Bàn tay khỉ - William Wymark Jacobs
Bản dịch truyện ngắn "The Monkey's Paw" của tác giả William Wymark Jacobs
“Bàn tay khỉ” có tên gốc là “The Monkey’s Paw”. Đây là một truyện ngắn kinh dị của tác giả người Anh William Wymark Jacobs. Truyện được đăng lần đầu trên tạp chí Harper’s Monthly vào năm 1902, sau đó được đưa vào tuyển tập truyện ngắn thứ ba của tác giả. Ngay từ lúc mới ra mắt, “Bàn tay khỉ” đã nhận được nhiều sự chú ý và nhanh chóng trở nên nổi tiếng; truyện đã được chuyển thể nhiều lần thành kịch, phim ngắn và chuyện kể trên radio. Đến nay, thậm chí cụm từ “bàn tay khỉ” đã trở thành một khái niệm và được sử dụng trong nhiều tác phẩm khác.
Nay xin gửi tới quý độc giả bản dịch của truyện ngắn này.
BÀN TAY KHỈ
Hãy cẩn thận với những điều mà ngươi mong ước.
Đó là một đêm lạnh lẽo và ẩm ướt, nhưng trong căn phòng khách đóng kín rèm thì ấm áp và lửa cháy sáng rực trong lò. Hai cha con đang chơi cờ; người cha vừa đi vài nước mạo hiểm bất thường khiến quân Vua của mình gặp nguy khiến cả bà vợ tóc bạc đang ngồi đan bên cạnh lò sưởi cũng phải lên tiếng chê bai.
“Gió kêu mới khiếp làm sao,” ông White lên tiếng; giờ ông mới nhận ra nước đi sai lầm có thể khiến thua cả ván cờ, cho nên cố đánh lạc hướng để cậu con trai không nhìn ra.
“Con có nghe thấy mà,” cậu con trai đáp, vẫn chăm chú vào ván cờ và vươn tay ra đi nước tiếp. “Chiếu.”
“Chắc tối nay cậu ta không tới kịp đâu,” người cha đáp, tay vươn ra phía trên bàn cờ.
“Chiếu hết.” Cậu con nói tiếp.
“Sống ở ngoại ô tệ thế đấy,” ông White đột ngột nói với giọng bực dọc khó chịu; “Kể cả tính những chỗ khỉ ho cò gáy khác thì như thế này vẫn đáng xếp thứ nhất. Chẳng thể đi đâu mà chân không dính bùn, mà đường thì ngập ngụa như sông. Ta chẳng biết những kẻ khác nghĩ gì nữa. Ta đoán họ chẳng thèm bận tâm gì sất khi mà chỉ có hai hộ dân ở khu này.”
“Đừng bận tâm, bố nó ạ,” bà vợ điềm đạm nói, “có khi ván sau ông thắng thì sao?”
Ông White quắc mắt nhìn vừa kịp lúc thấy một ánh nhìn thấu hiểu giữa hai mẹ con. Ông định nói gì đó, nhưng lại thôi mà đành cười trừ.
Vừa lúc đó thì có tiếng cổng đóng sầm lại và tiếng bước chân nặng nề tiến về phía cửa ra vào; cậu Herbert White lên tiếng: “Ông ấy đến rồi.”
Ông White vội vã đứng lên ra mở cửa với vẻ hiếu khách và vừa đón khách vừa buông lời chia buồn tới người mới đến. Vị khách đáp lại một hai câu bày tỏ nỗi buồn, còn bà White thì đằng hắng nhẹ nhàng khi chồng dẫn khách vào phòng. Vị khách là một người cao lớn, vạm vỡ, đôi mắt to tròn trên gương mặt hồng hào.
“Đây là Thượng sĩ Morris,” ông White giới thiệu.
Vị Thượng sĩ bắt tay từng người rồi ngồi xuống chỗ được mời cạnh bếp lửa, ánh nhìn tỏ rõ sự vui vẻ khi ông White đem whiskey cùng mấy cái ly ra và đặt một cái ấm nhỏ lên bếp lửa.
Đến ly thứ ba thì ánh mắt vị khách đã bừng sáng, và ông bắt đầu nói chuyện. Gia đình nhà White thì ngồi quây quần xung quanh và bắt đầu hứng thú với vị phương xa khi ông ta vừa vươn vai thoải mái trên ghế vừa kể về những nơi xa lạ cùng những chiến công đầy hiển hách, về chiến tranh, bệnh dịch và những con người kỳ dị.
“Hai mươi mốt năm rồi,” ông White quay sang vợ con và nói. “Hồi xưa cậu này chỉ là một anh chàng gầy gò giúp việc trong nhà kho. Giờ nhìn mà xem này.”
“Cậu ấy trông có vẻ ổn lắm,” bà White lịch sự nói.
“Giá được thì tôi cũng muốn đến Ấn Độ thăm thú cho biết.” ông chồng nói.
“Ai ở đâu nên ở yên đấy,” Thượng sĩ vừa lắc đầu vừa nói. Ông đặt cái ly không xuống bàn, khẽ thở dài và lại lắc đầu.
“Tôi rất mong được thăm thú những đền thờ cổ, những gã thầy tu và những tay biểu diễn trên phố,” ông chủ nhà nói tiếp. “Hôm trước cậu có kể tôi nghe chuyện bàn tay khỉ đúng không nhỉ, Morris? Chuyện đấy là như thế nào?”
“Chẳng thế nào cả.” người lính đáp vội. “Ít nhất thì cũng chẳng có gì đáng nghe đâu.”
“Bàn tay khỉ ư?”, bà White tò mò hỏi.
“Chà, có thể nói nó là một chút của cái ta gọi là ma thuật,” Thượng sĩ đáp lại.
Ba thính giả chồm tới với vẻ hứng thú. Vị khách có vẻ chìm sâu trong suy nghĩ nên không nhận ra mà cầm cái ly rỗng không đưa lên miệng, rồi sau đó nhận ra mà đặt xuống. Ông White vội rót đầy ly.
“Nhìn bề ngoài,” Thượng sĩ nói và đưa tay lục vào trong túi áo, “nó chỉ là một bàn tay khỉ bé con tầm thường được phơi khô và ướp xác.”
Ông lấy ra một vật từ trong túi và giơ nó cho mọi người xem. Bà White lùi lại phía sau với vẻ ghê sợ, trong khi cậu con trai cầm lấy và xem xét với vẻ tò mò.
“Thứ này có gì đặc biệt?” ông White vừa nói vừa cầm lấy vật kia từ cậu con trai, và sau khi xem xét một hồi thì đặt nó lên bàn.
“Một thầy tu già đã yểm bùa phép vào nó,” Thượng sĩ nói, “một người cao tay ấn đấy. Ông ta muốn chứng tỏ cuộc đời con người bị số mệnh trói buộc, và kẻ nào thử cố thay đổi nó sẽ chịu hậu quả. Ông ta yểm bùa để cho ba người khác nhau mỗi người có thể ước ba điều từ nó.”
Cách vị khách kể câu chuyện cho thấy ông ta thực sự tin nó là thật, và những thính giả nhận ra rằng những tràng cười khúc khích của họ hơi có vẻ vô duyên.
“Sao ngài không ước ba điều gì đó đi?” cậu Herbert hỏi khéo.
Người lính nhìn cậu con trai bằng ánh mắt của một người trung niên thường nhìn đám trẻ vô phép. “Tôi có ước rồi,” ông đáp, và mặt trở nên trắng bệch.
“Và ba điều ước của cậu thật sự thành hiện thực ư?” bà White hỏi.
“Phải,” Thượng sĩ đáp khi đưa chiếc ly lên miệng.
“Có ai khác cũng từng ước chưa?” bà chủ nhà hỏi tiếp.
“Người đầu tiên có nó cũng ước ba điều,” vị khách đáp, “Tôi không biết hai điều ước đầu tiên là gì, nhưng điều thứ ba ông ta ước được chết. Vậy nên tôi mới có được bàn tay khỉ này.”
Giọng của vị khách tỏ ra rất nghiêm túc, khiến mọi người đều im lặng.
“Nếu cậu đã ước ba điều rồi thì giờ nó còn có ích gì nữa đâu hả Morris,” ông chủ nhà lên tiếng. “Sao còn giữ nó làm gì?”
Người lính lắc đầu. “Cho vui thôi, chắc vậy,” ông chậm rãi đáp. “Tôi từng nghĩ đến việc bán nó, nhưng rồi lại thôi. Nó gây đủ rắc rối cho tôi rồi. Vả lại, không ai muốn mua đâu. Một số thì chỉ coi nó là chuyện bịa; còn có ai tin thì đều muốn thử trước rồi mới trả tiền.”
“Nếu được ước thêm ba điều nữa, cậu có nhận không?” ông chủ nhà hỏi và quan sát thật kỹ vị khách.
“Tôi không biết nữa. Quả tình là không biết,” vị khách đáp.
Ông ta cầm bàn tay lên, xoay qua xoay lại giữa ngón cái và ngón trỏ; rồi thốt nhiên quẳng nó vào bếp lửa. Ông White kêu thốt lên rồi vội quỳ xuống moi nó ra.
“Để nó cháy rụi thì hơn,” người lính nói với vẻ buồn bã với ngữ điệu cho thấy ông thực sự tin như thế.
“Morris ạ, nếu cậu không cần nữa thì cho tôi.” Ông chủ nhà nói.
“Không được.” Vị khách đáp với vẻ kiên quyết. “Tôi đã ném nó vào bếp lửa. Nếu ông giữ nó thì đừng quy trách nhiệm cho tôi nếu có gì xảy ra. Tốt nhất ông nên ném nó vào lửa thì hơn.”
Ông chủ nhà lắc đầu rồi xem xét kỹ vật trong tay, thế rồi hỏi: “Làm sao để ước?”
“Dùng tay phải cầm lấy nó rồi nói thật to điều ước lên,” Thượng sĩ đáp, “Nhưng tôi đã cảnh báo về những chuyện có thể xảy ra rồi đấy.”
“Nghe như chuyện Nghìn lẻ một đêm ấy”, bà White vừa đùa vừa đứng dậy sắp bàn ăn. “Ông ước cho tôi có bốn đôi tay được không nhỉ?”
Ông chồng lấy bàn tay khỉ trong túi ra, và cả ba người trong gia đình bật cười khi Thượng sĩ hốt hoảng nắm tay ông lại và dặn:
“Nếu có định ước, hãy ước điều gì hợp lý.”
Ông White bỏ lại nó vào trong túi rồi kéo ghế mời vị khách ngồi vào bàn. Suốt bữa tối hầu như chẳng còn ai nhắc lại vật kia, và sau đó cả gia đình ngồi quây quần bên người lính để nghe những chuyện kỳ thú xảy ra ở Ấn Độ.
“Nếu mà câu chuyện về bàn tay khỉ không thật hơn những chuyện ông ta vừa kể thì mình có nó cũng chẳng để làm gì.” Cậu Herbert nói sau khi đã tiễn vị khách ra cửa cho kịp bắt chuyến tàu cuối.
“Ông có trả cho cậu ấy đồng nào không?” bà White hỏi chồng.
“Chút ít thôi. Cậu ấy không nhận nhưng tôi vẫn nài. Rồi cậu ấy vẫn muốn tôi vứt cái bàn tay khỉ đi.”
“Sao mà vứt được!” cậu Herbert vừa nói vừa vờ sợ sệt. “Nhà mình sẽ giàu có, nổi tiếng và hạnh phúc.” Cậu vừa cười vừa nói tiếp, “Bố nên ước được làm vua chẳng hạn; và thế là mẹ sẽ chẳng có cớ gì để càu nhàu suốt ngày nữa.”
Nói xong cậu chạy quanh bàn ăn vì bà White vừa cười vừa đuổi theo toan đánh.
Ông White lấy bàn tay khỉ ra khỏi túi và quan sát nó với vẻ nghi ngờ. “Nói thật là bố chẳng biết ước gì, bởi kể ra đời bố thế này là đủ rồi đâu thiếu gì.” Ông chậm rãi nói.
“Nếu bố trả được hết tiền vay để mua căn nhà này thì chắc bố vui lắm nhỉ?” cậu Herbert nói và đặt tay lên vai ông White. “Chà, vậy bố ước có hai trăm bảng đi, như vậy chắc là đủ đấy.”
Ông bố ngượng cười vì bản tính nhẹ dạ của mình, giơ bàn tay khỉ lên, trong khi đó cậu con trai, với gương mặt vờ vẻ trang nghiêm rồi nháy mắt với bà mẹ, ngồi vào đàn dương cầm và đánh một vài hợp âm hùng hồn.
“Tôi ước có hai trăm bảng,” ông nói rõ từng tiếng một.
Tiếng đàn dương cầm hoà cùng lời nói, bỗng im bặt bởi tiếng kêu sợ hãi của ông White. Bà vợ cùng cậu con trai vội chạy đến bên ông.
“Nó di chuyển,” ông kêu lên, mắt liếc nhìn vật trên sàn với vẻ ghê tởm. “Khi tôi ước, nó vặn vẹo trên tay tôi như một con rắn.”
“Con chưa thấy tiền đâu cả,” cậu con trai nói khi nhặt bàn tay khỉ lên và đặt trên bàn, “và con cá là ta chẳng có đồng nào đâu.”
“Chắc là tưởng tượng thôi ông nó ạ,” bà vợ nhìn chồng một cách lo lắng.
Ông lắc đầu. “Thôi đừng bận tâm, tôi không sao cả, dù là cũng bị nó dọa cho hết cả hồn.”
Cả nhà lại ngồi xuống cạnh bếp lửa và hai bố con lôi tẩu ra hút. Bên ngoài, gió thét gào ngày càng hung tợn hơn, và ông White bắt đầu lo lắng khi nghe tiềng sầm sập phát ra từ cánh cửa trên lầu. Một không gian thinh lặng kỳ quái và buồn tẻ bao trùm lên cả ba người họ, cứ thế mãi cho đến khi đôi vợ chồng già nhỏm dậy đi ngủ.
“Có khi bố mẹ sẽ thấy một bọc tiền nằm ở giữa giường đấy,” cậu Herbert nói khi chúc cả hai ngủ ngon, “và thêm một con gì đấy khủng khiếp thù lù trên nóc tủ quần áo nhìn xuống khi bố mẹ đem giấu số tiền bất chính ấy đi.”
Hôm sau, vào buổi sáng mùa đông có nắng rọi qua bàn lúc ăn sáng, cậu Herbert cười giễu nỗi sợ của ông bố. Một bầu không khí rất đỗi bình thường bao trùm cả căn phòng, khác hẳn với tối hôm trước, và cái bàn tay nhỏ bé rúm ró dơ bẩn bị vứt lăn lóc trên chiếc tủ chứng tỏ chẳng ai còn tin tưởng gì vào bùa phép của nó nữa.
“Tôi cho là mấy tay lính già ai cũng như ai,” bà White nói. “Chuyện ấy mới vớ vẩn làm sao! Thời này ai còn tin chuyện ước với chả ủng cơ chứ? Và giả như có thật thì làm sao 200 bảng lại đem đến tai họa được chứ, đúng không bố nó?”
“Nhỡ túi tiền rơi từ trên trời xuống trúng đầu bố thì sao?” cậu Herbert châm chọc.
“Morris bảo là chuyện sẽ xảy đến rất tự nhiên,” ông White nói, “đến nỗi ta có thể cho chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi.”
“Nếu thế thì đừng động gì vào số tiền ấy trước khi con về nhé,” Herbert vừa đứng dậy vừa nói. “Con chỉ e nó sẽ biến bố thành một kẻ tham lam keo kiệt, và rồi hai mẹ con con sẽ phải từ bố mất thôi.”
Mẹ cậu cười phá lên và tiễn cậu ra tới tận cửa, trông theo cho đến khi đã khuất bóng trên phố rồi mới quay lại bàn ăn và cười cợt sự cả tin của chồng. Dù thế khi nghe tiếng gõ cửa của người đưa thư bà vẫn vội vội vàng vàng lao ra cửa, rồi bà cũng không quên ám chỉ đôi chút đến tay thượng sĩ về hưu nát rượu khi nhận ra người đưa thư mang đến hoá đơn yêu cầu thanh toán từ nhà may.
“Herbert thế nào cũng châm chọc nữa khi nó đi làm về cho mà xem,” bà nói khi họ ngồi ăn tối.
“Dám thế lắm,” ông White vừa rót bia vừa nói, “nhưng tôi thề là vật ấy thực sự động đậy trên tay tôi đấy.”
“Do ông tưởng tượng thôi”, bà vợ dịu dàng nói.
“Tôi nói là nó động đậy đấy,” ông đáp. “Không phải tưởng tượng đâu; tôi vừa mới – kìa có chuyện gì thế nhỉ?”
Bà vợ không trả lời. Bà đang nhìn dõi theo một dáng người đàn ông lởn vởn bí hiểm phía bên ngoài, anh ta đang lưỡng lự nhìn vào ngôi nhà của họ, dường như đang cố cương quyết bước vào. Liên tưởng đến số tiền hai trăm bảng; bà liền chú ý tới việc người lạ ấy ăn mặc lịch sự và đội một cái nón lụa bóng tinh tươm. Anh ta dừng chân ở ngay cổng ba lần và lại bước đi. Lần thứ tư anh ta đứng đó tay đặt trên cánh cổng và rồi thình lình quyết định đẩy cánh cổng mở ra và bước vào lối đi dẫn vào ngôi nhà. Vừa lúc đó bà White đưa tay ra sau lưng vội tháo chiếc dây tạp dề, và nhét nó xuống dưới tấm nệm ghế.
Bà dẫn người lạ vào phòng khách, trông anh ta có vẻ căng thẳng. Anh ta len lén nhìn bà White, và không để tâm lắng nghe bà cụ xin lỗi về vẻ ngoài của căn phòng, và cái áo khoác của chồng bà, cái thứ mà ông thường mặc khi làm vườn. Rồi bà kiên nhẫn ngồi chờ vị khách cho biết lý do viếng thăm, nhưng anh ta im lặng đến kỳ lạ.
“Tôi – được cử đến gặp ông bà,” cuối cùng anh ta lên tiếng khi cúi người gỡ một sợi chỉ bung ra trên quần. “Tôi đến từ công ty Maw & Meggins.”
Bà White lên tiếng. “Có chuyện gì xảy ra sao?” bà nín thở hỏi tiếp. “Herbert bị làm sao ư? Là gì vậy? Nó bị sao?”
Chồng bà ngắt lời. “Nào nào mẹ nó ơi,” ông vội nói. “Cứ ngồi xuống trước đi đã. Tôi tin là anh không đem theo tin gì tồi tệ đâu nhỉ?” Ông vừa nói vừa quan sát vị khách.
“Tôi rất tiếc là –” vị khách lên tiếng.
“Nó bị thương ư?” bà mẹ gặng hỏi.
Vị khách cúi đầu. “Rất nặng,” anh ta lặng lẽ tiếp, “nhưng anh ấy không phải chịu đau đớn nữa.”
“Ôi tạ ơn Chúa!” bà thốt lên và siết chặt hai tay lại. “Tạ ơn Chúa thương xót! Tạ ơn–”
Bà đột ngột khựng lại khi hiểu ra ý nghĩa kinh hoàng trong câu an ủi ấy và xác nhận lại sự thật khủng khiếp khi thấy người kia ngoảnh mặt đi. Bà nín thở, và hướng mắt nhìn về phía người chồng hơi chậm hiểu của bà, bà đặt bàn tay run rẩy của mình lên tay ông. Rồi họ im lặng một hồi lâu.
“Anh ấy bị máy cuốn,” người khách khẽ nói.
“Bị máy cuốn ư,” ông White ngơ ngác lặp lại, “Vậy sao.”
Ông ngây người nhìn ra ngoài cửa sổ, và nắm lấy bàn tay vợ ông trong tay mình, siết chặt nó như ông hay làm như thế trong khoảng thời gian họ còn hẹn hò yêu đương cách đây gần 40 năm.
"Nó là đứa con duy nhất của chúng tôi," ông nói chậm rãi xoay sang vị khách. "Nghiệt ngã quá."
Vị khách ho vài tiếng, và đứng lên, đi chậm rãi đến bên cửa sổ. "Công ty cử tôi đến chia buồn với nỗi mất mát to lớn của ông bà," anh ta nói, mà không nhìn lên. "Tôi xin ông bà hiểu rằng tôi chỉ là một nhân viên thừa lệnh cấp trên mà thôi."
Không ai đáp lại câu đó; khuôn mặt bà White đã tái nhợt đi, ánh mắt trân trân, hơi thở thì đứt quãng; trên khuôn mặt của chồng bà phảng phất nét mặt giống như người bạn Thượng sĩ của ông có lẽ đã trải qua trong lần ước đầu tiên.
"Tôi xin thông báo là công ty Maw & Meggins không chịu bất kỳ trách nhiệm nào," vị khách tiếp tục nói. "Họ không thừa nhận trách nhiệm trong chuyện này, nhưng đáp lại công lao làm việc của con trai ông bà, họ muốn biếu tặng ông bà một số tiền coi như đền bù."
Ông White buông tay người vợ, và đứng lên, mắt nhìn chằm chằm với vào vị khách với vẻ kinh hoàng. Đôi môi khô khốc của ông phát ra từng tiếng một, "Bao nhiêu?"
"Hai trăm bảng," vị khách đáp.
Bỏ ngoài tai tiếng gào thét của bà vợ, ông nở nụ cười yếu ớt, giang hai tay ra phía trước như kẻ mù loà, rồi ngã khuỵ xuống sàn nhà.
Tại một nghĩa trang lớn mới xây cách đó chừng hai dặm, hai vợ chồng già chôn cất đứa con trai của mình và quay về ngôi nhà tối tăm và cô quạnh. Mọi chuyện chấm dứt quá nhanh đến độ họ không kịp hiểu được chuyện gì đang diễn ra và họ vẫn còn kỳ vọng một chuyện nào khác xảy ra - một chuyện nào đó mà có thể trút bớt cái gánh nặng đang đè lên hai trái tim già nua. Ngày qua ngày, kỳ vọng đó dần nhường chỗ cho nỗi cam chịu – một sự cam chịu vô vọng của người già, mà đôi khi người ta tưởng nhầm là sự thờ ơ lãnh cảm. Đôi khi, họ hầu như không nói với nhau lời nào, vì rằng giờ đây chẳng có gì để nói, và ngày dài lê thê cứ trôi qua trong u sầu.
Khoảng một tuần sau cái chết của người con, một đêm nọ ông White giật mình thức giấc lúc giữa đêm, ông với tay sang phía vợ và chẳng thấy bà đâu cả. Căn phòng vẫn tối mù, và ông nghe loáng thoáng đâu đó có tiếng than khóc bên cửa sổ. Ông ngồi nhỏm dậy và lắng nghe.
“Quay về giường đi,” ông dịu dàng nói. “Bà sẽ bị cảm mất.”
“Con tôi còn đang lạnh lẽo hơn,” bà White đáp và lại bật khóc.
Tiếng khóc nức nở của bà dần chìm đi bên tai ông. Chiếc giường ấm áp và đôi mắt ông nặng trĩu vì cơn buồn ngủ ập đến. Ông chìm trong giấc ngủ chập chờn, rồi ngủ thiếp đi cho đến khi bà vợ đột ngột thét lên khiến ông tỉnh giấc.
“Bàn tay khỉ!” bà kêu thét lên. “Bàn tay khỉ!”
Ông hoảng hốt bật dậy. "Đâu? Nó đâu? Có chuyện gì?" Bà loạng choạng băng ngang phòng đến bên ông. "Tôi cần nó," bà khẽ nói. "Ông chưa hủy nó đi chứ?”
"Nó ở trên kệ trong phòng khách" ông White ngạc nhiên nói. “Để làm gì?”
Bà vừa cười vừa khóc, và cúi xuống, hôn lên má ông.
"Tôi mới vừa nghĩ ra nó," bà nói lắp bắp. "Tại sao tới bây giờ tôi mới nghĩ ra nhỉ? Tại sao ông không nghĩ đến nó?"
“Nghĩ đến cái gì chứ?” ông hỏi.
“Hai điều ước kia,” bà vội đáp. “Chúng ta mới ước một điều thôi.”
“Thế vẫn chưa đủ hay sao?” ông gắt gỏng đáp.
“Chưa đâu,” bà đắc chí đáp; “chúng ta sẽ ước một điều nữa. Ông xuống dưới nhà lấy nó lên ngay đi, và ước con trai chúng ta sống lại.”
Ông White ngồi bật dậy với vẻ kinh hoàng. “Lạy Chúa lòng lành, bà điên mất rồi!” ông thốt lên.
“Lấy nó đi,” bà giục, “nhanh lên, và ước mau đi – Ôi con tôi, con trai tôi!”
Người chồng quẹt một que diêm và châm nến. "Trở lại giường ngủ đi," ông run rẩy đáp. “Bà không biết bản thân mình đang nói gì đâu.”
"Chúng ta đã được toại nguyện điều ước đầu tiên," bà vợ vội nói; "tại sao lại không thử điều ước thứ hai?"
“Chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên,” ông lắp bắp.
“Lấy nó và ước nhanh đi,” bà nài xin và đẩy ông ra phía cửa.
Ông White đi xuống nhà trong bóng tối và dò dẫm tìm đường ra phòng khách rồi tới bên mặt bếp lửa. Bàn tay khỉ vẫn ở nguyên tại chỗ, và nỗi sợ tràn ngập trong ông - ông sợ rằng điều ước ấy sẽ đem người con thân xác chẳng còn nguyên vẹn trở lại trước mặt trước khi ông kịp chạy ra khỏi phòng; và khi nhận thấy không tìm thấy cửa ra, ông cố trấn an mình. Trán ông lạnh toát mồ hôi và ông lần mò đi quanh bàn và men theo tường cho đến khi ra được hành lang nhỏ với thứ đáng nguyền rủa ấy trên tay.
Gương mặt bà vợ dường như biến sắc khi ông bước vào phòng. Sắc mặc vừa tái nhợt lại vừa hăm hở, và ông cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy cái nét mặt khác thường đó của bà. Ông sợ bà.
“Ước đi!” bà rít lên.
“Thế này là dại dột, điên rồ,” ông ấp úng.
“Ước ngay đi!” bà vợ lặp lại.
Ông giơ tay lên. “Tôi ước con trai tôi sống lại.”
Bàn tay khỉ rơi xuống sàn nhà, và ông nhìn nó với vẻ hoảng sợ. Rồi ông run rẩy quăng mình xuống ghế khi bà vợ với ánh mắt háo hức đi đến cửa sổ và vén rèm lên.
Ông ngồi đó cho đến khi rùng mình vì lạnh, thỉnh thoảng ông liếc nhìn sang bà vợ đang trông ngóng ra cửa sổ. Ngọn nến cháy gần hết bên dưới mép giá đỡ bằng sứ, hắt những cái bóng nhập nhoạng lên trần nhà và bốn bức tường, cho đến khi nó cháy sáng rực hơn bao giờ hết rồi phụt tắt. Với cảm giác nhẹ nhõm khi cho rằng bàn tay khỉ không còn linh nghiệm, ông quay lại giường và một hai phút sau bà vợ lặng lẽ đến bên và thờ ơ nằm xuống bên cạnh.
Cả hai đều không nói với ai lời nào, nhưng họ nằm đó trong im lặng, lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc. Cầu thang cót két, và một con chuột vụt chạy qua bức tường kêu chít chít. Bóng tối tràn ngập, và sau khi thu hết can đảm, ông cầm một hộp diêm, quẹt một que và đi xuống cầu thang lấy thêm nến.
Khi xuống đến cầu thang thì cũng là lúc que diêm vừa tắt. Ông dừng lại để quẹt một que khác và ngay lúc ấy, có tiếng gõ cửa vang lên. Một tiếng gõ cửa khẽ khàng, len lén đến mức gần như không nghe thấy được, vang lên từ cửa chính.
Hộp diêm rơi từ trên tay ông xuống đất. Ông đứng đó bất động, nín thở cho đến khi tiếng gõ cửa lại vang lên. Rồi ông quay đầu, chạy nhanh trốn về phòng và đóng cánh cửa phòng lại sau lưng ông. Tiếng gõ cửa thứ ba vang dội khắp căn nhà.
“Sao thế?” bà vợ giật mình hỏi.
“Chuột,” ông đáp với vẻ run sợ, “có con chuột chạy qua chân tôi ở cầu thang.”
Bà vợ ngồi bật dậy trên giường lắng nghe. Một tiếng gõ cửa lớn lại vang khắp cả căn nhà.
“Là Herbert!” bà kêu lên. “Herbert về đấy!”
Bà chạy ra đến cửa, nhưng ông ngăn lại, chộp lấy cánh tay và ôm bà thật chặt.
“Bà định làm gì?” ông thì thầm bằng giọng khản đặc.
“Là con tôi đấy, là Herbert!” bà kêu lên, cố vùng vẫy để thoát ra. “Tôi quên mất nghĩa trang cách nhà tận hai dặm. Sao ông cản tôi? Buông ra. Tôi phải mở cửa.”
“Vì Chúa, đừng cho thứ ấy vào trong nhà,” ông run rẩy thét lên.
“Ông sợ chính con trai mình sao,” bà vừa kêu vừa vùng vẫy. “Buông tôi ra. Mẹ đến đây Herbert; mẹ đến đây.”
Một tiếng gõ cửa khác vang lên rồi một tiếng nữa nối tiếp sau đó. Bà đột ngột giật mạnh thoát ra và chạy ra khỏi phòng. Ông chạy ra tới cầu thang và gọi theo giọng khẩn nài khi bà lao xuống cầu thang. Ông nghe thấy tiếng dây xích lách cách và tiếng chốt cửa dưới rít chầm chậm bật ra khỏi hốc cửa. Và tiếng bà vang lên hổn hển.
“Cái chốt,” bà gào lên. “Xuống đây ngay. Tôi không với được tới cái chốt.”
Nhưng bấy giờ ông đang nằm bò ra sàn, hai tay quơ quào cuồng loạn để tìm bàn tay khỉ. Ông chỉ mong tìm thấy nó trước khi cái thứ bên ngoài kia vào được. Tiếng đập cửa ầm ầm vang dội khắp căn nhà, và ông nghe tiếng bà vợ kéo lê một chiếc ghế đặt ngay lối đi sát cánh cửa. Ông nghe tiếng chốt cửa khi nó từ từ kéo lùi lại, và ngay lúc đó, ông tìm thấy bàn tay khỉ, và ông hốt hoảng thốt lên điều ước thứ ba và cũng là điều ước cuối cùng.
Tiếng gõ cửa đột ngột im bặt, mặc dù tiếng vọng của nó vẫn còn lanh lảnh vang khắp trong nhà. Ông nghe thấy tiếng ghế được kéo lại và cánh cửa mở ra. Một cơn gió lạnh lùa vào cầu thang và rồi bà vợ cất lên tiếng than khóc dai dẳng đau khổ và tuyệt vọng, khiến ông lấy hết can đảm chạy xuống đến bên bà, rồi ông chạy đến cánh cổng phía ngoài. Ngọn đèn đường đối diện phả ánh sáng lập loè xuống con đường vắng lặng không một bóng người.
--- HẾT ---
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất