[Hiểu sách]: “Đi tìm lẽ sống” – Hơn cả một quyển tự truyện
“Đi tìm lẽ sống” một trong những quyển sách duy trì được phong độ nổi tiếng qua hàng thập kỷ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế...
“Đi tìm lẽ sống” một trong những quyển sách duy trì được phong độ nổi tiếng qua hàng thập kỷ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tôi tin đây là quyển sách có khả năng làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, tuy nhiên cũng gây không ít khó khăn cho bạn đọc trong quá trình hiểu và ứng dụng. Bài viết này sẽ chia sẻ đến bạn một góc nhìn rộng hơn về sự liên kết của “Đi tìm lẽ sống” với chủ nghĩa hiện sinh; và một góc nhìn sâu hơn về việc thực hành “Đi tìm lẽ sống” vào cuộc sống của chính bạn. Cùng bắt đầu nhé!
1- Dành cho những ai chưa đọc quyển sách này:
Tác giả Viktor Frankl (1905 - 1997) sinh ra và lớn lên tại Vienna, nước Áo. Trước chiến tranh, Frankl là Bác sĩ Tâm thần, Trưởng Khoa Thần kinh tại Rothschild - bệnh viện Do Thái đầu tiên ở Vienna. Từ nhỏ ông đã bộc lộ rõ niềm đam mê với Tâm lý học và việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống con người. Những năm trung học ông đã được Sigmund Freud (người đứng đầu của trường phái Phân tâm học nổi tiếng lúc bấy giờ) nộp bản thảo của ông cho Tạp chí Phân tâm học quốc tế.
Trong thế chiến thứ II, như nhiều người dân Do Thái khác, Frankl bị cầm tù trong trại tập trung của Đức quốc xã từ năm 1942 - 1945. Dù trước đó ông đã có cơ hội di cư sang Hoa Kỳ nhưng Frankl đã quyết định ở lại vì muốn ở cạnh chăm sóc bố mẹ đã già của mình, những người thân không may mắn để có được tấm vé di cư như ông. Ông và cả gia đình đã trải qua thời kỳ chiến tranh đầy khắc nghiệt, cho đến cuối cùng, Frankl là một trong số ít những người may mắn còn sống sót sau cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) do Đức quốc xã tiến hành.
“Đi tìm lẽ sống” là tác phẩm được Frankl hoàn thiện trong vòng 9 ngày, sau khi chiến tranh đã kết thúc. Sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1946 bằng tiếng Đức, và năm 1959 bằng tiếng Anh. Đến năm 2022, sách đã bán được 16 triệu bản với 52 ngôn ngữ được biên dịch.
Tác phẩm dành một nửa dung lượng để mô tả trần trụi cuộc sống của Frankl và những người bạn tù của ông trong những năm tháng bị cầm tù. Tuy nhiên, sự tàn ác của kẻ địch không phải là nội dung chính ông muốn truyền đạt, mà hơn cả đó là quá trình diễn biến tâm lý của ông và các bạn tù trong bối cảnh đầy khắc nghiệt đó. Qua quan sát, ông thấy có những người tù dù rất khỏe mạnh về thể chất nhưng lại là những người quyết định tự kết thúc cuộc đời mình từ rất sớm, những người trông có vẻ yếu ớt hơn thì lại có thể sống sót đợi đến ngày được trả tự do. Ông tự hỏi có điều gì tạo nên sự khác biệt này. Một phần hai dung lượng còn lại của quyển sách ông dành để truyền đạt về “Liệu pháp ý nghĩa”. Đó là lẽ sống, ai tìm được lý do để tồn tại thì sẽ chịu đựng được nghịch cảnh tốt hơn.
2- Một góc nhìn khác rộng hơn về “Liệu pháp ý nghĩa”:
“Liệu pháp ý nghĩa” (Logotherapy) không phải đợi đến khi Frankl sau khi nhập trại mới được khởi xướng mà đã được ông quan tâm nghiên cứu từ trước đó. Việc ngẫu nhiên trở thành một khách thể trong nghiên cứu của chính mình đã hun đúc, thúc đẩy Frankl phải hoàn thành và lưu truyền liệu pháp này đến hậu thế.
Viktor Frankl là “cha đẻ” của “Liệu pháp ý nghĩa” tuy nhiên đây không phải là một liệu pháp rời rạc, đơn lẻ mà là một liệu pháp được chứa trong khung của Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism).
Chủ nghĩa hiện sinh không có một “cha đẻ” duy nhất, mà là một phong trào đã được phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, tâm lý học, văn hóa trong thế kỷ 19 và 20. Các nhà triết học như Søren Kierkegaard (1813 - 1855) và Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) là những tên tuổi nổi bật ở giai đoạn đầu. Kế đến, Viktor Frankl (1905 – 1997) và nhà Tâm lý học cùng thời - Rollo May (1909 - 1994) đã tiếp tục phát triển và trở thành hai đại diện quan trọng của chủ nghĩa hiện sinh trong thời đại của họ.
3- Chủ nghĩa hiện sinh trong Tâm lý học:
Những câu truyền tai rất phổ biến liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh, tôi tin có thể bạn đã từng nghe qua như:
_ Tôi sống để làm gì? Sự tồn tại của tôi có ý nghĩa gì?
_ Không lựa chọn cũng là một lựa chọn
_ Anh ấy đang bị khủng hoảng hiện sinh
_ Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa
Thật sự, mỗi ngày bạn đều có thể bắt gặp chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện đâu đó trong cuộc sống, chỉ là bạn chưa chú ý đến sự tồn tại của nó.
Chủ nghĩa hiện sinh trong tâm lý học thường được đi cùng với Chủ nghĩa nhân văn, tạo nên cách gọi chung là Chủ nghĩa nhân văn - hiện sinh (Humanistic existential psychology) - đây được mệnh danh là làn sóng thứ 3 trong tâm lý học (Third force). Hai làn sóng vĩ đại trước đó là Phân tâm học (Psychoanalysis) và Tâm lý học hành vi (Behaviorism).
Nếu Phân tâm học phân tích tâm lý con người dưới động cơ tính dục vô thức, Trường phái hành vi phân tích nguyên nhân từ môi trường xung quanh tác động đến việc hình thành tâm lý cá nhân, thì Chủ nghĩa hiện sinh như một làn gió mới. Lý thuyết này không giải thích tâm lý con người với nguồn gốc động năng từ quá khứ, hay ảnh hưởng từ môi trường sống mà thay vào đó là ngày hôm nay và những ngày mai trong tương lai bạn sẽ sống vì lý do nào và lựa chọn làm gì cho chính cuộc đời mình.
4- 6 quan điểm chính của Chủ nghĩa hiện sinh trong Tâm lý học:
a- Mỗi tình huống đều có ít nhất 02 lựa chọn:
Trong tất cả mọi tình huống, xin nhắc lại là mọi tình huống, chúng ta luôn có ít nhất 02 lựa chọn. Mỗi người phải tự ý thức được năng lực này của mình. Những người luôn cảm thấy bản thân mình bất hạnh, là nạn nhân của số phận là những người dùng nhiều cái cớ nhất để phủ nhận năng lực lựa chọn này. Và cần lưu ý, không lựa chọn cũng là một lựa chọn.
Ví dụ: Một người không sống hạnh phúc trong chính gia đình của mình, nhưng cô ấy không bao giờ dám rời bỏ gia đình, cô ấy cho rằng mình không “nỡ” bỏ rơi gia đình của mình. Cô nghĩ cô vẫn chưa đưa ra lựa chọn, trên thực tế, cô đã làm điều đó rồi: Cô đã quyết định chọn ở lại nơi cô không hạnh phúc.
b- Tự do luôn luôn đi kèm cùng với trách nhiệm:
Nối tiếp ví dụ trên, nếu cô gái đã quyết định chọn ở lại, cô phải có trách nhiệm trả giá cho lựa chọn của mình: sự không hạnh phúc. Hoặc nếu một ngày đẹp trời, cô quyết định vứt áo ra đi, cô cũng phải có trách nhiệm trả giá cho lựa chọn này: sự cực khổ khi phải bước ra bươn chải với thế giới bên ngoài. Vậy vấn đề ở đây, cô dám trả cho cái giá nào.
Như Frankl đã nói: “chủ trương tôn thờ chủ nghĩa tự do có nguy cơ bị biến thành chủ nghĩa độc đoán trừ khi tự do phải luôn gắn liền với trách nhiệm”. Một người không thể nhân danh “tự do” làm bất kỳ điều gì mà họ muốn: cướp bóc, lừa gạt,… mà lại được miễn trừ trách nhiệm là bất kỳ thời khắc nào họ cũng có nguy cơ phải ở tù mọt gông. Cuộc đời không hoạt động theo cách đó.
c- Giữ mối quan hệ - hay giữ chính mình:
Con người vốn là loài sinh vật yếu ớt hơn về thể lý so các loài sinh vật khác ngay từ khi mới sinh ra, do đó chúng ta luôn cần cho mình lối sống xã hội, và nhu cầu được thuộc về một tập thể nào đó. Con người cũng là loài sinh vật có thể là duy nhất, biết rằng cuộc sống này là hữu hạn và rồi mình sẽ đến lúc chết, do đó chúng ta rất sợ đến giây phút cuối cùng sẽ nhận ra mình đã sống một cuộc đời không có ý nghĩa.
Hai nhu cầu này đối lập lẫn nhau, nếu chỉ sống cho lý tưởng của mình, bạn sẽ có nguy cơ là cá thể bị tách biệt trong cộng đồng, nếu chỉ chăm chăm lối sống hòa nhập cùng số đông, rồi bạn sẽ đánh mất bản sắc con người mình. Một bài toán tiến thoái lưỡng nan.
Theo chủ nghĩa hiện sinh, để giải được vấn đề này, chúng ta cần có năng lực tự trải nghiệm được sự cô đơn nhưng cũng cần cởi mở cho mình một lối sống hòa nhập với các mối quan hệ thân thiết, có ý nghĩa. Lưu ý, không phải là tất cả mối quan hệ mà cần có sự chọn lọc.
d- Con người luôn có xu hướng đi tìm lẽ sống:
* Không có lẽ sống thì sẽ như thế nào?
“Trống rỗng hiện sinh” hay “trạng thái tồn tại chân không” là một khái niệm được nhắc đến nhiều trong “Đi tìm lẽ sống”. Theo đó, từ thời khắc bắt đầu là “người”, chúng ta đã dần đánh mất phần “con” trong quá trình tiến hóa. Những bản năng cơ bản của một “loài thú” là biết mình phải làm gì hoặc nói lên với đồng loại rằng mình muốn làm gì đã dần mất trong cơ chế phát triển của loài người. Thay vào đó, chúng ta chọn những cách thức đơn giản và nhanh chóng hơn– bắt chước làm theo những gì người khác làm, hoặc làm những gì người khác yêu cầu mình làm. Điều này giúp chúng ta cảm thấy “an toàn” hơn.
Tuy nhiên nếu quan sát, những khi đột ngột rảnh rỗi (như có kỳ nghỉ đột xuất), hoặc những tình huống kéo dài lâu hơn (như khi thất nghiệp), con người ta có xu hướng trở nên chán nản, khó chịu, thậm chí trầm cảm hoặc nghiện chất. Lý do họ cảm thấy mất định hướng, họ khó chịu với chính thời gian của mình vì không biết phải làm gì với nó, lạc lối trong những giai đoạn không ai nói với họ rằng họ cần phải làm gì. Họ cần một người khác cho họ lý do để sống, họ không có lẽ sống thật sự.
Khi chưa tìm được lẽ sống thật sự, con người ta thường khỏa lấp bằng việc kiếm thật nhiều tiền của, hoặc đôi khi là bằng niềm vui tình dục. Họ có thể mượn sự ồn ào, náo nhiệt của thế giới để quên đi sự trống rỗng của tâm trí. Nhưng rồi chúng ta đến một lúc vẫn phải đối diện với chính bản thân mình.
* Lẽ sống giúp gì cho chúng ta?
“Lẽ sống”, chính là “lý do sống”. Chỉ khi biết mình sống vì cái gì, chúng ta mới có thể bớt phụ thuộc nặng nề vào các mối quan hệ, mới dám bỏ đi những lời đánh giá và những ánh nhìn vô nghĩa của người khác, mới dám sống không vì ai bảo rằng mình cần sống như thế, vì lúc này đây bạn biết đích xác, bạn muốn gì. Bạn sẽ có đủ dũng khí loại bỏ những mối quan hệ vô nghĩa.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình tìm kiếm lẽ sống, đó là điều chắc chắn. “Khủng hoảng hiện sinh” một thuật ngữ phổ biến những năm gần đây tại Việt Nam, đề cập đến những người luôn trăn trở về câu hỏi lớn: “tôi đến với thế giới này để làm gì?”. Đây là một loại khủng hoảng đặc biệt, vì nó không dành cho người “bị mất mát đi một điều gì đó” mà dành cho những người “đã có được quá nhiều” nhưng vẫn cảm thấy trống rỗng.
e- Lo lắng hợp lý và lo lắng bệnh lý:
Bạn có biết rằng stress cũng có lợi nếu nó ở ngưỡng trung bình? Tất cả những gì chúng ta đang đối mặt, tôi hoàn toàn đồng cảm cùng bạn. Đứng trước đấu tranh sinh tồn, tự do, sự sống, cái chết, cảm giác vô nghĩa, tìm kiếm lẽ sống,… chúng ta lo lắng là điều tất yếu. Tuy nhiên theo chủ nghĩa hiện sinh, lo lắng có 2 dạng, lành mạnh và không lành mạnh.
Lành mạnh là khi lo lắng đó hợp lý với tình hình thực tế, và chúng ta lo lắng nhằm để liệu tính một con đường. Tiếp nối ví dụ về cô gái muốn tách khỏi gia đình, cô ý thức được điều mình mong muốn và chuẩn bị nguồn lực (về nơi ở, tiền bạc,…) để chuẩn bị cho kế hoạch tách rời, hiện thực hóa cuộc sống cô thật sự mong muốn.
Lo lắng không lành mạnh là lo lắng không hợp lý với tình hình thực tế, và nó thường liên quan đến cái chết vật lý. Cô gái ấy lo lắng cùng cực vì sức khỏe tâm lý bị suy giảm mỗi ngày khi vẫn còn phải ở cùng gia đình, nhưng cô đóng băng hành động, nghĩa là không có một động thái nào để thực hiện bước thoát thân. Cô chỉ lo lắng, và sẽ tiếp tục lo lắng vào ngày mai... Nỗi sợ lớn hơn ở đây có thể giả thuyết là cô ấy không dám rời đi, vì thao tác này đồng nghĩa với việc tự tách mình ra khỏi cộng đồng, nơi có thể bảo vệ mình (dù trên thực tế không như vậy), nếu rời khỏi nơi đó, mình có thể sẽ chết (vì không còn được nuôi ăn, yêu thương, chăm sóc,…). Đó là nỗi lo lắng phi lý trí.
f- Càng nhận thức rõ về cái chết, càng sống sâu sắc cho hiện tại:
Khi nào là lúc chúng ta thật sự đối diện với chính bản thân mình? Đó là trước giây phút chúng ta chết. Mọi chuyện chúng ta đã làm trong suốt thời gian trước đó được tái hiện như một bộ phim chiếu ngược. Frankl tin, lúc đó bạn có thể sẽ bật khóc trong bất lực nếu nhận ra mình đã sống một cuộc đời vô nghĩa.
Bất ngờ thay đây cũng là liều thuốc giải cho nỗi lo lắng không lành mạnh vừa được đề cập ở mục e). Để đập tan nỗi lo lắng phi lý trí, bạn phải có được cho mình một nỗi sợ lớn hơn, đó là “nỗi sợ phải sống một cuộc đời vô nghĩa”. Cuộc sống là hữu hạn, sinh - lão - bệnh - tử là điều tất yếu, do đó lý thuyết hiện sinh muốn chúng ta có cái nhìn trực diện vào sự thật này để bước qua nỗi sợ hãi về cái chết vật lý. Thay vào đó, hãy nghĩ đến câu hỏi lớn hơn, nếu kiếp sống này kết thúc vào ngày mai, liệu bạn đã cảm thấy đủ trọn vẹn hay chưa.
Do đó có thể nói, người có cái hiểu sâu sắc về cái chết không phải là người yếu đuối, mà là người sẽ sống được nhiều nhất, trọn vẹn nhất.
5- Ứng dụng và lời kết:
Được rồi, đến đây thì rốt cuộc sau khi đã hiểu sâu hơn về “Đi tìm lẽ sống” và Chủ nghĩa hiện sinh trong Tâm lý học, bạn có thể ứng dụng nó như thế nào?
Hãy đọc kỹ mục 4 một lần nữa, nhưng lần này, đọc ngược từ mục f lên mục a bạn nhé. Đây là một bài toán được giải ngược.
_ Hãy thử đặt mình vào bối cảnh: ngày mai bạn sẽ chết. Liệu bạn có cảm thấy đau đớn, hụt hẫng vì đã sống một cuộc đời không có ý nghĩa? Bạn đã dành hầu hết sự tồn tại của mình trên đời này để sống vì những cái “muốn” của người khác?
_ Khi hiểu được cái chết rồi sẽ đến và khao khát sống cuộc đời có một ý nghĩa, bạn sẽ bớt được những lo lắng không lành mạnh (rằng nếu không có mối quan hệ đó, không được lòng người đó, thì bạn sẽ không sống được).
_ Bạn sẽ đủ can đảm để nghĩ về lẽ sống thật sự của mình.
_ Bạn sẽ dám gạt đi những mối quan hệ vô nghĩa hay độc hại.
_ Bạn sẽ ý thức được tự do lựa chọn sẽ đi kèm với trách nhiệm và dám trả giá cho điều bạn muốn.
_ Và cuối cùng, bạn thật sự biết được bản thân luôn luôn có nhiều hơn 01 lựa chọn trong mọi tình huống, để từ đó từng bước hiện thực hóa lẽ sống của mình.
Nếu đọc đến đây và bạn vẫn còn muốn hỏi tôi rằng: "Vậy là sao nhỉ? Vậy rốt cuộc lẽ sống của tôi là gì?". Tôi sẽ trả lời bạn rằng: "Tôi không biết. Bạn phải tự tìm ra nó". Đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta khi đến với cuộc đời này, không ai có thể thay thế bạn trả lời đáp án.
Tôi đã hỗ trợ bạn hệ thống và vẽ lại một vòng nối khá tròn của “Đi tìm lẽ sống”, Liệu pháp ý nghĩa, Chủ nghĩa hiện sinh trong Tâm lý học và cách ứng dụng được nó. Tất nhiên sẽ không thể chi tiết tất cả mọi thứ trong bài viết ngắn ngủi này, hi vọng đây sẽ là tiền đề để hỗ trợ cho sự tự tìm hiểu sâu sắc hơn của chính bạn. Hẹn gặp lại bạn trong những lần tới!
Người thực hiện: Chloe Châu (kiến thức cá nhân và tổng hợp)
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất