"Be so good they can't ignore you"
Câu nói trên là của diễn viên hài Steve Martin và cũng là tên của cuốn sách của Cal Newport - hiện là phó giáo sư Khoa học máy tính tại trường đại học Georgetown - với nội dung chính có thể giúp bạn định hướng sự nghiệp. Và trong tiếng Việt ta cũng có một câu thành ngữ mà theo tôi là tương tự với câu nói của Steve đó là
"Hữu xạ tự nhiên hương"
Dưới đây là 4 ý tưởng lớn mà Cal Newport muốn truyền đạt đến người đọc qua cuốn sách của ông :

Thuyết đam mê

"Nếu bạn muốn có một sự nghiệp, một công việc ngập tràn niềm vui và hạnh phúc thì hãy tìm ra đam mê của bạn và sau đó tìm một công việc phù hợp với niềm đam mê đó "
Câu trên chính là những gì mà tác giả gọi là The Passion Hypothesis - "Thuyết đam mê". "Thuyết" là một ý tưởng hoặc sự giải thích cho một cái gì đó dựa trên sự thật nhưng chưa được chứng minh, rõ ràng qua cách gọi đó thì chúng ta cũng đã biết phần nào nhận định của Cal Newport về cái gọi là "Follow your passion" - dòng chữ thần thánh xuất hiện cực kỳ phổ biến. Nếu Steve Jobs thật sự theo đuổi đam mê thì ông đã trở thành giảng viên trong một tu viện Thiền Tông - một tông phái trong Phật Giáo. Nhưng Steve Jobs đã có một số điểm dừng và khởi đầu mới để rồi trở thành một huyền thoại như ngày nay. Qua đó Cal Newport chỉ ra rằng "Follow your passion" là một nguyên tắc dẫn dắt quá chung chung và khá vô dụng.
Newport cũng khẳng định "Thuyết đam mê" cũng là nguyên nhân gây ra sự không hài lòng với công việc hiện tại của nhiều người dẫn đến các trường hợp nhân viên nhảy việc thường xuyên và mãi không hài lòng với bất kỳ công việc nào. Một trong số lí do nữa là không dễ để một người có thể tìm thấy đam mê của bản thân. Hầu hết mọi người thường rất ít khi tìm ra được niềm đam mê trong công việc. Anh ta tin rằng Self Determination Theory - Học thuyết tự quyết sẽ lí giải được tại sao lại như thế, theo đó hạnh phúc của một người đến từ:
  1. Autonomy - tự tại ( làm chủ bản thân và không bị ràng buộc )
  2. Competence - thể hiện tốt năng lực
  3. Relatedness - sự kết nối với nhiều người khác
Thử lí giải vì sao ngành công nghiệp game trên thế giới hiện nay đang ngày càng phát triển đặc biệt là e-sport đang dần trở thành xu thế, người chơi được toàn quyền điều kiển nhân vật của mình, được thể hiện kỹ năng cá nhân và được kết nối với cả thế giới qua internet. Hay như trò chơi huyền thoại Grand Theft Auto mãi được yêu chuộng chỉ vì bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn trong trò chơi kể cả các cách để chết.
Từ đó, Newport cũng khẳng định rằng cần có thời gian để xây dựng năng lực và giành quyền chủ động cần thiết để tạo ra sự thích thú.
Tuy nhiên, theo tôi việc nhiều người không tìm được đam mê của bản thân cũng một phần đến từ việc họ thường dễ bỏ cuộc, không chịu được những áp lực công việc hay chưa đủ tốt với công việc đó. Họ cho rằng ĐAM MÊ là sẽ làm việc hừng hực, sẽ làm việc sung sướng, ngày nào cũng tận hưởng... Không hề :) Đam mê thì vẫn khổ như thường, vẫn đổ mồ hôi, vẫn stress, vẫn tức giận, phát điên lên khi gặp bug nhưng cốt lõi trong tâm trí của những người đam mê họ có một khát khao mãnh liệt làm việc đó và việc đó xuất phát từ sở thích.

Tư duy lành nghề

Ý tưởng này cho rằng những điều tốt đẹp bắt nguồn từ sự thành thạo chứ không phải từ đam mê - một thứ không rõ nguồn gốc. Tư duy lành nghề nghĩa là coi công việc của bạn như một nghề thủ công và hãy tập trung vào việc đạt đến các kỹ năng thượng thừa ít ai đạt đến được và những người như vậy thì người Việt Nam ta hay gọi với một danh từ khá mĩ miều. Nghệ nhân!
Cal Newport cho rằng Tư duy lành nghề sẽ là một cách tiếp cận tốt hơn ( theo tôi thì là an toàn hơn ) cho sự nghiệp của bạn.
Để chứng minh cho ý tưởng này, Newport định nghĩa cái mà anh ta gọi là The Career Capital Theory of Great Work như sau :
  1. Rare and valuable. Một công việc tuyệt vời là được sáng tạo, gây được sức ảnh hưởng và có quyền kiểm soát trong công việc và cuộc sống.
  2. Và để có công việc trên thì dĩ nhiên bạn cũng phải có các kỹ năng Rare and valuable. Là những kỹ năng ít ai có được và có giá trị trong công việc ( giới giang hồ gọi là tuyệt chiêu còn game thủ ngày nay thì hay gọi là ulti(mate) ) và Newport gọi những kỹ năng này là Career Capital - tạm dịch là vốn sự nghiệp
  3. Hãy không ngừng tập trung vào việc đạt được các kỹ năng hiếm có, hữu dụng và rồi "Hữu xạ tự nhiên hương"

Sẽ có những vấn đề ở phương pháp này ở một số trường hợp. Newport nghĩ rằng nếu công việc của bạn có một hoặc nhiều tính chất sau đây thì bạn nên rời bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm một công việc khác :
  • Công việc bạn làm khó có thể cho bạn cơ hội tạo sự khác biệt qua Rare and Valuable Skills
  • Công việc bạn làm không mang lại giá trị tốt cho xã hội thậm chí là gây hại
  • Bạn đang phải làm việc với những người bạn thực sự không thích
Ở những trường hợp trên thì khả năng đạt được Rare and Valuable Skills của bạn sẽ bị cản trở thế nên hãy Chạy ngay đi trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn !!!
Còn ở những trường hợp bạn đang chọn đúng công việc thì Newport cung cấp 2 ý tưởng hữu ích dưới đây.

Cách tối ưu kỹ năng theo tùy lĩnh vực

Có 2 loại thị trường kỹ năng khác nhau là thị trường winner-take-all và thị trường auction.
Thị trường winner-take-all là thị trường chỉ có một kỹ năng cốt lõi và cũng là kỹ năng mang yếu tố quyết định. Như là các nhà văn, nghệ sĩ nổi bật và nhạc sĩ thuộc loại thị trường này. Những lĩnh vực này thường chỉ có một nhóm nhỏ kỹ năng quyết định sự thành bại do đó hãy chỉ tập trung tối ưu hóa các kỹ năng đó.
Ở thị trường còn lại, có nhiều loại vốn nghề nghiệp khác nhau và ở đây mỗi người sẽ tạo ra cho mình một tập hợp kỹ năng khác biệt riêng. Từ câu chuyện của Mike Jackson, Newport đã rút ra bài học rằng hãy tìm kiếm cho mình các cơ hội tạo dựng và tích lũy ngày càng nhiều kỹ năng nghề nghiệp như cách mà Jackson tại mỗi thời điểm trong sự nghiệp mình luôn tận dụng kỹ năng đã có được từ trước đó.
Vì vậy, tối ưu hóa kỹ năng tối quan trọng nếu bạn ở thị trường winner-take-all và tối ưu hóa các kỹ năng mà bạn có thể nếu bạn ở thị trường auction. Và Newport cũng gợi ý cho chúng ta một kỹ thuật cải tiến kỹ năng cụ thể là chúng ta nên...

Luyện tập với một mục tiêu rõ ràng

Nỗ lực luyện tập với một mục tiêu cao hơn những gì bạn có thể như chơi những hợp âm guitar độ khó cao hơn trình độ của bạn, như một thủ môn tập cản phá những cú sút khó ở những tư thế khó,... Các tài liệu nghiên cứu kết luận rằng hình thức tập luyện này là cách mà các nhạc công chuyên nghiệp hay vận động viên đẳng cấp thế giới đạt tới đẳng cấp hiện nay.

Newport cho rằng đây là cách tốt nhất để bạn ngày càng trở nên ưu tú hơn. Và cách để bạn nâng cao trình độ ở mức khó vừa đủ mà không làm bạn nản chí mà bỏ cuộc:
  • Xác định thị trường mà bạn đang ở đó winner-take-all hay auction
  • Xác định loại kỹ năng cần trau dồi. Nếu bạn ở thị trường winner-take-all thì hãy chọn kỹ năng cốt lõi. Còn không hãy chọn những kỹ năng thích hợp để cải thiện
  • Đặt ra mức độ giỏi, cũng là bước mà bạn phải đặt ra những mục tiêu rõ ràng và bạn có thể tự quyết định về mức độ giỏi của kỹ năng nghề nghiệp của bạn.
  • Thoát khỏi vùng an toàn, tạm bỏ qua những kỹ năng mà mình đã thành thạo. Hãy thay đổi những gì bạn làm hàng ngày và tạo ra những thử thách mới.
  • Cuối cùng, hãy kiên nhẫn. Chấp nhận những khó khăn xuất hiện trong quá trình theo đuổi sự ưu tú của bạn và đừng bỏ cuộc cho đến khi đạt được mục tiêu. Để có được kết quả cần sự kiên trì và thời gian.

Tự chủ nghĩa là tránh khỏi cái bẫy kiểm soát

Thông thạo kỹ năng ít ai có được và hữu dụng là cách bạn có được những điều bạn muốn trong sự nghiệp. Nhưng những công việc thực sự bạn tìm kiếm là gì? Điều gì tạo nên một công việc lý tưởng?
Newport chỉ ra rằng sự tự chủ là yếu tố chi phối sự hài lòng trong công việc. Bạn càng có nhiều quyền kiểm soát trong công việc, bạn càng có nhiều khả năng thích công việc đó và tiếp tục nó. Best Buy - một nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng - đã nhận ra điều đó sau khi họ áp dụng Result - Only Work Environment và tỉ lệ nhân viên bỏ việc đã giảm đi 90%.
Cuốn sách đưa ra 2 góc nhìn về việc tìm kiếm nhiều hơn sự tự chủ là:
  • Control demands capital - sự kiểm soát đòi hỏi phải có vốn nghề nghiệp mới mang tính bền vững
  • Control benefits only you - ám chỉ rằng khi vốn sự nghiệp của bạn đủ lớn để bạn muốn đầu tư vào một công việc nhiều quyền kiểm soát hơn và gặp khó khăn là người quản lí bạn muốn khai thác vốn sự nghiệp của bạn để mang lại lợi ích cho họ hơn.
Góc nhìn thứ hai dẫn chúng ta đến một câu hỏi hóc búa. Khi cố gắng giành quyền kiểm soát nhiều hơn trong sự nghiệp, chắc chắn bạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trắc trở. Nhưng sự khó khăn đó là quy luật hiển nhiên, hay là do vẫn chưa đủ vốn sự nghiệp ? Theo tôi ở đây chúng ta phải mạo hiểm và có thể phải chấp nhận một chút rủi ro để đạt được những gì mình xứng đáng hay ít ra là mình nghĩ mình xứng đáng :)

Tìm kiếm sứ mệnh

Nếu may mắn tìm kiếm được cho mình một sứ mệnh rõ ràng và hấp dẫn sẽ tạo cho bạn động lực lớn để tận hưởng sự nghiệp của mình. Nó giúp bạn trả lời câu hỏi "Tôi nên làm gì với cuộc đời của tôi"?. Sứ mệnh cũng giúp chúng ta có được vision - tầm nhìn tốt để có thể vươn xa hơn những gì thực sự chúng ta đang làm. Đồng thời, kiên trì và không ngừng nỗ lực để đạt sứ mệnh.

Kết luận

Nhìn chung cuốn sách muốn ta đừng mãi tìm kiếm cái gọi là ĐAM MÊ để rồi lãng phí thời gian, sức lực cho một thứ không hẳn là tồn tại như cách ta muốn. Tôi có một bài học từ một người thầy mà tôi nghĩ cũng có ích cho những đang muốn định hướng cho sự nghiệp của mình. Một đời người sẽ có cái gọi là NGHỀ NGHIỆP trong đó Nghề là cái mà chúng ta phải làm để kiếm cơm, còn Nghiệp là cái mà ta cảm thấy "phê" khi làm nó và 2 điều đó không nhất thiết phải giống nhau như một số người may mắn nào đó. Nhưng đôi lúc mỗi người cũng có thể dung hợp điều đó lại như Roman Abramovich một tỉ phú không thể hiện thực giấc mơ từ bé là việc trở thành một cầu thủ bóng đá rồi sau này trở thành chủ tịch của một CLB bóng đá và ông vẫn ta hạnh phúc với điều đó.
p/s: Mình đổi cái title để nó đi vào luôn ý của bài viết