Thuở nhỏ, khi tiếp xúc với những khái niệm rất cơ bản về tín ngưỡng tôn giáo thần linh lúc ban đầu, về Phật, về bàn thờ, về phim ảnh, chắc hẳn chúng ta ít nhiều tự nhận thấy rằng, Phật có gì đó là một sự khủng khiếp, quyền năng vô thượng. Đến cả Tôn Ngộ Không là anh hùng trong mắt những thế hệ 8x, 9x, đại náo từ long cung sâu dưới biển tới thiên đình vượt xa 99 tầng mây xanh, trừ gian diệt yêu quái, đủ phép thần biến hóa tuyệt đỉnh mà cả những gương mặt đại cao thủ nhất của thiên giới đều phải bó phép, mà Phật chỉ cần lật lòng bàn tay phát là úp gọn. Một mảnh bùa Phật dán lên là cả 500 năm vị Tề Thiên Đại Thánh uy chấn 1 thời kia chỉ có nằm ăn viên sắt và uống nước rỉ đồng mà sống qua ngày.


Đọc thêm:

Rồi Phật còn được thiên hạ triệu triệu người bái lạy, cúng hàng trăm vạn lượng hoàng kim để cầu khẩn Ngài. Ngài là Thần trên muôn Thần, đến Ngọc Hoàng Thượng Đế quyền cao tột đỉnh như vậy mà vẫn dưới quyền ngài bảo kê. Nói chung, tiếp cận ngài chỉ thấy dân gian khắp chốn mô tả quyền năng vô hạn lượng, và lòng từ bi cũng lượng vô hạn. Tuổi thơ (hay thậm chí cả các bậc phụ huynh) được sống trong thế giới vũ trụ fantasy kỳ ảo đầu đời ở thời mà khi đó Marvel hay DC Universe còn chưa phổ biến, chưa biết đến khái niệm internet là gì, cả đại gia đình quây quần bên 1 chiếc TV vơi nguồn giải trí là kênh truyền hình quốc gia.
Tuy nhiên khi lớn lên một chút, có lẽ không ít người phát hiện Tây Du Ký chỉ là một tác phẩm văn học Trung Hoa, và vị Phật đang ngồi trên bàn thờ mỗi nhà kia, lại là một nhân vật có thật trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, của nền văn minh sông Hằng hơn 2500 năm về trước - một con người bằng xương bằng thịt cũng như bao người khác mà thôi. Và một số có thể tò mò: Vậy ông ấy cũng là người, vậy thì ông ấy.... có đi đái không?
Khi kỳ duyên đến, đến tự nhiên một cách khó tả, chúng ta ít nhiều cũng tìm được ra câu trả lời và ngầm hiểu cho bản thân, chỉ đơn giản là không thẳng thắn thừa nhận ra. Tất cả những gì nhân gian họ nói về Phật, kể cả những người được xem là theo Đạo của ngài ấy, đa phần bị sự sai lạc và ngụy tạo. Những gì Đức Phật để lại truyền dạy đã bị bóp méo, thậm chí vô số lần xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Thứ nhất, Phật không phải vị Thần, cũng không phải Thượng đế hay cũng chẳng phải Giáo chủ gì hết. Bởi rõ ràng, Phật là trạng thái tỉnh, còn chúng sanh hiện nay đang trong trạng thái mê. Phật là người đã giác ngộ. Giác có nghĩa là tỉnh, Ngộ tức là nhận ra. Còn chúng sinh là những người chưa tỉnh. Đức Phật là người tỉnh thức, sau đó ngộ ra chân lý cuộc sống, và truyền lại cách tỉnh ngộ đó lại cho nhân gian. Đơn giản vậy thôi. "Tớ tỉnh rồi, tớ nhận ra và tớ mong giúp các bạn tỉnh". Chứ Phật không phải sáng lập giáo phái tôn giáo, cũng không áp đặt.
Loài người chỉ mới dừng ở mức tiến bộ chấp nhận sự bình đẳng của mọi người từ màu da sắc tộc cho đến xuất thân. Phật thì bá đạo hơn thế cơ, Phật coi vạn vật bình đẳng, từ cỏ cây hoa lá chim muông sông suối đều bình đẳng như con người hết. Không phân biệt, thậm chí không phân biệt ta và ngoài ta luôn. Đức Phật là người, cái ngài tìm thấy gọi là Đạo. Đạo vốn có hằng có và tự có như vậy. Ngài không sáng tạo ra, cũng chẳng chuyển dời đạo, mà chỉ đơn giản là thấy. Cho nên không có chuyện Đức Phật hô mưa gọi gió, dời núi lấp biển, cân cả thiên hà. Ngài chả làm được cái gì, thậm chí chưa chắc còn khỏe bằng chúng ta ngày nay nữa cơ. Và Ngài cũng chẳng trừng phạt được ai, vì tội xách mé hay dám nói xấu Ngài. Có tu sĩ Đạo Hindu đến xúc xiểm, Ngài cũng chỉ dùng lời mà đáp, ông kia nghe thì nghe, không nghe thì không nghe. Ngài cũng chẳng có Như Lai Thần Chưởng đánh sấp mặt mấy thằng dám hỗn Ngài. Đơn giản, Ngài chỉ là người, và người này đặc biệt là đã tỉnh ngộ. Đạo đơn giản là các quy luật tự nhiên mà Ngài thấy. Nghĩa là gì, ra mưa Ngài vẫn ướt. Gai đâm, Ngài vẫn đau. Hay đơn giản chúng ta tìm được câu trả lời, đó là uống nhiều nước Ngài vẫn phải đi đái (mà thậm chí có khi tiểu nhiều như sứa luôn).
Tất cả những gì quyền năng và sự khủng khiếp nhân gian nói về Đức Phật là họ gán cho Phật như vậy và tạo dựng nên một hình tượng phủ đầy màu sắc huyền thoại như vậy, và theo sợi dây truyền thống đó, theo sợi dây thế tục truyền lại tư tưởng đời này sang đời khác, hình tượng Quyền Năng đó được kế thừa qua nhiều năm tháng và ghim vào tiềm thức mỗi người. Nhưng nếu tự suy ngẫm thật tâm chính mỗi người, chúng ta thấy rằng Ngài chẳng cho ai được cái gì. Làm gì có mà cho. Một xu dính túi cũng không. Những gì cầu khẩn từ một vị thần ban phát là người đời tự tưởng ra vậy. Họ kính, họ cầu, và họ tự nghĩ vậy.
Đức Phật tuy không cho đời một xu. Nhưng cái cho đời chính là một con đường. Nôm na, ông là bậc thầy và chỉ vẽ. Làm hay không là do người nghe, ông không liên quan, không cấp vốn, không gò ép, không chiêu dụ, không tiếp tay. Cái thấy và cái biết vũ trụ vạn vật của Đức Phật không được ngài nói hết kể hết, vì theo ngài tất cả những thứ tầm cỡ to tát vĩ mô đó đều là vô nghĩa. Sau này, chúng sinh ngộ sẽ tự biết những cái đấy như một hệ quả. Cái mà Đức Phật truyền duy nhất đó là: con đường diệt Khổ.
Đầu tiên, Ngài xác định đối tượng cần giải quyết. Đó là Khổ. Chiết nghĩa được từ này chắc cả vạn quyển không xong. Đơn giản, ta cứ gọi là Khổ đã. Tiếng Anh dịch là suffering (sự chịu đựng). Sau này, bạn sẽ hiểu Khổ không phải khổ đau ta hay dùng, mà Khổ ở đây đơn giản là sự sai lệch giữa kì vọng và thực tế. Thực tế mưa, bạn muốn nắng, đó là khổ. Thực tế nóng, bạn muốn lạnh, đó là khổ. Khi nào, thực tế mưa bạn thấy vui, nắng cũng thấy vui, đi qua đống rác thấy thối, nhưng vẫn vui và chấp nhận rác thì phải thối, thì bạn là Phật.
Phật không dạy bạn Cân Đẩu Vân, không dạy biến hình, không dạy thần thông. Ngài ngồi thiền 49 ngày, rồi quyết định theo con đường Trung Đạo và soạn ra Tứ Diệu Đế cho đời. Xác định được Khổ, ngài viết là Khổ Đế. Tiếp theo, Ngài dạy nguyên nhân Khổ tức Tập Đế. Khi biết nguyên nhân Khổ, lại dạy diệt Khổ rồi thì sẽ như nào, tức là Diệt Đế. Diệt Đế nôm na là mục đích muốn tới, là mười quả bóng bowling đã thấy rõ. Cuối cùng, nắm rõ mục đích, Ngài mới dạy cách đi tới đích tức Đạo Đế, cách diệt Khổ. Và cách diệt Khổ có 8 cách, tức gọi là Bát Chánh Đạo. Cực kì rõ ràng và khúc chiết. Không vẽ vời loằng ngoằng.
Đức Phật biết rất nhiều, nhưng không nói hết vì không liên quan. Phật chỉ truyền cho nhân gian bốn điều trên, tức Tứ Diệu Đế, bốn chân lý kỳ diệu. Chúng sinh nắm được bốn điều kì diệu trên là đạt con đường tiệm tu đắc quả A La Hán. Tuy chậm nhưng chắc chắn.
Tức là trước khi ngộ, chẻ củi gánh nước. Sau khi ngộ, cũng chẻ củi gánh nước. Không có biến hình, không có bay lượn, không có siêu giàu. Tất cả vẫn y nguyên chỉ là trước đây Vô Minh tức ngu, giờ sáng, biết và hiểu quy luật nó thế. Trước khi ngộ, sờ tay bị điện giật. Sau khi ngộ, sờ tay điện vẫn giật, chỉ là biết rồi nên không sờ nữa. Vũ trụ đất trời vẫn vận hành như trước, chỉ là kẻ ngộ rồi không còn khổ vì thấy nó bình thường, quy luật nó phải thế. Không còn ái ly biệt khổ, cái khổ vì xa cách người mình yêu. Không còn oán tăng hội khổ, cái khổ vì gặp kẻ mình ghét. Không còn cầu bất đắc khổ, cái khổ vì cầu không được ước không thấy.
Tức là nếu Đức Phật uống nhiều nước, Ngài vẫn đi tiểu, nhưng Ngài hiểu điều đó.
Tất cả những gì nhân gian huyền hoặc về Đức Phật là bịa đặt và thêu dệt. Thậm chí cản đường những người truy cầu chính đạo đến với Phật Pháp. Phật Pháp gói gọn cốt lõi nhất chính là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Nhưng thế giới tự vẽ rắn thêm chân rết cười nắc nẻ, ra cả một mớ loạn xạ rườm rà, pháp khí rồi đạo môn. Cái chân lý thì không nắm, chỉ chạy theo những thần thông với chả hư hoa. Đức Phật gọi chúng sinh là mê cũng có lý do. Đưa thuốc giải cho những kẻ mê thì họ cũng chỉ gây mê thêm những người khác mà thôi. Đức Phật nói rằng nếu yêu quý ngài, noi theo ngài thì cũng chỉ làm được người khôn, chứ không tự tu thì không thành được kẻ ngộ. Tất cả những hình tượng lập ra để thờ Phật là do đời sau yêu mến, suy tôn và tưởng nhớ nên lập ra, chứ Đức Phật không mong những cái đó, cũng không tạo dựng ra sự tôn sùng cá nhân đó. Tất cả đều bình đẳng, và phải tự ngộ, ta chỉ là người vẽ chút kinh nghiệm, các người thấy ta sai thì cứ bỏ mà tự tìm đúng, tự thắp đèn mà đi tìm chân lý cho chính mình, đừng lạy ta để xin ta - đây mới chính là tinh thần tuyệt vời khiến cho Đạo Phật khác biệt rõ ràng với các tôn giáo Hữu Thần khác.
Ngàn năm mặt trời vẫn thế. Nhưng nhận thức về mặt trời của con người luôn thay đổi, ngày càng sáng tỏ hơn. Thay đổi mãi, đổi mãi để tiệm cận đến bản thể thực sự của Mặt Trời, gồm nguyên tố hydro (khoảng 74% khối lượng, hay 92% thể tích), heli (khoảng 24% khối lượng, 7% thể tích), và một lượng nhỏ các nguyên tố khác, gồm sắt, niken, oxy, silic, lưu huỳnh, magiê, carbon, neon, canxi, và crom. Cho dù nhận ra rồi, thì Mặt Trời trước giờ vẫn thế, chẳng có gì khác, mọi vấn đề đều nằm ở chuyện con người tự vọng tưởng Mặt Trời thôi. Cũng đừng mong dịch chuyển hay bắn rụng Mặt Trời như Hậu Nghệ.
Nói tóm lại, hiểu về cuộc sống qua lăng kính Đạo Phật như thế nào? Ai ăn thì người nấy no, ai tu thì người nấy tiến. Không bao giờ có chuyện người này ăn mà người kia no, hay lạy lục năn nỉ ỉ ôi cầu xin Phật khấn Phật để bản thân khá lên được. Không ai có thể sống giúp cuộc đời của người khác cả, kể cả Đức Phật, mỗi người phải tự bước lấy trên chính đôi chân của mình trên con đường cuộc sống và tìm cầu chân lý. Ở mọi phương diện cuộc sống, phàm khi làm gì, chỉ là nếu làm, thì hãy thực hiện theo quy luật vận hành tự nhiên, theo Nhân Quả, thì sẽ thành công. Nhắm mắt làm bừa làm ẩu thì chỉ có phá hoại và trả giá. Cũng như chuyện Đức Phật uống nhiều nước, Ngài cũng phải đi tiểu mà thôi, không có gì khác chúng ta cả.
p/s: bài viết được sao chép và tổng hợp từ nhiều nguồn.

Đọc thêm: