Đã bao giờ bạn bị ấn tượng mạnh bởi một góc quay đầy nghệ thuật, tự hỏi một MV ca nhạc được sản xuất như thế nào? Nếu bạn từng mảy may có những câu hỏi này trong đầu, mình - Andrew Bay Bổng (A Flying Andrew), rất vui được chia sẻ cuộc sống và công việc của một video producer “trọn bộ” (trích từ bài chia sẻ của mình trong sách “NTMN: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?”). Hy vọng bạn sẽ tìm thấy cảm hứng để đưa sự tò mò đơn thuần thành sự hứng khởi đủ lớn để đứng lên, cầm máy và ghi lại những thước hình đầu tiên của chính mình.

Từ làm nhạc đến làm phim

Thực ra, mình không hề biết mình thích làm video đến thế. Hồi cấp 3, đam mê lớn nhất của mình là làm nhạc sĩ. Nhưng mình nghĩ nếu chỉ đàn hát rồi thu âm và đăng lên SoundCloud cũng chẳng ai biết đến, độ phủ sóng chắc chắn không rộng như YouTube, nên mình học cách tự quay, làm video. Sang Mỹ học Đại học mình vẫn thích làm nhạc. Đến cuối năm nhất, mình có bản hit đầu tiên viral ở trường, hồi đó còn quay bằng iPhone 5, được 20.000 view trong mấy tháng. Lúc đó mình mới thấy: Làm video vui đấy nhỉ, vui hơn làm nhạc. Mình cũng nhận ra dù thích làm nhạc thật đấy, nhưng mình không thể giỏi bằng nhiều người ngoài kia. Còn với chuyện sản xuất video, mình có nhiều đam mê và hứng thú để liên tục mày mò, tự học đủ thứ.
Từ thời điểm đó, mình ít làm nhạc lại, chuyển sang làm YouTube nhiều hơn, quay nhiều Vlog song ngữ để chia sẻ về cuộc sống, trải nghiệm, quan điểm của mình với bạn bè, tập luyện edit video dần dần. Mình cũng nhận quay một vài video cho trường Đại học của mình ở Mỹ. Hồi đó làm vì đam mê, cho vui thôi, chứ gần như chưa hề có thu nhập từ công việc này. Thông qua việc làm Vlog cho kênh YouTube cá nhân (tên là A Flying Andrew TV), mình hiểu thêm về quay dựng, chủ động thử nghiệm những góc quay và edit kiểu mới, dần dần “cứng tay” hơn trong việc edit. Đợt về Việt Nam nghỉ hè, mình có job đầu tiên được trả tiền là quay một sự kiện của các bạn sinh viên trường Đại học Hà Nội. Chi phí job đó chỉ có 1 - 2 triệu, nhưng mình thấy rất vui vì được trả tiền làm việc mình thích. Mình được đà, bắt đầu tập trung học hỏi và đầu tư vào thiết bị nhiều hơn để đi quay cho xịn.
Sau đó, mình chuyển sang học ở Pháp – một đất nước nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp, nhìn đâu cũng thấy nghệ thuật. Mình bắt đầu quay những video về thời trang nhiều hơn. Video đầu tiên mình vẫn nhớ là quay Châu Bùi. Bọn mình chơi với nhau cũng khá lâu rồi, Châu nhắn mình trước khi sang Pháp, thế là hai đứa có một ngày quay siêu vui. Các bạn có thể tưởng tượng được không: cảnh đẹp, mẫu xịn, cứ giơ máy quay lên là có pose đẹp liền, trang phục quần áo phụ kiện cũng rất đẹp nữa. Mấy video thời trang bên Pháp mình đều rất ưng. Đây cũng là thời gian mình bắt đầu kiếm ra tiền từ quay phim. Mình còn nhận quay các đám cưới bên Pháp (quay cưới hơi chán một chút nhưng lại có tiền). Đến mùa thời trang, mình lại quay cho Châu Bùi cùng một vài thương hiệu thời trang khác.
Năm 2019, mình học xong chương trình Đại học ở Pháp. Lúc đầu mình cũng có suy nghĩ ở lại Châu Âu, lập một team production đi quay cưới hoặc quay cho các thương hiệu thời trang lớn nhỏ, nhưng một phần vì môi trường xã hội bên Pháp nguy hiểm quá, ra ngoài trộm cướp đầy đường. Một phần khác, mình thấy Việt Nam có quá nhiều tiềm năng: những đợt về Việt Nam nghỉ hè, mình thấy nhu cầu quay video của các thương hiệu thời trang cũng rất nhiều, mỗi tháng đến cả chục video. Vậy là tháng 6/2019 mình về hẳn Việt Nam.
Tính đến nay, sau 2 năm ở Việt Nam, đội production của mình gọi là tạm ổn. Giai đoạn đầu, mình có nhận quay cho các sự kiện, nhưng quay sự kiện rất mệt, đi từ sáng đến tối, mà đặc thù công việc cũng hơi nhàm chán, nên gần đây, team mình tập trung vào quay video quảng cáo cho các nhãn hàng là chính. Tháng 6/2021 vừa rồi, team mình có làm MV “Gái độc thân” cho Tlinh. Đây là dự án mình ôm hết từ đầu đến cuối: làm đạo diễn, làm producer rồi tự edit luôn. MV này có lẽ là một trong những dự án quan trọng nhất của mình trong năm nay. Đến đầu tháng 7, MV đã lọt vào #5 trending và đạt hơn 1 triệu view YouTube, #2 Apple Music New In Hip-Hop, #3 Spotify Weekly V-POP.

Một production team hoạt động ra sao

Theo quan sát của mình, các bạn trẻ lúc mới bắt đầu vào nghề thường làm theo nhóm, sau một thời gian có kinh nghiệm sẽ tách ra làm riêng. Đội production của mình là tập hợp một nhóm các bạn làm việc tự do. Cứ khi nào có dự án mới, mình gọi và các bạn thấy hứng thú là sẽ làm cùng. Mình cũng khá kỹ tính trong việc chọn người, nên với những vị trí quan trọng, mình luôn tìm các bạn giỏi nhất, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.
Ở giai đoạn tiền sản xuất (pre-production), việc đi gặp và trao đổi khách hàng thường sẽ do một nhóm gồm đạo diễn, creative và producer thực hiện. Thông thường, mình thay mặt cả nhóm đi gặp khách hàng, đôi khi có 1 - 2 bạn đi cùng để hỗ trợ. Mình chủ động phần chốt nội dung kịch bản, phong cách quay, dự trù kinh phí,...
Sau khi chốt được chi phí, ý tưởng quay, sẽ đến ngày quay trực tiếp, hay còn gọi là ngày on-set. Một ngày on-set thường cần những vị trí:
- Đạo diễn: Chịu trách nhiệm về kịch bản, diễn xuất, biểu cảm của diễn viên.
- Đạo diễn hình ảnh: Sắp xếp đèn, thiết bị ánh sáng, góc quay,…
- Quay phim: Trực tiếp điều khiển máy quay ghi hình.
- Kéo nét (Focus puller): Điều chỉnh ống kính, khẩu độ,... để lấy nét.
- Makeup - Stylist: Trang điểm, chuẩn bị đồ, hỗ trợ diễn viên.
- Catering: Lo đồ ăn đồ uống cho cả team.
- Logistics: Chuẩn bị hậu cần, đồ đạc, đi lại, studio,…
Sau khi hoàn thành phần quay là phần xử lý hậu kỳ. Hậu kỳ cần 3 vị trí cơ bản như sau:
- Editor - Biên tập: Với các dự án lớn cần xử lý kỹ thuật cầu kỳ, mình sẽ tự làm phần biên tập này luôn. Với các dự án nhỏ và đơn giản, sau khi khách đã ưng ý phần hình ảnh quay xong, mình sẽ giao cho một bạn editor trong team tự thực hiện.
- Visual Effects - Hiệu ứng hình ảnh: Thêm các hiệu ứng hình ảnh để bổ trợ cho các cảnh quay sẵn có. Ví dụ, với dự án quay cho Vinfast năm trước, mình cũng cần thuê riêng một bạn làm visual effects để xử lý các chuyển động (animation), chữ chạy trong môi trường 3D,…
- Colorist - Hiệu chỉnh màu: Chịu trách nhiệm biến đổi màu sắc, ánh sáng để thể hiện đúng tinh thần và dụng ý đạo diễn. Chẳng hạn, những thương hiệu mỹ phẩm yêu cầu về làn da đẹp, son đúng màu,... mình sẽ cần các bạn colorist chuyên nghiệp làm cho chuẩn.
Như đã nói từ đầu, mình luôn muốn đảm bảo chất lượng đầu ra của từng sản phẩm, vì vậy, mình sẽ quản lý tất cả các khâu, chủ động thực hiện các phần việc trong khả năng.
Thông thường, mình có 3 đầu việc chính. Một là đi gặp khách hàng để trao đổi, nắm bắt nhu cầu của họ, chi phí, ý tưởng và phong cách quay,... Thời gian đi gặp khách hàng thường không nhiều, 3 - 4 ngày/tháng là cùng, giai đoạn dịch bệnh có thể call online. Thứ hai là những ngày on-set quay, mình đi biền biệt từ sáng đến đêm luôn, có hôm 2 giờ sáng mới xong, có những dự án quay đến 2 - 3 ngày liên tiếp. Đây thường là những ngày mệt và yêu cầu sức khoẻ nhiều nhất. Thời gian còn lại, mình ngồi ở nhà biên tập, xử lý các công việc giấy tờ, và làm kênh YouTube cá nhân.
Làm nghề này, bạn hãy chủ động cho bản thân những ngày nghỉ để lấy lại cân bằng. Mình hiếm khi nhận quá nhiều dự án vì phải luôn giữ sức khỏe để làm việc. Nhiều bạn làm quay phim, kéo nét,... mà đi on-set liên tục là rất dễ kiệt sức. Dù thoạt nhìn, công việc kéo nét không phải lao động chân tay nặng nhọc, chỉ ngồi một chỗ xoay xoay máy lấy nét thôi, nhưng thực ra rất căng thẳng áp lực: góc máy đẹp, diễn xuất tốt mà lấy nét hỏng thì cảnh quay đó cũng hỏng luôn.

Thú vị và đâu có bấp bênh

Muốn đi xa, bạn phải có đủ đam mê và không ngừng trải nghiệm. Đam mê đủ lớn giúp bạn đủ động lực vượt qua khó khăn. Mình không đủ đam mê để cố gắng cho việc làm nhạc, nhưng mình đủ hứng thú để liên tục tự học những kiến thức kỹ năng liên quan đến làm phim. Có thể có một vài người năng khiếu xuất chúng trong việc quay phim, dựng hình, nhưng họ cũng không thể thành công nếu không có kinh nghiệm. Có năng khiếu mà không làm nhiều, không trải qua nhiều dự án, bạn sẽ chẳng bao giờ có được những sản phẩm hay. Với những bạn mới bắt đầu, hãy sẵn sàng tham gia các dự án miễn phí, để hiểu về quy trình, để biết trong một đội sản xuất cần những vị trí gì, để có thêm nhiều mối quan hệ trong công việc.
Thứ hai, hãy xem thật nhiều những video chất lượng, theo đúng phong cách mà bạn muốn theo đuổi. Mình xem rất nhiều MV của Mỹ, của Hàn, chất lượng sản phẩm của họ cực xịn. Đến khi làm những dự án riêng, mình cũng muốn nó được xịn như vậy, hoặc ít cũng phải bằng một nửa. Như MV mình làm vừa rồi, hình ảnh video không hề giống bất cứ một MV Việt Nam nào. Nhà tài trợ cũng không có quyền can thiệp hình ảnh, mình chỉ đảm bảo đúng số giây xuất hiện sản phẩm. Khi mình tiếp xúc với nhiều sản phẩm nghệ thuật vượt ra ngoài khuôn mẫu, những thứ mình làm ra cũng sẽ có hơi hướng mới mẻ, không bị nằm trong vùng an toàn. Ngược lại, nếu bạn hay xem những video viral linh tinh, kém chất lượng, sản phẩm bạn làm ra cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chất lượng đầu vào sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra.
Khi mình theo đuổi công việc này, bố mẹ mình cũng không thực sự ủng hộ vì nghĩ đây không phải một sự nghiệp ổn định. Nhưng thực ra, công việc nào chẳng có rủi ro, đi làm văn phòng mà công ty thua lỗ cũng mất việc thôi, đâu có an toàn như bố mẹ vẫn nghĩ. Các bạn yên tâm, công việc quay phim không bấp bênh như mọi người vẫn tưởng. Chỉ cần bạn làm việc tử tế, uy tín, luôn luôn có nhiều công việc thú vị đang mời gọi 😉
---
Tham gia nhóm Người trong muôn nghề để lắng nghe và chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị hơn nhé ;)
Đọc thêm:'