Khi hơi thở hoá thinh không - Chúng mình chẳng còn nhiều thời gian như vẫn tưởng.
Mình nghĩ, chắc sẽ chẳng có một chiếc review nào hay hơn lời bạt cuối cuốn sách mà người bạn đời Lucy đã viết về Paul, về "Khi hơi...
Mình nghĩ, chắc sẽ chẳng có một chiếc review nào hay hơn lời bạt cuối cuốn sách mà người bạn đời Lucy đã viết về Paul, về "Khi hơi thở hoá thinh không" của anh.
Những trang sách đó, ướt nhèm nước mắt của mình. Mặc dù trước đó, khi đọc những lúc Paul chiến đấu với bệnh tật mình cũng chỉ rưng rưng. Chắc bởi giọng văn của anh vẫn có đôi chút kiên cường, cũng có thể là cái chết, khi được cảm nhận qua nỗi đau của người còn sống đánh mất đi người mà ta hằng thương quý, sức nặng hơn gấp vạn lần. Giống như cái đêm không ngủ ngày bà ngoại mất. Mình đã tự vỗ về rằng, thôi cuối cùng bà đã đi thanh thản, không còn phải chịu đau đớn nữa rồi. Nhưng lúc nhìn thấy bóng lưng ông nhìn vào chiếc quan tài lạnh lẽo, khẽ đưa tay lau nước mắt, không kìm được, mình oà khóc nức nở.
Tôi đã nghĩ mình sẽ chỉ cảm thấy trống rỗng và tan vỡ sau khi Paul chết. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được rằng hoá ra tình yêu dành cho một người có thể không suy suyển ngay cả khi họ đã ra đi và tôi vẫn cảm thấy tình yêu đó, cũng như sự biết ơn bên cạnh những nỗi đau khôn cùng. Sự thống khổ đôi khi quá nặng nề tới mức tôi run rẩy và rền rĩ dưới sức nặng của nó. Paul đã ra đi và tôi nhớ anh ấy gần như trong mọi khoảnh khắc, nhưng đôi khi tôi cảm thấy như thể mình vẫn là một phần trong cuộc sống mà cả hai chúng tôi cùng xây dựng lên.
Giống như chồng của mình, Lucy là một người tuyệt vời. Tình yêu của họ cũng thế, đầy vị tha, rất nhiều hi sinh và cả biết bao cảm thông, thấu hiểu.
"Khi hơi thở hoá thinh không" kể về câu chuyện một bác sĩ phẫu thuật thần kinh mắc bệnh ung thư phổi. Nhưng hơn cả hành trình chống lại bản thân, điều mà mình học được rất nhiều từ cuốn sách còn là tình cảm gia đình, là nhưng suy tư về trách nhiệm của mỗi chúng ta với công việc và những người xung quanh mình.
Điều bất ngờ thứ nhất, cuốn sách có một phần lớn nói về sự nghiệp của Paul. Lúc đi học Văn, hay quyết định chọn ngành Y và chọn trở thành một bác sĩ giải phẫu thần kinh. Nhờ đó bức tranh về nghề nghiệp của các bác sĩ hiện ra vô cùng chân thực sống động, từ buổi đầu đi học, mổ xác, đến đi trực, đánh mất bệnh nhân đầu tiên, quá trình phấn đầu nỗ lực không ngừng để trở thành một chuyên gia giỏi... Có đọc mới biết được những vất vả, những quyết định sống còn hay nhưng trăn trở, băn khoăn khi bước vào con đường này. Bạn mình, năm trước, vừa từ bỏ chương trình học nội trú, vì hôm đó nó nhận ra: " Tao không thích ngành này. Tao nghĩ tao không thể trở thành một bác sĩ giỏi và cống hiến hết mình." Đến lúc đọc cuốn sách này, mình đã hiểu được phần nào những khó khăn và lí do mà bạn đưa ra quyết định đó.
Mổ xác là một nghi thức chuyển tiếp của sinh viên y khoa và xâm lấn vào cái linh thiêng bất khả xâm phạm, đem lại vô số cảm xúc: từ sự kinh tởm, hồ hởi, buồn nôn, thất vọng và kinh hãi cho đến khi chỉ đơn thuần là sự tẻ nhạt của những bài thực hành kiến thức. Mọi thứ đều giới hạn trong cái thống thiết bi ai và cái tầm thường: tại đây, bạn xâm phạm vào những cái cấm kị cơ bản nhất của xã hội, và cho dù vậy, formaldehyde vẫn là một chất kích thích vị giác mạnh mẽ, thế là bạn còn thèm cả một chiếc burrito nữa.
"Nhanh lên", ông nói. "Chúng ta không có nhiều thời gian đâu. Cần phải nhanh lên."
Sự sống đầu tiên Paul chứng kiến cũng là cái chết đầu tiên, câu hối thúc của bác sĩ lại vô tình gắn vào đời anh sâu sắc đến vậy.
Đối với một bác sĩ nội trú phẫu thuật thần kinh, một ngày thường bắt đầu từ lúc sáu giờ sáng và kéo dài cho đến khi ca mổ kết thúc, điều này phụ thuộc một phần vào việc anh nhanh nhẹn thế nào trong phòng mổ.
Mình đã tự hỏi rất nhiều lần, một người sâu sắc, nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và cố gắng như vậy, tại sao vẫn gặp điều không may. Mà đó, thực ra không hẳn là một câu hỏi, bản thân vốn dĩ có câu trả lời, nhưng cảm xúc đau buồn thì vẫn không thể chối bỏ. Mình hay dùng câu hỏi để tả nỗi buồn, nhất là kiểu nỗi buồn day dứt. Paul phát hiện ung thư khi chương trình nội trú gian khổ sắp kết thúc, khi chỉ còn vài bước nữa là tương lai rộng mở. Vị trí tốt hơn, danh tiếng, mức lương cao hơn, địa vị trong ngành, không còn phải tất tả ngược xuôi, và có nhiều thời gian bên Lucy. Còn cuộc đời ư? Cuộc đời vẫn thế, vẫn không như là mơ. Nên cuộc đời ném anh vào bệnh tật, bắt anh phải tiếp tục chiến đấu, đến tận giây phút cuối cùng.
Nằm cạnh Lucy trên giường bệnh, chúng tôi cùng khóc, hình chụp CT vẫn sáng trên màn hình máy tính.
Khi đọc bạn sẽ thấy, phần sau lúc bệnh tình trở nặng, phần nội dung cũng ngắn và gấp rút hơn. Bởi lúc đó, sức khoẻ của Paul tệ đi một cách nhanh chóng, và không thể viết nhiều nữa. Cuốn sách, nó thật như cuộc đời. Chúng ta không còn quá nhiều thời gian.
Hành trình đối diện với bệnh tật của anh, cũng có những trải nghiệm và khó ai có lòng có được. Có lẽ là do anh là một bác sĩ, thường xuyên chứng kiến bệnh tật, đau đớn và lìa đời. Một phần nữa bởi tâm hồn và trái tim chân thật của anh. Cách anh đối diện với vấn đề cũng rất con người, hay lúc anh khoẻ hơn và quay lại phẫu thuật sau khi chữa trị, mình thật sự đã nuôi hi vọng rất rất nhiều. Thứ hi vọng ngây thơ rằng ông trời sẽ không bỏ quên những người như thế. Nhưng cuối cùng, thực tế vẫn phũ phàng vậy đó. Nhưng rốt cuộc, anh ấy đã sống một đời thật ý nghĩa, thật hết mình. Dù có hoang mang, đau đớn, dù cái chết được tiên lượng sớm, thì thay vì buông xuôi, hay chuyển hướng hưởng thụ, Paul vẫn khát khao cống hiến, hơn nữa là khát khao yêu thương với sự chào đời của cô con gái.
Quả là thế. Mỗi ca mổ đều có cảm giác quen thuộc như cũ, nhưng tiến hành chậm hơn một chút.
Không có một cái kết có hậu theo đúng nghĩa đen, nhưng mình vẫn tin vào cái kết đẹp của cuốn sách. Vẫn tin rằng kiếp sau, Paul sẽ có một cuộc đời tốt đẹp và lâu dài hơn.
Thế mới biết chúng ta thật nhỏ bé, và tương lai thì vô cùng bất định. Cái chết là tất yếu, còn ta có thể đánh mất hơi thở bất cứ lúc nào. Thay vì trốn chạy cái chết, liệu rằng hiểu nó là một điều tất yếu có giúp tất cả mọi điều trở nên nhẹ gánh hơn chăng? Và từ khi đó, ta biết yêu thêm những tia nắng của buổi ban sớm khi biết mình vừa thức dậy, cùng biết cách học sống thật dũng cảm. Như Paul, đến cuối cùng, đã lựa chọn không lâp ống thở và ra đi.
Tất cả mọi người đều đầu hàng trước tính hữu hạn. Tôi ngờ rằng mình không phải là người duy nhất đã đi tới thì quá khứ hoàn thành này. Hầu hết đam mê đều có thể đạt được hoặc bị bỏ rơi; và dù thế nào thì chúng cũng thuộc về quá khứ. Tương lai, thay vào đó, là một chiếc thang hướng tới mục tiêu cuộc sống, trải phẳng trong một thì hiện tại vĩnh hằng. Tiền bạc, danh vọng, tất cả những phù phiếm trong lời mô tả của người thuyết pháp cuốn Giảng Viên đều vô nghĩa: Suy cho cùng cũng chỉ là chạy đua theo gió thoảng...
Cuộc đời ấy có bao lâu mà hững hờ...
Và đây là phần kết:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất