Hơn 20 năm hành trình của eSports Việt: Từ sự kỳ thị đến được công nhận của xã hội
Không còn là cái tên xa lạ với nhiều người, kể từ hơn 20 năm sau các giải đấu trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới được tổ chức...
Không còn là cái tên xa lạ với nhiều người, kể từ hơn 20 năm sau các giải đấu trò chơi điện tử đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại các trường đại học, eSports (Electronic Sports) hay "Thể thao Điện tử" ngày càng phát triển, thậm chí là bùng nổ trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Tại Việt Nam, Thể thao điện tử (eSports) cũng đang phát triển mạnh mẽ và tạo được sức hấp dẫn vô cùng lớn cho khán giả không thua kém gì các bộ môn thể thao truyền thống khác. Từ chỗ Trần ‘Archie’ Minh Nhựt khi còn là tuyển thủ phải chật vật nhận lương hỗ trợ từ nhà phát hành là 3 triệu đồng, cho đến khi Lê ‘Sofm’ Quang Duy vụt sáng trở thành ngôi sao quốc tế với mức lương không dưới 5,5 tỷ đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng khác.
Vì thế đã có nhiều người đang đặt câu hỏi: Thể thao điện tử nước nhà đã phát triển như thế nào?
eSports Việt Nam: Khởi tạo và phát triển
Lịch sử phát triển của Thể thao Điện tử tại Việt Nam phải bắt đầu kể từ những năm 1996. Khi ấy, Internet chưa phổ biến như bây giờ, các game thủ chủ yếu chơi các trò chơi thông qua mạng LAN với các tựa game quen thuộc như Đế Chế, StarCraft, Counter Strike.
Cũng vì thế, không gian những quán LAN Party rồi đến các quán net bỗng chốc trở thành vùng đất vàng cho các game offline có sử dụng phương thức mạng này. Những LAN Party thuở còn thô sơ ấy đến giờ hẳn vẫn là ký ức không thể nào quên đối với những thế hệ game thủ 8x, 9x.
Đến những năm 2000, Internet tại Việt Nam được phổ cập và phát triển hơn. Các quán net xuất hiện ngày càng đông đảo và phổ biến, tạo thành các cộng đồng game thủ đông đúc ở nhiều khu vực trong nước. Cùng với đó, Thể thao Điện tử châu Á phát triển bùng nổ lan tỏa ra toàn thế giới với nhiều giải đấu quốc tế ngày càng được tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên mà Việt Nam có đại diện tham dự giải đấu World Cyber Games 2002 với bộ môn FIFA World Cup 2002 và Age Of Empires: The Conquerors Expansion.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các game online ra đời ngày càng nhiều. Trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2010 có rất nhiều giải đấu từ tự phát cộng đồng tới bán chuyên, chuyên nghiệp được tổ chức liên tục. Điều này tạo nên một luồng gió mới cho sự phát triển của cộng đồng game thủ lớn hiện tại: Đế Chế, DotA, Starcraft, Liên Minh Huyền Thoại, Đột Kích,...
Có thể nói Thể thao điện tử Việt Nam luôn đi song hành với thế giói.
Những thành tích đáng nhớ
Từ đó tới nay, nền Thể thao Điện tử nước nhà ngày càng phát triển hoàn thiện. Các đội tuyển từ chuyên nghiệp đến bán chuyên được thành lập ngày càng nhiều và tạo điều kiện tốt nhất để luyện tập và thi đấu. Một số đội tuyển nổi tiếng hiện nay ở các bộ môn eSports như: Gigabyte Marines (GAM), Saigon Buffalo, SBTC (Liên Minh Huyền Thoại); Mega Aorus, 469 Gaming (Dota 2);....
Nổi bật trong giai đoạn này phải kể đến đội tuyển StarsBoba của bộ môn Dota 2. Đội tuyển này đã từng là đội tuyển số 1 của Châu Á, họ cũng từng vinh dự được tham dự kỳ TI đầu tiên nhưng phải bỏ lỡ vì vấn đề visa.
Nhìn về môn thi đấu lâu đời nhất Việt Nam là Age of Empires I, hay còn gọi là Đế Chế. Đây là bộ môn phát triển nhất Việt Nam vào những năm 2000 với những giải đấu cộng đồng quy mô lớn thì Đế chế có thể nói là tựa game đã mang đến eSports Việt Nam phát triển như bây giờ. Mặc dù Thế giới đã chuyển qua phiên bản mới từ rất lâu và không còn đoái hoài gì đến phiên bản AOE 1 nữa nhưng với sự hợp tác giữa VTC và Microsoft mới đây thì Đế Chế Việt Nam chắc chắn sẽ một lần nữa bừng lên.
Năm 2010 đến nay có thể nói là sự đỉnh cao của eSports Việt khi chúng ta đạt được rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Ví dụ như Đột Kích Việt Nam đã rất nhiều lần tham dự giải Vô địch thế giới, thậm chí còn đạt chức Á quân vào năm 2014 và 2017.
Ngoài ra, Refund Gaming cũng đã từng đại diện cho cộng đồng PUBG Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng tham gia giải chung kết thế giới PGI 2018. Và kỳ tích xuất hiện khi Refund bất ngờ giành Top 1 ở round thứ 6, mang lại vinh quang cho nước nhà.
Năm 2022 cũng có thể nói là năm thành công nhất đối với eSports Việt Nam. Các tuyển thủ của chúng ta đã không phụ sự quan tâm từ các cơ quan bộ ban ngành lẫn người hâm mộ khắp toàn quốc khi dành đến 4 Huy chương Vàng và 3 Huy chương bạc tại kỳ SEA Games 31. Đây sẽ là bàn đạp để đe dọa vị thế số 1 ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, hai cường quốc eSports khác là Thái Lan và Indonesia sẽ không dễ dàng để chúng ta thực hiện điều đó.
Gần hơn, chúng ta có Liên Quân Mobile khi V Gaming mới vô địch AIC 2022. Mặc dù thành tích rất tốt nhưng Liên Quân Mobile vẫn bị xem nhẹ so với các bộ môn eSports khác vì trò chơi này chỉ phổ biến ở khu vực nói tiếng Trung và Đông Nam Á.
Thậm chí, ngay tại khu vực Đông Nam Á, Liên Quân Mobile còn phải chật vật cạnh tranh với Mobile Legends. Nhắc đến Mobile Legends lại là một câu chuyện buồn khi chúng ta còn thua cả Lào và Myanmar chứ chưa nói đến Thái Lan hay Indonesia.
Sau tất cả, bộ môn mà Việt Nam được biết đến với vị trí đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á lại chính là Liên Minh Huyền Thoại. Giải đấu VCS Việt Nam chính thức được tách ra khỏi GPL Đông Nam Á hồi năm 2018 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Chúng ta từng có 3 đội tuyển được tham dự 2 kỳ Chung kết thế giới Liên minh huyền thoại cũng như nhiều lần được góp mặt trong các giải quan trọng khác của khu vực như Allstars hay MSI.
Liên Minh Huyền Thoại của Việt Nam đã phát triển trên tầm Đông Nam Á. Nhưng đó không phải kết quả đến từ ngày một ngày hai. Kể từ mùa giải VCS đầu tiên được khỏi tranh từ 2013, giải đấu của Việt Nam đã có 4 năm phải nằm trong hệ thống giải GPL Đông Nam Á và chỉ mới ‘thoát ly’ thành một khu vực riêng từ năm 2018.
Đó là kết quả của cả một quá trình dài hơi, từ chỗ Trần ‘Archie’ Minh Nhựt khi còn là tuyển thủ phải chật vật nhận lương hỗ trợ từ nhà phát hành là 3 triệu đồng, cho đến khi Lê ‘Sofm’ Quang Duy vụt sáng trở thành ngôi sao quốc tế với mức lương không dưới 5,5 tỷ đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng khác.
Dù vậy, con đường để Liên Minh Huyền Thoại duy trì vị thế ở Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Điều này lại không đến từ tác động bên ngoài mà từ chính nội tại của giải đấu VCS. Các đội tuyển vẫn đang thi đấu theo mô hình thăng hạng/xuống hạng, ẩn chứa trong đó là tình trạng đội tuyển giải thể và bán suất thi đấu thường xuyên xảy ra.
Cơ hội với eSports Việt
Thể thao Điện tử đang mang lại những cơ hội lớn, không chỉ riêng với ngành nghề “game thủ chuyên nghiệp” mà còn với ngành nghề liên quan đến nó như: Tổ chức sự kiện, Kinh doanh,... Tiềm năng phát triển của Thể thao Điện tử Việt hiện đang rất lớn cùng với sự phát triển không ngừng của Thể thao Điện tử thế giới.
Với sự công nhận là môn thể thao chuyên nghiệp, eSports đã xuất hiện trên các đấu trường thể thao danh giá quốc tế như Asia Game, SEA Game, đem lại một sân chơi lành mạnh, cơ hội trở thành vận động viên chuyên nghiệp cho bất kỳ game thủ nào.
Mặc dù eSports ngày càng được chuyên nghiệp hóa với các hệ thống giải đấu chuyên nghiệp và bán chuyên được tổ chức với tần suất cao, cũng như chúng ta có những thế hệ vàng nhưng vẫn chưa thực sự gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Tất cả vì chúng ta thiếu đi một hệ thống đào tạo bài bản và hướng đi phù hợp.
Thế giới thể thao điện tử cũng vượt xa việc chỉ cạnh tranh với tư cách là một tuyển thủ. Nó cần một nhóm những người tận tâm để giúp các tuyển thủ cạnh tranh ở cấp độ cao nhất, duy trì sự công bằng và trung thực như Huấn luyện viên, Phân tích viên, Trọng tài, …. Đây là một ngành công nghiệp rộng lớn đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm từ vô số nơi để duy trì và phát triển. Một số đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp cũng đã bắt đầu có sự đầu tư, quản lý của các tổ chức, cá nhân tài trợ, xuất hiện các huấn luyện viên dẫn dắt, được trả lương và hưởng phúc lợi đầy đủ. Thêm vào đó, luật thi đấu, quy tắc ứng xử trong thi đấu bộ môn eSports cũng được đưa ra một cách chuyên nghiệp. Quan trong hơn,các nhà phát hành, tổ chức eSports cũng đã nhận ra sự thiếu sót của nền Thể thao điện tử Việt Nam nên đã bắt đầu tập chung vào lớp trẻ, đặc biệt là sinh viên. Các giải đấu dành cho sinh viên ngày được tổ chức liên tục, VNG với UEC hay Garena với VEC đều mong muốn truyền lửa cho lớp trẻ hiện đại về một tương lai eSports Việt sánh ngang năm châu.
Với số lượng người hâm mộ theo dõi các tựa game trong thể thao điện tử ngày càng tăng, kéo theo là những sự tài trợ khủng đến từ các nhãn hàng, doanh nghiệp sẽ là yếu tố này giúp cho thu nhập ngành eSports tăng lên nhanh chóng.
Kết
Thể thao Điện tử hiện đã và đang để lại một dấu ấn lớn, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực thể thao và giải trí. Với sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, các nhãn hàng, doanh nghiệp, nền eSports Việt Nam trong thời gian tới có tiềm năng phát triển rất lớn với những cơ hội thay đổi cuộc sống của các game thủ.
Và khi hệ thống thể thao điện tử này ngày càng hoàn thiện và được đầu tư bài bản đúng hướng, thì những người đam mê game đều sẽ có cơ hội phát triển thành trong ngành. Nếu không chúng ta hoàn toàn có thể bị qua mặt trong một tương lai không xa, khi các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng sở hữu một dân số trẻ và tiếp xúc với eSports từ rất sớm.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất