Thành phố Baghdad vào năm 813 là một nơi ngập tràn lửa và máu.
Nhưng cũng Baghdad, chỉ mới chục năm trước thôi, đã từng được mệnh danh là “Thành phố của Hoà bình”, là bối cảnh của câu chuyện Nghìn lẻ một đêm, và được sánh ngang với thành phố Constantinople và Rome ở phương Tây về các khía cạnh nghệ thuật, khoa học, tôn giáo. Vậy nhưng chỉ không lâu sau sự băng hà của Harun al-Rashid – vị minh quân nổi tiếng vẫn hay được nhắc trong Nghìn lẻ một đêm – thành phố Baghdad chìm trong nội chiến giữa caliph al-Amin và người anh em cùng cha khác mẹ al-Ma'mun.
“Bầy ngựa xéo lên lá gan của những chàng trai can trường,” thi sĩ al-Khuraymi ta thán, “và móng ngựa đạp vỡ hộp sọ của họ.” Baghdad nay đã trở thành nấm mồ khổng lồ.
Giữa tình cảnh như thế này, người ta cố nhiên muốn biết vị chỉ huy cao nhất của Baghdad đang làm gì, vị vua và cũng là giáo chủ ấy có động thái như thế nào trước quân thù đang áp sát. Câu trả lời là caliph al-Amin đang điềm tĩnh chơi cờ vua với vị hoạn quan được sủng ái Kauthar, bất chấp mối nguy đến tính mạng đang gõ cửa nhà.
Tương truyền rằng trước mặt người đưa tin đang bấn loạn và hốt hoảng, caliph al-Amin vẫn thong thả ngồi chơi cờ và nói: “Kiên nhẫn nhé, anh bạn, ta thấy rằng chỉ vài nước nữa là ta chiếu bí được Kauthar rồi.”
Và không lâu sau đó, al-Amin – vị Abbasid caliph thứ sáu của đế chế Hồi giáo, người chiến thắng trong ván cờ cuối cùng của cuộc đời – bị quân thù chặt đầu.
Câu chuyện trên chỉ là một giai thoại. Cuộc tấn công Baghdad năm 813 là sự thật, cuộc nội chiến giữa hai anh em al-Amin và al-Ma'mun cũng là sự thật, còn việc al-Amin thây kệ mọi thứ để say sưa chú tâm vào ván cờ trước khi chết thì chúng ta không thể nói chắc đó là sự thật hay không.
Tuy nhiên với bất kì ai từng yêu thích trò chơi này thì đều chắc chắn một điều rằng sáu mươi tư ô vuông và ba mươi hai quân cờ hoàn toàn có đủ ma lực để tách rời con người ta ra khỏi cuộc đời, thu hẹp mọi mối quan tâm của họ vào bàn cờ, theo cái cách mà nếu là người ngoài cuộc nhìn vào thì chỉ thấy một con người bình thường ngồi bất động trước những mẩu gỗ tầm thường, còn người trong cuộc thì biết rõ hơn cả rằng họ đang phiêu lưu ở một thế giới nào và nó đáng được chìm đắm ra sao.
Đôi khi, ở một ván cờ quá thú vị và được diễn ra ở một thực tại quá đáng quên, có lẽ mọi thứ được đảo lộn. Sáu mươi tư ô vuông trở thành thực tại duy nhất còn những biến động ngoài cuộc đời trở thành cái gì đó xa xăm và phiền toái. Cảnh tương phản giữa sự lộn xộn ngoài cuộc đời và sự ngăn nắp trên bàn cờ càng khiến người ta muốn đắm mình vào trò chơi này hơn.
Chắc hẳn người nhóm người nào đó lưu truyền giai thoại trên về al-Amin đều đã từng trải nghiệm một cách sâu sắc cảm giác này. Bởi nó phản ánh thứ cảm xúc vừa thật lại vừa buồn của những người chơi cờ – khi mà al-Amin biết mình đã thua trận, biết mình đã mắc mưu trong cuộc đấu đá quyền lực đầy mờ ám, mọi sự đã nằm ngoài tầm kiểm soát, vậy thì bàn cờ sẽ quyến rũ biết bao vì đó là nơi mà mọi thứ vẫn sòng phẳng và minh bạch, nơi ông ấy vẫn được làm chủ, vẫn được hoạch định chiến lược, và hơn cả, vẫn còn cơ hội chiến thắng.
Tôi kể cho các bạn nghe giai thoại này không phải để khiến các bạn tin vào nó. Khi đọc huyền sử, chúng ta không nên tìm kiếm sự thật, mà thay vào đó hãy tìm kiếm thái độ và văn hoá mà những người thêu dệt nên huyền sử muốn truyền tải. Ở đây chúng ta không chắc chắn được al-Amin có chơi cờ trước khi chết hay không – thậm chí không chắc chắn được rằng ông ấy từng biết chơi cờ – nhưng có thể chắc chắn rằng cờ vua đã có vị thế và sức ảnh hưởng đáng nể trong văn hoá Ả-rập. Tại sao quần chúng không thêu dệt câu chuyện về chơi bài, chơi xúc xắc, chơi trò gì đó, mà lại cứ phải là cờ vua? Câu hỏi cũng đã là câu trả lời.
Ở loạt bài này tôi sẽ cho các bạn thấy rằng không chỉ tới Ả-rập, cờ vua còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới rất nhiều nền văn hoá khác, mà cụ thể là các nền văn hoá phương Tây. Có thể nói không ngoa rằng ở mọi sự kiện lớn của phương Tây, chúng ta đều thấy thấp thoáng bóng dáng của cờ vua, nếu chịu quan tâm và tìm kiếm. Và vì sao một trò chơi thuần tuý lại có ảnh hưởng đến thế? Nó ảnh hưởng như thế nào? Đây chính là nội dung tôi muốn chia sẻ dần trong loạt bài này.
Tôi đặt tên cho loạt bài về cờ vua của mình là Homo Scachorum do được gợi cảm hứng từ nhan đề quyển sách Homo Ludens của Johan Huizinga. Trong quyển sách ấy Huizinga tuyên bố: “Sự chơi lâu đời hơn văn hoá, bởi văn hoá, dẫu chưa có định nghĩa rõ ràng, vẫn luôn tiền giả định về xã hội loài người, nhưng sinh vật không cần đợi loài người dạy chúng cách chơi đùa.” Vậy nên Homo Sapiens (Người tinh khôn) chúng ta cũng có thể được gọi là Homo Ludens (Người vui chơi).
Còn tôi thì cho rằng cái tên Homo Scachorum (Người chơi cờ) cũng phù hợp không kém, bởi cờ vua nói riêng và môn cờ nói chung đã có từ gần hai nghìn năm trước và con người vẫn đã đang bị mê hoặc bởi nó.
Người ta vẫn thường cho rằng cờ vua là thứ phải biết chơi, đôi khi chơi giỏi, thì mới nhìn thấy được vẻ đẹp của nó. Tôi không nghĩ như vậy. Người ta vẫn nhìn thấy được vẻ đẹp của cờ vua, ngay cả khi không biết chơi, bằng cách tìm hiểu về khía cạnh lịch sử và văn hoá của nó. Với người Việt chúng ta, cờ vua mới chỉ được du nhập từ những năm 1960-1970 vậy nên cố nhiên nó chưa có tác động sâu rộng, người Việt vẫn có suy nghĩ rằng cờ vua là một thứ chuyên môn hẹp không liên quan gì đến văn hoá đại chúng. Điều này đúng ở Việt Nam, nhưng không đúng với phương Tây.
Với văn hoá phương Tây, ở thời Trung đại cờ vua đã là trò chơi phổ biến với giới quý tộc, và không dừng lại ở trò chơi, người phương Tây sử dụng cờ vua như một ẩn dụ về cuộc đời nhằm giáo dục luân lí cho các tầng lớp trong xã hội. Các dấu vết ăn sâu của nó vẫn còn hiện rõ ở việc trên các gia huy của quý tộc có hình ảnh quân cờ, ở việc quyển Liber de moribus hominum của Jacques de Cessoles là sách giáo dục luân lí dựa trên cờ vua và bán chạy chỉ sau Kinh Thánh, ở việc quân Hậu trên bàn cờ được tăng sức mạnh nhờ ảnh hưởng quyền lực của một số Nữ hoàng thời bấy giờ.
Ở thời cận đại và hiện đại, cờ vua xuất hiện thấp thoáng trong gần như mọi sự kiện lớn của thế giới phương Tây. Không đủ quan trọng để được chính sử chép lại, nhưng đủ quan trọng để được quần chúng thêu dệt và truyền miệng, cờ vua dùng huyền sử để bù lại cho sự vắng mặt trong chính sử của mình.
Trong sự kiện Christopher Columbus (vô tình) tìm ra châu Mĩ, chúng ta đều biết rằng ban đầu Columbus xin tài trợ kinh phí cho chuyến hải hành từ vua John II ở Bồ Đào Nha nhưng không được chấp thuận, rốt cuộc người tài trợ là vua Ferdinand II ở Aragon – người mà trước đó đã từ chối một lần, nhưng sau lại đồng ý. Tương truyền rằng ở lần gặp gỡ thứ hai giữa Columbus và Ferdinand, lúc ấy nhà vua đang chơi cờ, Columbus khôn khéo biết rằng Ferdinand là người rất mê cờ nên đứng đợi đến khi nhà vua có một ván thắng. Lựa lúc Ferdinand đang có tâm trạng tốt, Columbus mới đặt vấn đề và lần này thì được đồng ý. Vậy ra theo huyền sử quanh cờ vua, công cuộc tìm ra châu Mĩ được đặt nền móng trên một ván cờ như vậy.
Hẳn ai cũng biết đến Hoàng đế Napoléon Bonaparte của Pháp, nhưng có một sự thật ít người biết đến là Napoléon rất mê cờ vua. Thời bấy giờ ở Paris có một địa điểm nổi tiếng dành cho người yêu cờ là quán Café de la Régence, và Napoléon là vị khách quen mặt của chốn ấy. Tương truyền rằng dẫu có tài binh lược đỉnh cao nhưng trình cờ của Napoléon lại khá là dở, thành thử ra ban ngày ông chinh phạt được rất nhiều vùng đất trên thế giới, nhưng tối đến ông phải vật lộn trên sáu mươi tư ô vuông với chính các sĩ quan của mình, rồi chỉ nhận về thất bại.
Về cuối đời, Napoléon bị lưu đày và chết trên đảo Saint Helena, có rất nhiều đồn đoán về các âm mưu vượt ngục của ông trên hòn đảo này nhưng không âm mưu nào được chứng thực. Theo lẽ dĩ nhiên, cờ vua lại trở thành nguyên liệu cho các tin đồn này. Tương truyền, cờ vua là người bạn thiết thân với vị Hoàng đế đang trong cảnh thất thế và cô độc ấy. Napoléon được người quen gửi lên đảo một bộ cờ vua bằng ngà cực kì quý giá, nhưng cái còn quý giá hơn là một kế hoạch vượt ngục được mã hoá vào bộ cờ ấy, viên sĩ quan chuyển phát sẽ là người giải mã cho ông. Xui thay, viên sĩ quan ấy lại chết trên chuyến hải hành, vậy nên Napoléon tuy vẫn chơi trên bàn cờ ấy nhưng không bao giờ biết được bí mật khổng lồ của nó.
Một sự kiện lịch sử lớn và đáng buồn của phương Tây là sự trỗi dậy của Adolf Hitler, sự nhơ nhuốc của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và sự tàn ác của cuộc diệt chủng người Do Thái, chúng đều có liên quan đến cờ vua. Các tài liệu lịch sử cho biết Alexander Alekhine, nhà vô địch thế giới thứ tư của môn cờ vua, vì muốn cứu gia đình mình trong thời gian Đức Quốc Xã đang nắm quyền, nên đã viết một loạt bài báo ủng hộ chủng tộc Aryan thượng đẳng và phí báng người Do Thái dưới góc nhìn cờ vua. Alekhine chỉ trích lối chơi của người Do Thái là phòng thủ và hèn nhát, của người Aryan là tấn công và dũng cảm. Ông xúc phạm đích danh Emanuel Lasker và nói rằng hi vọng sau cái chết của Lasker thì sẽ không còn kiện tướng người Do Thái nào nữa. Bất chấp lúc ấy Lasker đang hứng chịu nỗi đau là có người thân phải chết trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã.
Năm 1945 khi Đức Quốc Xã đang thất thế và Alekhine thì bị cờ vua thế giới tẩy chay, ông ra sức phủ nhận việc mình đã viết các bài báo ấy. Nhưng buồn thay, năm 1946 khi Alekhine qua đời, người ta tìm được các bản thảo bằng chữ viết tay của chính ông. Kiện tướng cờ vua lỗi lạc ấy đã không xoá được vết nhơ của mình. Và buồn hơn cả, những điều này đều là sự thật, không phải huyền sử.
Thế nhưng sự lạm dụng cờ vua của Hitler chỉ là màn dạo đầu của hiện tượng dùng chủ nghĩa dân tộc để vấy bẩn trò chơi này. Liên Xô làm điều đó giỏi hơn Hitler nhiều. Sau Thế chiến II, thế giới bước vào thời kì Chiến tranh Lạnh, còn thế giới cờ vua thì bước vào trận đấu kinh điển giữa hai kì thủ huyền thoại là Borris Spassky của Liên Xô và Robert Fischer của Mĩ vào năm 1972. Tuy nhiên lần này khác với vụ Alekhine, chúng ta sẽ được thấy sự sáng chói và thú vị trong nhân cách của các kì thủ. Spassky đã vỗ tay khen ngợi khi Fischer chơi thắng mình. Còn Fischer, vốn là người tính tình lập dị, sau chiến thắng chấn động thế giới ấy liền đi ở ẩn và tránh xa cả thế giới lẫn làng cờ.
Nói tóm lại, cờ vua liên kết các sự kiện lịch sử theo một cách rất đặc biệt, và thảy những gì tôi muốn làm là giới thiệu cho các bạn thấy sự đặc biệt ấy. Khi nhìn lịch sử thế giới qua lăng kính cờ vua, về cơ bản thì mọi thứ vẫn diễn ra như ta đã biết thôi – châu Mĩ vẫn được tìm ra, Napoléon vẫn làm chấn động thế giới và chết trong lưu đày, Hitler vẫn diệt chủng người Do Thái – thế nhưng ta được nhìn nó qua lăng kính của cờ vua, nơi mọi thứ có thể vui hơn, có thể buồn hơn, nhưng luôn luôn xoay quanh bàn cờ sáu mươi tư ô, đến mức mà ta phải thốt lên:
“Trò chơi này có gì mà được đứng ở địa vị ấy?”
Và loạt bài này chính là để trả lời câu hỏi đó vậy.
Nguồn tham khảo:
• Shenk, David. The Immortal Game: A History of Chess, or How 32 Carved Pieces on a Board Illuminated Our Understanding of War, Art, Science and the Human Brain. 2006. Reprint ed., New York, Anchor Books, 2 Oct. 2007. • Eales, Richard. Chess: The History of a Game. Original ed., London, Batsford Books, 1985. • Võ, Tấn. Kể chuyện thế giới cờ Vua. Tủ sách Cờ cho mọi người, NXB Đà Nẵng, 1998.
TORNAD
25/01/2024
Ảnh minh hoạ được tạo nhờ AI