Honey Pie - The Beatles.
Lại một bài hát ít người nghe của The Beatles. Nó đơn giản thật, nhưng tôi luôn nghĩ, Honey Pie là một câu chuyện buồn với những cảm...
Lại một bài hát ít người nghe của The Beatles. Nó đơn giản thật, nhưng tôi luôn nghĩ, Honey Pie là một câu chuyện buồn với những cảm xúc thật sự.
Đấy cũng là điều tôi thích ở Paul. Cảm xúc của Paul thẳng thắn hơn, “trần tục” hơn của John. Nó không có vẻ đau đớn những chuyện vĩ mô hay mơ mộng những thế giới viễn tưởng như John. Paul lạc quan, yêu đời. Và ngay cả khi ông sáng tác những bài hát buồn, nó cũng là nỗi buồn nhẹ nhàng, nỗi buồn rất chân tình từ những câu chuyện rất thật chứ không quá triết học như John.
Honey Pie kể về giấc mơ Mỹ của một cô gái Anh (She was a working girl/North of England way/Now she's hit the big time/In the U.S.A.). Cô đến Mỹ, bỏ quên người tình, và trở nên nổi tiếng trên màn ảnh. Đoạn đầu bài hát, giống như Rocky Raccoon, là phần dẫn truyện như đọc. Nhưng nếu Rocky Raccoon là phong cách country hơi hướm viễn tây, thì ở Honey Pie đó là phong cách hoà nhạc Anh. Bạn nghe thử xem, hình như ở bản nào đó có những tiếng tạp âm rì rào như một cuốn băng cũ.
Bài hát được viết dưới góc nhìn của anh người tình bị bỏ rơi đó. Anh nhìn thấy cô qua màn ảnh, vui thay cho cô, nhưng vẫn ích kỉ muốn cô quay về. Sự ích kỉ của anh hơi trẻ con và có chút gì đó thiếu duyên dáng, giống như câu chuyện con cáo và chùm nho. Anh nói, anh yêu cô, nhưng anh “lười” quá, không đến được, nên cô hãy về đây đi. Chắc chắn chỉ là lười thôi, chứ không phải vì “Honey Pie” của anh đã nổi tiếng, đã có cuộc sống riêng và… đã quên anh đâu. Sự chối bỏ trong tâm thức của người tình bị bỏ lại đó nó vừa buồn cười, vừa tội nghiệp nhưng cũng đâu đó thoáng chút tích cực. Vì đâu mà anh chàng vẫn hy vọng về một cô gái chắc chắn đã bỏ quên mình. Vì đâu mà anh chàng vừa nhận thức được mình sẽ chẳng thể với tới cô, chẳng thể “sail across the sea”, nhưng cũng chẳng từ bỏ hy vọng khi người tình quay về với mình?
Tôi nghĩ, những kí ức và hy vọng đó đã thành lẽ sống của anh chứ không phải vì bản thân cô gái. Rõ ràng anh vẫn còn yêu cô ấy, nhưng tận trong tiềm thức, anh biết nàng sẽ không bao giờ hát cho anh những bản nhạc Hollywood, sẽ không bao giờ quay trở về nữa. Thậm chí, đến việc nghĩ về cô thôi cũng khiến anh run rẩy rồi (And now the thought of meeting you/ Makes me weak in the knee). Như vậy, có thật là anh nghĩ đến lúc khi hai người gặp nhau nữa không, vì chính anh cũng nhận ra sự khác biệt đẳng cấp, hay chỉ đơn giản tồn tại nhờ những hy vọng viển vông đó? Xin nhớ rằng, nhớ về cô gái và hy vọng cô gái trở về khác nhau vô cùng. Kant cho rằng, ta nên đối xử với vạn vật, đặc biệt với con người, như “cái đích” (an end) chứ không phải “phương thức” (a mean). Ở đây, anh chàng có lẽ đã đối xử với những hy vọng nhỏ bé của mình như “phương thức” để duy trì sự sống, hơn là thật sự hy vọng về sự trở lại của “Honey Pie” như “cái đích”. Anh không thật sự hy vọng về tình yêu của ôc, anh chỉ sống NHỜ hy vọng đó thôi.
Tôi muốn tưởng tượng, đây là câu chuyện được kể đi kể lại, một câu chuyện cũ kĩ của một ông già nào đó. Ông cụ, giờ đã con đàn cháu đống, kể lại chuyện cho một thằng chắt, đang chơi game hay gì đó chẳng hạn, về một mối tình xưa. Dĩ nhiên ông cụ đã “vượt qua” được mối tình đó rồi: Bài hát nhẹ nhàng và gần như là tích cực, nghe đâu bảo đánh Ukulele cực hợp. Ông cụ kể, chẳng qua là kể lại cái hy vọng của mình và gán nó vào hình ảnh và mong ước về người con gái kia thôi. Bản thân hai nhân vật, thậm chí, có thể đã khuất, đã bị quên lãng, nhưng cái hy vọng nhỏ nhoi đó trong câu chuyện kia thì chắc chắn còn mãi.
Nó giống như lời thủ thỉ, “này, Tý biết không, ngày xưa ông yêu bà này cũng xịn lắm, diễn viên các thứ cơ đấy! Sang nhất khoảnh!” của các ông bà cụ bây giờ thôi. Nó hơi ích kỉ thật, hơi chối bỏ thật, “thực ra do tao lười thôi, chứ muốn quay lại dễ không ấy mà!”, nhưng nó ánh lên một tình cảm chân thành và nhẹ nhàng kinh khủng.
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất