Trong vài năm gần đây chúng ta bắt gặp rất nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến việc làm “từ thiện”. Nổi bật nhất như mình nhớ vào năm 2016, trong chương trình “60 phút mở”, nhà báo Tạ Bích Loan và TS. Đặng Hoàng Giang đã làm cộng đồng mạng dậy sóng với câu hỏi: “Làm từ thiện để làm gì?” và hàng loạt những nghi vấn đi theo sau, rằng từ thiện là làm cho mình hay làm vì người khác, và liệu rằng làm từ thiện là có lợi hay có hại hay nói cách khác là liệu những thứ chúng ta đang cho đi có thật sự tốt như chúng ta nghĩ, hay thứ mà chúng ta cho là lòng tốt theo một cách nào đó lại đang âm thầm gây hại cho người được nhận. 
Ồ, đó thật sự là một câu hỏi xoắn não, thế là một thắc mắc cứ luẩn quẩn mãi trong đầu mình từ đó đến giờ: “thế nào là tốt, thế nào là xấu?”. Liệu những gì mà chúng ta đang làm cho xã hội cho thật sự là tốt không? Liệu những người, những thứ mà chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống có thật sự đẹp đẽ như thế, hay nó chỉ đang khoác cho mình một chiếc áo choàng “nhân văn” và che đi những góc khuất đen tối một cách tinh tế.
Tại Việt Nam, “thiện và ác”, “tốt và xấu” có lẽ là cụm từ mà ta nghe rất nhiều trong cuộc sống thông qua đạo Phật. Mọi người thường nói “làm điều thiện và tránh xa điều ác”, có thật là nên như thế? và theo đạo Phật thì thế nào được coi là thiện và thế nào thì là ác? Liệu đích đến cuối cùng của người tu Phật có phải là “làm lành lánh dữ” không?

Giá trị đạo đức là một khái niệm tương đối

Giá trị đạo đức là một thứ luôn thay đổi theo thời gian, và cũng khác nhau tại các nền văn hóa khác nhau, nó không hề bất biến. Có những điều mà ở thời buổi này, tôn giáo này thì cho là phải, nhưng tại thời buổi khác và tôn giáo khác thì lại không được chấp nhận nữa.
Ngày xưa tại đất nước ta, việc đàn ông có nhiều vợ là điều bình thường, nhưng ngày nay thì lại là việc không thể chấp nhận được. Ngày xưa việc một người phụ nữ đã có chồng quan hệ bất chính có thể coi là trọng tội, nhưng ngày nay không còn trầm trọng đến như vậy nữa. Ngày xưa gái chưa chồng mang thai sẽ bị cạo đầu bôi vôi, còn ngày này không phải vấn đề gì quá to tát. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ngày nay mọi người được tự do quyết định hạnh phúc của bản thân mình. Trong thời bình việc giết người được cho là phạm pháp nhưng trong thời chiến thì giết được kẻ địch lại là lập công. Tại Tây Tạng, người ta chấp nhận chế độ đa phu, một người phụ nữ có thể có nhiều chồng, nhưng tại nước Anh, đó là điều không thể cả trên phương diện đạo đức lẫn pháp luật. Luân lý xã hội thay đổi theo thời gian và không gian, hoàn cảnh, đó là điều mà ta đều có thể nhìn thấy. 

Đọc thêm:

Thiện ác theo góc nhìn Phật giáo

Thiện ác của đạo Phật và thế nhân không giống nhau, là vì đạo Phật có cách nhìn nhận cuộc đời khác chúng ta.
Thiện và ác nhìn theo góc độ của giới Nhị nguyên (có sự phân chia) được căn cứ theo tiêu chuẩn lợi và hại. Lợi cho mình mà hại cho người thì được coi là ác, nhưng nếu lợi cho người khác thì là thiện
Nhưng cũng cần lưu ý điều này, trong 3 tác động tạo ra nghiệp là “thân, khẩu và ý” thì “ý” là yếu tố quyết định. Nghĩa là một hành động được xuất phát từ một ý niệm tốt thì nó sẽ là tốt, và một hành động hay lời nói dù bề ngoài có thể hiện là tốt đi chăng nữa mà xuất phát từ một ác tâm hay động cơ xấu thì nó vẫn là ác. Cùng một hành động hay lời nói vừa có thể là thiện mà vừa có thể là ác, còn tùy vào hành động ấy xuất phát từ thiện tâm cao quý hay từ sự ích kỷ tham lam, lợi dụng.
Lấy ví dụ như hành động của cha mẹ đánh con, về hành động là không tốt nhưng xuất phát từ mong muốn cho con nên người thì lại được coi là việc tốt. Đôi khi những kẻ ăn nói ngon ngọt bên cạnh ta lại thực chất chỉ để thừa cơ lợi dụng, nhưng có những người thường nói những lời khó nghe, mất lòng nhưng thực tâm lại mong muốn ta nhận ra được sai lầm mà cải thiện. Vậy mới nói cái tâm là quan trọng nhất, có kẻ giết người mà không phải kẻ ác, có kẻ cứu người mà lại không phải thiện nhân.

Nhưng đó chỉ là cái nhìn trong giới Nhị nguyên (có sự phân chia), còn góc nhìn của bậc Đại giác (đã giác ngộ) thì lại không như vậy. Phật nói rằng khi đã đạt đến Chân Như tức cảnh giới Niết Bàn rồi thì sẽ không còn phân biệt sự vật nữa, khi ấy Ta và Người và Người là Ta, mọi thứ là một và đều bình đẳng như nhau, không tách rời. Chỉ có vô minh tạo ra cái Ta, hay chúng ta hay gọi là “cái tôi” phân biệt với sự vật sự việc bên ngoài, làm cho ta lầm tưởng có sự chia rẽ giữa mình và người khác vật khác, dẫn đến tham lam, dẫn đến dục vọng, kiêu hãnh, dẫn đến đau khổ triền miên. Có thể hơi khó hiểu, mình không thể giải thích phạm trù này trong bài viết vì nó rất rộng. 
Mọi cặp đối lập trên thế gian này, tuy mâu thuẫn nhưng lại cần thiết và liên kết chặt chẽ với nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Cũng như phải có bóng tối thì ta mới nhận biết được ánh sáng, có khổ đau ta mới hiểu được thế nào là hạnh phúc, và có những điều ác mới giúp ta cải thiện và giác ngộ. Thiện và ác giống như trong vòng tròn âm dương, tuy mâu thuẫn mà chẳng thể rời nhau, sở dĩ gọi là âm vì phần âm lấn phần dương và sở dĩ gọi là dương vì phần dương lấn phần âm. Trong âm có dương và trong dương có âm, cũng như không có gì trên đời này là thuần thiện hoặc thuần ác. Một việc là tốt cho người này nhưng lại không tốt cho kẻ khác và ngược lại. Vậy, nếu xem chúng ta là một thì cái tốt và cái ác ấy vẫn không có gì thay đổi. Theo như cách hiểu của mình thì bạn làm việc tốt không đồng nghĩa với việc cái ác sẽ mất dần đi và khi bạn làm điều ác cũng không có nghĩa là điều tốt sẽ tiêu biến, thiện và ác vẫn luôn như vậy luôn song hành cùng nhau và luôn cân bằng. Có những thứ ta làm được coi là tốt cho mình, gia đình mình, tổ chức của mình, quốc gia mình, nhưng lại là hại cho người khác, gia đình khác, tổ chức khác, quốc gia khác. Tự một hành động luôn sinh ra cả thiện và ác. 
Phật giáo chủ trương giữ một cái tâm “bình đẳng” liên quan đến thiện và ác. Thiện và ác đều cần thiết như nhau. Đức Phật có nói: “Nếu có kẻ chặt cái tay ta, và một kẻ khác săn sóc băng bó cho ta thì đối với hai người ấy ta xem như nhau, không ai là kẻ thù không ai là bạn”. Bình đẳng là khi có người cười chê ta không buồn, có người khen ngợi ta không vui, không coi thường người khác, không đề cao hay tự hạ thấp chính mình. 
Trong hàng ngũ đệ tử của Phật Thích Ca có rất nhiều hạng người khác nhau, kẻ trộm cắp, người lương thiện, kẻ giết người, người làm kỹ nữ… Nhưng Ngài không từ chối một ai, vì đối với Ngài, thứ mặc cảm tự ti rằng mình là người xấu là rào cản lớn nhất cho người học Phật, vậy nên đừng bao giờ oán hận rằng bản thân đã làm nhiều điều ác. 

Tu đạo Phật có phải là tu thiện nghiệp


Người đời thường hay nói Tu đạo Phật là tu thiện nghiệp, nghĩa là làm việc lành và tránh điều ác. Vậy nếu nếu tu đơn giản chỉ là làm lành lánh ác thì cần gì phải là đạo Phật, đạo nào chẳng hướng tới điều đó, và đâu có cần gì phải nghiền ngẫm kinh điển sâu xa, chỉ cần làm thật nhiều điều tốt là đủ.
Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, vì đạo Phật hướng người ta đến cảnh giới cao nhất là Niết Bàn, là không phân biệt Ta và Người, thiện và ác, thoát khỏi luân hồi sinh tử triền miên. Nói cách khác phải biết vượt lên trên cả ác lẫn thiện thì mới mong đạt tới cảnh trí Niết Bàn. 
Làm việc ác tạo ra ác nghiệp và làm việc thiện sẽ tạo ra thiện nghiệp, nghiệp tốt hay nghiệp xấu thì vẫn cứ là nghiệp, vẫn kéo ta đi tiếp trong vòng luân hồi. Cũng như Phật đã nói sợi xích sắt hay sợi xích vàng thì nó vẫn cứ là sợi xích, nó vẫn trói buộc ta. Tạo nhiều thiện nghiệp thì sẽ được đầu thai ở một cảnh giới tốt hơn, được hưởng những thiện quả tốt hơn, sống trong một cuộc sống sung sướng hơn, nhưng vẫn không thể giải thoát. Bởi còn làm việc thiện là còn mong cầu điều tốt đẹp đến với mình, còn mong cầu được sung sướng hạnh phúc, nghĩa là còn có cái Ta, vẫn phân biệt Ta và Người, vẫn còn tham, sân, si. 
Trong cuốn Phật Học Tinh Hoa của tác giả Nguyễn Duy Cần có viết: “Nếu bạn oán hận ai, đừng tìm cách phủ lên tâm hồn bạn một tấm màn nhân ái, mà hãy lo giải thoát tinh thần bạn khỏi cái ý niệm chia rẽ cá nhân. Nếu bạn vượt khỏi cả hai (đức tốt và tật xấu) bạn sẽ hiểu được cái lẽ vô biên vô tận rất dễ dàng. Cái gây ra sự chống đối nhau chính là lòng ích kỷ, là cái ý niệm chia phân. Cái đối lập cũng chứa đựng ngay cái phần mà nó đối lập, nghĩa là cái phần mà mình trốn tránh.”
Hay như Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Đừng nghĩ đến thiện, cũng đừng nghĩ đến ác, thì trong lúc đó mới hiện rõ được cái bản thể Chân Như”.
Vậy nên người tu Đạo Phật theo mình thì cần làm hai điều. Một là giúp mình và giúp người thoát khỏi vô minh để chứng Niết Bàn, và hai là không làm bất cứ điều gì ngăn cản hay có hại đến sự giải thoát của ta và người. Làm việc thiện có chăng chỉ là phương tiện phục vụ cho hai điều trên, không phải đích đến.
....
Trên đây là những tìm hiểu kết hợp suy luận cá nhân của mình về vấn đề thiện - ác trong đạo Phật, đồng thời giải đáp câu hỏi tu Phật có phải là làm thật nhiều việc tốt hay không. Có thể những lập luận đưa ra sẽ mâu thuẫn với tư duy nhiều người, rất mong nhận được góp ý. Đồng thời có nhiều phạm trù và khái niệm trong bài viết mà mình chưa thể giải thích được vì nó rất rộng, mình sẽ đề cập trong một bài viết khác. Cảm ơn đã đọc bài viết.