Quân phục Đức Quốc Xã - Tử thần lịch lãm
Khi nói đến quốc gia có bộ quân phục đẹp, ngầu và thời thượng nhất, chắc chắn Đức Quốc Xã sẽ là câu trả lời của không ít người. Vậy còn những điều gì bạn chưa biết về bộ Quân Phục của Nazi?
Đối với quân đội của các nước trên khắp thế giới, bên cạnh quân số hay vũ trang, bộ quân phục cũng là một yếu tố quan trọng để thể hiện sức mạnh của đội quân ấy. Khi nói đến quốc gia có bộ quân phục đẹp, ngầu và thời thượng nhất, chắc chắn Đức Quốc Xã sẽ là câu trả lời của không ít người. Vậy còn những điều gì bạn chưa biết về bộ Quân Phục của Nazi? Tên tuổi của Hugo Boss có vai trò thế nào đối với bộ quân phục này? Và nó có ảnh hưởng thế nào đối với đại chúng thời hiện đại?
Để hiểu rõ được tại sao quân phục của Đức, hay cụ thể hơn là quân phục của quân đội SS, thì chúng ta phải lật ngược lại một chút về năm 1871. Otto Von Bismarck là người đã thống nhất rất nhiều bang cùng những quân đội có phục trang và màu sắc khác nhau về chung một mối, gọi là “German Empire” - đế chế Đức, tồn tại từ năm 1871 tới 1918. Trong giai đoạn này, nước Đức vẫn tồn tại rất nhiều các loại quân phục khác nhau với đủ các loại thiết kế. Điểm chung duy nhất là chiếc “Pickel Helm”, chiếc mũ với cái chóp nhọn ở trên đầu. Cho tới 1910, quân phục Đức đã được thống nhất lại với chỉ một mẫu thiết kế duy nhất là chuyển về màu xám. Chiến tranh kiểu mới ra đời, các chỉ huy hầu như không còn trực tiếp ra mặt trận nữa. Việc mặc các quân phục khác màu để phân biệt các đơn vị đã không còn cần thiết. Sự thay đổi này phục vụ cho mục tiêu thực tiễn hơn, tiết kiệm chi phí, có thể sản xuất hàng loạt và mặc bởi quân đội của cả một quốc gia. Tuy vậy, chiếc mũ đặc trưng tồn tại để tận năm 1916 mới được thay đổi bằng một chiếc mũ khác cũng đặc trưng không kém, là chiếc mũ Stahlhelm.
1918, Đức kết thúc thế chiến thứ Nhất với một thất bại vô cùng cay đắng và nhục nhã. Quân đội vì thế mà cũng giảm sút về cả số lượng và chất lượng. Thậm chí đã có thời gian, quân đội của toàn bộ quốc gia Đức chỉ có vỏn vẹn khoảng 100.000 người. Quân phục của Đức chỉ tồn tại như một minh chứng cho thất bại từ đệ nhất thế chiến. Cho tới khi có một nhân vật xuất hiện, mang theo tham vọng đưa nước Đức trở lại thời kì hoàng kim vốn có. Còn ai khác ngoài Idol giới trẻ Adolf Hitler. Tuy vậy, quân đội quốc gia Đức có một bộ phục trang không quá đáng kể để nhắc tới. Nhưng, SS thì khác.
Tôi nghĩ rằng các bạn vẫn đang tự hỏi, SS là gì? Đây là một đơn vị đội quân đặc biệt có tên là “Schutzstaffel”, hay được viết tắt là SS. Đơn vị quân sự này là tổ chức được lãnh đạo bởi Adolf Hitler và đảng Nazi. Hay có thể hiểu một cách nôm na và cụ thể hơn, SS là đơn vị bảo vệ riêng cho Hitler và trực tiếp thực thi các mệnh lệnh của hắn. Hitler không hề có sự tin tưởng vào quân đội quốc gia, bởi vậy mà hắn muốn có một đơn vị quân sự cho riêng mình, một đơn vị mà hắn có thể thao túng và dành trọn sự trung thành phục vụ cho hắn. Mục tiêu của SS đã được mở rộng khi Heinrich Himmler nắm quyền vào năm 1929, hắn muốn tổ chức này phải là một đội quân tinh nhuệ khổng lồ. Những thành viên tham gia và được phép gia nhập tổ chức phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Phải chứng minh rằng gia phả tổ tiên không có ai là người Do Thái, chưa kết hôn, không có tiền án. Phải là người thuộc chủng tộc Aryan thượng đẳng do Hitler đề ra, đang trong độ tuổi 25-35 tuổi, cao ít nhất 1m74, có hộp sọ dài, tóc vàng với mắt xanh và không có khiếm khuyết thể chất. Trên hết, là có tư tưởng dân tộc thượng đẳng cực đoan. Trang phục luôn là thứ dùng để tôn vinh vẻ đẹp của người mặc. Vì vậy phải cần một bộ quân phục tương xứng với tiêu chuẩn mà SS đã đề ra. Cùng với những tội ác diệt chủng đi kèm theo đó, bộ quân phục đen đã trở thành biểu tượng của những kẻ sát nhân hàng loạt đằng sau vẻ ngoài chuẩn mực và lịch lãm.
Bộ quân phục của SS thực sự là một sản phẩm high-end, thượng hạng và tuyệt hảo nếu xét về khía cạnh thời trang. Nó được thiết kế đẹp đẽ, bắt mắt với hàng loạt những biểu tượng vô cùng đặc trưng của cả tổ chức SS và Đức Quốc Xã. Đặc biệt nhất, là những bộ đồ này được sản xuất để vừa vặn với người mặc chúng. Có rất nhiều người cho tới nay vẫn nghĩ rằng tác giả của bản thiết kế quân phục cho SS là Hugo Boss, nhưng nhận định này là sai lầm. Hugo Boss đóng vai trò rất lớn, nhưng đó là ở khâu sản xuất chứ không phải về mặt thiết kế. Những bộ đồ đều được chăm chút tinh xảo đến từng đường khâu sợi chỉ. Hơn nữa, vào những năm 1930, có rất ít nơi mà các quân sĩ và sĩ quan có thể trả thêm tiền cho các thợ may riêng thuộc công ty Hugo Boss phục vụ độc quyền cho quân đội để căn chỉnh bộ quân phục sao cho vừa vặn với người mặc nhất. Đặc biệt nếu như các cá nhân đó lên trường quay để thu phim cho những sản phẩm truyền thông của Đức Quốc Xã, hay tham dự các sự kiện lớn của quân đội, hay là có Adolf Hitler ở đó chẳng hạn, thì chắc chắn sự chỉnh chu phải được đặt lên hàng đầu.
Còn về phía Hugo Boss, vào khoảng thời gian những năm 1945 sau khi Nazi thua cuộc, ông bị đem ra điều tra và xét xử về tầm ảnh hưởng và tầm hoạt động trong Đức Quốc Xã. Boss bị buộc tội là “nhà hoạt động”, “hỗ trợ và hưởng lợi từ nhà nước Nazi. Nhưng phán quyết năm 1946 định tội ông là một người ủng hộ, một tội danh nhẹ hơn rất nhiều so với các hoạt động trực tiếp hỗ trợ nhà nước Phát Xít mà ông đã thực hiện. Hugo Boss bị mất quyền bầu cử, mất quyền trực tiếp điều hành công ty, và phải trả một khoản phí phạt 100.000 reichsmark, tương đương với khoảng 1.500.000 US dollar ngày nay. Thậm chí, án phạt đó còn không phải do Hugo Boss làm việc cùng với Nazi, mà do ông đã sử dụng 40 tù binh chiến tranh người Pháp, và 140 nô lệ, phần lớn trong đó là phụ nữ, để sản xuất trong hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm việc sản xuất quân phục dành cho tổ chức SS. Tới năm 1948, Hugo Boss qua đời nhưng việc kinh doanh của công ty không hề chết, con trai của ông, Eugen Holy trực tiếp điều hành công ty và dần biến nó trở thành một thương hiệu khổng lồ vào những năm 1970 tới 1980. Nhưng những dính líu của Hugo Boss AG tới Nazi vẫn ảnh hưởng xấu tới tập đoàn thời trang này cho tới tận ngày nay. Năm 2011, công ty đã phải chính thức lên tiếng về vấn đề này như là một “hối lỗi sâu sắc tới những cá nhân đã phải trải qua đau khổ và nguy hiểm khi làm việc tại các nhà máy được điều hành bởi công ty Hugo Boss dưới sự kiểm soát của nhà nước xã hội chủ nghĩa”.
Trở lại với bộ quân phục SS, thực chất nó được thiết kế bởi một thành viên vô danh thuộc đảng Nazi, tên là Karl Diebitsch. Phải thừa nhận rằng Phát Xít Đức có rất nhiều thành viên ưu tú về nhiều lĩnh vực, và Karl không phải ngoại lệ. Vào khoảng thập niên của những năm 1930, Karl Diebitsch sử dụng tài năng của mình để thiết kế nên bộ quân phục cho tổ chức SS, cùng với sự giúp đỡ của một người khác nữa tên là Walter Heck, một Graphic Designer. Karl là một kẻ tài năng, thông minh và láu cá, hắn đã “ăn cắp” những thiết kế đặc trưng trong quá khứ thuộc nhiều văn hoá khác nhau mà không cần phải tự tạo nên mọi thứ từ bàn tay trắng. Mỗi thứ mà hắn sử dụng đều có ý nghĩa riêng của chúng.
Vậy tại sao màu đen lại là màu sắc chủ đạo? Màu đen mang đến cho chúng ta một sự kì bí và vẻ đẹp lịch lãm từ những bí ẩn đang chờ được khám phá. Nhưng nó còn mang một ý nghĩa khác nữa. Trong Thiên Chúa Giáo, màu đen cũng được các cha xứ sử dụng. Mà ở trong thời đó, cha xứ được coi là những người có hiểu biết sâu rộng nên được coi là những kẻ bề trên, giống như lý tưởng của Hitler và đảng Phát Xít, cho rằng dân tộc Aryan là thượng đẳng và phải thanh lọc thế giới khỏi những dân tộc thấp kém hơn. Những kẻ đang mặc trên mình bộ quân phục có sứ mệnh thực thi lí tưởng ấy. Đó là lý do thực sự cho việc màu đen được sử dụng làm màu chủ đạo.
Một vài chi tiết khác nữa cũng được vay mượn ý tưởng. Biểu tượng đầu lâu ở trên mũ của bộ quân phục có lẽ được lấy cảm hứng từ bộ đồ của một nhân vật trong chính nước Đức. August von Mackensel. Ông này là một huyền thoại sống trong lĩnh vực quân sự với một chiếc mũ đặc trưng có gắn một cái đầu lâu xương chéo ở chính giữa. Với nhiều người, đây là biểu tượng hiện thân của tử thần, như là thần chết ở trên chiến trường đang say máu và kéo nạn nhân của hắn đi càng nhiều càng tốt. Nhưng đối với một vài người khác, đây còn là biểu tượng của việc chối từ cái chết và thách thức tử thần rằng hắn không thể đưa ta đi.
Bộ quân phục của Đức Quốc Xã trở thành một biểu tượng ngay cả trong quãng thời gian cuộc thế chiến thứ 2 đang xảy ra. Bên cạnh những điều hiển nhiên như sự bành trướng về lãnh thổ xâm chiếm, hay những tội ác diệt chủng, Nazi cũng làm rất tốt trong khoản truyền thông và thao túng tuyên truyền. Nếu các bạn đã xem Video về Joseph Goebbels trên kênh Spiderum thì phần nào các bạn cũng sẽ hiểu rõ tại sao. Nhưng bên cạnh Goebbels, vẫn còn một tài năng, khác là Leni Riefenstahl. Làm việc dưới trướng của Joseph Goebbels, bà là người không được nhắc đến thường xuyên, nhưng lại là người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cách mà cả thế giới nhìn Đức Quốc Xã vào những năm 1930. Leni là một nhà làm phim có niềm đam mê mãnh liệt với chủ nghĩa Phát Xít, và là một trong những fangirl cuồng nhiệt nhất của Adolf Hitler sau khi bà nghe được một bài diễn thuyết của hắn vào năm 1932. Sau đó, Leni được giới thiệu để kết nối tới idol của mình, và bản thân Hitler cũng rất hứng thú về ý tưởng của Leni trong việc đánh bóng tên tuổi, lan rộng tầm ảnh hưởng văn hóa cho Đức Quốc Xã cũng như chủ nghĩa Phát Xít thông qua điện ảnh và truyền thông. Mối quan hệ giữa Leni và Hitler thân thiết tới mức khiến Himmler cũng phải ghen tị. Leni là một nhà làm phim thực sự có tài, vì những bộ phim tẩy não mà bà làm ra được ngụy trang dưới lốt của những tác phẩm nghệ thuật kiệt tác. Được đầu tư tài chính khủng, có cả Joseph Goebbels lẫn Adolf Hitler hậu thuẫn, những sản phẩm "tẩy não trá hình" có chất lượng rất cao và được đón nhận nhiệt liệt tại quê nhà, và nó còn lan ra cả thế giới. Kèm theo trong đó là hình ảnh của những người lính thuộc tổ chức SS điển trai mặc trên mình bộ quân phục màu đen cùng chiếc mũ đầu lâu thương hiệu.
Thế chiến thứ 2 kết thúc, và Đức Quốc Xã trở thành biểu tượng của tội ác diệt chủng cho tới tận ngày nay. Với sự phát triển liên tục của ngành giải trí, các bộ phim của Hollywood lấy chủ đề về chiến tranh thế giới thứ 2 cũng nhiều vô kể. Ở trong những bộ phim ấy, Hollywood luôn cần những kẻ phản diện, và hình ảnh tên sĩ quan Nazi trong bộ quân phục màu đen tiếp tục được lan truyền trong thế hệ hiện đại. Lấy một vài ví dụ như bộ phim "Inglourious Basterds" của đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino chẳng hạn. Hanz Landa do diễn viên Christoph Waltz là một trong những nhân vật phản diện xuất sắc nhất đối với tôi, gây ấn tượng mạnh cả về tạo hình lẫn tính cách. Bên cạnh đó còn rất nhiều các tác phẩm khác đều khắc hoạ hình ảnh của các sĩ quan Nazi như những quý ông lịch lãm, không có gì ngoài sự tàn ác và các mưu mô thâm độc như “The Exception, Man in the High Castle, Never Look Away, The Boy in the Striped Pajama, …”. Bộ quân phục đen cũng theo đó mà trở thành một tiêu chuẩn riêng và nâng cao tầm ảnh hưởng trong mắt đại chúng, tỉ lệ thuận với sự thành công và độ phủ của những sản phẩm đó.
Thông qua đây, tôi hy vọng các bạn đã được hiểu thêm về bộ quân phục của Đức Quốc Xã cũng như nguồn gốc và những câu chuyện đằng sau nó.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất