Khi chết đi bạn luyến tiếc điều gì nhất? Vào một ngày đẹp trời mình cũng đang đi tìm triết lý sống của mình giống như bao người khác... và mình đâm đầu vào triết học. Mới đây mình đang đọc một cuốn sách về chủ nghĩa khắc kỷ và muốn viết vài dòng cho nó.
Nói nôm na khắc kỷ là kiềm chế bản thân của mình để tu dưỡng theo một khuôn khổ đạo đức. Chủ nghĩa khắc kỷ là một trường phái triết học của Hy Lạp được ra đời vào đầu thế kỷ thứ 3 TCN nhằm mô tả việc con người tối ưu hóa các cảm xúc tích cực, hạn chế những cảm xúc tiêu cực chế ngự trong con người của mình.
Để mình lấy ví dụ cho dễ hiểu:
Khi ta mất tiền -> ta buồn
Khi ta chia tay người yêu -> ta buồn
Khi những người thân yêu của ta lần lượt qua đời -> ta buồn
Suy cho cùng, trên cái "cõi tạm" mà loài người đang sinh sống có quá nhiều sự việc xảy ra làm cho con người rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực. Mặc dù bản thân mỗi con người là khác nhau nhưng những cảm xúc tiêu cực ấy thì luôn luôn tồn lại. Mỗi chúng ta khi đối diện với nó đều mong muốn có thể triệt tiêu đi cái cảm giác đau khổ đó nhưng không phải ai cũng làm được. Mình biết có những người đã phải cố gắng mất đến vài tháng, vài năm, thậm chí là cả cuộc đời của họ mà chẳng thế nào quên đi được những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Họ đã phải trải qua quãng thời gian cực kỳ tệ hại để rồi cuối cùng thốt lên rằng "Cuộc đời tôi chẳng có một chút ý nghĩa nào hết, tôi không biết sống để làm gì..."!
Chủ nghĩa khắc kỷ ra đời nhằm giải quyết vấn đề đó. Mục đích chính của nó là mong cầu con người hãy sống một cuộc sống "đức hạnh" hay nói cách khác là luôn mang trong mình sự bình thản với tất cả sự việc xảy ra xung quanh mình. Bình thản là một trạng thái tâm lý mà ở đó không có các cảm xúc tiêu cực như đau buồn, tức giận, lo lắng mà chỉ có các cảm xúc tích cực như vui mừng, hạnh phúc.

Một số phương pháp nhằm rèn luyện lối sống khắc kỷ

Phương pháp 1: Tưởng tượng tiêu cực - Coi trọng những gì mình có!
Đây được coi là phương pháp dễ dàng luyện tập nhất rằng bất kỳ điều gì đang hiện diện với cuộc đời, chúng ta hãy thực hành tưởng tượng tiêu cực về những vấn đề đó. Những điều tiêu cực này sẽ giúp bản thân coi trọng những thứ mà chúng ta đang có bởi bản chất con người ai cũng có lòng tham, cảm xúc của con người sẽ dần thay đổi và mong cầu một mọi thứ tốt hơn những thứ mình đang có. Một ví dụ dễ hiểu: Khi bạn đi xe đạp, bạn mong ước mình được sở hữu một chiếc xe máy để đi lại nhanh hơn và vì thế bạn đi làm ngày đêm để có tiền mua một chiếc xe máy. Thời gian đầu bạn sẽ cực kỳ trân trọng chiếc xe mới mua của mình. Tuy nhiên cá với bạn rằng chỉ một vài tháng qua đi, bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường như khi bạn còn di chuyển bằng chiếc xe đạp ngày xưa, và nhu cầu của bạn sẽ lại là một chiếc ô tô đẹp đẽ bên ngoài kia. Chính vì những nhu cầu ngày càng tăng dần mà bạn sẽ luôn phải gồng mình, sống trong một trạng thái cảm xúc đè nén nặng nề vì những thiếu thốn mà mình gặp phải.
Suy nghĩ tiêu cực chứ đừng tiêu cực trong suy nghĩ.
Suy nghĩ tiêu cực chứ đừng tiêu cực trong suy nghĩ.
Vậy hãy thử tưởng tượng xem, trong ít ngày tới thì chiếc xe máy mà bạn đã dành dụm một thời gian để mua được sẽ bị một kẻ gian đánh mất thì bạn sẽ day dứt như thế nào. Hay ví dụ nếu một sớm thức dậy, bạn không còn được gặp những người thân yêu của bạn trong gia đình nữa... Mình chỉ nói đến đây thôi!!! Tóm lại rằng khi bạn trân trọng những gì mình đang có thì cuộc đời của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn và sự bình thản sẽ luôn có trong tâm hồn.
Phương pháp 2: Nội bộ hóa - Những gì không thuộc về mình, đừng cố lấy nó!
Trường phái khắc kỷ chỉ ra rằng mọi hoạt động của mỗi con người sẽ được chia làm 3 loại: Thứ mà ta có thể kiểm soát được, thứ mà ta có thể kiểm soát một phần và thứ mà ta không thể kiểm soát được.
Ví dụ khi bạn tham gia một trận đầu cầu lông, việc dành chiến thắng là việc bạn chỉ kiểm soán được một phần. Thứ mà bạn có thể kiểm soát hoàn toàn được năng lực của bạn bằng những giờ bạn bỏ ra để tập luyện trước trận đấu. Còn việc sân hôm ý có trơn hay không, lưới hôm ý có bị thủng hay không hay là mặt trời có mọc tiếp cho bạn đi đánh cầu lông hay không :) là việc bạn không thể kiểm soát được. Đây gọi là tam phân quyền kiểm soát.
Các nhà khắc kỷ khuyên chúng ta rằng hay dành phần lớn sự quan tâm cho những thứ mà ta có thể kiểm soát hoàn toàn, số ít dành cho những việc chúng ta có thể kiểm soát một phần và không quan tâm tới những việc mà không thể kiểm soát được. Nói rộng ra hơn là "Đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn, vì đơn giản là bạn không thể. Thay vào đó hãy kiểm soát phản ứng của mình trước những sự việc đó."
Phương pháp 3: Thuyết vận mệnh - Đừng để quá khứ lên ngôi!
Các nhà khắc kỷ cho rằng vận mệnh của mỗi con người chính là vai diễn mà thượng đế đã ban cho họ, việc của họ chính là phải diễn thật tốt vai diễn ấy. Đối với xã hội bây giờ câu khẳng định trên có thể đã không còn phù hợp nữa nhưng những lời bên dưới đây quả là đáng để chúng ta phải suy nghĩ.
Ý chính của phương pháp này là khuyên con người đừng để bản thân u mê trong bất kể những việc đã xảy ra trong quá khứ.
Hãy chỉ nhìn quá khứ như những tờ sách tham khảo đừng nhìn nó như cuốn tiểu thuyết ngôn tình.
__LocKX__
Như đã nói bên trên, những người mà mình tận mắt chứng kiến việc họ bị quá khứ đã hủy hoại phần lớn hay thậm chí là cả cuộc đời của họ. Vì quá đặt nặng cảm xúc, trạng thái vào những gì đã xảy ra mà họ quên mất rằng cuộc đời phía trước mới đáng để được sống, được tận hưởng những gì mà thượng đế và chúng ta cùng mang lại.
Phương pháp 4: Tiết chế bản thân - Tồn tại trong mọi môi trường
Cá nhân mình thấy một trong những điều khó khăn nhất trong cuộc đời là tiết chế cảm xúc của bản thân với lạc thú, nhục dục.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Quay trở lại phương pháp 1 nói về tưởng tượng tiêu cực, các nhà triết kỷ hướng đến một mức độ cao hơn đó là thay vì chỉ cần tưởng tượng tiêu cực mà chúng ta hay thử sống như kiểu nó đã xảy ra thật sự rồi. Đối với nhiều người, thậm chí là nhiều lý thuyết triết học khác mà mình đã đọc qua có vẻ họ không đồng ý với điều này, họ cho rằng như vậy là tự hành hạ bản thân và chẳng việc gì họ phải làm như vậy cả. Nhưng cá nhân mình thì lại đồng tình... mình sẽ coi việc sống thử với những điều kiện khắc nghiệt cũng như là đi tiêm một liều vắc-xin vào trong cảm xúc của mình. Khi cảm xúc của mình đầy đủ kháng thể, bản thân sẽ không bị sốc hay bị rơi vào khủng hoảng khi nếu có phải đối mặt với những tai nạn xảy ra trong cuộc đời.
Nếu không lạnh thì làm sao biết giữ ấm, nếu không thương thì làm sao biết đau lòng...
__LocKX__
Việc tập luyện chịu khổ còn có hai lợi ích chính nữa: Thứ nhất, nó sẽ củng cố niềm tin rằng dù sau này nếu có gặp phải những điều khó chịu hơn thì bản thân vẫn sẽ kiên cường vượt qua mà không hề lùi bước nản chí. Thứ hai, những người chịu khổ sẽ biết trân trọng những gì mình đang có, những tiện nghi mà mình đang được hưởng để có một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Phương pháp 5: Suy ngẫm - Bản thân là người cần được quan tâm nhất
Trong suốt một hành trình dài từ khi sinh ra đến khi kết thúc cuộc đời, người mà ta nói chuyện nhiều nhất, tâm sự nhiều nhất chính là bản thân chúng ta. Chính vì vậy, trò chuyện với bản thân thường xuyên sẽ giúp bản thân sớm được chữa lành những vết thương và để hiểu bản thân mình hơn. Trong cuốn sách, các nhà khắc kỷ có khuyên rằng trước khi đi ngủ, hãy thử hỏi xem "Ngày hôm nay của chúng ta như thế nào, có điều gì tiêu cực đã xảy đến với chúng ta và chúng ta nên làm gì để loại bỏ đi những điều ấy". Đôi khi đối thoại với bản thân lại là cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề.

Tổng kết

Mình thấy đối với xã hội ngày nay đa phần chúng ta đều đi theo cái lối sống, cái chủ nghĩa mặc định được áp đặt đó là đi làm kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để "mong" rằng sau này sẽ có một cuộc sống đầu đủ hạnh phúc.
Triết học ngày nay càng ít được tiếp cận hơn với các bạn trẻ, Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vật chất, cơ sở hạ tầng có thể phát triển rất nhanh nhưng cũng chính vì thế mà văn hóa con người không thể theo kịp được sự phát triển nhanh chóng đó. Đôi khi bản sắc, văn hóa của con người phải chạy theo sự phát triển về vật chất và cơ sở hạ tầng đó làm cho chúng có phần bị méo mó.
Mình đã đọc xong cuốn Chủ nghĩa khắc kỷ, tuy nhiên mình thấy nhiều thứ không còn được phù hợp hay thậm chí là rất khó để áp dụng những lý thuyết triết học này vào đời sống xã hội thực tế bây giờ. Bên trên là những gì cô đọng nhất, những lời khuyên hay nhất của các nhà khắc kỷ mình đúc kết lại để chia sẻ với các bạn.
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng mục đích sống của cuộc đời bạn là gì chưa? Rằng khi chết đi mình có còn luyến tiếc điều gì không? Đôi khi mình sợ cảm giác cả cuộc đời lao đầu vào việc đi làm, kiếm tiền rồi chết đi khi bản thân lại dằn vặt day dứt vì chẳng biết mấy chục năm qua mình đã làm cái gì. Mình không theo trường phái khắc kỷ, mình không theo trường phái nào hết, mình vẫn đang đi tìm mục đích và triết lý sống của cuộc đời mình...