1954-1975: Quốc tế đã công nhận hai nhà nước Việt Nam như thế nào
Thể chế nào mới thật sự đại diện cho Việt Nam? Câu chuyện vốn không hề ngã ngũ vào thời điểm Hiệp định Geneva được ký kết.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa những người Việt Nam khi nói đến cuộc chiến Việt Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975 là về tính chính danh của hai nhà nước ở hai miền Nam - Bắc.
Hai điều khó có thể phủ nhận là: cả hai miền đều có sự ủng hộ riêng từ cộng đồng quốc tế; và kể từ 30/4/1975, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam rồi tiếp đến là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thừa kế hàng loạt quyền và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam Cộng hòa.
Hiệp định Geneva 1954 nhấn mạnh rằng việc tạm thời chia đôi nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17 không đồng nghĩa với việc thiết lập ranh giới lãnh thổ và chính trị giữa hai miền Nam - Bắc. Chính phủ ở cả hai miền đều thể hiện rất rõ ràng điều này tại các bản hiến pháp của họ trong giai đoạn 1954 - 1975.
Từ thời điểm bắt đầu đàm phán Hiệp định Geneva 1954 cho đến khi chiến tranh kết thúc, cả hai chính thể được thành lập trước đó tại mỗi miền đều cho rằng chỉ duy nhất một mình họ là đủ tính chính danh để quản lý cả đất nước, cũng như chỉ có họ là được quốc tế công nhận.
Thế nhưng định nghĩa “quốc tế” của mỗi miền lại không giống nhau. Khi ấy, chính cộng đồng quốc tế cũng chia rẽ thành hai khối, chứ không riêng gì đất nước Việt Nam.
Tháng 1/1950, cùng với Trung Quốc và Liên Xô, các quốc gia cộng sản Đông Âu đều công nhận tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đối với lãnh thổ Việt Nam.
Cũng vào đầu năm 1950, Liên hiệp Pháp công nhận quyền tự trị và nền độc lập của Quốc gia Việt Nam (QGVN), tiền thân của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), dựa trên một số hiệp ước được ký kết trước đó giữa hai nước vào năm 1949.
Đến tháng 2/1950, Anh, Hoa Kỳ và một số nước phương Tây đều công nhận QGVN là thể chế lãnh đạo của nước Việt Nam.
Sau khi VNCH được thành lập vào năm 1955 và thay thế quyền lãnh đạo miền Nam của QGVN, Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây tiếp tục công nhận tính chính danh của VNCH. Đến năm 1966, theo thống kê của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã có 60 quốc gia trên thế giới công nhận chính thể VNCH của Nam Việt Nam.
Một số nước như Ấn Độ, Thụy Điển thì lại theo quy tắc không công nhận cả hai. Tuy nhiên, đến năm 1969, Thụy Điển trở thành nước phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước VNDCCH của Bắc Việt Nam.
Việc công nhận thể chế nào tại Việt Nam mới thật sự đại diện cho cả đất nước vốn không hề ngã ngũ vào thời điểm Hiệp định Geneva 1954 được ký kết.
Ngược lại, cuộc giằng co này kéo dài đến hơn 20 năm sau.
Trong giai đoạn 1954 - 1975, ngoài sự công nhận của các nước trên thế giới chia theo hai cực cộng sản và tư bản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hai nhà nước Việt Nam còn được công nhận theo một số cách khác.
Gia nhập Liên Hiệp Quốc
Trước hết, VNCH đã từng xin tham gia vào Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào đầu thập niên 1950. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, VNDCCH cũng nộp đơn làm thành viên. Tuy nhiên, cả hai đều gặp phải sự phản đối từ thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Chúng ta có lẽ không khó hiểu khi biết rằng Liên Xô đã từng phản đối VNCH tham gia vào LHQ, và ngược lại, Hoa Kỳ phản đối VNDCCH.
Vì những sự phản đối này mà hai chính phủ Bắc - Nam Việt Nam đã khá lận đận với việc đăng ký làm thành viên LHQ trong suốt 20 năm.
Ngày 30/4/1975, chế độ VNCH bị chính quyền của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMN) thay thế, nhưng vẫn giữ vị thế một nhà nước độc lập đối với VNDCCH tại miền Bắc. Điều này được thể hiện rõ qua hai lá đơn xin tham gia LHQ riêng biệt của VNDCCH – Bắc Việt và CHMN – Nam Việt vào năm 1975.
Đến ngày 8/8/1975, Hội đồng Bảo an đã đồng thuận chấp nhận và đề cử với Đại Hội đồng LHQ cho cả hai quốc gia VNDCCH – Bắc Việt lẫn CHMN – Nam Việt được tham gia vào LHQ.
Việc Hội đồng Bảo an đưa ra đề cử với cả hai đơn xin tham gia LHQ của hai nhà nước Việt Nam vào tháng 8/1975 càng làm rõ vấn đề là cả hai chính thể đều được đối xử như nhau và đều được LHQ công nhận.
Sau khi hai nhà nước VNDCCH và CHMN thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam ra đời vào ngày 2/7/1976, Việt Nam mới trở thành một quốc gia với một chính phủ duy nhất. Sau đó, CHXHCN Việt Nam đã chính thức gia nhập LHQ vào tháng 9/1977.
Tham gia với tư cách thành viên của các tổ chức Quốc tế
Có lẽ việc VNCH và VNDCCH đều tham gia làm thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) càng giúp chúng ta phân biệt được Việt Nam đã từng có hai chính phủ và được đối đãi như hai quốc gia riêng biệt.
Trước hết, đây là các tổ chức quốc tế mà thành viên tham gia hầu hết phải là các quốc gia có chủ quyền (sovereign states). Chúng ta có thể dùng Đài Loan làm ví dụ để so sánh vì Đài Loan chưa bao giờ là thành viên của WHO.
Thế nhưng, từ 17/5/1950, VNCH là thành viên của WHO, và là thành viên của WMO từ 1/4/1955.
Sau khi VNCH sụp đổ vào ngày 30/4/1975, VNDCCH mới xin gia nhập hai tổ chức này và trở thành thành viên của WMO ngày 7/8/1975, và của WHO vào ngày 22/10/1975. Điều này có nghĩa là tư cách thành viên của VNCH tại WHO và WMO lúc đó không bị xoá bỏ cho dù chính thể VNCH không còn tồn tại nữa.
Sau khi hai miền Nam Bắc đồng ý thống nhất và trở thành CHXHCN Việt Nam vào tháng 7, 1976, chính phủ mới đã gửi thông báo đến hai tổ chức này trong năm 1977 để yêu cầu cho phép CHXHCN Việt Nam tiếp nhận tư cách thành viên của cả hai chính phủ Nam-Bắc Việt Nam trước đó.
Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian trước năm 1977, đã có hai quốc gia Việt Nam là thành viên của WHO và WMO được các tổ chức quốc tế này công nhận.
Điểm này được nhấn mạnh bởi ngày tham gia vào WHO của Việt Nam hiện nay là ngày 17/5/1950. Đó là ngày mà VNCH tham gia vào WHO như đã nói ở trên, và có nghĩa là tư cách tham gia WHO với danh nghĩa một quốc gia của VNCH không hề bị ảnh hưởng bởi việc thống nhất đất nước vào năm 1976.
Ngoài ra, CHXHCN Việt Nam còn tiếp tục thay thế tư cách thành viên của VNCH với các tổ chức ILO, ITU, UPU, UNESCO, và IAEA. Đây là những tổ chức quốc tế mà trước năm 1975, chỉ có VNCH tham gia làm thành viên.
CHXHCN Việt Nam tiếp tục tư cách thành viên của VNCH đối với các định chế tài chính quốc tế
Trước tháng 4, 1975, chỉ có VNCH là thành viên của các định chế tài chính quốc tế. Đó là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Sau khi được thành lập vào tháng 7, 1976, CHXHCN Việt Nam đã trình thư xin thay thế (substitution) tư cách thành viên của VNCH tại các định chế tài chính nói trên, chứ không phải là đơn xin gia nhập làm thành viên mới.
Cụ thể là khi thay thế tư cách thành viên của VNCH với ADB, CHXHCN Việt Nam đã tiếp quản 3.000 cổ phần của chính phủ VNCH tại ngân hàng này.
Đồng thời, CHXHCN Việt Nam cũng tiếp tục được nhận tất cả các khoản vay mà VNCH đã được ADB chấp thuận cho vay trong những năm trước đó. CHXHCN Việt Nam cũng bảo đảm sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho những khoản vay này.
Vì vậy, ngày gia nhập ADB của Việt Nam hiện nay là ngày 22/9/1966, là ngày mà Quốc hội của chính phủ VNCH tại miền Nam đã phê chuẩn việc tham gia ADB.
CHXHCN Việt Nam tiếp tục công nhận một số hiệp ước mà VNCH đã ký kết
Tương tự như việc tiếp tục tư cách thành viên của VNCH tại một số tổ chức và định chế tài chính quốc tế như đã nêu, CHXHCN Việt Nam còn tiếp tục công nhận ít nhất hai hiệp ước quốc tế mà VNCH đã ký kết trước ngày 30/4/1975.
Ngày 16/12/1976, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã đệ trình đơn phê chuẩn Công ước Viễn thông Quốc tế 1973 (1973 International Telecommunication Convention) mà chính phủ VNCH đã ký kết vào ngày 25/10/1974 tại Hội nghị Málaga-Torremolinos nhưng chưa kịp phê chuẩn. Đơn đệ trình của CHXHCN Việt Nam nêu rõ là việc phê chuẩn được dựa trên những ký kết mà VNCH đã thực hiện trước đó.
Tương tự, VNCH được công nhận tư cách thành viên của Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) từ năm 1951. Vào tháng 7/1974, chính phủ VNCH đã ký kết các văn bản liên quan đến Các Quy chế chung (General Regulations) và Công ước Liên minh Bưu chính Lausanne (Universal Postal Convention) của UPU nhưng chưa kịp phê chuẩn. Ngày 27/10/1976, Quốc hội của CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn các văn bản này và đệ trình lên tổ chức UPU với yêu cầu được thừa kế (succession) tư cách của VNCH.
Ngoài ra, vào ngày 4/7/1976, chỉ 2 ngày sau khi được thành lập, Bộ Ngoại giao của nhà nước CHXHCN Việt Nam đã gửi công hàm đến chính phủ Thụy Sỹ và tuyên bố khẳng định tiếp tục tham gia vào các hiệp ước của Công ước Geneva 1949 (Geneva Conventions of 1949) mà hai chính phủ VNDCCH và VNCH đã ký kết trước đó về các vấn đề bảo vệ nạn nhân chiến tranh.
***
Qua những ví dụ kể trên chúng ta nhận thấy rằng, bằng nhiều hành động khác nhau, cả hai chính phủ VNCH và VNDCCH đã khẳng định tư cách quốc gia của mình trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam từ năm 1954-1975.
Tuy nhà nước Việt Nam hiện nay chưa bao giờ chính thức công nhận chính thể VNCH nhưng CHXHCN Việt Nam lại liên tục công nhận tư cách quốc gia của VNCH một cách gián tiếp, qua việc thừa kế hoặc tiếp nhận tư cách thành viên của VNCH tại các tổ chức và định chế tài chính quốc tế.
Ngày nay, có lẽ đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1975, tư cách quốc gia của VNDCCH tại miền Bắc Việt Nam là việc không còn phải tranh cãi.
Còn về chính thể QGVN – VNCH tại miền Nam, chúng ta có thể đọc lại những gì mà Đại Hội đồng LHQ đã phát biểu khi đề cử QGVN tham gia LHQ trong phiên họp năm 1952. Từ đó, chúng ta có thể phần nào hiểu thêm được một quan điểm khác về sự tồn tại và tính chính danh của chính thể QGVN – VNCH:
“Quan điểm của Đại Hội đồng cho rằng (Quốc gia) Việt Nam là một nhà nước yêu chuộng hòa bình đúng như định nghĩa của Điều 4 Hiến chương, đã thể hiện nguyện ý cũng như có khả năng thực hiện các nghĩa vụ của Hiến chương, và do đó nên được chấp thuận tham gia làm thành viên của Liên Hiệp Quốc.”
---
Tài liệu tham khảo:
1. State succession and membership in international organizations: Legal theories versus political pragmatism by Konrad G Bühler. Publisher: The Hague [u.a.]: Kluwer Law Internat., 2001.
2. Paths to Peace: The UN Security Council and Its Presidency by Davidson Nicol. Publisher: Burlington: Elsevier Science, 2013.
3. Taiwan’s UN Dilemma: To Be or Not To Be
4. Foreign Relations of the United States, 1964-1968, Volume IV, Vietnam, 1966
5. La représentation du Viet Nam dans les institutions specialisées by Joele Nguyen Duy-Tan. 12 AFDI 405 (1976), pp. 405-419.
6. 30th World Health Assembly Resolutions and Decisions 1977
7. Asian Development Bank and Vietnam Fact Sheet
8. Tuyên bố của Đại Hội đồng LHQ tháng 12 năm 1952 về việc ủng hộ Quốc gia Việt Nam trở thành thành viên
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất