Macca - Bậc Thầy Kiến Tạo Những Giai Điệu
“When I find myself in times of trouble, mother Mary comes to me…” “Khi tôi thấy bản thân ở trong tình cảnh khó khăn, mẹ Mary đến...
“When I find myself in times of trouble, mother Mary comes to me…”
“Khi tôi thấy bản thân ở trong tình cảnh khó khăn, mẹ Mary đến với tôi...”
Một nửa còn lại của bộ đôi sáng tác Lennon-McCartney, Paul gặp John từ những ngày đầu tiên thành lập The Quarrymen. Nhỏ hơn John hai tuổi nhưng từ sớm Paul đã bộc lộ bản thân là một người không dễ dàng bị hiếp đáp và sẵn sàng nêu lên ý kiến cũng như quan điểm trong việc sáng tác của mình với John - trước giờ vẫn được coi là trưởng nhóm, là người có tiếng nói lớn nhất của ban nhạc. John và Paul trở thành hai người bạn đồng hành xuyên suốt thời kỳ The Quarrymen và rồi là The Beatles trong thập niên 1960, luôn bổ trợ và đồng sáng tác cùng nhau dưới cái tên “Lennon-McCartney” cho đến tận lúc tan rã năm 1970.
Ngay sau thành công của Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club Band vào năm 1967, nhà quản lý Brian Epstein mất, để lại sự hụt hẫng và vô phương hướng. The Beatles đã đạt đến đỉnh cao về danh vọng và đột phá trong âm thanh và sau cái chết của Epstein như một cú dốc đột ngột trong sự nghiệp. The Beatles đã tỏ ra những dấu hiệu ban đầu trong việc rã đám và lạm dụng những chất kích thích. Chẳng mấy chốc nếu không có một người lãnh đạo ban nhạc để vào nếp thì The Beatles sẽ chỉ còn là một cái tên dù đã từng một thời nhưng rồi cũng sẽ chìm vào quên lãng. Và người đó không ai khác chính là Paul. Paul là người đã đứng lên và giữ ban nhạc tránh khỏi sự tan tác bằng cách vào vai vị trí nhóm trưởng, thay thế cho John.
Cũng như Ringo Starr, McCartney thuận tay trái và được đánh giá là một trong những tay chơi bass vĩ đại nhất mọi thời đại. McCartney chơi được nhiều nhạc cụ nhất The Beatles cũng như có cách tiếp cận âm nhạc đa dạng nhất nhóm.
Là một fan ruột của Beatles, tôi thường tự ví von rằng nếu như John Lennon cho ta thấy được chiều sâu tâm hồn qua lyrics, thì McCartney là chiều ngang và qua giai điệu. Chiều ngang ở đây là, Paul dường như không hề bị bó buộc vào bất cứ quy phạm nào trong việc sáng tạo nghệ thuật. Bản chất trong cách làm nhạc của Paul là sự trù phú và đa dạng trong việc miêu tả những câu chuyện cảm xúc khác nhau và ở các phương diện khác nhau. Ông có thể “nhảy” từ thể loại này sang thể loại khác một cách dễ dàng: từ những tình khúc sâu lắng trữ tình ballad, đến baroque pop, đến psychedelic folk, country, hard rock và thậm chí là avant-garde.
Mỗi bài hát ở từng thể loại của Paul đều khai phá một lãnh địa mới trong cung cách sáng tác và các kỹ thuật âm thanh. Như là khi ông thử nghiệm với vòng băng (tape loop) để cho ra phần beat có một không hai của Tomorrow Never Knows, hay là khi Paul ốp cả dàn nhạc giao hưởng vào album Sgt Pepper’s và thay đổi cấu trúc của một bài nhạc pop-rock để tạo nên tuyệt phẩm vĩ đại bậc nhất của lịch sử âm nhạc - “A Day In The Life”.
Giai điệu đến với McCartney một cách tự nhiên và như thể được “ban phát” bởi Chúa trời, tuy nhiên ông cũng chẳng đoái hoài đến việc nghiêm trọng hóa quá mức các sáng tạo của mình để rồi ta có những Wild Honey Pie - vô nghĩa và dài chỉ hơn 30 giây - bởi vì đơn giản, nghệ thuật của Paul là không giới hạn!
Paul cũng sở hữu một trong những giọng hát đa dạng và “chất lượng” nhất trong giới âm nhạc - ông có thể vừa ca những bản nhạc ballad sâu lắng, vừa có một nội lực để tạo sự giằng xé dày vò tiêu biểu như trong Oh Darling hay là Monkberry Moon Delight.
Paul cũng không hề ngại ngần gì trong khả năng bộc tả bằng lối kể chuyện ở ngôi ba. Rocky Raccoon là minh chứng rõ rệt nhất, khi ông sử dụng accent vùng quê Mỹ kéo người nghe theo chân hành trình bạc bẽo của một chàng trai mang tên Rocky Raccoon với sứ mệnh chiếm lại trái tim của người mình yêu thương từ một kẻ kỳ đà cản mũi.
Có người bảo, McCartney chỉ viết được những bản tình ca, những giai điệu “tuổi hồng” vui tươi chứ cố mãi cũng chẳng sâu sắc được như Lennon. Thế tôi nghĩ, lại càng sai.
Nếu Macca mà không thi vị thì đã chẳng có những Eleanor Rigby, For No One hay Here, There and Everywhere (cả ba bài hát đều được đánh giá là các nhạc phẩm hay nhất của Paul và đều trên cùng một album). Eleanor Rigby kể câu chuyện cảm thán trong chỉ vòng hơn hai phút, hàm những xúc cảm ám ảnh xoáy sâu vào tâm trí người nghe, để lại một phong vị hoàn toàn khác lạ với những ca khúc sến sẩm thời bấy giờ của Beatles. Đã từng hát về tình cảm trai gái, và giờ ca khúc mới nhất của Beatles lại được đệm cả một dàn nhạc xướng và đặt ra những câu hỏi tu từ nhân sinh về những con người cô đơn - họ đến từ đâu? Họ đi về đâu? Liệu có ai quan tâm đến họ sống hay chết? Eleanor Rigby lạnh lẽo, vô thường, đối ngược lại hoàn toàn với cá tính mà công chúng nhìn nhận Paul cho đến năm 1966.
Còn Here, There and Everywhere sâu lắng đến độ John, một người suốt sự nghiệp trong The Beatles chẳng có lấy nổi một lời khích lệ nào với sáng tác của Paul cũng phải trầm trồ khen ngợi - vì nó quá ư là thấm đẫm chất lãng mạn của một kẻ si tình bên trong ông. Here, There and Everywhere như một lời thỏ thẻ chân thành đối với người tình của ông thời bấy giờ là diễn viên nữ Jane Asher, người mà chỉ hai năm sau Paul đã chia tay để tiến đến với người bạn đời Linda McCartney.
Hay như với nhân vật “kẻ khờ khạo” (the fool) trong The Fool on The Hill; bất kỳ những ai đã trải qua sự cô lập cũng thấy một phần của mình trong bài hát. Ngày qua ngày, chỉ ngồi một mình trên ngọn đồi và ngắm nhìn thế giới xoay vần, mặc kệ người đời có nói ngả nói nghiêng.
Có mấy nghệ sĩ trong lịch sử dám vỗ ngực tự nhận là mình có thể viết được Yellow Submarine - một trong những bài hát catchy nhất lịch sử hay là Hey Jude, bản nhạc xóa nhòa đập tan mọi ranh giới, là “thánh ca” dành cho bất kỳ những ai đang trải qua những nghiệt ngã của cuộc sống?
Có mấy có thể từ trong một giấc mơ mà sáng tạo ra được giai điệu vượt mọi thời đại Yesterday, bài hát mà ông viết để tri ân người mẹ quá cố của mình?
“Why she had to go, I don’t know, she wouldn’t say…”
“Tại sao bà lại ra đi, tôi không biết nữa, bà ta không nói…”
Lyrics của Yesterday không hề rõ ràng cụ thể; người phụ nữ trong bài có thể là bất kỳ ai và câu chuyện có khả năng rúng động bất kỳ ai đã từng trải qua mất mát. Yesterday cắt thấu tận tâm can và là ca khúc được cover nhiều nhất mọi thời đại bởi trên dưới 3000 nghệ sĩ - vì lý do không thể chính đáng hơn.
Yesterday là một tuyệt tác đánh dấu bước chuyển biến của The Beatles cũng như là thể loại pop ballad trong thế giới âm nhạc. Yesterday vừa dung dị đời thường, như một lời tự nhủ của một anh bạn trẻ đang thất tình (thở dài…) mà cũng thể hiện một mối luyến tiếc, bâng khuâng cô đọng chất chứa trong lòng. Luyến tiếc cho những gì đã qua, luyến tiếc vì sự tình đã là như thế rồi mà không còn cách nào để có thể níu kéo lại được nữa. Một nỗi buồn da diết khôn nguôi được truyền tải chỉ qua hơn hai phút giọng hát của Paul và tiếng gảy guitar.
Có một Macca (tên bạn bè và các fan thường gọi McCartney) luôn luôn sẵn sàng cợt nhả bông đùa, và một Macca thấm đẫm chất trữ tình trong Maybe I’m Amazed.
Có một Macca sau khi đã trải qua những biến cố thăng trầm, từ mất đi người bạn tri kỷ nhất của mình cho đến người bạn đời là Linda McCartney, vẫn nỗ lực đứng lên để vào phòng thu sáng tác miệt mài không ngừng nghỉ trong suốt gần năm thập kỷ qua.
“I dream of John...a lot”
Lịch sử là minh chứng rõ ràng nhất: Paul McCartney là nghệ sĩ thành công nhất của lịch sử đương đại và đã có đến cho đến hiện tại là hơn 17 album solo cùng hàng chục càng single khác; âm thanh của Paul đi từ ballad cho đến disco, avant-garde và thậm chí là nhạc thử nghiệm. Ông cũng đã từng hợp tác và đóng vai trò là người truyền lửa cho rapper Kanye West.
Album mới nhất của Paul là Egypt Station vừa được ra mắt vào 2018 vừa rồi, vẫn mang một phong vị rất Paul mà lại được dung hòa vào đó chất nhạc pop của thập niên 2010: Paul vẫn đón đầu xu thế và không hề có dấu hiệu nào cho thấy ông đã từ giã với âm nhạc ở độ tuổi gần 80.
Âm nhạc chính là tâm điểm cuộc sống của Paul McCartney, là kim chỉ nam tối thượng mà ông dựa vào để truyền tải những cảm xúc thuần khiết nhất của bản thân cũng như sức sáng tạo vô biên không ngừng nghỉ của một “cỗ máy” sáng tác nhạc, thiên tài kiến tạo nên những giai điệu và gửi gắm chúng vào tiềm thức tập thể nhân loại.
Paul McCartney - long live the man, the myth, the legend.
“Speaking words of wisdom...let it be”
Minh Tu Le
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất