Tôi đã từng nghĩ, ngày mà mình rời khỏi Văn 15-18 của tôi sẽ là ngày tôi bỏ lại phía sau tất cả những dằn vặt và day dứt với văn chương, với con đường mà bảy đứa chúng tôi, không ai dám đi, không ai dám chọn. Phần vì những tính toán thiệt hơn cho tương lai, phần vì cũng không chắc mình có thực sự yêu thích văn chương hay sự say mê ấy là dành cho đôi ba giải thưởng mà chúng tôi miệt mài theo đuổi. Thật may là đến tận lúc này, tôi vẫn ở đây, với những cuốn sách, những cái tên để đối diện với sự yếu đuối, hèn kém hay mạnh mẽ, cao khiết của con người, cũng là của chính mình. Và khi đã không còn áp lực điểm số cao thấp, tôi mới hiểu thêm phần nào những đề văn mà trước kia mình từng làm, rằng văn chương đã cứu rỗi con người ra sao. Tác giả của bài viết dưới đây có thể chưa đi sâu vào những đặc sắc nghệ thuật trong ngòi bút Kazuo nhưng đã nêu lên những nỗ lực của nhà văn trong việc dẫn dắt và buộc con người phải thành thực với những cảm xúc của bản thân để rồi níu giữ những phân mảnh kí ức đang vỡ vụn giữa thế giới thực tại. Và đó là gì, nếu không phải là điều đưa con người ta trở về cuộc hạnh ngộ với chính mình?
[...]
      Tôi đã theo dõi Kazuo Ishiguro từ khi đọc “Mãi đừng xa tôi” vào tầm mươi năm trước. Kazuo hiện thân như một cây bút phóng khoáng với lối hành văn đơn giản, mặc dù ẩn tàng trong đó là những dòng suy tư phức tạp, phong phú hơn thường tình. Nói cách khác, Kazuo đã tìm được một lối thể hiện trôi chảy đến ấn tượng. Tác phẩm của Kazuo đã gọi tên những mảnh hồn khuất lấp trong tâm hồn chúng ta – những góc khuất vẫn luôn tồn tại nhưng hiếm khi được suy xét đến, hoặc vì lẽ nào đó, ta bọc chúng lại và giấu kín dưới những lớp áo choàng.
Kết quả hình ảnh cho kazuo ishiguro
(Kazuo Ishiguro - Ảnh Internet)
  Các nhân vật trong thế giới Kazuo đều bị đặt trong thế giằng xé khi cố lý giải vị thế của mình trong thế giới này, trong thời đại gắn với các sự kiện bủa vây chính họ. Sự bất lực, hay nỗi sợ hãi khi đối mặt với hiện thực phũ phàng đã kìm chặt tiếng lòng nơi những con người ấy, khiến họ không thể đối mặt một cách thành thực với tiếng nói tâm hồn mình. Bấy giờ, họ trằm mình trong dòng kí ức lấp lánh như một cách thức để thực hiện cuộc vượt ngục tinh thần – dòng kí ức luôn luôn trực trào, luôn luôn bị kìm nén nhưng lại sục sôi mạnh mẽ - dòng kí  ức luôn luôn đứng trước thách thức của sự băng hoại khi thời gian mỗi ngày, mỗi ngày trôi đi. Những con người ấy sống trong vòng an toàn mà chính họ đã đặt ra, để rồi một ngày họ nhận ra rằng không thể cứ mãi không phạm sai lầm như mình đã tưởng, không thể mãi sống trong vòng an toàn.
     Kazuo Ishiguro là một trong những cây bút xuất sắc khi đã tìm ra lối kể chuyện để nhân vật tự bộc bạch cả những điều không đáng tin (unreliable narrator concept)(*) trong thế giới qua lối viết tinh tế và nhạy bén. Mỗi tác phẩm của ông là cả sự kì công, là bao tâm huyết được gửi gắm. Và có lẽ đó chính là lí do mà trung bình ông mất đến bốn năm để hoàn thành một cuốn sách.  
Bằng cách này, tôi bắt đầu nghĩ, mình có thể gợi ra nhiều tầng lớp tự lừa dối và phủ nhận vốn che đậy cái nhìn của bất cứ người nào về bản thân họ và về quá khứ của họ." (Kazuo Ishiguro)
     Đọc Kazuo, tôi như thấy được phần yếu đuối của con người, của bất kì ai trên cõi đời này và chính tôi cũng đã thấy được mình trong đó. Nó thôi thúc mong muốn của con người về một lần được đối diện thế giới nội tâm của chính mình, một cách khách quan nhất có thể. Nó phá vỡ những giới hạn, bỏ đi những rào cản, tước đi những tấm áo choàng hay mặt nạ mà con người ta thường dùng để vạch định ra một vòng an toàn cho bản thân, để dẫn dắt con người đối diện đàm tâm với chính mình, lắng nghe trong mình những tiếng nói chân thành tha thiết. Kazuo đã khiến tôi tin rằng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi mỗi người lắng nghe và trằm mình trong thế giới ấy trước khi những vỏ bọc bên ngoài kéo ta đi quá xa. Và điều đó đã cứu rỗi con người khỏi việc cố xây đắp trong thành phố tâm hồn mình những tòa nhà chọc trời cao vợi, trong khi nền đất lại yếu đến mức có thể làm chúng sụp đổ khi thời gian mỗi ngày lại phủ lên chúng sự già nua, cũ kĩ.
     Bên cạnh đó, Kazuo Ishiguro còn là một cây bút có sự phát triển đáng lưu ý. Tác phẩm đầu tiên của ông “A Pale View of Hills" (Tạm dịch “Những ngọn đồi mờ xa”) xuất bản năm 1982 ít được công chúng biết đến. Nhưng đến “An Artist of the Floating World” (1986) (tạm dịch “Người nghệ sĩ trong cõi nhân sinh chìm nổi” - 1986), ông đã nâng nghệ thuật tự sự unreliable narrator lên một tầm cao mới. “The Remains of the Day” (tạm dịch “Những điều sau cuối của ngày”) xuất bản năm 1989, với tôi, ấy là đỉnh cao của nghệ thuật viết trên. Những cuốn sách sau đó của ông, như , “When We Were Orphans” (2000) (“Thời mồ côi của chúng ta”) and “Never Let Me Go” (2005) (“Mãi đừng xa tôi”) lại có sự khác biệt nhẹ với hình tượng trung tâm là các nhân vật chính với hành trình tìm về quá khứ nguồn cội. Giá trị của “Mãi đừng xa tôi” là ở việc dù khai thác cùng một ý tưởng, Kazuo đã có sự mở rộng mảnh đất khai phá của mình đến địa hạt của khoa học viễn tưởng, từ đây khẳng định sức mạnh chân chính của văn học với đời sống. Mọi người bắt đầu đọc Kazuo Ishiguro, và tôi khuyên các bạn nên đọc tác phẩm của anh ấy theo trình tự thời gian. Đó là cách hiệu quả để cảm nhận các giá trị của chúng.
Trong thời đại của sự chia rẽ ngày càng gia tăng một cách nguy hiểm, chúng ta phải lắng nghe. Viết tốt và đọc tốt sẽ dỡ bỏ những rào cản. Thậm chí chúng ta còn có thể tìm thấy một ý tưởng mới, một tầm nhìn nhân văn vĩ đại, để tập hợp xung quanh đó. (Kazuo Ishiguro)
     Nhưng điều khiến tôi băn khoăn lúc này là liệu việc nhận được giải thưởng Nobel ấy có đồng nghĩa với việc buộc ông vào một giải thưởng cố định, trao cho ông danh hiệu nhà văn được trao giải Nobel Văn học để rồi sau đó chúng ta sẽ chẳng còn được thưởng thức một tác phẩm nào khác của ông, rằng hành trình sáng tạo ấy sẽ dừng lại khi con người ta đã đạt được một giải thưởng được coi là danh giá? Nhưng may thay, khi đọc được câu trả lời phỏng vấn của ông, nỗi sợ ấy đã được xóa bỏ. Ông ấy đã tự nói ra điều đó, “Tôi hi vọng đây không phải dấu chấm hết cho tất cả.” Ấy là lời khẳng định cho niềm tin của tôi về ông. Kazuo Ishiguro sẽ tiếp tục viết để vượt qua những giới hạn của chính ông, như điều mà một nhà văn nên làm, để đi bước cùng bước với sự biến đổi không ngừng của văn học.

Hải Yến dịch.


Chú giải: 1. (*) Unreliable Narrator: Lối kể chuyện mà ở đó tác giả để nhân vật của mình tự dẫn dắt câu chuyện nhưng người đọc không thể tin hoàn toàn vào câu chuyện được nhân vật kể ra bởi những câu chuyện đó có khả năng chỉ là sự bịa đặt, dối trá. Bạn đọc phải tự mình kết nối chắp ghép những chi tiết lại để nhận diện đâu là điều không đáng tin.
              2. Những quotes được trích từ "Diễn từ Nobel Văn chương 2017" của Kazuo Ishiguro, theo bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng.