Tôi thích sách và cũng đọc được kha khá cuốn. Tôi đọc sách thường chẳng theo một quy luật nào cả. Có lúc đọc vì thích tác giả cuốn sách đó, có lúc đọc vì một bài review hay, đôi khi là nhảm nhí như việc người tôi thích đọc cuốn đó nên tôi đọc... Cuốn sách đó là một ngoại lệ. Bởi nó hút tôi từ cái nhìn đầu tiên. “Hãy chăm sóc mẹ” – Đó như là lời nhắc nhở khiến tôi luôn tự hỏi rằng liệu tôi đã đủ để làm một đứa con ngoan.



“Mẹ bị lạc đã một tuần”. Câu chuyện bắt đầu bằng câu nói ngắt quãng đó. “Gia đình có người lạc vốn chẳng làm được gì nhiều, huống hồ người bị lạc không phải ai khác mà chính là mẹ”... Càng đọc sâu tôi càng cảm giác người mẹ trong cuốn sách như là mẹ tôi. Bởi người mẹ đó quá gần gũi với chúng ta. Đó là người mẹ “vui ra mặt” khi con cháu về chơi nhà, đó là người mẹ có thể làm đủ loại nước hoa quả hay ép cả nước hành gửi cho con vì biết hành tươi tốt cho sức khỏe. Hơn hết đó chính là người mẹ buồn với nỗi buồn của con và vui vì thành công của con. “Hãy chăm sóc mẹ” đơn giản là một câu chuyện kể về hành trình của những người con, người bố đi tìm mẹ. Xuyên suốt câu chuyện là những hối hận về những lỗi lầm họ đã gây ra và cách họ cư xử với mẹ.

Đó là khi cô con gái Chi-hon nhận ra trong tất cả những việc cô muốn làm chưa từng có điều gì cô muốn làm với mẹ. Những lần cãi trả mẹ trở nên ám ảnh cô, cô có thể làm mẹ vui nhưng trái lại cô đã không làm. Và khi cô nghĩ cô hiểu mẹ thì chính là lúc nhận ra cô hoàn toàn không hiểu mẹ. Đơn giản như việc mẹ cô có thích ở trong bếp không. Tôi chợt thấy mình trong đó. Luôn nghĩ rằng mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Chưa từng tự hỏi, mẹ có thích quẩn quanh bếp núc không?

Đó là người anh cả Hyong-Chol, người suốt cả cuộc đời đưa ra những lời hứa của mình dành cho mẹ. “Mình sẽ kiếm tiền để chuyển đến một căn nhà có hai phòng. Mình sẽ thuê một căn nhà lớn. Mình sẽ mua một căn nhà ở thành phố này. Khi đó mình sẽ có một căn phòng cho mẹ ngủ thật thoải mái”. Cuối cùng anh cũng thực hiện được lời hứa của mình nhưng lời hứa đó đã không còn dành cho mẹ. Anh không biết ước mơ trở thành công tố viên không chỉ là của anh mà còn là của mẹ. Anh không biết rằng việc không có đủ điều kiện để anh ôn thi lại điều đó đã luôn làm mẹ cảm thấy có lỗi và tin rằng chính mẹ là người đã làm vướng bận khiến anh không đạt được ước mơ. “Mẹ xin lỗi”; “Tất cả là tại mẹ. Mẹ xin lỗi con, Hyong-chol à”…

Và đó là ông bố trong câu chuyện, người có lẽ là sẽ dễ bị ghét nhất. Ông thường ăn nói rất nhã nhặn với người khác nhưng khi nói về vợ mình thì lời lẽ của ông lại trở nên nặng nề. Ông mặc nhiên nhận những thứ từ vợ mình nhưng lại chưa từng làm gì để cho bà vui lòng. Cả khi bà bị ám ảnh bởi cái chết của em trai ông, ông cũng mặc nhiên phớt lờ. Cả cuộc đời ông luôn đi trước bà. Ngay cả khi bà càu nhàu vì việc ông đi quá nhanh ông cũng chưa một lần đi chậm lại để đợi bà. Và ngày hôm đó khi chỉ cách ông có mấy bước chân nhưng bà vẫn chẳng thể đến bên ông.

“Có thể cô đã biết rằng mẹ không còn tồn tại trên thế giới này nữa. Có thể cô đến đây vì muốn cầu xin mọi người đừng lãng quên mẹ, hãy yêu thương mẹ.

… Phải cho đến tận lúc này câu nói mà cô đã không thể thốt lên trước mặt Đức Mẹ mới bật ra khỏi miệng cô.

Hãy chăm sóc mẹ”.

Cuốn sách khép lại như thế và tôi chợt nhớ đến một câu hát “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi. Mồ côi tôi lắm ai ơi. Đói cơm rách mướt biết người nào lo”. Câu chuyện trong cuốn sách hoàn toàn không ép buộc bạn phải nghĩ như thế này hay phải làm như thế kia. Đó đơn giản chỉ là một câu chuyện để bạn đọc, tự cảm nhận và nhìn thấy mình trong đó. Cách bạn đối xử với mẹ ngày hôm nay có thể sẽ khiến bạn cười hạnh phúc mai sau hoặc cũng có thể sẽ khiến bạn hối hận suốt cả quãng đời còn lại. Tôi chỉ muốn gửi gắm một thông điệp đến bạn đó là “Hãy chăm sóc mẹ”.