[Review Sách] Mãi đừng xa tôi
Đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong Tết Tân Sửu. Phải nói thật, những cuốn từng đạt giải Nobel văn chương thường đem lại cho tôi...
Đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong Tết Tân Sửu. Phải nói thật, những cuốn từng đạt giải Nobel văn chương thường đem lại cho tôi cảm nhận: Ở nửa đầu thì tự hỏi tại sao sách lại được giải? và ở nửa cuối thì phải thừa nhận sách hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá ấy.
Nếu chỉ nhìn qua bìa trước của cuốn sách và đọc phần tóm tắt nội dung ở bìa sau, thì có thể hầu hết chúng ta đều cho rằng đây là tiểu thuyết kể về mối tình tay ba giữa các nhân vật Kathy, Ruth và Tommy. Sau ý nghĩ vừa rồi, thì dành thời gian đọc hơn bốn trăm trang sách dường như không đáng. Tuy nhiên, nếu thực sự đọc sách, bạn sẽ nhận ra Mãi đừng xa tôi đề cập đến một thông điệp lớn lao hơn nhiều so với tình yêu đôi lứa.
Vì ba nhân vật chính không phải con người bình thường, mà họ là những học sinh của trường nội trú Hailsham- ngôi trường dành cho những sản phẩm nhân bản vô tính được sinh ra với mục đích duy nhất là hiến nội tạng cho người bệnh để kéo dài tuổi thọ.
Không gian, thời gian trong sách là giả tưởng. Nhưng tôi tin nguồn cảm hứng cho tác giả chính là ý tưởng từng được bắt gặp đâu đó trong đời thực. Đời thực ở đây chính là thời đại này, thời đại mà con người đã có những tiến bộ khoa học vượt bậc và đang có giấc mơ mang tính vĩ cuồng lớn hơn tất cả những thời đại trước gộp lại.
Phần thứ nhất
Trong trường nội trú Hailsham, học sinh được chăm sóc, dạy bảo và nuôi dưỡng bởi các giám thị. Điều này tạo nên cảm nhận khá nhẹ nhàng khi bắt đầu vào chuyện.
Những cô bé, cậu bé háo hức đến với thế giới, vô tư hồn nhiên cùng những tác phẩm được chọn trưng bày ở Phòng Tranh, hội chợ Trao Đổi Hàng Hóa dần hiện lên thông qua hồi ức của Kathy.
Cô lái xe trên một con đường màu xám, dưới nền trời màu xám đôi lúc có thêm mưa tuyết. Cảnh vật hai bên đường không màu. Trong xe, cô bật băng nhạc chứa giai điệu tái hiện lại quá khứ về Hailsham trong bài hát ưa thích “Mãi đừng xa tôi”.
Ở Hailsham- điều đó có ý nghĩa đặc biệt với bản thân cô và những người biết đến sự hiện diện của cô.
Toàn bộ ký ức Kathy nằm ở đây: phản ứng tức giận ngây ngô của Tommy, sự chủ động của Ruth, những trò hề của Clara. Đó còn là nơi thế giới giao tiếp với họ thông qua loạt tên của các giám thị như cô Emlily, Lucy và quý bà bí ẩn được gọi là Madame.
Ngôi trường có vẻ bình thường mang lại cho họ cảm giác được là người bình thường: yêu ghét, buồn vui, sự háo hức, những giờ học, việc đọc sách, chơi thể thao, chuyện tình yêu. Chỉ trừ mơ ước.
Ở Hailsham là đặc ân và cũng là hình phạt cho tất cả, bởi mái ấm ấy bảo vệ sinh mệnh nhân bản vô tính song cũng chính nó là nơi khẳng định số phận đã được định đoạt của họ.
“Nếu không ai khác chịu nói với các em, cô sẽ nói. Cô nghĩ rằng, vấn đề ở chỗ người ta có nói với các em, song cũng bằng như chẳng nói gì. Người ta có nói với các em, nhưng chẳng ai trong các em thực sự hiểu, và cô dám nói rằng một vài người còn rất mừng có thể mặc cho mọi chuyện diễn ra như thế. Nhưng cô thì không.
Nếu các em muốn sống cho ra sống, thì các em cần phải biết, biết đến nơi đến chốn. Không ai trong các em sẽ sang Mỹ cả, không ai trong các em sẽ thành ngôi sao màn bạc cả. Và không ai trong các em sẽ làm việc trong siêu thị như cô nghe một số em dự định hôm nọ. Cuộc đời các em đã được định sẵn cho các em rồi. Các em sẽ thành người lớn, thế rồi trước khi các em già đi, thậm chí trước khi các em đến tuổi trung niên, các em sẽ bắt đầu hiến những cơ quan nội tạng trọng yếu của các em. Mỗi người trong các em đều được tạo ra để làm việc đó.”
Giám thị Lucy đã nói trong một cơn bộc phát cảm xúc. Hành động mà mãi đến về sau cả ba nhân vật chính mới nhận ra nó mang ý nghĩa trọng đại. Tiết lộ trước một kết cục chẳng mấy tốt đẹp cho các tâm hồn non nớt quả là nhiệm vụ đầy khó khăn.
Tommy, Kathy và Ruth đón nhận tin tức trọng đại theo các cách khác nhau. Dù vậy, không ai trong số họ thực sự hiểu hay cảm nhận được thông điệp mà cô Lucy đang nói đến. Bởi, giám thị Lucy đã rời khỏi trường Hailsham ít lâu sau đó. Dường như cô nói điều cần nói và lương tâm cô đã giải phóng cô khỏi Hailsham.
Thế nhưng, Hailsham trong lòng Kathy là nơi duy nhất giống với nhà, cũng là nơi duy nhất được tất cả các học sinh coi là nhà. Họ không có cha mẹ, các giám thị nuôi nấng và trông ngóng sự trưởng thành của đám trẻ. Duy nhất giám thị Lucy không thể chịu đựng nổi tương lai u ám đó. Hành động tưởng chừng tàn nhẫn của cô đã thể hiện một điều: Cô thực sự coi học sinh ở Hailsham là con người.
Phần thứ hai
Trong vai trò người chăm sóc, Kathy phải thường xuyên lái xe một mình. Cô làm công việc ấy đã hơn mười năm. Cho đến lúc cô không làm công việc chăm sóc thì sẽ nhận được giấy báo trở thành người hiến tạng.
Một tờ thông báo lạnh lùng là cách con người ta tước đoạt sinh mệnh trẻ trung để kéo dài thêm thời gian cho sinh mệnh già cỗi.
Kathy không nghĩ quá nhiều đến bản thân, mà thường nghĩ về Ruth và Tommy. Họ là thành viên trong gia đình, là người bạn thân, là người chứng kiến, là người chăm sóc và cuối cùng cũng trở thành người hiến tạng.
Kathy và Tommy có sự đồng điệu về tâm hồn. Thế nhưng về sau thì Tommy và Ruth trở thành một cặp. Họ không thực sự hạnh phúc, song ai muốn hạnh phúc và hiểu thế nào về hạnh phúc khi bản thân họ tồn tại một cách chông chênh bên rìa cuộc sống.
Ruth là đạo diễn cho nỗi bất hạnh của cả ba. Cô gái đáng thương mơ về việc trở thành một nhân viên trong văn phòng có cửa kính trong suốt. Cô gái đã trót ước mơ. Mà ước mơ là quyền xa xỉ của con người. Nhưng đến tận thời điểm họ rời Hailsham đến Nhà Tranh, đã bao giờ họ biết đích xác điều gì sẽ đến? Đó vẫn là chàng trai, cô gái trẻ sống đời bình thường đang được vay mượn từ lòng tốt của người khác mà, lại thêm lần nữa, mãi về sau họ mới biết.
Thời gian trong Mãi đừng xa tôi giống một khối rubik được xoay chuyển tùy theo dòng hồi tưởng của Kathy. Trớ trêu, nó đã xoay về một khoảnh khắc hạnh phúc nhất và cũng là đau khổ nhất trong ký ức cô khi tất cả thử đi tìm nguyên mẫu của Ruth tại bờ biển ở Norfolk. Đây là sự thật mà ai cũng trốn tránh nhưng Ruth lại buộc họ đối mặt:
“Điều đó chúng ta ai cũng biết. Chúng ta được lấy mẫu từ những thứ rác rưởi. Nghiện ngập, đĩ điếm, rượu chè, lang thang đầu đường xó chợ. Có khi còn là tù nhân thọ án không chừng, miễn là không phải giống tâm thần. Chúng ta từ đó mà ra đấy. Chuyện đó chúng ta ai cũng biết, vậy sao không nói ra?”
Đến đây người đọc có thể hiểu tại sao Ruth tạo ra bi kịch, vì chính cuộc đời cô cùng những người bạn xung quanh cũng là một bi kịch. Họ vẫn phải diễn cho đến lúc được phép hạ màn. Dù phần hạ màn sẽ chẳng hề dễ chịu khi bị biến thành loạt túi da đựng nội tạng cho xã hội với tên gọi văn vẻ “nguyên liệu y học”.
Phần kết thúc
Ruth xong ở lần hiến tạng thứ hai. Còn Tommy là ở lần hiến tạng thứ tư.
“Xong” tức là không thể tiếp tục sống. Họ sinh ra chỉ để đến lúc “xong” như vậy.
Kathy đã trở thành người chăm sóc cho Ruth rồi Ruth đã trả lại Tommy cho Kathy. Kèm theo lời xin lỗi vì đã cố tình ngăn cách hai người trong quá khứ, cô còn tặng họ một mảnh giấy có ghi địa chỉ của Madame. Có giai thoại kể rằng, nếu cặp đôi chứng tỏ được cho Madame họ thực sự yêu nhau thì sẽ được sống bên nhau trong ba năm trước khi hiến tạng.
Mang kiếp sống nhân bản, không có quyền ước mơ nhưng Kathy, Ruth và Tommy vẫn cố vươn đến nó bằng hy vọng. Hy vọng được ước mơ và may mắn khi ước mơ ấy trở thành đời thực.
Sau khi Ruth xong, Kathy và Tommy đã cùng tìm đến địa chỉ của Madame để rồi gặp lại cả giám thi Emily. Cái mãi về sau trong cuộc đời họ rốt cuộc cũng đã tới.
Cả hai biết sự thật về ngôi trường Hailsham, về những nỗ lực của các giám thị nơi đây để họ có được ít nhất là kí ức tuổi thơ, sự giáo dục và quan trọng hơn, được đối xử gần giống con người và có cơ hội chứng minh bản thân cũng có tâm hồn như con người.
Thế rồi, nỗ lực ấy sau cùng đã sụp đổ. Bởi đó không phải thứ nhân loại mong muốn. Nhân loại thích nghĩ đến gia súc như là nguồn cung cấp thịt còn sản phẩm nhân bản vô tính là nguồn cung cấp nội tạng. Con người trong thế giới giả tưởng ấy không cần những sản phẩm nhân bản vô tính xuất sắc, mà cần một giống loài sinh ra để cho nội tạng. Sự thật trần trụi về nhân tính dần được phô bày qua giọng kể đều đều của giám thị Emily già cỗi:
“Sau chiến tranh, hồi đầu thập niên năm mươi, khi những đột phá lớn trong trong khoa học cứ theo nhau diễn ra nhanh đến thế, người ta chẳng có thì giờ đâu để xem xét kỹ, để đặt những câu hỏi hợp tình, hợp lý. Đột nhiên tất cả những khả năng mới mẻ kia bày ra trước mắt chúng ta, bao nhiêu là cách mới để chữa trị bao nhiêu căn bệnh trước kia không chữa được. Đó là điều mà thế giới chú ý hơn hết, mong muốn hơn hết”.
“Dù người ta áy náy đến thế nào về sự hiện hữu của các em, mối quan tâm lớn nhất của người ta vẫn là con cái họ, vợ chồng họ, cha mẹ họ, bạn bè họ đừng chết vì ung thư, vì bệnh ở thần kinh vận động, vì bệnh tim. Thành thử suốt một thời gian dài các em cứ bị giữ trong bóng tối, và người ta cố hết sức để đừng nghĩ tới các em. Mà dù có nghĩ đi nữa, người ta cũng cố tự thuyết phục mình rằng các em không thực sự giống chúng tôi. Rằng các em thấp kém hơn con người, nên điều đó chẳng hệ trọng gì”.
Đó là bản chất con người: Sẵn sàng tàn nhẫn khi có lý do (còn lý do thì họ có thể tự nghĩ ra để được phép tàn nhẫn).
Kathy và Tommy ra về, trái với hình dung ban đầu về sự sụp đổ, hai sinh mệnh bé nhỏ còn sót lại của Hailsham đã bình tĩnh chuẩn bị cho cái “xong” của chính mình.
Ruth xong đầu tiên.
Tommy xong tiếp theo.
Cuối cùng, Kathy cũng sẽ xong.
Từ “xong” thật đơn giản khi người ta chỉ biết quan tâm đến bản thân.
Càng văn minh, người ta càng ích kỷ thì phải? Ý tôi là trong không gian giả tưởng của tiểu thuyết. Còn trong đời thực thì bạn thử tự mình quan sát xem?
Suy nghĩ đọng lại
Cuốn sách đầu năm này khiến tôi có rất nhiều thứ để ngẫm nghĩ. Chắc sẽ cần thêm thời gian, nên tôi cho rằng dòng suy nghĩ này sẽ đọng lại. Có vài câu hỏi tôi chưa đủ sáng suốt để giải đáp.
Ví dụ như: Tiết lộ trước cho người khác số phận nghiệt ngã của họ là điều nên làm hay không nên làm? Những thành tựu vẻ vang con người đạt được là để đền đáp tự nhiên hay để phục vụ bản thân? Bao nhiêu đứa trẻ thực sự có kí ức tuổi thơ? Bao nhiêu người lớn sống mà không có hy vọng hay ước mơ? Vì sinh tồn, bao nhiêu người sẵn lòng chà đạp sự sống?
Có thể bạn sẽ thấy những thứ tôi thắc mắc giới hạn trong phạm vi không gian giả tưởng của tiểu thuyết. Thế nhưng, nếu quen biết tôi, bạn sẽ thấy tôi không phải là người ưa thích các giới hạn- đặc biệt là trong khi suy ngẫm.
Khi đọc một cuốn sách như Mãi đừng xa tôi, thì người đọc không thể buông nó xuống mà lòng nhẹ tênh được.
“ Tôi khóc vì một lý do hoàn toàn khác. Khi tôi quan sát em múa lần đó, tôi thấy một điều khác. Tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác. Còn đây tôi thấy một cô bé, mắt nhắm tịt, ghì chặt vào ngực mình cái thế giới tử tế và nhân hậu trước kia, cái thế giới mà trong thâm tâm cô biết rằng không thể còn lại nữa, cho nên cô ghì chặt nó vào lòng, cầu xin nó đừng bao giờ để cô xa nó.”
Tâm sự của Madame đã kết thúc hành trình tìm kiếm hy vọng của Kathy và Tommy- đại diện cho toàn bộ học sinh ở Hailsham, cũng là đại diện cho chút hy vọng sót lại nơi thân phận kém may mắn. Ở Hailsham họ từng được coi là người- niềm an ủi duy nhất nơi cuối con đường đầy mỏi mệt của kiếp sinh ra mang thân người nhưng không được làm người.
Từng tình tiết trong tác phẩm đều được bố trí cẩn thận theo một mạch tư duy sắc sảo của tác giả. Kèm theo đó là công phụ góp nhặt và gây dựng từng con chữ đủ lạnh lẽo để diễn tả sự vô tình của nhân thế.
Điều này ẩn dưới nhiều lớp nghĩa như muốn nhắc người đọc nhớ rằng: con người không chỉ đơn thuần là xương thịt, mà còn có linh hồn.
Sách của tác giả Kazuo Ishiguro, đạt giải Nobel văn chương năm 2017.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất