Chắc các bạn không còn xa lạ gì với hai ông lớn World Bank (WB) và International Monetary Fund (IMF) rồi. Nhưng mà chúng có gì giống và khác nhau nhỉ? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
Cả 2 đều được thành lập vào năm 1944 theo Thỏa thuận Bretton Woods, được bảo đảm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc trong những ngày cuối của Thế Chiến thứ II. 

1. Ngân hàng Thế Giới (World Bank - WB)

Ban đầu tổ chức này chỉ có 38 nước thành viên, tuy nhiên đến hiện tại hầu hết các nước trên thế giới đều là thành viên của tổ chức này. Với hơn 9000 nhân viên làm việc tại hơn 100 văn phòng đại diện trên toàn thế giới. WB là một tổ chức quốc tế gồm có 5 cơ quan hoạt động tương đối độc lập với nhau gồm: 
1. Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA).
2. Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD).
3. Công ty Tài chính Quốc Tế (IFC).
4. Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA)
5. Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID). 
Tuy nhiên, nói đến WB là nói đến hai tổ chức IBRD và IDA. Mỗi tổ chức đều có vai trò riêng biệt trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển.

2. Quỹ tiền tệ thế giới (International Monetary Fund - IMF)

IMF được thành lập vào năm 1944 sau hậu quả của cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, với tôn chỉ thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế, tăng cường ổn định ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và cung cấp hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước hội viên để giảm nhẹ mức độ mất cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế. Ban đầu chỉ có 44 quốc gia thành viên tham gia sáng lập nhưng đến nay tổng số thành viên của IMF cho tới nay là 190 nước. Ba chức năng chính của IMF gồm: 
- Giám sát tình hình kinh tế tài chính toàn cầu cũng như của các nước hội viên và tư vấn cho nước hội viên về chính sách kinh tế.
- Cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn và trung hạn cho các nước hội viên gặp phải những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán. 
- Trợ giúp kỹ thuật.

So sánh

a. Giống nhau

- WB và IMF đều là những ông lớn trong định chế tài chính thế giới, bộ cột đôi chống đỡ cấu trúc trật tự kinh tế về tài chính toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
- Cùng chia sẻ mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống của các nước thành viên.
- Đều được quản lý bởi chính phủ các nước thành viên.
- Viên chức cả hai tổ chức luôn cùng xuất hiện tại các hội thảo kinh tế, phát biểu bằng thứ ngôn ngữ kinh tế và tài chính y hệt.
- Trụ sở cả hai cũng đều ở Washington DC mà trước kia thậm chí còn ở chung “nhà” (hiện nay, hai trụ sở nằm đối diện trên cùng con đường tại vị trí cách Nhà Trắng không xa).

b. Khác nhau

Thoạt nhìn thì Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có cơ chế hoạt động rất giống nhau và rất dễ gây nhầm lẫn, tuy nhiên bề sâu cơ chế hoạt động của hai tổ chức trên vẫn có những đặc điểm khác nhau khá rõ ràng.
- Mục đích:
+ WB thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn và xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để giúp các quốc gia thực hiện cải cách hoặc dự án, 
+ IMF thúc đẩy ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu, đồng thời đưa ra lời khuyên về chính sáchhỗ trợ phát triển năng lực để giúp các quốc gia xây dựng và duy trì nền kinh tế vững mạnh với các khoản vay ngắn hạn hoặc trung hạn.
- Nguồn vốn:
+ WB được tài trợ chủ yếu bằng cách phát hành trái phiếu.
+ IMF được tài trợ chủ yếu từ phí thành viên của 182 nước thành viên theo nguyên tắc “nước giàu đóng nhiều, nước nghèo đóng ít”.
Mong là thông qua bài viết này các bạn có thể hiểu thêm về hai ông lớn trên trường quốc tế này nhé. Và nếu có gì góp ý cho chúng mình thì cũng đừng ngần ngại bình luận bên dưới nha.