Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đây mà đã 5 năm kể từ ngày mình thi THPT Quốc gia, một kỳ thi hết sức quan trọng và cam go đánh dấu bước chuyển từ giai đoạn là một cô học sinh lớp 12 sang một sinh viên Đại học. Có thể nói, đây cũng chính là một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đặc biệt đối với những bạn xem việc học là con đường lâu dài mình sẽ gắn bó.
Theo như mình được biết, cũng chỉ còn khoảng 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc thi THPT Quốc gia năm 2021, và đây sẽ là giai đoạn nước rút đối với các sĩ tử cho việc ôn luyện. Để giúp các bạn ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này một cách hiệu quả mình có một số tips mà chính mình đã vận dụng để đạt được điểm số mong muốn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 (Tổng 25 điểm khối A1) cũng như những kỳ thi sau đó ở Đại học (Tốt nghiệp loại giỏi ngành Kiểm toán tại một trong số những trường Đại học trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi chia sẻ, mình cũng muốn nhắn nhủ đến các bạn một điều rằng, mỗi người sẽ có những cách ôn luyện phù hợp với riêng bản thân mình, những tips giúp mình ôn thi hiệu quả chưa chắc sẽ phù hợp với tất cả mọi người, nên mong các bạn xem đây là một nguồn tham khảo và hãy chọn lọc thật kỹ trước khi áp dụng nhé. Bắt đầu thôi nào!


Đọc thêm:

1. Chuẩn bị tâm lý vững vàng
Một việc mà mình luôn làm trước hầu hết các kỳ thi chính là phải chuẩn bị cho bản thân một tâm lý thật vững vàng và bình tĩnh với những tình huống có thể xảy ra. Trước khi thi, bạn hãy hỏi bản thân xem bạn thi Đại học vì điều gì, bạn đã sẵn sàng cho việc học Đại học hay chưa và nếu rủi mình thi trượt thì phương án ứng phó sẽ là gì. Điều này không những giúp bạn xác định rõ mục tiêu mà còn nhắc nhở bản thân phải thật sự quyết tâm và cố gắng để vượt qua cuộc thi sắp tới nữa.
2. Đặt mục tiêu khả thi
Đặt mục tiêu khả thi ở đây chính là mục tiêu mà khi bản thân đã cố gắng hết sức, thì bạn sẽ đạt được là bao nhiêu điểm. Hãy thử áp dụng cách đặt mục tiêu theo phương pháp SMART, trong đó S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu; M – Measurable : Đo lường được; A – Attainable : Có thể đạt được; R – Relevant : Thực tế; T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành. Có thể, với nhận thức của một học sinh lớp 12, bạn chưa hình dung rõ ràng được bản thân mình cần đặt mục tiêu một cách rõ ràng là như thế nào, nhưng mình tin chắc mỗi chúng ta đều hiểu rõ khả năng của mình đến đâu và đừng cố quá là được. 
Lấy ví dụ, lúc trước khi đặt mục tiêu cho kỳ thi THPT Quốc gia mình đã tự kiểm tra lại lượng kiến thức mình chuẩn bị xem mỗi môn mình có thể đạt cụ thể tối đa bao nhiêu, cần bao nhiêu thời gian ôn luyện nữa để có thể đạt được số điểm mong muốn. Cụ thể là lúc trước mình đã đặt mục tiêu mỗi môn ít nhất 7,5 điểm và trong giai đoạn nước rút 1 tháng cuối cùng mình sẽ cố gắng củng cố và tăng tốc mỗi môn lên ít nhất 0,5 điểm nữa với các dạng đề khó hơn. Và kết quả cuộc thi năm đó cho thấy mục tiêu đó của mình hoàn toàn khả thi.
3. Lên kế hoạch và lập thời gian biểu với sổ tay hoặc các ứng dụng
Đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, mình lập kể hoạch bằng cách ghi những việc cần làm vào sổ tay. Ở giai đoạn mới bắt đầu ôn thi, mình chỉ liệt kê ra một cách cụ thể tháng này mình sẽ tập trung học môn gì, những kiến thức nào, những dạng bài tập nào, làm bao nhiều đề thi thử,… Còn trong giai đoạn nước rút, mình sẽ chủ yếu ôn tập những kiến thức căn bản (kiến thức "ăn điểm") và giải đề nên mình đã lên kế hoạch mỗi này một cách chi tiết, trong khoảng thời gian nào mình sẽ ôn kiến thứ, ôn các dạng bài tập và giải đề thi thử  của từng môn. Đồng thời, mình cũng vận dụng một phương pháp ôn luyện mà mình thấy khá hiệu quả, mãi đến sau này mình mới biết tên gọi của phương pháp này là Batching. Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, Batching là nhóm các nhiệm vụ cụ thể giống nhau để thực hiện chúng cùng nhau. Mục đích của phương pháp này là để tăng hiệu quả - bằng cách giảm thời gian, chi phí thiết lập, chuyển đổi cũng như cải thiện kỹ năng tập trung. Cách mình đã vận dụng batching để ôn luyện hiệu quả hơn chính là lập danh sách và ôn một loạt các kiến thức, giải các dạng bài tương tự nhau cho thật sự nhuần nhuyễn rồi mới chuyển sang các phần khác.
Bên cạnh đó, khi tiếp cận nhiều hơn với các thiết bị công nghệ như điện thoại, laptop, để tiết kiệm thời gian, mình đã sử dụng các công cụ miễn phí như Microsoft To Do để ghi ra những việc cần làm, Google Calendar để lên thời gian biểu cụ thể theo giờ. Điều mình thích ở các ứng dụng này là chức năng giúp nhắc nhở chúng ta ôn luyện một cách đúng giờ và hiệu quả hơn.

Đọc thêm:

4. Tập trung và nghỉ ngơi hợp lý
Có thể nói, từ trước đến giờ, mình rất ít khi “cày” khuya hay cố gắng ôn thêm tí nữa. Bởi lẽ, mình nhận thức được rằng việc không nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến mình kém tập trung, giảm trí nhớ và rất mệt mỏi. Để tránh trường hợp phải cày khuya hay dành quá nhiều thời gian để ôn luyện nhưng cuối cùng kết quả lại không đạt như mong muốn, một khi đã bắt đầu học mình sẽ cố gắng tập trung nhất có thể. Hãy tập cho mình thói quen học theo những quãng ngắn kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, bạn sẽ thấy khả năng tập trung và tiếp thu kiến thức của mình được cải thiện đáng kể cho mà xem. Cách mình đã và đang áp dụng cho đến bây giờ khi cần tập trung khi làm việc chính là áp dụng phương pháp Pomodoro bằng ứng dụng Forest, tập trung 25 phút sau đó nghỉ 5 phút và quay lại  tiếp tục với 25 phút tiếp theo. Với riêng mình, mỗi lần cần tập trung học hay làm việc thì khoảng thời gian lý tưởng sẽ là dưới 90 phút (tức khoảng 3 sessions pomodoro). Sau đó, mình sẽ đứng dậy thư giãn, đi uống nước hoặc giải trí một tí rồi mới quay lại học tiếp. Một điều mà mình sẽ luôn đặt lên hàng đầu khi học hoặc làm bất cứ việc gì đó là cảm giác thoải mái, mình sẽ không quá cố ép bản thân nhất định phải học xong hay làm xong mới được nghỉ ngơi. Nhờ thế, mình không quá áp lực với việc học tập, ôn luyện trước những kỳ thi quan trọng, nhưng vẫn có thể đạt được kết quả như mong muốn. 
5. Chủ động tìm kiếm tài liệu, ghi chép cẩn thận kiến thức 
Việc chủ động tìm kiếm tài liệu và ghi chép cẩn thận các kiến thức giúp bạn ôn luyện hiệu quả hơn ở chỗ bạn sẽ là người kiểm soát lượng kiến thức mà mình nạp vào cũng như kiểm tra xem mình có lỗ hỏng kiến thức ở chỗ nào không. Mình nhớ là lúc ôn thi THPT Quốc gia, mỗi một môn thi mình đều có riêng một quyển sổ tổng hợp những kiến thức căn bản và những dạng bài cần ôn luyện. Đối với mình, việc nắm kiến thức căn bản quan trọng hơn rất nhiều so với việc giải thêm các bài tập khó, vì thế ở giai đoạn nước rút 80% thời gian mình sẽ dành cho việc ôn kiến thức, các dạng đề căn bản và 20% còn lại mới dành cho việc giải thêm một số các dạng đề khó hơn. Một điều cần lưu ý ở tip này chính là bạn hãy cố gắng tìm kiếm tài liệu từ sách giáo khoa, sách tham khảo trước khi tìm đến các trang web ôn thi để đảm bảo kiến thức đúng đắn và đầy đủ nhé.
6. Học một cách có hệ thống và tập trung vào trọng điểm
Bên cạnh việc học theo phương pháp Batching như mình đã đề cập ở trên, đối với các môn xã hội như Văn, Sử,… bạn hãy cố gắng xây dựng cho mình một dàn bài ngắn gọn, đủ ý và tập trung vào trọng điểm. Nếu ở giai đoạn nước rút này mà bạn chỉ mới ôn được khá ít bài, thì cách này sẽ hiệu quả đối với bạn, đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều thứ, hãy học một cách có hệ thống và tập trung vào trọng điểm của bài. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy đối với các bài liên quan nhau để liên kết các kiến thức và tránh tạo ra “những khoảng trắng” khi ôn tập. Hãy đảm bảo mình đã ôn một cách đầy đủ những kiến thức căn bản nhất trước khi bước vào phòng thi nhé!
7. Tăng tốc với các đề thi thử
Một điều mình cho là khliều lĩnh mình đã làm trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 chính là mình ngừng hoàn toàn việc ôn luyện ở trường và học thêm bên ngoài để có thêm thời gian tự ôn luyện. Khoảng thời gian đó mình dành cho việc tự giải các đề thi thử. Mình không chắc tip này sẽ hiệu quả đối với tất cả mọi người, nhưng ở thời điểm đó mình cảm thấy việc tăng tốc giải đề như thế giúp mình nhanh chóng làm quen với đề thi và cải thiện khả năng kiểm soát thời gian làm bài. Nhớ lại thì cũng hơi khủng khiếp, mình đã giải trên dưới 50 đề Anh Văn, 50 đề toán và 30 đề Lý trước khi thi chính thức. Cách mình giải đề trong giai đoạn này cũng chính là cách mình làm bài trong kỳ thi chính thức, mình chọn giải những câu chắc chắn đúng trước rồi mới đến những câu khó. Dĩ nhiên, mục tiêu ban đầu của mình cũng không phải là 10 điểm nên mình sẽ không cố gắng giải hết tất cả các câu trong đề, thay vào đó mình dành thời gian để bình tĩnh kiểm tra lại các đáp án mình đã làm xem đã chính xác chưa. Cũng như việc tìm kiếm tài liệu ôn thi, thứ tự ưu tiên khi thu thập các đề thi thử của mình sẽ là từ sách, thầy cô rồi mới đến các trang web ôn thi…
8. Bình tĩnh, tự tin và chuẩn bị tốt
Nếu đã ôn luyện thật kỹ càng rồi thì bạn đã sẵn sàng để vượt qua kỳ thi một cách thật bình tĩnh và tự tin hay chưa? Để đạt được trạng thái đó, trước khi thi một ngày, sớm hơn thì càng tốt bạn hãy chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ bắt buộc, dụng cụ cần thiết và đồng hồ để kiểm soát thời gian trong lúc thi nhé. Vào những ngày thi, hãy cố gắng dậy sớm, ăn sáng và đến sớm, tránh trường hợp quá vội vã sẽ khiến bạn dễ mất bình tĩnh và khó có thể tập trung làm bài trong suốt buổi thi. Trong lúc thi, như mình đã đề cập, hãy sắp xếp thứ tự làm bài sao cho phù hợp, phân bổ thời gian hợp lý và nhất định phải kiểm tra lại bài làm, mã đề, thông tin cá nhân trước khi nộp nhé. 

Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, mình cũng hi vọng mọi thứ sẽ sớm ổn định trở lại để cuộc thi được diễn ra một cách an toàn và thuận lợi. Cũng khá lâu rồi, mình (chị) mới viết một bài viết dài và đặt nhiều tâm huyết như thế này, hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn nhỏ đang ôn luyện trong giai đoạn nước rút này nhé! 
Đọc thêm các bài viết khác của mình tại link bên dưới nhé: