kiểu gì cũng hư hỏng rất nhiều. Lên tới tầm 5-10% luôn ấy. Cho nên bạn phải tính số lượng trừ hao nữa, chứ không phải tính vừa đủ là xong nha. Artbook mình làm yêu cầu cao, nên hư hỏng cũng nhiều (gần 15%).
Để hoàn thành một quyển sách mình hài lòng thật sự rất mệt. Mà làm ra hài lòng được thì tự hào vl.

LỜI KẾT

Việc đọc sách đã ít, đọc sách vật lý lại cũng ít. Nhưng trải nghiệm cầm một quyển sách giấy trên tay vẫn là trải nghiệm đọc sách tự nhiên nhất, tuyệt vời nhất. Cảm giác ngửi mùi giấy, sờ trên bề mặt giấy, lật giở từng trang… Đó đều là những thứ kích thích trẻ em yêu quý sách hơn, người lớn trân trọng sách hơn. Và sách càng đẹp, càng xịn thì người ta càng trân trọng nội dung bên trong đó hơn.
Chúc tác phẩm của các bạn sớm được hiện thực hóa và đến tay những người xứng đáng! Còn gì thiếu sót mong các bạn đóng góp thêm ý kiến để mọi người cùng học hỏi nhé! Xin cảm ơn!
---------
Nếu bạn thích quyển artbook trong bài,
bạn có thể donate để nhận sách ở đây:
www.vietsukieuhung.com

Cảm ơn bạn rất nhiều!