Mở màn “26: individualism”, Tùng mang đến “a sad song” và đó như một chỉ dẫn cho toàn bộ các bài hát phía sau của album. Nỗi buồn là màu sắc chủ đạo của “26: individualism” và Tùng hoàn toàn không cố che giấu điều đó, khiến cho người nghe cứ nghĩ đến Tùng là nghĩ đến nỗi buồn, nghĩ đến những suy tư, những trăn trở rất riêng tư. Nhưng đồng thời, người nghe cũng yêu Tùng chính ở những suy tư ấy, vì phần nào, chúng ta nhìn thấy chính chúng ta trong những lời ca của anh.
Có rất nhiều gam màu âm nhạc nằm trong album “26: Individualism” của TÙNG -  Billboard Việt Nam


Tùng là một chàng trai đơn giản. Anh sử dụng cực kì tiết chế các âm thanh trong toàn bộ album và chỉ đẩy thêm khi thực sự cần thiết, nhưng chủ yếu vẫn là những âm thanh mộc của guitar hay của violin. Tuy nhiên, sự “đơn giản” của Tùng lại khiến anh trở thành một cá tính độc nhất và là đại diện tiêu biểu của một dòng nhạc rất ít người theo đuổi ở Việt Nam: folk.
Điểm qua những nghệ sĩ có nét tương đồng đôi chút với Tùng, có lẽ cũng chỉ có Lê Cát Trọng Lý, Mademoiselle hay Cam từ thời “100 ngày hạ”. Nhưng bởi folk là nơi diễn giải những cảm xúc cá nhân của nghệ sĩ nhiều không kém gì rap/hip hop, thế nên mỗi người kể tên phía trên lại mang một màu sắc riêng biệt. Nếu Lý là sự triết lý, Mademoiselle là sự nữ tính giàu cảm xúc, thì Tùng rõ ràng phải nhấn mạnh vào yếu tố suy tư. Những âm thanh mộc mạc, đơn giản kia chính là cái nền để Tùng thể hiện một thế giới nội tâm vô cùng rộng lớn, phức tạp mà người nghe có lẽ sẽ phải choáng ngợp.
Có rất nhiều gam màu âm nhạc nằm trong album “26: Individualism” của TÙNG -  Billboard Việt Nam


Ở trong thế giới nội tâm của Tùng, anh kể cho chúng ta rất nhiều những góc cạnh khác nhau. Anh cho chúng ta thấy những tình cảm phức tạp, đôi khi là nỗi buồn khi chỉ có thể đừng nhìn người mà anh yêu từ xa (Luna), những nỗi niềm chất chứa mà có tâm sự bao nhiêu cũng không đủ (Con dế mèn hát vào mùa hè), những băn khoăn về tình cảm của đối phương (Anh có bao nhiêu %),...

Anh cho thấy những suy nghĩ của anh về sự trưởng thành, những nỗi niềm được cất giấu kĩ (Cái hộc tủ), những mong muốn về sự ủi an (Gummy Bear),... Tất cả được Tùng kể bằng một giọng điệu chậm rãi và không dành cho những người sống vội, sống gấp bởi có đôi khi, anh cất đoạn cao trào rất kĩ và để cho phần verse đơn giản kéo rất dài (Cái hộc tủ, Luna). Tuy nhiên, nếu như bạn có thời gian, nhẩn nha và từ tốn nghe kĩ, bạn sẽ bắt gặp những câu hát đẹp đến mê hồn: “Người khổng lồ nâu đi qua năm tháng sần sùi mùi gỗ/ Mời lên vai đưa em đi qua ánh sáng phía sau bản lề”, “Nếu con dế mèn không cô đơn sao có mùa hè? Con ve nhìn thấy thế bèn hát song ca cho người không nghe”. Rất nhiều hình ảnh, rất nhiều suy tư đòi hỏi người nghe phải dành cho album thời gian và một sự tập trung không hề nhỏ nếu muốn khám phá toàn bộ thế giới bên trong của Tùng.

Trong album, ta cũng chẳng khi nào bắt gặp một Tùng quá gai góc, cứng rắn hay lạnh lùng. Mặc cho việc anh mang những suy tư rất đàn ông, rất trưởng thành, nhưng anh lúc nào cũng cho ta thấy một Tùng hiền lành, ấm áp, những suy tư chẳng đao to búa lớn mà thay vào đó, gần gũi như đang kể chuyện. Đó chính là cách truyền tải rất riêng của Tùng mà ta rất ít thấy trong nhạc Việt. Ta hầu như không thấy những cao trào quá bùng nổ như trong pop hay sự thô ráp thường thấy trong hiphop. Thứ ngôn ngữ folk Tùng sử dụng đơn giản, có đôi khi rất gần với rap (con dế mèn hát vào mùa hè), nhưng trên hết vẫn là cách thi triển giai điệu vô cùng đẹp đẽ, khiến cho tất cả những gì anh hát, anh kể đều như một áng thơ tuyệt diệu mà chẳng cần phải dùng đến kĩ thuật hát cao siêu gì.
Tuy nhiên, Tùng vẫn mang đến bất ngờ khi “26: individualism” tiến đến hai bài hát cuối cùng và đây mới là Tùng với vai trò nghệ sĩ rõ ràng nhất thay vì là Tùng - người kể chuyện như ở 8 bài đầu tiên. Tùng triển khai cả hai bài hát “Con chim trên cành hát về tình yêu” và “Gam màu tím ở rìa thế giới” với dung liên xấp xỉ 7 phút - một dung lượng quen thuộc trong các bản folk quốc tế nhưng là một thách thức với những người nghe Việt Nam. Ở “Con chim trên cành hát về tình yêu”, Tùng thử nghiệm kể một câu chuyện dài hơi hơn, dày đặc hơn và nhiều ẩn dụ hơn với tiếng guitar chủ đạo. 

Còn ở “Gam màu tím ở rìa thế giới”, Tùng lại thử nghiệm với một câu chuyện giàu triết lý hơn thay vì một sự gần gũi, và một cao trào bùng nổ hơn rất nhiều 9 ca khúc trước. Và lý do để Tùng vẫn quyến rũ người nghe ở cả hai thử nghiệm này? Sự chân thành. Dù anh có đi những bước đi táo bạo, vượt xa bản thân anh như thế nào, Tùng vẫn giữ một tông giọng trầm ấm, một lối hát rất chậm rãi, từ tốn quen thuộc. Người nghe có thể không cảm nhận được ngay lập tức, nhưng tới lần nghe thứ 2, thứ 3, ta lại bị Tùng mê hoặc từ lúc nào không hay. Có đôi khi, những âm thanh hơi vượt quá sức của Tùng, nhưng đó vẫn là một dấu hiệu tốt để Tùng sẽ hoàn thiện nó cho các sản phẩm sau.

“26: individualism” có lẽ là album nhạc Việt nhiều góc cạnh trong nội tâm, nhiều suy tư nhất của nhạc Việt trong năm 2020. Folk là một thể loại hoàn hảo để Tùng phô bày những thứ ẩn chứa sâu bên trong anh, những thứ đẹp đẽ nhất nhưng cũng nhiều trăn trở nhất. Dù thích dù không, nhưng hành trình khám phá nội tâm phong phú của Tùng trong “26: individualism” cũng là điều mà bất cứ ai cũng nên thử. Bởi dù có không thực sự hiểu hết những gì Tùng muốn truyền tải, thì đó cũng là một trải nghiệm khám phá một cá tính riêng biệt, rất hiếm gặp trong nhạc Việt.

Mình là Nam, một người viết về âm nhạc và muốn giới thiệu những album nhạc xuất sắc trong và ngoài nước đến với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn muốn đọc thêm về âm nhạc, đặc biệt là nhạc Việt và US-UK, truy cập vào trang facebook cá nhân của mình nhé: https://www.facebook.com/namtran2811