Nguồn ảnh: Fahasa

“Hầu hết cuộc đời đang sống với sự thụ động về cái chết – đó là điều xảy đến với bạn và những người xung quanh bạn.”
Dịch COVID19 – một sự khởi đầu không thuận lợi năm 2020, nó gây đau thương và mất mát ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nó cũng khiến ta vỡ lẽ điều gì là quan trọng đối với cuộc đời mình. Tiền bạc? Sự nghiệp? Hay sức khỏe?
“Đôi khi, sức nặng của cái chết trở nên thật rõ ràng như sờ thấy được. Nó ở trong không khí, sự căng thẳng và đau đớn. Đôi khi, bạn hít thở mà không nhận ra. Nhưng khi khác, giống như những ngày trời nồng ẩm ướt, nó có sức nặng riêng đế ngạt thở.”
Trước khi đến với nội dung quyển sách, bạn biết không, đôi khi chúng ta sống chẳng mấy lo lắng đến những “án tử vô hình” cũng không kém phần nguy hại như dịch bệnh. Hằng ngày trên thế giới, người ta có thể chết vì tai nạn giao thông, tự tử, chiến tranh hay một phút lơ là nơi công trường cũng đủ để gây tai nạn nghề nghiệp, hỏa hoạn…
Còn đấy vô số nguyên do con người ta tự phương hại bản thân mình như hút thuốc lá, sử dụng chất cấm hay chỉ đơn giản là thiếu đi sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân để rồi chỉ khi bệnh tình xảy đến hay khi luật pháp vào cuộc thì mới ân hận.
Hôm nay, thay vì hỏi ngày mai, tuần sau, tháng sau hay năm sau nữa mình sẽ làm gì thì hãy tập trung xem, ngay lúc này, thứ gì là quan trọng nhất đối với bạn, đừng để đến khi quá muộn rồi buông lời hối tiếc, lúc đấy mới vỡ lẽ thì có kịp để quay đầu làm lại hay không?
16 tháng 3, Sài gòn vắng bóng âm thanh.
Giữ lúc dịch bệnh lây lan thế này, nhà nhà mua thức ăn về dự trữ, người người bảo nhau ở nhà hạn chế tiếp xúc, còn tôi tôi chuẩn bị thêm cho mình những quyển sách để nhâm nhi qua cơn đại dịch. Đối với tôi, sức khỏe tinh thần cũng không kém phần quan trọng, thay vì cứ chau mày mỗi lần tin tức đưa tin nơi xứ người có thêm ca nhiễm thì tôi thích ngồi trong căn phòng nhỏ của mình với một ô cửa sổ mở và “du lịch” bằng câu chữ. Tôi đọc không phải để trốn tránh thế giới “ồn ào náo nhiệt” ngoài kia mà đọc để trấn an mình và giữ thái đội bình tĩnh để đối mặt với những điều sắp tới.
Nhưng tại sao trong biết bao nhiêu là sách, tôi chọn “Khi hơi thở hóa tinh không”? 

Cái chết. Bạn có bao giờ sẵn sàng?

“Nếu tôi là một nhà văn, tôi sẽ biên soạn một cuốn sổ sinh tử, kèm theo một dòng ghi chú về những cái chết khác nhau của loài người: ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống.”
(Michel de Montaigne – “Rằng học Triết là để học cách chết”)
Paul Kalanithi – một bác sĩ khoa học thần kinh và là một nhà văn với một về dày thành tích (tốt nghiệp trường Stanford với bằng cử nhân và thạc sĩ về Văn học Anh và một bằng cử nhân về Sinh học người, nhận bằng thạc sĩ triết học về Lịch sử và Triết học Khoa học, Y học tại trường Cambridge và tôt nghiệp xuất sắc trường Y thuộc đại học Yale…). 
36 tuổi, đó là thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp mà anh đã xây dựng suốt nhiều năm, anh xứng đáng nhận được những gì tốt nhất cho những cống hiến của mình cho y học nhưng oái oăm thay từ cương vị bác sĩ và một nhà giải phẫu thần kinh anh trở thành bệnh nhân với căn bệnh nan y – thứ đang dần rút cạn thời gian của mình.
Trong những giờ phút cuối cùng ấy, từ góc nhìn của một bác sĩ và cả bệnh nhân, với mọi cảm xúc có cả chối bỏ và chấp nhận, anh cũng như những người bình thường khác khi chứng kiến khoảnh khắc “lạ” mang tên “cái chết” đang dần thành hình.
“Một chương trong cuộc đời tôi dường như đã kết thúc, mà có lẽ là cả cuốn sách đã khép lại. Thay vì trong vai trò mục sư trợ giúp con người bước qua những biến đổi của cuộc đời, tôi thấy mình chỉ như chú cừu con, lạc lối, ngơ ngác.”
Tuy vậy, anh vẫn tự nhận thức được rằng dù thế nào đi nữa, anh cũng phải vượt qua, không phải là căn bệnh, mà là nỗi lo lắng, sợ hãi và thay nó bằng những suy nghĩ cùng cực về ý nghĩa của “sự chết”.
“Giờ tôi phải tìm cách vượt qua nó.”
“Cái chết, vốn rất quen thuộc với tôi trong công việc, nay lại ghé thăm riêng tôi. Ta ở đây, mặt đối mặt, vậy mà dường như không thể nhận ra được điều gì về nó. Tại một ngã tư đường nơi lẽ ra tôi có thể nhìn và theo dõi dấu chân của vô số bệnh nhân tôi từng chữa trị, thay vào đó tôi chỉ thấy một sa mạc trắng lập lòa đầy trống rỗng khắc nghiệt, như thể một cơn bão đã xóa bỏ mọi dấu vết quen thân.”
Điều đặc biệt ở cuốn sách này không chỉ nằm ở nội dung mà còn là cuộc đời của người tác giả phía sau đó, tôi có thể đọc cuốn sách chỉ để hiểu rằng anh là một đấu sĩ, không phải để chống chọi với bệnh tật mà để chống cái tư tưởng rằng chết là một điều gì đó thật đáng sợ và khiến người ta suy nghĩ tiêu cực mỗi khi tiếp cận nó.
“Tôi bắt đầu nhận ra rằng việc đến thật gần với sự hữu hạn của cuộc đời đã thay đổi mọi thứ và cũng không thay đổi gì cả. Trước khi căn bệnh ung thư được phát hiện, tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết, tôi chỉ không biết là bao giờ. Sau chuẩn đoán, tôi vẫn biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ chết và cũng vẫn không biết là bao giờ.”
Đọc và định nghĩa lại cái chết, bạn hãy dành ra một tiếng đồng hồ hay nhiều hơn hôm nay sau khi đọc quyển sách này để ôn lại những điều mình dự tính, xem xem nó có quan trọng nữa không nếu một ngày bạn gặp phải tình cảnh tương tự. Hỏi bản thân xem ai sẽ ở bên bạn lúc đấy, ai thực sự quan trọng và liệu rằng những mối hận thù, những kẻ ta ghét bỏ có còn quan trọng nữa hay không?
Và rồi sau tất cả những khốn khó mà một người có thể trải qua, những cột mốc, những dự định cho tương lai, ai cũng đều trở về với bộ óc trống rỗng khi đối diện với cột mốc cuối cùng của đời người. Có người nói đấy là mở đầu, là một hành trình khác đang chờ đợi. Số khác lại bảo đó là sự chuyển tiếp hay một lẽ tất yếu của tự nhiên, có sinh, có diệt. Nhưng hầu hết khi trực tiếp đối diện, người ta chỉ biết im lặng, không biết mình sẵn sàng hay chưa…
“Nếu sức nặng của cái chết không thể nhẹ bớt đi, liệu ít ra nó có thể quen thuộc hơn không?”
Điều đấy do bạn quyết định.

Thay vì làm lại, ta làm tiếp.

“Chết là sự kiện chỉ xảy ra trong chốc lát, nhưng sống cùng bệnh hiểm nghèo lại là cả một quá trình.”
Không chỉ dừng lại ở những suy tư về cái chết, anh còn quyết định có con với cô vợ Lucy sau khi bệnh tình thuyên giảm và có diễn biến tốt. Hẳn là một quyết định kỳ lạ nhỉ, nhất là vào những giờ phút sinh tử ấy, không chỉ có chủ đề về “cái chết” mà xoay quanh nó còn là những dự tính cho tương lai và câu chuyện của những mối quan hệ.
Trong tác phẩm, cũng có đề cập đến quyết định đi tiếp con đường bác sĩ của mình, anh không chỉ đơn thuần gọi đó là công việc, điều đó đối với tác giả còn là sứ mệnh và trách nhiệm, thứ gì đó còn cao cả hơn danh từ “nghề nghiệp”.
“Nghĩa vụ đạo đức cũng có sức mạnh của riêng nó, mà bất kỳ điều gì có sức nặng thì đều có trọng lượng. Do đó, nghĩa vụ gánh vác trách nhiệm to lớn này đã kéo tôi trở lại phòng mổ. Lucy hoàn toàn ủng hộ.”
Nén đau thương làm chi, cứ để nó trào ra…
Bản thân tác giả trong cả hai quá trình chấp nhận cái chết và sống với căn bệnh hiểm nghèo đều không ít lần vượt qua những đoạn trũng của cảm xúc, khi mà chỉ biết kêu lên trách phận và buồn tủi. Ai cũng có những lúc lầm vào những tình thế khó khăn, trước khi tìm được cách giải quyết thì có lẽ nên “khóc một dòng sông” chứ tội gì mà nén lại.
Những cảm xúc đó là tất yếu, nó không thể và không nên bị kìm hãm, hãy cứ để nó “rỉ ra” một lúc và từ từ ta sẽ làm quen với nghịch cảnh rồi mới chấp nhận được. Cũng như Paul đã nhiều lần mặc cả và tức giận với Chúa vậy, không ai là hoàn hảo cả.
“Con đã làm việc cả đời để đạt được chừng này, giờ Cha mang đến cho con ung thư sao?” 
Tóm lại,
Dẫu cuộc đời có rẽ sang hướng nào đi chăng nữa, việc tiếp cận với chủ đề “cái chết” một cách bình tĩnh và thấu đáo sẽ giúp con người ta bớt mông lung phần nào, từ đó mà cũng được nhẹ nhóm hơn khi bất ngờ nó xảy đến. Trên đường đời, mấy ai đã được chuẩn bị cho tình huống này? Thôi thì, ít nhất cũng đọc đi đã…
“Những căn bệnh lớn thường làm sáng tỏ cuộc đời.” 

Những điểm đặc sắc của tác phẩm:

  • Với vốn kiến thức chuyên sâu về triết học và văn học, quả thật câu chuyện của nhà văn mang nhiều tầng nghĩa mà cứ mỗi lần đọc lại, đọc trong tình huống khác nhau thì ta lại nhận được những giá trị tương ứng.
  • Đối với văn phong thì có hai yếu tố.
  • Thứ nhất là dễ đọc và vô cùng lôi cuốn, câu chuyện được xâu chuỗi chạt chẽ vừa bằng những dòng suy tư của tác giả nhưng cũng theo dòng chảy thời gian rõ rệt, cho thấy hiện tại – ngược về quá khứ - trở về hiện tại rồi từ đó tiếp diễn.
  • Yếu tố thứ hai nằm ở mức độ cô đọng của câu chữ. Một lời khen chân thành đến với người dịch đã làm rất tốt công việc của mình để tác phẩm đạt đến một cấp độ phải nói là “nhất tự thiên kim”.
  • Và cuối dùng là về dung lượng. Bạn cảm thấy sao nếu tôi nói bạn có thể hoàn thành quyển sách trong vòng một buổi chiều đến cuối ngày? Điều đó là hoàn toàn có thể vì cuốn sách chỉ vỏn vẹn 222 trang tính từ phần mục lục đến trang giấy cuối cùng và khổ giấy còn không to bằng quyển tập học sinh!
Tựa sách: Khi hơi thở hóa thinh không
Tác giả: Paul Kalanithi
Người dịch: Trần Thanh Hương
Thể loại: Hồi ký
Đọc thêm: