Mình thích đọc thể loại sách viết về tiểu sử những con người xuất chúng, sau Steve Jobs, Michelle Obama, Elon Musk, Phil Knight giờ mình chọn đọc tiếp về Jeff Bezos. 

Là một người hay mua hàng ở Amazon, mình tuyệt đối hài lòng về dịch vụ, giá, sự tiện lợi cũng như hậu mãi. Là một người làm việc trong chuỗi cung ứng, mình có từng tới thăm một trong những trung tâm phân phối lớn của Amazon tại miền bắc nước Pháp và thực sự ấn tượng với cách thức họ quản lý hàng tồn kho và pick hàng/ outbound bằng quy trình/ thuật toán và tự động hoá. Đó là Amazon của ngày hôm nay: một nhà bán lẻ/ công ty công nghệ với quy mô khổng lồ và mô hình hoạt động cực kỳ hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Đó là những gì Jeff Bezos đặt trong tầm nhìn của ông từ hơn 20 năm trước và làm việc một cách quyết liệt để đạt được điều đó. 
Nếu để đánh giá điểm cho cách tác giả viết cuốn này, mình không chấm điểm cao. Sách viết nặng về tường thuật sự kiện, ít phân tích và không có góc nhìn từ phía nhân vật. Cũng giống như Elon Musk, Bezos không thực sự để tâm hay hợp tác với tác giả để viết nên cuốn sách này, khiến nó thiếu đi dấu ấn cá nhân và các phân tích về việc hình thành nên tính cách và dẫn dắt sự phát triển con người của nhân vật. Tuy nhiên cuốn sách làm tốt nhiệm vụ nếu người đọc muốn tìm một tài liệu tổng hợp các chặng đường phát triển của công ty nghìn tỷ đô này từ con số 0, tìm hiểu tham vọng của người sáng lập, những khó khăn thăng trầm công ty phải trải qua và từng bước mở rộng, thành công. 
Điều mình thấy thú vị sau khi đọc xong, và muốn tìm hiểu sâu, bàn thêm đó là "tính cách" đặc trưng của Amazon, cách công ty hành xử và điều đó có nghĩa như thế nào với nhân viên. "Tính cách" này được định hình bới người sáng lập - và hiện vẫn đang điều hành công ty lớn mạnh khổng lồ này.
Thứ nhất, Amazon đặt khách hàng làm trung tâm, mọi quyết định sẽ xoay quanh trung tâm này. 
Amazon hiếu chiến, cạnh tranh nhẫn tâm và khốc liệt. Công ty hoạt động trên triết lý bánh xe đòn bẩy: giá thấp trải nghiệm tốt sẽ thu hút người dùng, số lượng người dùng tăng giúp tăng số lượng cung ứng, số lượng cung ứng tăng sẽ giúp tăng vị thế mua hàng của Amazon với nhà cung cấp, và từ đó gây áp lực buộc nhà cung cấp phải giảm giá. Qua thời gian, sự lớn mạnh của Amazon khiến nó có vị thế mua hàng tới mức có thể chèn ép các nhà cung cấp giảm biên lợi nhuận, gây áp lực cạnh tranh để các công ty khởi nghiệp nhỏ phải tự bán mình... Nếu bạn có sở hữu một chiếc Kindle, hãy để ý rằng đằng sau nó là câu chuyện "báo săn mồi" điển hình kiểu Amazon. Nhà bán lẻ sách này dùng vị thế mua hàng của mình để yêu cầu các nhà xuất bản số hoá sách của mình mà không tiết lộ một cách cụ thể về việc họ sẽ làm gì với những cuốn sách đó. Các nhà xuất bản cặm cụi số hoá và dành hàng tháng trời chạy theo sự thúc ép của Amazon, để rồi ngây thơ hại chính mình khi nhà bán lẻ tuyên bố bán sách điện tử đồng giá ở mức thấp hơn nhiều so với sách giấy truyền thống. 
Cũng vì muốn bán với giá tốt nhất, công ty phải loại bỏ tất cả các chi phí dư thừa và giữ biên lợi nhuận nhỏ. Tiết kiệm là một nét tính cách đặc thù của Amazon. Công ty không có thói quen trả tiền cho business meal, các quản lý thường phải tự bỏ tiền túi nếu muốn phát cho nhân viên những cái áo phông hay cốc in hình logo dự án họ đang làm. Các hạng mục chi tiêu đều được xem xét cẩn thận. Điều này cũng giống như những gì nhà bán lẻ Wallmart với mục tiêu tương tự về giá, đang làm. Văn phòng sourcing của Wallmart nằm ở toà nhà bên cạnh văn phòng công ty mình, và sự tiết kiệm thể hiện ở cách họ bố trí văn phòng tối giản tới mức không thấy có sự trang trí dư thừa nào, cũng như nhân viên (ngoài việc được trả lương cao) thì không có các hoạt động sự kiện, team building, hỗ trợ vé gửi xe hay các chương trình phát triển cá nhân khác.
Thứ hai, Amazon tham vọng và liều lĩnh. Công ty luôn tìm kiếm sự thay đổi và cải tiến, sẵn sàng đặt cược cho những dự án không sinh lợi nhuận và tương lai không chắc chắn (AWS là một trong số đó) , cũng như đặt yêu cầu cao cho mọi công việc. Đây cũng là đặc trưng tính cách của Bezos, ông không tin vào "work life balance", và sẽ không tuyển dụng các nhân sự nói rằng mình không sẵn sàng dành toàn bộ tâm trí và sức lực vào công ty. Tất yếu, môi trường làm việc tại Amazon có vẻ không thân thiện với cuộc sống gia đình và đòi hỏi sự cống hiến cao độ. Điều này khiến Amazon gặp một số rắc rối trong việc thu hút nhân tài và giữ người tài, đặc biệt trong thời kỳ Google phát triển, đãi ngộ nhân viên tuyệt vời và liên tục hút các kỹ sư từ Amazon qua. Đương nhiên các chính sách về tiền lương ở mức khá tốt và quyền mua cổ phiếu với giá thị trường tăng trưởng chóng mặt vẫn đóng vai trò chính giữ chân nhiều nhân viên ở lại. Bạn nào làm việc tại AWS Hà Nội có thể review môi trường làm việc xem có giống những gì được miêu tả trong sách không nha :D
Một triết lý khá thú vị của Bezos mà mình take away trong môi trường chuỗi cung ứng, đó là "giao tiếp là dấu hiệu của rối loạn chức năng. Điều đó có nghĩa là mọi người không làm việc gần gũi cùng nhau và theo hệ thống. Chúng ta nên cố gắng tìm ra cách để các nhóm giao tiếp với nhau ít hơn chứ không phải nhiều hơn". Mình từng làm ở một công ty đa quốc gia có cấu trúc quản lý theo nhóm tương đồng với mô hình quản lý ở Amazon, và các nhóm giao tiếp với nhau loạn cào cào, rất nhiều họp hành, email thông tin.. và luôn có các đề xuất để việc giao tiếp được hiệu quả hơn (communication training, stand up meeting, các thể loại newsletter...). Hướng tiếp cận hoàn toàn ngược lại của Bezos khiến mình vỡ ra và suy ngẫm. Đúng là trong chuỗi quy trình, quá nhiều sự giao tiếp gây tốn kém thời gian hơn, tạo môi trường cho sự tranh luận không cần thiết và gây ra suy giảm về hiệu quả. 
Review sách hơi lan man, đúc kết lại dù giọng văn tác giả không quá ấn tượng, mình vẫn nghĩ đây là cuốn sách thú vị cho những người thích tìm hiểu về kinh doanh/ khởi nghiệp và quản trị, cũng như muốn tìm hiểu một phần chân dung của Jeff Bezos, người đã trở thành giàu có nhất trên thế giới nhờ tham vọng của mình.