Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay hay chỉ là sự tái nhận thức về bản thân.
Cách chúng ta suy nghĩ, cách ta nhìn nhận bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tình cả; cách ta nhìn nhận người khác và cả...
Cách chúng ta suy nghĩ, cách ta nhìn nhận bản thân cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tình cả; cách ta nhìn nhận người khác và cả cách ta hoạch định để trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày ... sẽ quyết định ta là ai. Liệu chúng ta có đủ khôn ngoan? Chúng ta có cảm thấy niềm tin đang đồng hành trong tim? Liệu nỗi sợ hãi có đang điều khiển hành động của chúng ta? - Karen Casey
Viết văn theo mô típ văn được học:
I. Hoàn cảnh sở hữu sách:
Năm năm trước, mình rớt Đại học. Trường lấy 26 điểm, mình 25.75. Nói chung thì đối với mọi người thì là chuyện bình thường thôi, vì năm nào chả có đứa rớt Đại học được, không chết được. Mình còn nhớ lúc mình hay tin rớt Đại học, thầy chủ nhiệm 3 năm cấp ba có gọi điện hỏi thăm, mình vẫn cố vui và đùa rằng "Ít nhất em vẫn là thằng cao điểm nhất trong mấy đứa rớt Đại học". Và sau đó vài tuần mình đi học ở 1 nơi mà có nằm mơ mình cũng không nghĩ đến.
Thực sự, từ một thằng học sinh phổ thông mưa không tới đầu, nắng không tới chân, suốt ngày chỉ ăn với học, thì thực sự "SỐC". Sốc về môi trường, về cách sinh hoạt, về con người, về ngôn ngữ, về tính cách, về cái tôi, về khả năng và năng lực của bản thân. Nói chung là sốc toàn tập. Trong trường hợp đó, mình được chị gái gởi bưu điện cuốn sách này. Và đến tận bây giờ, nó vẫn luôn ở trong ngăn bàn. Không rõ nó có thuộc dạng self-help không, nhưng ít nhất nó đã "help" "me".
II. Khái quát về bản thân:
Sơ lược về bản thân: trước giờ chỉ biết học (mọt sách) mặc dù học không giỏi, cố chấp và háo thắng, nói nhiều nhưng thiếu tự tin với người lạ, khá nhác và nhát trong các hoạt động mang tính thể chất, yếu các môn thể thao, thể dục. Nên việc học ở môi trường mà thể chất là cái trước tiên, tập thể là tồn tại trên hết là một cú sốc, kiểu như là con cá và bắt leo cây ý. Bạn thử tưởng tượng cảnh tập bơi từ lúc nhập học đến 2-3 tháng sau vẫn không bơi được không? Trong khi mọi người cùng tập đều bơi được hết. Cảnh mà rõ ràng đều nói tiếng Việt nhưng mình nói gì mọi người đều phải nhăn mặt, định tâm và lắng nghe mới hiểu thì mới thấy dùng giọng nói không phổ thông khó khăn như nào. Một thằng mà máy tính là thứ tồn tại duy nhất, thứ khác có hay không không qua trọng thì ở môi trường điện thoại, máy tính đều cấm khác gì đoạt đi sinh mạng. Một kẻ háo thằng nhưng phải chấp nhận mình sai dù biết mình đang đúng. Không hề hợp với nơi này, là cái đầu tiên hiện trong đầu mình. Cũng chính nhờ vậy, quá trình tái nhìn nhận bản thân, nhận thức về năng lực và khả năng của mình một cách nghiêm túc để hiểu hơn về bản thân.
III. Sách và người:
1. Chấp nhận những thứ không thể thay đổi, đối mặt
Cuộc sống ban cho ta sự thanh thản để chấp nhận những điều không thể thay đổi, lòng can đảm để thay đổi những điều có thể và trí khôn để nhận ra điểm khác biệt.
Có người bảo là: Nhận thức là sự bắt đầu của thay đổi. Nhưng hình như không hẳn là như vậy Dường như đặt ra nhận thức có 2 sự lựa chọn. Người đủ can đảm sẽ chọn sự thay đổi còn người cam chịu sẽ chấp nhận và điều đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi người - Lớn rồi - DSK
Chúng ta không có quyền năng đủ lớn để thay đổi thế giới này được, ít nhất đối với mình. Mình không phải tuýp người tự tin thay đổi cả thế giới nếu nó không vận hành theo ý mình. Nên sự thay đổi môi trường từ cấp 3, môi trường mình có thể làm điều mình thích và từ chối điều mình thích lên Đại học, việc đó không còn phù hợp, đặc biệt trong môi trường quân ngũ thì dường như không còn cơ hội trốn tránh. Nên việc ý thức được năng lực bản thân, buông bỏ cái tôi, biết được thứ có thể làm và không làm, thứ có thể thay đổi và không thể thay đổi giúp tâm trí nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Giai đoạn huấn luyện thao trường này giúp mình ý thức được sự khiếm khuyết của bản thân, thay vì áp lực, thay vì tin là cố gắng có thể chinh phục được (mặc dù nó vẫn đúng) thì mình lựa chọn cho một tâm lý thỏa mái và đối mặt. "Càng cố thúc ép mọi việc, cuộc sống của tôi càng ngột ngạt".
Có một sự thật rằng, không phải lúc nào cũng cố gắng là thành công, cố gắng là gặt hái được thành tích. Có nhiều đứa em khóa dưới hỏi mình, sao em học nhiều, học chăm như vậy mà điểm e vẫn thấp, kết quả vẫn không cao. Mình cũng đã từng như vậy, nhưng có những giá trị vô hình không hề nhận được, nếu chúng ta cứ nhìn mãi vào thứ chúng ta nghĩ chúng ta nên có thì chắc gì chúng ta đã có được. Nhận thức được "điều có thể thay đổi" và "không thể" là một quá trình không hề đơn giản.
2. Bỏ bớt cho nhẹ
Nếu muốn có những trải nghiệm khác, bình yên hơn trong cuộc sống, chúng phải cho đi bất cứ điều gì trí óc mình đang che giấu hay bám riết, để đổi lấy suy nghĩ về tình yêu, hòa bình, chấp nhận và tri ân.
Háo thắng, khát khao thể hiện, khát khao khuất phục người khác. Thích chi phối người khác là một trong những tính xấu của bản thân mình. Nhưng để rồi, khi mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát, khi mọi thứ không như kỳ vọng. Bế tắc. Có bao giờ bạn ngồi cả buổi thẩn thờ chỉ vì thứ bạn nghĩ nên xảy ra nó lại đi theo chiều hướng khác. Khi có ai đó hành động không theo những gì mình đang hình dung trong đầu. Nếu bạn không có thì thật tốt, còn mình thì tính xấu này nhiều thật sự.
Ai trong chúng ta cũng muốn mình trở thành trung tâm của vũ trụ và là trung tâm trong cuộc sống của nguồi khác. Chính vì vậy, thật tốt nếu có người nào đó nhắc chúng ta rằng, mình chỉ là một kẻ bình thường như bao người họ từng quen
Khát khao trở thành trung tâm vũ trụ không phải khát khao hiếm gặp. Có thể là trung tâm vũ trụ với ai đó, với 1 tập thể, với nhóm bạn. Nhưng nhìn chúng là kiểu "muốn trở thành người quan trọng và có tiếng nói".
3. Hãy có trách nhiệm
Chúng ta chấp nhận biến cuộc sống của mình thành vệ tinh xoay quanh quan điểm, hành dộng, kế hoạch hay thậm chí là ý thích nhất thời của người khác. Nhiều người cảm thấy như vậy là an toàn; bởi lẽ ẩn mình trong cái lõi của sự đoàn kết, đồng cảm hay trắc ẩn, chúng ta có thể chối bỏ trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình. Nếu không như thế, chúng ta còn tước đoạt mọi cơ hội của bản thân đẻ thử một lần sống có trách nhiệm
Giới hạn an toàn hay rào cản chính mình. Hãy tự hỏi với lòng mình, có nên vứt bỏ sự an toàn để chấp nhận mạo hiểm. Chấp nhận đi ra khỏi kịch bản của quý vị phụ huynh để tự đạo diễn cuộc đời.
4. Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay hay chỉ là sự tái nhận thức về bản thân?
Giá mà mình biết đến khái niệm bản ngã, khái niệm về bản thân. Giá như tác giả bài này có bài viết sớm hơn.
Tái nhận thức về bản thân là tìm về con người phù hợp với bản thân, chấp nhận bỏ đi những cái gì ta nghĩ là đúng, chấp nhận bỏ đi cái tôi và chấp nhận sự thay đổi. Thay đổi ánh nhìn đối với thế giới, để thế giới trong sự nhận thức của bản thân thay đổi. Nhưng liệu rằng, có phải luôn thay đổi nhận thức bản thân để đối diện nghịch cảnh. Luôn nghĩ tích cực để thế giới tốt đẹp, để tâm hồn thỏa mái? Không.
Chúng ta ai cũng có một nét riêng, một cái định danh chúng ta trong đám đông. Ngông cuồng và tự mãn nhưng tốt bụng, thật thà thẳng tính nhưng hay thua thiệt,... Nếu ai cũng thành một mô tuýp chung thì chỉ là một khuôn khổ, như thi hoa hậu nhưng ai cũng thẩm mỹ cùng một chỗ với khuôn mặt đúng chuẩn tiêu chuẩn cái đẹp nhưng ai cũng như ai. Tái nhận thức là quá trình tự hỏi lại lòng mình (vấn tâm), không vô tư chấp nhận mọi thứ như điều hiển nhiên. Chỉ khi nào trong lòng đầy sóng gió, trong những đêm vắt tay lên trán mà nghĩ, khi ngồi im chẳng muốn làm gì, khi chỉ muốn tìm đến thuốc lá, cà phê để tìm lạc thú cho bản thân, khi khóc thất vọng về bản thân. Hay là khi ao ước sao mình không phải là người ta, sao mình lại là chính mình. Và sau tất cả, mình vẫn là mình, vẫn là tôi nhưng là phiên bản tốt hơn hoặc tệ hơn. Nhưng ít nhất đó là tôi.
Không có sự hoàn hảo, không có tiêu chuẩn chung. Nên không có khuôn mẫu, đừng cố theo khuôn mẫu không tồn tại này, thay đổi không có nghĩa là "thay" và "đổi" đi chính mình. Chấp nhận và đối diện, lẩn tránh và chạy trốn. Chẳng qua chỉ là lựa chọn. Có khi đều đi đến cùng một kết quả, nhưng ý nghĩa ở sự lựa chọn, sự chủ động và bị động. Hãy để lòng mình nhẹ nhõm, hãy để bản thân là bản thân, hãy để tình yêu, sự bao dung dẫn đường.
Chấp nhận sự không hoàn hảo, rồi mới đi đến sự thay đổi. Đừng thay đổi khi mà chưa có sự chấp nhận.
IV. Kết bài:
Sau thao trường là bầu trời Hà Nội, là ngôi trường mà bao người mơ ước. Là cơ hội, là thử thách. Là trải nghiệm, trốn tránh hay đối mặt cũng như nhau. Mở lòng và đối xử với nhau bằng sự chân thành. Kỷ niệm thời quân ngũ là điều đáng nhớ, là một sự trui luyện cho bản thân. Là hành trình tìm về cái tôi của bản thân, là sự vứt bỏ sự ích kỷ và khát khao kiểm soát. Thay đổi môi trường không dễ chịu tý nào, nhưng chỉ có thay đổi qua nhiều môi trường mới thấy được nhưng góc khuất của bản thân. Mới có cơ hội đối diện với con người thật chính mình. Thế giới vẫn vậy, thế giới cũng không care bạn nhìn nó bằng ánh mắt chán ghét hay yêu thương. Nhưng bản thân mình, hãy luôn yêu thương. Đừng chán ghét.
Chúng ta không nên là ngục tù của chính mình.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất