img_0
Lời tựa: Hiện đã có khá nhiều các bài viết về các biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của MXH lên đời sống cá nhân. Tuy nhiên mình tin rằng những bài viết ấy đang ở phần ngọn, và chúng ta chưa bao giờ thực sự chạm đến gốc rễ của vấn đề, và vì vậy mà các biện pháp giải quyết thường chỉ mang tính tạm thời, không có hiệu quả thực sự.
Ý tưởng cho bài viết này đến từ chương 16 cuốn sách “The age of surveillance capitalism” của bà giáo sư kinh tế học Shoshana Zuboff của Harvard, trong đó nổi bật là đoạn trích sau:
“There is a broad consensus that our extended life spans often require us to revisit the core questions of identity more than once during our lives, but researchers agree that psychological success during emerging adulthood depends on at least some resolution of identity issues as the basis for the shift toward full adulthood. As one research scholar writes, “A prime challenge of emerging adulthood is to become the author of your own life”. Dịch: Hầu hết mọi người đều tán thành việc cuộc đời thường đòi hỏi chúng ta phải tìm lại định nghĩa về cái tôi - bản thể của mình ít nhất một vài lần, nhưng quan trọng hơn là những nhà nghiên cứu tâm lý học cho rằng việc có thể trưởng thành về tâm lý ít nhiều bắt buộc phải phụ thuộc vào khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến cái tôi cá nhân như một bước cơ bản để tiến đến con người trưởng thành. Như một nhà nghiên cứu đã viết: “Một thách thức căn bản cho quá trình trưởng thành là trở thành chủ nhân của cuộc đời mình”.
Khi đọc được những dòng này, mình có cảm giác đây mới chính là trọng tâm vấn đề. Và vì vậy mà mình đã thử tìm về với học thuyết về sự hình thành và phát triển của cái tôi cá nhân, và áp chiếu những quan sát thực tế của mình lên lý thuyết ấy, chú trọng về những ảnh hưởng tác động của MXH. Diễn giải dưới đây là kết quả của quá trình nghiên cứu này. Rất mong nhận được những nhận xét và góp ý của bạn đọc!
Nội dung bài viết gồm 3 phần:
Phần 1: Tóm lược học thuyết phát triển cái tôi cá nhân của Robert Kegan
Phần 2: Tác động của MXH 
Phần 3: Gợi ý giải pháp

Phần 1: Học thuyết phát triển cái tôi cá nhân (the Constructive Developmental Theory) của Robert Kegan

img_1
Một cách ngắn gọn, học thuyết chỉ ra 4 bước của một quá trình phát triển cái tôi cá nhân (self): (1) self-sovereign mind – (2) socialised mind – (3) self-authoring mind – (4) self-transforming mind.
Ở giai đoạn đầu (self-sovereign mind), thường đến trước độ tuổi teen, ví dụ điển hình mà Robert hay dùng là một đứa trẻ tầm 9 10 tuổi nếu phải chọn lựa, nó sẽ sẵn sàng đổi bố mẹ của nó lấy một chai Coca hay một que kem khi trời nóng. Tức là ở mức độ trưởng thành thấp nhất này thì đối với cái tôi cá nhân, không gì quan trọng hơn là những nhu cầu và sở thích của chính bản thân nó.
Giai đoạn thứ hai là chuyển sang socialised mind, tức là khi đứa trẻ bước vào độ tuổi teen, quan tâm nhiều hơn đến những mối quan hệ trong gia đình, với bạn bè, trong cộng đồng, từ đó đi đến cái hiểu rằng các mối quan hệ xã hội không phải chỉ để phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của riêng mình nó. Cộng đồng bây giờ là một phần trong con người nó, với những giá trị, niềm tin, kỳ vọng của những người xung quanh được nó để tâm đến, từ đó điều chỉnh các hành động của mình.
Bước thứ ba là giai đoạn chuyển sang self-authoring mind, tức là khi một đứa trẻ đến độ tuổi trưởng thành (Robert không nói rõ, nhưng mình đoán áng chừng bước này sẽ xảy ra từ 20-30, khi một người bắt đầu phải đưa ra những quyết định quan trọng nhất cuộc đời như sự nghiệp, gia đình, vv.), và hiểu rằng giữa tất cả những cách sống, những giá trị, kỳ vọng xung quanh và của cả bản thân mình, thì cái socialised mind không còn phù hợp nữa. Lúc này, cô/cậu thanh niên ấy sẽ phải xây dựng cho mình một khả năng lùi lại, tự suy nghĩ và đánh giá, để từ đó có thể tự đưa ra được những quyết định, lựa chọn của chính mình. Khả năng tự suy nghĩ và đưa quyết định này được gọi là self-authoring mind.
Và bước cuối cùng, là khi quá trình hình thành self-authoring mind được toàn vẹn, thì một người trưởng thành, với cái tôi cá nhân khỏe mạnh, khi đó có thể đứng vào một vị trí khách quan mà quan sát được cả quá trình ra quyết định của bản thân, để nhận thấy được cả những giới hạn của quá trình ấy, từ đó mà không ngừng mở rộng phạm vi nhận thức của bản thân lên thêm nữa. Cái này là self-transforming mind, và nó sẽ tiếp diễn đến cuối cuộc đời.

Phần 2: Tác động của MXH

Vậy, ảnh hưởng của MXH nằm ở đâu?
Mình cho rằng một trong những ảnh hưởng rõ rệt nhất nằm ở giai đoạn chuyển từ socialised mind lên self-authoring mind. Sự chuyển giao này cần một điều kiện tiên quyết, mà Robert Kegan nhắc đi nhắc lại, đó là “the ability to step back”, tức là khả năng có thể lùi lại và tự suy nghĩ, cân nhắc, suy xét vấn đề, hay thậm chí thực hành phản tư.
Nhưng với tác động của MXH, quá trình này giờ ngày càng khó được hoàn thiện ở các bạn trẻ. 3 yếu tố bất an chính khiến cho các bạn trẻ không thể tự xây dựng cho mình được cái “ability to step back” ấy:
1. Sự rối loạn thông tin:
MXH không có điểm dừng, luôn tải thêm và thêm nữa thông tin, khiến các bạn trẻ luôn cảm thấy mình ở trong một tâm trạng bất an và nỗi lo FOMO. Đặc biệt, các nguồn thông tin trên mạng, vì không thông qua bất cứ một sự kiểm chứng nào, nên có thể cực kỳ đen tối, xấu xí và gây hoang mang (ví dụ như vụ QK7 gần đây).
2. Yếu tố bất an tâm lý từ so sánh "con nhà người ta"
MXH khiến những so sánh bây giờ không còn chỉ là con nhà người ta nữa mà là con nhà người ta ở nước người ta. Phạm vi so sánh toàn cầu này, như chị Phương Mai có nhắc đến trong số "Have a sip" gần đây, tạo thêm rất nhiều áp lực cho các bạn trẻ, và chắc chắn tăng thêm sự bất an trong tâm lý họ.
3. Cái nhìn thiên lệch về cộng đồng và con người
Nhưng, theo mình, ảnh hưởng lớn hơn của MXH thực ra nằm ở cái cộng đồng mà bạn có. Vì để có thể lùi lại và thực hiện việc suy xét trong sự chuyển giao giữa socialised mind với self-authoring mind, bạn cần phải thực sự là một phần của cái cộng đồng xung quanh bạn, một cách trọn vẹn. Tức là bạn phải sinh hoạt cùng cái cộng đồng ấy, giao tiếp thường xuyên, để có một cái nhìn toàn vẹn về những người xung quanh.
Cái này nói thì hơi khó, nhưng chắc mọi người đều hiểu khi ở gần một con người hoàn chỉnh, tiềm thức (sub-conscious mind) của bạn sẽ tiếp nhận một lượng thông tin lớn hơn nhiều so với lý trí (conscious mind) của bạn. Như cách người ta vẫn hay nói mấy người giỏi thường khá dị ấy, tức là hành động, cách suy nghĩ của họ, khi ở gần sẽ khiến bạn hiểu trọn vẹn về con người họ, và từ đó không bị cái yếu tố bất an về việc chỉ biết một vài mặt (quá nổi trội) của họ ảnh hưởng đến tâm lý nữa.
Điểm này mình nghĩ cực kỳ quan trọng, nhưng lại chưa thấy ai bàn đến. Vì chỉ khi bạn có một cái nhìn toàn vẹn về con người, mình nghĩ bạn mới có thể thực sự hoàn thiện được bước chuyển giao quan trọng này mà thôi.

Phần 3: Gợi ý giải pháp

Như đã nói ở đầu bài, có quá nhiều bài viết về cách giảm thiểu tác hại của MXH rồi. Ở đây mình chỉ xin đưa ra 3 gợi ý mà mình nghĩ là quyết liệt hơn, nhưng cần thiết), còn mọi người tự cân nhắc, đánh giá và áp dụng cho bản thân nhé:
_ Cộng đồng: Cần cấm trẻ dưới 14/16 tuổi dùng MXH. Cái này thực ra không nằm ở quyền quyết định của cá nhân, nhưng nếu không thể cải thiện tình hình thì mình nghĩ cần đưa ra biện pháp này và bàn bạc với các cấp.
Cá nhân: dùng News Feed Eradicator - một cái extension trong Chrome. Dùng cái này thì quyền kiểm soát thông tin sẽ hoàn toàn trở về với bạn, khi bạn có thể tự quyết định tìm trang nào/người nào mình muốn check thông tin mới và click vào.
_ Với trẻ em: nếu có thể thì nên khuyến khích chúng chỉ nên kết bạn/theo dõi những ai thực sự có kết nối mà thôi. Trong “Barking up the wrong tree” có bàn về vấn đề này, khi những kết nối từ MXH nếu được hiện thực hóa sẽ có ảnh hưởng tốt, nhưng nếu không hiện thực hóa thành những cuộc gặp, hay ít nhất là nói chuyện online (trên Zoom, Teams, Google Meet, vv.) thì sẽ tác động xấu đến tâm lý.
Kết:
Thực ra mình viết bài này với hy vọng mọi người có thể có được cái nhìn toàn diện hơn về ảnh hưởng của MXH lên các bạn trẻ. Vì khá buồn là một số người cực kỳ hiểu biết mình quen vẫn có những đánh giá: “D’ hiểu sao bọn trẻ bây giờ có thể tự tử được chỉ vì mấy cái MXH”
Và để kết thúc, có lẽ chỉ xin tặng mọi người câu quote mà không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến MXH là mình lại nhớ ngay đến:

"There is no such thing as social media, there is only unsocial media"

- Abhijit Naskar
A Dreamer

Nguồn

Sách:
_ The age of surveillance capitalism” - Shoshana Zuboff
_ Barking up the wrong tree - Eric Barker
Bài nói: