Photo by Thought Catalog on Unsplash
Tôi tin rằng bạn là một người thông minh. Bạn biết hết mọi thứ. Những bí mật để có thể sống hạnh phúc, khỏe mạnh và giàu có hơn. Nhưng tại sao bạn chưa thành công? Điều khác biệt chính là ở chỗ bạn BIẾT, nhưng bạn không LÀM.
Bạn biết để hạnh phúc, bạn có thể kết nối với bản thân, thực hành thiền định, viết nhật ký, dành thời gian bên những người bạn yêu thương. Để khỏe mạnh, cần tập thể dục hàng ngày, uống nhiều nước, ăn nhiều rau hoa quả, hạn chế chất béo, dầu mỡ. Để giàu có, cần học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng áp dụng vào công việc, rèn luyện tư duy làm chủ,…Bạn biết rất nhiều và có thể còn rất rõ làm sao để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Tại sao bạn không làm những việc cần làm?
Nghe toàn bộ bài viết trong chuyên mục The Introvert Writer Podcast hoặc trên Anchor tại đây.
Vào năm 2017, khi sinh con đầu lòng, tôi đã rất nhiều lần hỏi bản thân mình về những việc mình muốn làm trong đời. Lúc đó, tôi đã rất muốn viết blog. Tôi nghĩ rằng mình có thể tạo ra được những cơ hội tốt từ blog. Rất có thể, tôi không cần phải đi làm công việc full time mà tôi không thích nữa và có thêm thời gian cho con. 
Tôi háo hức đi mua một tên miền. Cuối cùng…tôi bỏ đấy. Tôi dành thời gian xem phim, lướt facebook, đọc báo lá cải. Nếu như tôi thực sự nghiêm túc xây dựng website của mình từ năm đó, có lẽ mọi chuyện giờ đã khác. 
Tại sao tôi biết rằng có một website sẽ là một cơ hội tốt cho bản thân nhưng lại không thực hiện nó? Cũng giống như việc tôi biết rằng dậy sớm sẽ giúp tôi hoàn thành được nhiều việc hơn và tiến nhanh hơn nhưng tôi không làm?
Điều gì đã khiến tôi không làm những việc đáng ra mình phải làm? 

5 lý do khiến bạn không làm những việc cần làm

1. Obstacles (Khó khăn)

Một trong những lý do chính khiến tôi dừng việc làm blog vào năm 2017 là do…khó quá. Lúc đó, tôi có quyết tâm cao và thực sự đã mua dịch vụ host từ Bluehost. Đây là dịch vụ được nhiều blogger nổi tiếng nước ngoài gợi ý. 
Tuy nhiên, khi mua xong xuôi, tôi không bắt đầu cài đặt được. Tôi liên hệ và họ bắt tôi xác minh vài thứ. Sau khi cung cấp thông tin, trao đổi qua lại nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được, tôi từ bỏ. Thay vì tìm cách khác giải quyết, tôi kết thúc giấc mơ blog vào năm 2017 ở ngay vạch xuất phát.
Bạn có bao giờ trải nghiệm những việc tương tự? Bạn nghĩ rằng mình cần phải làm một việc gì đó, nhưng thấy quá khó. Và rồi, bạn viện ra đủ lý do để từ bỏ. Ví dụ như khi bạn nghĩ cần phải rèn luyện kỹ năng tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ mới bắt đầu đọc vài đoạn, nghe vài phút, bạn đã thấy chẳng hiểu gì. Khó quá khiến bạn chẳng muốn tiếp tục nữa. Bạn nghĩ: “Thôi chưa cần tiếng Anh vội, tập trung làm tốt những việc khác đã”. Kết quả là, bạn chẳng làm được điều gì cho chính mình.

2. Fear (Sợ hãi)

Ai trong chúng ta cũng có nhiều nỗi sợ. Tôi nghĩ đây là một nguyên nhân khiến bạn không làm những việc có lợi cho bản thân. Tôi trải nghiệm điều này rõ nhất trong những mối quan hệ của mình. 
Khi có những vấn đề khúc mắc cần giải quyết, tôi biết điều cần làm là nói ra những suy nghĩ của mình cho đối phương và tìm cách tháo gỡ. Tuy nhiên, tôi luôn lảng tránh. Vì tôi sợ một khi tôi nói ra, mối quan hệ sẽ không còn được như trước nữa. Khi tôi nói ra, có thể tôi sẽ mất đi một người quan trọng trong cuộc đời mình. 
Trước đây, tôi từng có một mối tình. Dù biết người đó không tốt với mình, tôi vẫn không đủ dũng cảm để nói lời chia tay. Lúc đó còn trẻ, tôi nghĩ rằng vì mình yêu người đó quá nhiều nên không thể sống thiếu họ. Tuy nhiên, khi đã trải qua rồi, tôi nghĩ lý do là bởi tôi sợ. Tôi sợ là người thất bại trong mối quan hệ này, sợ chỉ còn lại một mình, sợ không còn được yêu thương, sợ mất đi cả những cảm giác quen thuộc mà tôi từng có trong đời.
Liệu bạn có sợ hãi khi làm những việc nằm ngoài ngưỡng an toàn của bản thân, dù biết đó là những việc phải làm?

3. Distraction (Xao nhãng)

Đã bao giờ bạn dự định viết một bài viết nhưng rồi lại lang thang trên Facebook, xem một loạt video, ngó nghiêng trên Pinterest và kết thúc bằng không gì cả? Tôi đã từng có khoảng thời gian dài trong cuộc đời như vậy. Dù mục đích ban đầu tích cực, nhưng kết quả trả về là con số 0. 
Chỉ mới gần đây thôi, khi tôi bắt đầu viết một bài blog và cần tìm tư liệu. Như thói quen, tôi Google Search. Nếu như chỉ dừng lại ở việc lấy tư liệu, mang về bài viết và kết thúc thì không còn gì phải bàn. Tuy nhiên, tôi đọc được một bài viết hay quá của một tác giả. Sau đó, tôi lân la sang các bài viết khác, quên luôn việc của mình. 
Khi thấy tác giả này giới thiệu một cuốn sách, tôi tiếp tục tìm kiếm về cuốn sách đó. Đọc review ở vài nơi, tôi thấy cuốn sách có nhiều thông điệp ý nghĩa nên search tên tác giả. Rồi lại vào blog của anh ta. Một vòng lặp không hồi kết và quên luôn việc làm ban đầu của mình.
Chắc rằng các bạn cũng đối diện với việc xao nhãng trong khi làm việc. Có quá nhiều thứ khiến chúng ta không tập trung. Bạn thấy không, kể cả tôi không lên mạng xã hội, vẫn có những việc khiến tôi xao nhãng. Cuối cùng, tôi đã không làm những việc mà mình định làm ban đầu.

4. Uncertainty (Không chắc chắn)

Một lý do nữa để giải thích cho vấn đề này là do không chắc chắn. Có thể bạn biết viết nhật ký là sẽ giúp bạn hiểu về bản thân, bạn chưa hoàn toàn tin vào điều đó. Chỉ viết những gì mình nghĩ thì có ích gì được chứ. Bạn băn khoăn, nghi ngờ về tính xác thực của nó, dù chưa hề thử. Vì không chắc chắn, bạn từ chối bắt đầu.
Tôi cũng đã từng có cảm giác này. Tôi biết rằng để viết một bài viết cần phải lên outline. Vì đã quá quen với việc viết theo dòng chảy cảm xúc, tôi từ chối làm việc này. Nhưng khi thấy những bài viết của mình thiếu logic và rời rạc, tôi bắt đầu thử lên outline trước khi viết. Sau vài lần thử nghiệm, tôi thấy những chuyển biến tích cực trong bài viết của mình và dần hình thành được thói quen này khi viết.

5. Instant gratification (Thỏa mãn nhất thời)

Tôi học được từ “instant gratification” của James Clear. Anh giải thích về việc tại sao chúng ta lại không làm những việc mình nên làm thông qua ví dụ về Victor Hugo: “Tại sao Victor Hugo cam kết viết một cuốn sách mà lại trì hoãn đến tận hơn một năm? Tại sao chúng ta lên kế hoach, đặt ra deadline, cam kết với mục tiêu nhưng cuối cùng lại thất bại trong hành trình đó?”
“Khi bạn lập kế hoạch cho bản thân, như đặt cho mình mục tiêu giảm cân, viết một cuốn sách, hay học một ngôn ngữ, bạn đang lên kế hoạch cho bản thân trong tương lai. Bạn nghĩ ra viễn cảnh về cuộc sống của mình trong tương lai.”
“Khi nghĩ về tương lai, não bộ của bạn dễ dàng nhận ra được giá trị của những lợi ích dài hạn. Tuy nhiên, đến khi quyết định, bạn lại sống trong hiện tại. Lúc này, bộ não của bạn nghĩ về hiện tại. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng bản thân trong hiện tại thích những thỏa mãn nhất thời, chứ không phải những kết quả trong dài hạn.”
“Đây là lý do tại sao bạn đi ngủ với tâm trạng háo hức để chuẩn bị tạo ra sự thay đổi trong cuộc đời. Nhưng khi thức dậy, bạn lại tiếp tục những thói quen cũ. Bộ não của bạn coi trọng những giá trị dài hạn trong tương lai, nhưng lại đưa ra quyết định dựa trên những thỏa mãn nhất thời trong hiện tại”
Có lẽ chính vì vậy mà tôi luôn đi ngủ với tâm trạng háo hức chuẩn bị dậy sớm ngày mai để hoàn thành công việc. Cuối cùng lại nhấn “Snooze” để tiếp tục giấc mơ đẹp đang dang dở của mình. Bạn có như vậy không?

Làm sao để giải quyết tình trạng này? – The Do Plan

1. Awareness: Hiểu về bản thân

Chỉ có hiểu về những thói quen, suy nghĩ của bạn mới giúp bạn biết mình nên làm gì. Tôi gợi ý bạn sử dụng nhật ký để ghi chép về mọi hoạt động của bản thân. Sau đó, thường xuyên đọc lại để biết mình đang gặp những vấn đề gì. Xác định xem đâu là vấn đề bạn cần giải quyết. Mỗi một lần, chỉ lựa chọn cho mình một vấn đề mà thôi. 
Liệu bạn đang sợ hãi, hay xao nhãng? Bạn thích thỏa mãn nhất thời hay cảm thấy không chắc chắn với lựa chọn của mình? Dựa vào đó, bạn “brainstorm” những ý tưởng và thử nghiệm những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

2. KISS (Keep It Small and Simple): Bắt đầu những điều nhỏ và đơn giản

Bất kỳ điều gì bạn định làm, nhớ đặt cho mình những mục tiêu đơn giản, có thể thực hiện được. Hỏi bản thân rằng: “Ba điều đơn giản nhất bạn có thể làm hôm nay để tạo ra sự thay đổi là gì?”. Nếu ba điều vẫn là quá nhiều, hãy rút xuống còn một. Sau đó, hãy bắt tay vào làm, ngay khi bạn vừa nghĩ đến. Không chần chừ, không nghi ngại, không để cho bất kỳ một điều gì xen lẫn vào những suy nghĩ và hành động của bạn. 
Tôi thực hiện điều này một thời gian và thấy khá hiệu quả. Ví dụ, tôi hay trì hoãn việc viết. Bạn đừng nghĩ rằng tôi là người viết thì luôn có thể viết dễ dàng. Ban đầu khi chưa có thói quen viết, tôi hay lảng tránh chuyện viết. Thay vào đó, tôi ngồi học các khóa học online, hay đọc tài liệu. Nhưng tất cả những việc này đều không có ý nghĩa gì nếu như tôi không viết. 
Sau đó, tôi đặt mục tiêu mỗi ngày hoàn thành một bài viết. Ngay lập tức sau khi thức dậy và làm vệ sinh cá nhân, tôi ngồi vào bàn và viết. Để đơn giản hơn, tôi chẻ nhỏ việc cần làm. Tôi nghĩ về chủ đề mình cần viết từ buổi tối hôm trước. 
Ngoài ra, tôi còn thiết lập sẵn quy trình viết, bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi viết cho ai, về vấn đề gì, lên outline, rồi nghiên cứu. Tất cả tôi đều quy định thời gian. Khi dự định bài viết 1000 chữ, tôi chỉ nghiên cứu trong 30 phút. Hết thời gian, tôi tắt hết các tab và tập trung vào viết. Nhờ đó, tôi hoàn thành xong được bài viết của mình.

3. The 2 minutes rule: Quy tắc 2 phút

Dù là bất kỳ lý do gì, chỉ cần bạn nghĩ rằng đó là việc nên làm, hãy thử làm nó trong 2 phút. Làm một việc trong hai phút đơn giản, đúng không? Sợ viết, hãy viết trong hai phút. Ngại đọc sách, hãy đọc trong hai phút. Lười học Tiếng Anh, chỉ học trong 2 phút thôi. Nếu qua hai phút rồi mà bạn không muốn làm nữa, bạn có thể dừng lại. 
Hãy kiên trì thực hiện những điều này hàng ngày. Sẽ có một ngày bạn không còn cảm thấy muốn dừng lại nữa, mà tiếp tục những công việc của mình.

4. Keep Focused: Giữ tập trung

Khi bạn thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì, hãy tập trung hoàn toàn vào nó. Điều này nói thì đơn giản nhưng thực hiện không dễ dàng. Khi làm việc, tôi thường loại bỏ tất cả những thứ có thể gây mất tập trung xa khỏi tầm mắt. Chỉ có tôi và chiếc máy tính. 
Bạn có thể sử dụng một ứng dụng có tên Forest để duy trì sự tập trung của mình. Một khi bạn bấm nút “Start”, bạn bắt đầu trồng một cái cây. Trong thời gian bạn hoàn toàn tập trung vào công việc mà không sử dụng điện thoại, hạt giống của bạn sẽ phát triển thành cây. Nếu như bạn thoát ra khỏi ứng dụng để làm một việc khác, cây của bạn sẽ chết. Không ai nỡ giết chết một cái cây đang phát triển cả, phải vậy không?

5. Find your motivation: Tìm kiếm động lực

Bạn hãy tìm kiếm những động lực từ bên trong của mình. Điều gì khiến bạn có cảm hứng để hoàn thành những việc mình phải làm? Viết ra một danh sách những điều bạn sẽ có được. (Có thể là cả những điều bạn sẽ phải đánh đổi khi thực hiện một điều gì đó). Nếu như đã chắc chắn điều đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho bạn, đừng do dự nữa. Lấy những điểm tích cực này dán lên đâu đó để nhắc nhở bản thân mỗi ngày.
Ngoài ra, nếu không thể tìm thấy động lực từ bên trong, bạn luôn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn có thể tìm đến những người mình tin tưởng, ngưỡng mộ nhờ họ tư vấn về vấn đề của mình. Chắc chắn, họ sẽ đem lại nguồn động viên khích lệ quý giá trên hành trình của bạn.

6. Positve Self Talk: Trò chuyện tích cực với bản thân

Tôi là người hay nói chuyện một mình. Trong khi trò chuyện với bản thân, tôi thường nói về những điều tích cực. Tôi có niềm tin rằng nếu mình cố gắng làm việc chăm chỉ và kiên trì, tôi sẽ có được thành công. 
Tuy nhiên, cuộc đời không bao giờ là dễ dàng. Khó khăn luôn xuất hiện khiến tôi nản lòng. Lúc này, thói quen nhắc nhở bản thân về những điều tích cực đã giúp tôi vượt qua những khoảnh khắc này. Tôi nói với bản thân tập trung vào điều mình có thể cải thiện, bỏ qua những gì bản thân không thể kiếm soát. Nhờ đó, tôi hoàn thành được những mục tiêu của mình.
Tôi nghĩ rằng, để thực sự bắt đầu làm những việc bạn cho là nên làm không hẳn là việc dễ dàng. Bạn có nhớ lúc chơi game, dù đường đua của bạn có nhiều chướng ngại vật, bạn vẫn băng băng vượt qua để về đích. Lời khuyên cuối cùng tôi muốn dành cho bạn đó là hãy luôn nghĩ đến viễn cảnh khi thành công. Bạn sẽ có lý do để bắt đầu.