Một dự án từ lâu ấp ủ

Tài khoản Tornad the Bard là cùng một người với tài khoản Tornad. Biệt danh The Bard được tôi lấy cảm hứng một cách khá hợm hĩnh từ biệt danh The Bard of Avon (Thi nhân của dòng Avon) của chính Shakespeare.
Tôi tạo tài khoản này nhằm khởi động một vài dự án văn chương tôi đã ấp ủ từ lâu nhưng vì các vấn đề thực tiễn mà chưa làm sớm được, đó là đưa các bản dịch miễn phí của các tác phẩm kinh điển đến những người Việt yêu văn chương, đặc biệt là tác phẩm thơ.
Chắc các bạn cũng biết thơ là thứ vô cùng khó sống ở thị trường sách Việt Nam, nhưng không phải vì thế mà không còn những người nhìn thấy vẻ đẹp của thơ, cũng như không nhìn thấy tính-nền-tảng ở những tác phẩm thơ kinh điển.
Với dự án này, có thể tự hào và dễ chịu mà nói là tôi làm nó hoàn toàn vì đam mê. Biết thơ khó được in nên tôi chỉ hỏi ý vài người quen trong ngành sách, chứ chưa chính thức giới thiệu đến đơn vị sách nào cả. Lựa chọn cuối cùng của tôi giống như ý định đầu tiên khi bắt tay làm, đó là đăng miễn phí cho cộng đồng.
Và tôi chọn đăng lên Spiderum vì đây là nền tảng lưu trữ tốt, cũng là nơi tôi gắn bó và được biết đến nhất.
Tôi lấy bức tranh Monster Box vẽ tặng để làm avatar cho tài khoản này
Tôi lấy bức tranh Monster Box vẽ tặng để làm avatar cho tài khoản này
Để tránh cho bài viết này trở nên giống một trang Wikipedia, tôi sẽ không giới thiệu lại về Shakespeare nữa, và có lẽ cũng không cần vì danh tiếng của ông hẳn đã đến tai gần như mọi người Việt rồi.
Nhưng đến tai là một chuyện, còn đến theo cách chính xác hay sai lệch lại là chuyện khác.
Shakespeare trong văn chương về bản chất là một nhà thơ, ngay cả với tư cách nhà viết kịch thì ông cũng vẫn là nhà thơ, bởi các vở kịch ông viết đều dưới hình thức thơ, với tỉ lệ khoảng 90% thơ và 10% văn xuôi (duy có vở The Merry Wives of Windsor thì ngược lại). Vậy nhưng khi kịch của Shakespeare được dịch ra tiếng Việt (từ lâu rồi bởi các dịch giả thế hệ trước và đến giờ chưa được ai dịch lại) các dịch giả đều diễn đạt chúng thành văn xuôi.
Mà với văn chương, hình thức cũng là nội dung, nên việc này ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng của người đọc với tác giả và tác phẩm. Thực tế, trong cấu trúc kịch cổ điển thường có những nhân vật hài hước mang chức năng mua vui nhằm giảm cảm giác căng thẳng khi cốt truyện quá nghiêm túc, gọi là “comic relief”. Với kịch Shakespeare, các câu thoại bằng văn xuôi thường được dùng cho kiểu nhân vật ấy, tức là cho những gì kém quan trọng, còn với nhân vật quan trọng thì thoại luôn luôn bằng thơ, và thậm chí để nhấn mạnh sự quan trọng thêm nữa thì sẽ dùng thơ có vần (bình thường kịch Shakespeare dùng thơ không vần).
Các trích dẫn nổi tiếng của Shakespearee như “To be, or not to be, that is the question” (Hamlet), “My only love sprung from my only hate!” (Romeo and Juliet), hay “All the world's a stage/ And all the men and women merely players.” (As You Like It) đều là thơ cả, cụ thể chúng được viết bằng dạng câu iambic pentameter. Tôi tin rằng không nhiều người Việt có thể phân tích được tính chất iambic pentameter của những câu ấy.

Về dự án 154

Nhân sinh nhật Shakespeare, 23/4 (thật ra vấn đề này vẫn còn mù mờ nhưng theo truyền thống người ta vẫn lấy 23/4 để kỉ niệm), tôi bắt đầu một dự án mang tên 154, với mục đích dịch toàn bộ 154 bài thơ sonnet của Shakespeare ra tiếng Việt.
Nếu như ảnh hưởng của kịch Shakespeare lớn đến nỗi chúng ta luôn thoáng thấy nó ở tác phẩm khác, chẳng hạn nhan đề Pale Fire của Nabokov lấy từ vở Timon of Athens, hay The Fault in Our Stars của John Green lấy cảm hứng từ vở Julius Caesar; thì ảnh hưởng của 154 bài sonnet cũng lớn không kém, trong văn hoá đại chúng có bộ phim My So-Called Life được ảnh hưởng từ tập thơ này, còn trong giới văn chương thì tập thơ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các nhà thơ lãng mạn nói chung, Oscar Wilde còn viết hẳn một truyện ngắn mang vai trò như một tiểu luận (The Portrait of Mr. W. H.) để tìm hiểu và chứng minh thân thế của Mr. W. H. – người được Shakespeare đề tặng ở đầu tập thơ này.
Khác với dạng thơ iambic pentameter không vần mà Shakespeare dùng trong kịch, các bài sonnet được ông viết với niêm luật chặt chẽ hơn nhiều. Sonnet là thể thơ truyền thống của phương tây, đến nay nó có nhiều biến thể, sau đây tôi chỉ giới thiệu biến thể sonnet của Shakespeare, đây cũng là thể thơ ông dùng cho toàn bộ 154 bài thơ trong tập thơ này.

1. Câu thơ được xây dựng theo cấu trúc iambic pentameter.

Iambic pentameter là dạng câu thơ mà mỗi câu được chia ra thành 5 nhóm âm tiết (gọi là foot), nhóm âm tiết lại có nhiều dạng với đặc điểm khác nhau, cụ thể ở đây đặc điểm của nó là iamb. Iamb là nhóm âm tiết bao gồm 2 âm tiết, âm tiết không nhấn đi trước và có nhấn đi sau. Như vậy, một câu iambic pentameter nghiêm cẩn sẽ có cả thảy 10 âm tiết và sẽ được đọc lên theo nhịp: “đa ĐĂM | đa ĐĂM | đa ĐĂM | đa ĐĂM | đa ĐĂM” mà người ta vẫn hay ví von nó như tiếng nhịp tim.
Lấy ví dụ hai câu đầu trong bài Sonnet 18:
Shall I compare thee to a summer’s day? Thou art more lovely and more temperate
Nếu phân tích chúng ta sẽ thấy như sau:
Shall I | comPARE | thee TO | a SUM | mer’s DAY? Thou ART | more LOVE | ly AND | more TEM | perATE
Chính xác đến từng âm tiết và quy luật nhấn nhá! Qua đó chúng ta được thấy một phần tài năng của Shakespeare trong việc chọn từ vựng để khớp với niêm luật, bên cạnh tài năng lớn hơn là ý tưởng, tất nhiên rồi.
Nếu so sánh với thơ mà Shakespeare dùng trong kịch, chúng ta càng thấy rõ hơn vẻ đẹp đến từ sự nghiêm cẩn của tập thơ sonnet này. Chẳng hạn câu thoại để đời “To be, or not to be, that is the question” của Hamlet thật ra không chuẩn cho lắm đối với niêm luật iambic pentameter vì nó có 11 âm tiết, với âm tiết cuối không nhấn mà người ta vẫn gọi là thủ pháp dùng feminine ending, tức là vẫn chấp nhận được trong luật thơ. Nhưng với 154 sonnets thì mọi dòng thơ đều mang độ chính xác cao hơn nhiều.

2. Bài thơ có 14 câu, theo cấu trúc 4 phần

Sonnet của Shakespeare có 14 câu chia làm 4 phần, ba phần đầu mỗi phần có 4 câu gọi là quatrain, phần cuối cùng có 2 câu gọi là couplet. Quatrain mang tính chất trình bày vấn đề, thường là mỗi phần sẽ tương đối riêng biệt với nhau, và couplet mang tính chất tổng kết cho toàn bộ thông điệp của bài thơ.
Suốt 154 bài, Shakespeare đều đi theo cấu trúc này một cách chặt chẽ.

3. Khuôn vần của bài thơ là ABAB CDCD EFEF GG

Vần trong thơ Shakespeare được gieo ở tiếng cuối mỗi câu, được gọi là vần chân hay cước vận. Thực ra thì tất cả thơ tiếng Anh tôi biết đều chỉ dùng vần chân, cái gọi là vần lưng, hay yêu vận, tôi chỉ gặp ở thơ tiếng Việt mà thôi. Khuôn vần là ABAB CDCD EFEF GG.
Để dễ hiểu, chúng ta lại xem bài Sonnet 18:
Shall I compare thee to a summer’s day? Thou art more lovely and more temperate: Rough winds do shake the darling buds of May, And summer’s lease hath all too short a date: Sometime too hot the eye of heaven shines, And often is his gold complexion dimm’d; And every fair from fair sometime declines, By chance or nature’s changing course untrimm’d; But thy eternal summer shall not fade Nor lose possession of that fair thou owest; Nor shall Death brag thou wander’st in his shade, When in eternal lines to time thou growest: So long as men can breathe or eyes can see, So long lives this and this gives life to thee.
Dựa theo những hiểu biết trên, từ hiểu biết dẫn đến quy tắc, từ quy tắc dẫn đến việc xây dựng luật. Tôi quyết định dịch 154 sonnets bằng thể thơ mới do tôi sáng tạo ra.
Số âm tiết mỗi dòng, số dòng, cấu trúc, khuôn vần đều được tôi phỏng lại theo nguyên tác. Duy có nhịp điệu trong mỗi câu thơ là không thể phỏng được, bởi nhịp 2/2/2/2/2 trong tiếng Việt nghe rất giật cục, tôi quyết định mỗi dòng sẽ là thơ 10 chữ theo nhịp (thường là) 5/5. Vấn đề nhấn trọng âm cũng không thể phỏng theo được, thay vào đó tôi sáng tác một hệ thống bằng trắc để nghe sao cho có nhạc tính. Cụ thể là tiếng thứ năm của mỗi câu trái thanh với tiếng thứ mười, và tiếng thứ mười của câu trước trùng thanh với tiếng thứ năm của câu sau. Cứ thế đến hết bài.
Như vậy là ở thể thơ mới này tôi đã xây dựng được niêm luật khó gần bằng thể thơ nguyên tác. Vấn đề quy tắc đã xong, mọi vấn đề còn lại chỉ nằm ở khả năng của người dịch mà thôi.
Chẳng hạn, bài Sonnet 18 được tôi dịch như sau:
Nên chăng tôi ví anh với một ngày mùa hạ? Anh đáng yêu hơn thế và cũng chừng mực hơn: Lộc tháng Năm lìa cành vì gió quật mạnh quá, Ngày hạ thì ngắn ngủi, mới đó đã không còn. Có lúc con mắt vàng quá nóng và chói lọi, Lúc khác gương mặt ấy lại khuất lấp sau mây; Mọi cái đẹp trên đời đều đến hồi tàn lụi, Rủi may hoặc tất yếu, quy luật đời sống này. Nhưng mùa hạ của anh vĩnh viễn không phai nhạt, Anh không bị tước đoạt vẻ đẹp mình đang mang, Thần Chết không dám khoe đã bắt anh đi mất Bởi chưng anh vẫn sống trong thi phẩm vĩnh hằng. Miễn chừng nào người đời còn đọc và còn thở, Chừng ấy thơ tôi sống và anh sống trong thơ.
Ngoài ra tôi cần lưu ý thêm rằng tập thơ sonnet của Shakespeare nổi tiếng ở đặc điểm là nó không được viết gửi một phụ nữ như truyền thống, mà lại gửi một chàng trai. Nội dung của các bài thơ bộc lộ rất rõ ràng tình yêu của người viết đến người nhận, đây chính là lí do nhiều học giả cho rằng Shakespeare đồng tính, và Oscar Wilde từng dẫn Shakespeare ra trước toà để cho thấy thứ “tình yêu không dám gọi tên ra” ấy là thứ tình yêu có từ lâu đời và xuất hiện ở cả những người lỗi lạc.
William Shakespeare
William Shakespeare
Tôi cảm thấy không cần thiết và không nên làm mù mờ nghĩa đi bằng cách dùng xưng hô “tôi-em” trong bản dịch. Bởi trong nguyên tác Shakespeare không hề lợi dụng sự mù mờ của “I-thee” trong tiếng Anh, ngay từ dòng đề tặng ông ấy đã thẳng thắn gửi cho một “Mister” rồi và nội dung các bài thơ cũng rất rõ ràng là gửi cho đàn ông (bài Sonnet 18 thì hơi mù mờ, tôi thừa nhận), nhưng tinh thần chung của tập thơ này thì rất rõ ràng.
Tập 154 bài sonnet này có thể coi như một câu chuyện dài, bởi các bài thơ đều có liên quan đến nhau. Đọc xuyên suốt 154 bài theo thứ tự, chúng ta rất dễ thấy có hai nhân vật là Fair Youth và Dark Lady, cũng như thấy được các tình tiết giữa mối quan hệ của các nhân vật này với người viết, thậm chí chúng ta còn thấy cả các quãng thời gian người viết giận dỗi với chàng trai, người viết phải có việc sống xa chàng trai, người viết kể tội chàng trai ngoại tình, v.v. nữa. Điều này có vẻ lạ lùng với người Việt nhưng nó không hề lạ với độc giả Anh ngữ hay các học giả Shakespeare.
Dưới tư cách vừa là dịch giả vừa là người nghiên cứu, tôi sẽ cố gắng truyền tải một cách trung thành nhất tinh thần của Shakespeare qua tập thơ này, ngay cả khi nó rất lạ lẫm với cảm tính của người Việt. Mọi sai sót, mà tôi e là khó tránh khỏi, trong bản dịch này mong độc giả hiểu rằng nó đến từ hạn chế của tôi, chứ không phải do tôi cố tình.
Xin cảm ơn.

Về cách thức đăng trên Spiderum

Tôi dự định đăng 2 bài thơ mỗi bài viết (bởi 1 thì cụt lủn quá mà 3 thì sợ độc giả ngán và hiếm ai đọc đến bài thứ 3), như vậy thì toàn bộ dự án này sẽ cần 77 bài viết, tính cả bài giới thiệu là 78.
Các bài sau sẽ được đăng trong mục Sáng tác – một mục ít người quan tâm, để đỡ bị ngập bảng tin của những bạn không thích thơ. 2 bài đầu tiên sẽ đăng trong chiều hôm nay.
Trước mỗi bài thơ tôi sẽ viết vài dòng giới thiệu và có thể cả chú thích nếu cần. Sau khi hoàn thành dự án tôi sẽ đóng PDF bằng Indesign vừa để đẹp vừa để tiện đọc. Link tải ở đây:
Và cuối cùng, bên cạnh dự án này tôi còn phải chạy nhiều dự án khác. 154 là dự án mà tôi làm bằng cách tranh thủ thời gian, nhiều bài thơ trong đó được tôi dịch bằng điện thoại trên giường vào thời gian trước khi ngủ. Vậy nên nếu các bạn thích những bài thơ này và có mong muốn tôi dịch nhanh hơn thì có thể ủng hộ tôi qua địa chỉ sau:
Ngân hàng Quân đội (MB Bank) Số tài khoản: 9500100170294 (NGUYEN TUAN LINH) Chi nhánh: Sở giao dịch 3
TORNAD
23/4/2023