Punk Rock là một thể loại nhạc đầy ma lực với thanh niên mới lớn, nhưng ẩn chứa một mâu thuẫn to đùng trong chính nó. Các band chơi punk càng không coi ai ra gì và bất cần thì càng ăn khách. Nhưng khi họ bắt đầu chơi nhạc giỏi hơn, họ bắt đầu cần có nhiều người nghe mình hơn, kể cả đó là nghe cái sự phản bất cần của họ. Càng làm tợn thì họ sẽ càng ăn khách, cho đến khi khách quá đông, Punk band tự nhiên trở thành Pop band. Và những fan trung thành sẽ ruồng rẫy họ là những kẻ “thị trường”, trước khi bỏ đi theo các band Punk mới. Quá trình thăng trầm của một ban nhạc chơi Punk quả nhiên ngắn ngủi, và nhạc Punk vẫn mãi là nhạc dành cho thanh niên.
Khi Green Day bắt đầu đi lưu diễn khi hãy còn là những cậu nhóc tuổi teen, họ nhanh chóng xác lập được lượng fan ruột ở sân khấu của câu lạc bộ Gilman lừng danh (tên đầy đủ là Alternative Music Foundation trụ tại 924 Gilman Street), vốn nổi tiếng là nơi hồi sinh phong trào Punk Rock đầu thập niên 90s từ California. Những khán giả “nhà” luôn ủng hộ cho 3 cậu bé – đúng hơn là chỉ có 2 cậu vẫn bé là đôi bạn Billie Joe Amstrong (guitar, hát) và Mike Dirnt (bass). Tay trống John Kiffmeyer lúc đó đã qua tuổi teen và như một người anh cả trong band nhờ những mối quan hệ với thế giới âm nhạc indie. 
Thế nên khi Green Day ra đĩa đầu tay 39/Smooth với hãng đĩa độc lập The Lookout thời đó, pà kon mê lắm. Chả mấy chốc mà 3000 bản bán hết veo. Dù không quá nổi trội, album này đã le lói những điểm sáng ở khả năng sáng tác nhạc của Armstrong như những bài "I was there" hay "The Judge's Daughter".

Vốn là một fan của The Beatles, The Who, và tập chơi guitar theo Van Halen từ nhỏ, có lẽ tài năng viết nhạc và chơi nhạc cụ (tất nhiên dưới mức của một bậc virtuoso những cũng thừa sức solo những bản như "Eruption") của Billie Joe Armstrong thường xuyên bị bỏ qua nhất cũng bởi Green Day chọn cách trình bày âm nhạc của mình theo thể loại nhạc khá đơn giản trong thể hiện: Punk.
Nhưng xem ra đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan, bởi thứ nhạc Punk mà Green Day phát triển dễ mang theo những ý tưởng gần gũi với khán giả hơn, và bất chợt khán giả của họ bỗng trầm trồ khi nhận ra rằng, thứ âm nhạc ào ào và kích động đó hóa ra sâu sắc hơn họ nghĩ. Lời lẽ do Armstrong viết cũng không chỉ dừng ở mức thể hiện bản thân, mà còn có thể "chạm" đến người nghe ở phía đối diện. Bất chợt, Punk trở thành thứ âm nhạc cho mọi người với những mức độ cần rủa xả ít nhiều khác nhau, và dần dà Green Day từ ban nhạc chơi trong khán phòng nhỏ trở thành ban nhạc có thể lấp đầy các sân vận động, điều mà không có nhiều Punk band có thể làm được.
Mảnh ghép còn thiếu cho Green Day đến từ tay trống Tre Cool, tay trống được để mắt đến vì “đúng tuổi trẻ trâu” cùng cặp Armstrong và Mike Dirnt so với Kiffmeyer (lúc đó bận đi học đại học), nhưng cũng đem lại không ít phiền toái bởi tính cách lấc cấc ăn nói chả coi ai ra gì lân những trò đùa ngu với người khác. Năng khiếu âm nhạc lẫn năng lượng chơi trống đặc biệt của Cool thực ra đã bù trừ rất nhiều cho tính tình lấc cấc của gã, để rồi đến khi cả 3 tay Armstrong-Mike Dirnt-Cool trở thành bộ ba jam nhạc với nhau cực hiểu ý, tính cách phổi bò của Cool cũng dần được bỏ qua và Cool đã trở thành người anh em không thể thiếu lẫn vai trò một trong những tay trống Rock n Roll hay nhất.
Vào năm 1991, khi Green Day bắt đầu ghi âm album lần đầu với Tre Cool trên giàn trống, có một sự bất thường trong âm nhạc xảy đến với thế giới và bắt nguồn từ Seattle. Khi album thứ hai của Green Day, Kerplunk! bắt đầu có mặt trên các sạp đĩa vào đầu năm 1992, Nevermind của Nirvana đã thôn tính toàn bộ các bảng xếp hạng nhạc pop và dường như làm cho những ban punk giai điệu như Green Day trở nên cực liên quan. Tự nhiên hình ảnh ba ông trẻ chơi nhạc ầm ĩ bỗng nghe cực hợp thời, dù âm nhạc của Green Day hoàn toàn khác xa Nirvana. Thế là 20 ngàn đĩa bán hết veo, và sự bùng nổ của thứ âm nhạc tự sự và bất cần dường như đã khiến nhiều người không để ý rằng Kerplunk là một album chất lượng và giàu trí tưởng tượng thế nào với những track đáng kể như “Who Wrote Holden Caufield” hay “Christine Road”. Green Day bắt đầu được hãng đĩa lớn là Warner Bros để ý tới.

Những người nghe và chơi Punk nói chung đều tinh tướng, và nhất là họ đều coi punk Rock là đặc quyền của riêng nhóm nhỏ. Thế nên khi có một band nào đó ký với một hãng lớn, mọi người sẽ quay ra bài xích họ. Thử tưởng tượng xem, Green Day, một sản phẩm của lò Gilman, nay sẽ chơi ở sân vận động Oakland ở California. Chả ai thích thế cả.
Chả thế mà ngay trước cửa Gilman luôn có dòng chữ “ Không có chỗ cho bọn phân biệt chủng tộc lẫn bọn ký với hãng đĩa lớn”. Khi Green Day trở thành cái tên cháy vé, họ đương nhiên trở thành kẻ thù của Punk, đơn giản vì Punk không dành cho đám đông. “Fck Green Day” hoạc “Green Day go home” đã xuất hiện nhan nhản trên các banner và tụi nghe punk còn biểu tình trước cửa sân vận động chỗ Green Day biểu diễn (!??!) Là vì hội nghe punk nhảm nhí, hay là vì cả xã hội đầy định kiến của thập niên 90s cố gắng tỏ ra chống lại mọi thứ mới nhảm nhí? Có vẻ như điều gì hơi to tát cũng có thể trở thành đề tài để đám đông bài xích, dù nó có ý nghĩa hay không. Phải chăng vì lý do đó nên chỉ có nhạc Grunge mới có thể tồn tại, và thế giới âm nhạc ở những năm đầu thập niên 90s mới trở nên thật ngột ngạt và mất phương hướng.
Nói thì dễ, làm mới khó. Không nhiều người nhận ra 3 anh em Green Day đều là những người có xuất phát điểm từ tầng lớp lao động trung lưu, thậm chí còn thua kém xa những người chơi punk rock cùng thời. Đặt vào bối cảnh thời đầu thập niên 90s, việc từ chối hãng đĩa lớn đương nhiên không hề là chuyện dễ dàng với những ban nhạc trẻ giàu tiềm năng và khát vọng. Hãy nhìn những người đồng nghiệp đến từ Seattle đã vươn mình ra thế giới như thế nào, và tôi cho đó cũng là điều tích cực cho thế giới âm nhạc. Thực tế cho thấy, chính Mike Dirnt đã vui hơn ai hết sau khi ký với WB, đơn giản là vì anh đã có đủ tiền để mua được nhà cho mẹ và từ nay khỏi sống trong cái thùng xe kéo như bao năm nay nữa. 
Có thể tôi chỉ là giỏi nói vuốt đuôi, nhưng khi mối lo về tài chính đã được đảm bảo, Green Day thực sự tập trung toàn tâm toàn ý cho một album nhạc để đời tạo dấu ấn, điều mà các hãng đĩa lớn trước đó thường xuyên thất bại khi ký với một ban nhạc Punk. Đâu đó có nhiều fan cuồng Green Day đã cho rằng Amstrong đã trở nên Pop hóa và mất chất, nhưng rõ ràng dưới sự giúp sức đắc lực của nhà sản xuất từ Warner Bros như Rob Cavallo, âm thanh của Green Day trong album bùng nổ Dookie đã được sản xuất theo một cách không thể tuyệt vời hơn. Tiếng trống sắc lẹm của Cool ngay từ câu mở đầu album trong “Burnout”, tiếng bass dầy đầy khó chịu của Mike Dirnt và đặc biệt là câu bass dài trong “Longview”, và có lẽ trên tất cả, là khả năng viết nhạc của Billie Joe Armstrong.
 
Và sớm hay muộn rồi thì cái ao indie cũng trở nên quá chật chội với Green Day, đơn giản vì họ quá giỏi trong thứ họ làm: viết nhạc và chơi nhạc. Về mặt này, Amstrong có lẽ không khác gì người đồng nghiệp cùng thời của anh là Kurt Cobain, lẫn người tiền bối Pete Townshend của The Who khi phát triển triết lý âm nhạc giàu giai điệu của Beatles và tạo ra một thứ âm nhạc Pop đầy giận dữ. 
Thế giới nhanh chóng đón nhận Dookie với cách viết nhạc giàu giai điệu theo ảnh hưởng của Beatles, sức phản kháng không lẫn vào đâu được lẫn thứ nhạc nhanh và cuốn của Punk, nhưng ý tứ lại ẩn dụ trong những lời lẽ đầy trào phúng và không thiếu những phần nhảm nhí. Armstrong hát tay đánh bom đi qua đi lại bức xúc chỉ muốn bấm nút nổ tung trong “Having a Blast”, hay tự bêu riếu bản thân là kẻ vô dụng trong “Long View”, và đặc biệt là ca khúc đã đi vào hàng kinh điển như “Basket Case”. Tất cả những sự bức xúc đều được diễn đạt thật dễ thương nhưng cũng không hề thiếu sự nguy hiểm.
 
Bìa đĩa của Dookie thì hẳn là một trong những bức tranh nhảm nhí nhất đã bán được 10 triệu cái. Một trái bom nổ ngay trên đầu Bay Area ở Cali, tới những màn cãi cọ của đám đông, khỉ và chó thì rủ nhau ném shit. Túm lại toàn bộ đều liên quan đến shit. 

Thử đếm xem có bao nhiêu "shit" trong hình này?
Và nếu như Nervermind dường như dẫn đường cho toàn bộ đám thanh niên mới lớn thời đó, thì Dookie đã tự chọn cho mình phân khúc “trẻ dậy thì”. Mọi thứ xung quanh album này đều nhí nhố một cách trẻ con, và lời lẽ là những thứ phản kháng và giận dữ đầy dễ thương. Dookie đã tạo ra một lực lượng fan khổng lồ, những người sẽ tiếp tục dõi theo Green Day trong rất nhiều năm nữa. Green Day bắt đầu lấp dần các sân vận động trên khắp nước Mỹ, điều trước đây ít được biết đến với Punk band.
Nhưng bước tiến mạnh mẽ nhất của Green Day vào thị trường âm nhạc đại chúng là khi họ tham gia Woodstock 1994. Đại hội âm nhạc khổng lồ như vừa để kỷ niệm 25 năm sự kiện âm nhạc vĩ đại nhất thế kỷ, và đồng thời tạo dịp cho pà kon có dịp thác loạn như những hippie thuở trước. Đúng vậy, hippie, và hippie thì không sống cùng với Punk. Green Day là cái tên được điền thêm vào phút chót, và phải diễn lúc 3g chiều ngay trước headliner của đêm thứ 7, Red Hot Chilli Peppers.
Và cũng y như sự cách rách trong tổ chức cách đây 25 năm tưởng như đã phá đám màn trình diễn của The Who, trời cũng mưa như trút nước và cả cái nông trang khổng lồ ngập trong nước và bùn. Không mất quá nhiều thời gian để vượt qua khúc làm quen gượng gạo giữa punk và “hippie”, Billie nhanh chóng vốc bùn ném vào khán giả khi đang hát, và thách tất cả ném lại. Khả năng kết nối với khán giả bẩm sinh đã khiến Green Day bùng nổ trước hàng trăm ngàn khán giả có mặt thật nhanh chóng, và vì đây còn là chương trình truyền trực tiếp, hàng triệu những người khác trước tivi đã có dịp chứng kiến Green Day làm khán giả phát cuồng thế nào. Họ hát, họ nhảy nhót, họ nhận bùn đất ném từ khán giả lên. Mike Dirnt còn bị một tay bảo vệ sân khấu đấm ngất xỉu vì tưởng là khán giả quá khích trèo lên nghịch ngu. Green Day đã chìm trong “dookie” theo đúng nghĩa đen, và tất cả khán giả vui đến nỗi, khi headliner là RHCP lên sau đó, không ai còn thiết tha đến họ. Woodstock là sự kiện âm nhạc lớn nhất Green Day từng tham gia, và đã chính thức đưa Green Day vào hàng sao chói lói.
Dookie vẫn tiếp tục bán tốt, với con số lên đến hàng triệu. Khán giả bắt đầu đi tìm mua 2 album đầu, khiến cho doanh số của 39/SmoothKerplunk cùng tăng lên chóng mặt (cả 2 đều đạt đĩa vàng vào năm 1997). Tin vui nối tiếp tin vui, Billie thì sắp được làm cha, và Mike Dirnt lẫn Cool đều chuẩn bị làm chồng. 
Cơ mà ở bên ngoài âm nhac, cũng giống như vấn đề của những người tiền nhiệm The Who, cả ba anh em đều không được dạy phải trở thành người nổi tiếng và thành đạt như thế nào. Tập làm quen với cuộc sống của người nổi tiếng khi không thể tự nhiên đi ra ngoài, gặp bạn bè, hay đến những nơi quen thuộc là một thứ quá khó với bộ ba này. Gia đình tưởng chừng như rất hạnh phúc bỗng trở thành gánh nặng, vì đầu óc các anh không còn thể tập trung vào thứ duy nhất: viết nhạc. Với thói quen viết nhạc châm biếm những thứ xảy ra thường nhật, dường như âm nhạc của họ nghe lạc quẻ khi đề tài giờ lại là châm biếm cái sự nổi tiếng và giàu sang.
Album Insomeniac năm 1995 được phát hành thậc như để cho có. Cả ba ông kẹ vẫn vật vã trong sự sung túc mà họ kiếm được bằng mồ hôi sức lao động, nhưng gia đình với những đứa con bắt đầu lớn lên càng ngày càng nặng gánh. Ba gã lao vào rượu chè và khi đi show chỉ mong lôi một band nào đó ít tiếng tăm ra để choảng nhau.
Nimrod (1997) sau đó như là một sự cố gắng gỡ gạc lại tình hình. Chí ít là Green Day và nhà sản xuất lâu năm Rob Cavallo muốn vậy, và bản thân Billie cũng muốn thử một điều gì mới. Có chăng là những ý tưởng mới bắt đầu manh nha trong Nimrod, dù rằng khi đem đĩa này đặt cạnh Dookie hay Kerplunk, những fan lâu năm của Green Day sẽ cho rằng họ đã mất chất. Điểm sáng hiếm hoi có lẽ là “Good Riddance”, với sự xuất hiện của giàn dây. Ca khúc này được viết từ thời Dookie, nhưng nó không phù hợp cho đến khi có Nimrod.

Khi thế giới sắp bước sang thiên niên kỷ mới, Green Day đã là những “ông chú” ba mươi tuổi chứ không còn là những cậu thanh niên nguy hiểm ngày nào. Vẫn đau đáu tạo ra thứ âm nhạc chất lượng, lần này Rob Carvalho quyết định nhường vị trí sản xuất cho Scott Litt, người thành danh với những lần sản xuất cho Nirvana hay R.E.M. Và trong khi Green Day vẫn loay hoay đi tìm bản sắc cho mình, thứ pop punk mà họ tạo ra từ Dookie nay đã trở thành một phong trào. Hãy nhớ lại những năm 2000: Blink 182, Sum 41, Good Charlotte, và hằng hà sa số các Pop Punk band tranh giành nhau bảng xếp hạng âm nhạc và ra những album nóng rực. Những sự kế tục của Dookie như Enemy of the State, hay Life style of the Rich and Famous đều bán được với số lượng áp đảo so với đĩa Warning (2000) của Green Day. 
Ấy vậy mà ngược lại với dự đoán, Green Day tuyên bố họ sẽ đi tour cùng "baby Green Day", hay còn gọi là Blink 182 trong tour diễn Pop Disaster. Tất cả khán giả đều nghĩ Green Day đã hết thời và phải ké ánh hào quang từ con ghẻ của họ. Trừ Green Day. Họ chỉ muốn đi tour cùng để bóp chết Blink 182.
Thế mà họ làm được. Những màn trình diễn của bộ 3 Green Day áp đảo bộ 3 Blink trong tất cả các buổi diễn của Pop Disater. Một chút gỡ gạc lại cho Green Day. Nhưng như vậy có là đủ không khi đã có đến 3 album nhạt nhòa, tương đương với một chu kỳ của hợp đồng thu âm và không ai có thể nói trước Green Day sẽ rơi xuống tận đâu nếu có một sản phẩm thứ 4 như vậy.
Thế rồi vào năm 2003 có một ban nhạc từ châu Âu đến đã làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp của Green Day.
Ban nhạc đó tên là The Network, ký hợp đồng với hãng đĩa của Armstrong, với ca sĩ/guitar Fink – dĩ nhiên không phải Billie Joe Armstrong, bassist Van Gough – chắc chắn không phải Mike Dirnt, cùng tay trống Snoo – người không phải là Cool. Bằng chứng tin cậy nhất chứng tỏ The Network không được lập bởi các thành viên của Green Day là họ có 4 người, và thành viên thứ 4 là tay guitar Balducci, người không phải là ông bạn thân Jason White của Billie Armstrong (tay guitar thứ hai luôn đi lưu diễn cũng Green Day). Họ còn có các thành viên phụ như Captain Underpants, người chắc chắn không phải là Rob Cavallo, và cả Z chơi keyboards. 
Nhớ nhé, The Network không phải là Green Day, và Green Day không phải là The Network, và chính Billie Armstrong đã ra đăng đàn bỉ bôi The Network không ra gì vì cả bọn toàn dân tay ngang: Fink kinh doanh bom nguyên tử, The Snoo thì là cự võ sĩ đấu vật người Mễ Tây Cơ, Captain Underpant thì là cựu vận động viên, còn Z thì là dân phượt chính hiệu. Loay hoay thế nào, The Network cuối cùng cho ra album đầy chất indie Money Money 2000 năm 2003.

Quan trọng hơn, thứ âm nhạc New Wave của The Network đã đem lại một luồng gió mới mẻ trong thời kỳ Punk Pop bắt đầu trở nên nhàm chán (Tất nhiên đem Punk Pop ra so với nhạc của The Network thì cũng không thông minh lắm), và sự bí ẩn của mấy tay nói giọng châu Âu lơ lớ này đâm ra cũng hút khách. Ghét nhau là thế, mà The Network cuối cùng cũng đi đánh mở màn cho Greenday được khá nhiều show trong tour American Idiot. 
Và không lâu sau đó, Green Day cho ra sản phẩm âm nhạc tuyệt vời nhất từ sau Dookie, và được Billie Joe Armstrong ấp ủ từ rất lâu: album nhạc Rock Opera mang tên American Idiot. Cũng giống như Pete Townshend làm với The Who rất nhiều năm trước đó, tất cả những gì chất chứa trong Billie Joe Armstrong phải được tổng kết bằng một album nhạc dài với một câu chuyện dài trọn vẹn. Và lần này là câu chuyện xoay quanh Jesus of Suburbia, một gã  phản ảnh hùng làm những  trò nhân nghĩa nhảm nhí như phản ánh những giá trị "không giống ai" ở thời đầu những năm 2000. Những sự phản kháng thường nhật trong Dookie nay đã vươn tâm trở thành những phản kháng mạnh mẽ từ Green Day tới xã hội Mỹ và nền chính trị dưới thời của tổng thống Bush. 
American Idiot, một album Punk Rock Opera chưa từng có tiền lệ, là một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Green Day và đưa họ trở lại nhịp thành công trước đó, sau khi tự vấn và gạt bỏ hoàn toàn album đáng nhẽ được phát hành Cigarettes and Valentines và thấy rằng đấy không phải sản phẩm tốt nhất của Green Day.
Với Armstrong, anh đã nhận ra rằng thành công, dù với thế giới đó được đo bằng tiền, không có gì đáng phải xấu hổ. Nhìn sang những nghệ sĩ hip hop chẳng hạn (Outkast là một trong những nghệ sĩ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho anh), Amstrong tự thấy họ luôn sẵn sàng mạo hiểm trong âm nhạc đơn giản bởi vì họ không sợ sẽ phải thành công. Coi nào, khi chơi nhạc, và chơi giỏi, lẽ tất dĩ ngẫu thành công là thứ sẽ chờ bạn. Nghiệt cái là trong những nhánh nhỏ của âm nhạc như alternative rock, định kiến trong đầu khán giả đó là thứ “đặc biệt” chỉ dành cho họ, và nghệ sĩ “đặc biệt” thì không cần phải quá thành công. Và nó khiến cho các nghệ sĩ trở nên tù túng với sáng tạo âm nhạc trong chính cái kỳ vọng đầy mâu thuẫn đó.

The Network, band mà không phải là Green Day, thực sự đã cứu cánh cho Green Day. Có lẽ sẽ có một kết cục không tốt đẹp cho sự nghiệp âm nhạc của Green Day nếu như Money Money chính là album tiếp theo sau Warning, nhưng lại "chấp nhận được" trước khán giả với một band lạ hoắc. Với việc làm ra một thứ nhạc lạ lẫm và thả lỏng cho chính mình, ban-nhạc-không-phải-Green-Day nọ đã giúp cho chính Green Day nhìn thấy được rằng họ đã từng vui thế nào khi chơi nhạc. Có lẽ không chỉ Billie Armstrong và các đồng đội, mà bất cứ ai ở trong hoàn cảnh ra 3 album làng nhàng và gần 3 năm chưa có gì mới sẽ đều hoang mang tột độ. 
Nhưng tôi không có ý nói The Network chính là Green Day đâu nhá. Billie Joe Armstrong cũng nói thế rồi mà.
Hẹn gặp lại.
Kcid
Đọc các bài viết khác của EmoodziK tại đây: www.emoodzik.com