Người Anh thích nghĩ rằng tự vẫn đã ăn sâu vào máu người Nhật chúng tôi, cứ như thể chẳng cần phải giải thích gì thêm; vì đó là tất cả những gì họ đưa lên mặt báo, rằng con bé là người Nhật và nó đã treo cổ trong phòng riêng


Cũng như một vài quyển sách với câu chuyện được kể trên nền bối cảnh đất nước và con người Nhật Bản khác, “Cảnh đồi mờ xám” lại mang một nét buồn u uất, chậm rãi và hơi lạnh lẽo. Đa phần đối với các tác phẩm của Haruki Murakami, ông khai thác về sự cô đơn và trống rỗng trong lòng những con người Nhật Bản cùng những căn bệnh về tâm lý như một thứ “virus” ăn mòn họ. Đối với Kazuo Ishiguro cùng “Cảnh đồi mờ xám” (CĐMX), tuy (theo mình nhận thấy) vẫn là cùng đề cập đến một loại bệnh tâm lý nhưng đặc biệt hơn cả là đặt các nhân vật vào bối cảnh nước Nhật thời hậu thế chiến thứ hai để khai thác vết thương trong lòng con người thời đó và hậu quả mà chiến tranh để lại.


Bất chấp những dòng mô tả trên, sự thực là Kazuo Ishiguro vẫn không phải là một NHÀ VĂN NHẬT. Kazuo là nhà văn Anh gốc Nhật. Ông rời quê nhà Nagasaki và chuyển đến Anh cùng gia đình lúc chỉ mới 6 tuổi. Thế nhưng có thể nói, quyển tiểu thuyết đầu tay đã mang về cho ông giải Nobel Văn học danh giá này mang đầy hơi thở Nhật Bản, đến mức mình tự hỏi liệu một người rời Nhật từ khi còn nhỏ, hưởng trọn vẹn nền văn hóa Anh Quốc lại có thể viết ra một câu chuyện đậm chất Nhật như vậy.

Mình mơ hồ cảm nhận cái không khí trầm buồn tương tự như những lần mình đọc “Rừng Nauy”, “Giết chỉ huy đội kỵ sĩ”,…. Mọi thứ hòa với nhau một cách thật hoàn hảo. Đây là câu chuyện kể về Etsuko - một người phụ nữ Nhật quê ở Nagasaki đã sống sót sau khi Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống thành phố này. Sau đó, Etsuko đã cùng đứa con gái của mình là Keiko rời Nagasaki để đến Anh sinh sống. Tại đây, cô có chồng mới cùng với một đứa con gái nữa tên là Niki. Câu chuyện bắt đầu khi Keiko tự tử ở phòng mình tại Manchester. Trong lúc suy nghĩ về cái chết của con gái, trí nhớ đưa Etsuko nhớ về câu chuyện tình bạn kỳ lạ và ngắn ngủi giữa cô với một người phụ nữ khác tên Sachiko cùng con gái Mariko (Sachiko cũng bị mất chồng trong chiến tranh và cô khao khát được thoát ly khỏi Nhật Bản để đến sống ở Mỹ cùng người tình tên Frank của mình); chuyện về gia đình chồng cũ của cô cùng rất nhiều những người xung quanh họ - có thể gọi chung là “những con người sống sót qua thế chiến thứ hai”, những người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chiến tranh tàn khốc cùng sự bấp bênh khi đang sống giữa giai đoạn giao thoa của những giá trị truyền thống và tư bản mới.

Mọi thứ được kể lại một cách đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa Anh và Nhật. Những dòng ký ức của Etsuko cứ xen kẽ nhau, nhập nhằng, có đôi lúc như hòa vào nhau, có đôi lúc lại tách biệt rõ ràng. Thủ pháp kể chuyện này của Kazuo giúp ông nêu bật lên được chủ đề mà ông muốn đưa vào quyển sách. Đó là tâm trạng của những con người lưu vong nơi hải ngoại nhớ về một giai đoạn khó có thể quên nhưng cũng không hề muốn nhớ. Mọi việc đã trôi xa nhưng niềm đau có lẽ vẫn còn âm ỉ ở một nơi nào nó, một vùng đất nào đó. Giống như cái tên cuốn sách - “Cảnh đồi mờ xám”, có lẽ giờ đây cái nhìn và trí nhớ của họ về quá khứ đã dần phai nhạt, mờ đi, mọi thứ cứ mơ hồ & không rõ ràng. Cái hay của cuốn sách là đưa ra vào một miền không gian vô định của ký ức, nơi ta chứng kiến mọi thứ xảy ra nhưng lại không chắc chắn đâu là thực, đâu là mơ.

Tuy nhịp điệu cuốn sách cứ trôi một cách lãng đãng, nhẹ nhàng và đầy nỗi u hoài nhưng phần cuối của nó thực sự có chút gay cấn và hồi hộp khi bạn dần khám phá ra một số điều. Như đã nói, mình cảm nhận rằng tác phẩm đã đề cập đến một bệnh lý tâm lý mà tác giả chưa bao giờ nói ra: là trầm cảm (hoặc có thể là đa nhân cách). Đây thực sự là một điều rất - quan - trọng mà nếu bạn không muốn cảm xúc của mình bị phá vỡ hoặc muốn tự mình tìm hiểu cuốn sách thì nên dừng lại và không nên đọc tiếp bài viết này của mình. Có lẽ chẳng có Sachiko hay Mariko nào cả. Có lẽ chẳng có một nước Anh nào cả. Tất cả những chi tiết mà Kazuo Ishiguro cài cắm cùng đoạn cuối tác phẩm đã dẫn mình đến kết quả nghiệt ngã đó. Sachiko chính là hiện thân khác của Etsuko, Mariko không ai khác ngoài cô con gái Keiko của cô. Etsuko (Sachiko) có thể cũng chính là người gây ra những vụ giết trẻ con kinh hoàng trong vùng, bạo hành cả con gái mình. Đất nước Anh Quốc cô đang sống thực ra là nước Mỹ: “Khi lần đầu tiên cha con đưa mẹ tới đây, Niki, mẹ nhớ đã nghĩ mọi thứ trông mới giống với nước Anh làm sao”. Keiko rốt cuộc cũng mắc phải vấn đề tâm lý, cô treo cổ tự vẫn. Etsuko bày tỏ với Niki ý định bán căn nhà này đi. Có thể Kazuo muốn cho chúng ta thấy rằng cuối cùng khi mọi ký ức đã trôi xa và mờ dần, Etsuko sẽ sống lại một cuộc đời mới. Nhưng có thật không? Liệu vết thương trong quá khứ đã sẵn sàng buông bỏ con người?

Bằng cách kể một câu chuyện không rõ ràng, không đầu, không cuối, không đưa ra toàn bộ tình tiết, không trả lời cho đọc giả bất kỳ câu hỏi nào một cách rõ ràng, Kazuo Ishiguro đã thành công trong việc khắc họa suy nghĩ và tâm trí của những con người Nhật Bản hậu chiến tranh. Có lẽ khó thể nào bắt gặp lại chất Nhật đậm đà như thế này trong những tác phẩm về sau của ông. Tuy rằng nhớ về con người Nhật Bản là nhớ về những bất trắc trong tâm lý và vấn nạn tự tử nhưng những câu chuyện của họ luôn khiến ta phải suy ngẫm nhiều.