*Bài viết được đăng tải trong nhóm Monster Box trên Facebook, đôi chỗ được dùng để nói với những thành viên trong nhóm, các bạn cân nhắc tự điều chỉnh để đọc - hiểu cho phù hợp. Bài viết gốc bắt đầu từ sau câu này.
Nguồn ảnh: Artwork by Eastman Johnson.
Vì đây là nhóm của những người tin rằng "mọi tri thức từ cổ chí kim đều hấp dẫn, chỉ là nó chưa được kể đúng cách", nên tôi nghĩ rằng kỹ năng diễn đạt khá quan trọng. Ít nhất chúng ta nên biết cách viết ra những bài viết hay, để thu hút người khác và thỏa mãn bản thân. Vì vậy, Monster Box sẽ đều đặn có những bài viết chia sẻ cách viết để chúng ta có thể cùng giúp nhau trở nên tốt hơn.
Điều đầu tiên, khi muốn viết ra được bài viết hay, bạn nên tự vấn xem bản thân mong muốn bài viết hay với ai? Với các thành viên của Monster Box Group, giảng viên của bạn, những người gần gũi bạn hay với tất cả mọi người trên thế giới?
Hãy từ bỏ việc viết ra một bài viết dành cho đại chúng và được tất cả yêu thích. Nếu bạn nghĩ rằng bài viết của bạn không phù hợp với trẻ em tiểu học, hãy biết rằng rất nhiều người lớn không khác trẻ em là mấy và họ sẵn sàng ở đó để khiến bạn thất vọng.
Vì vậy, cần xác định rõ nhóm độc giả bạn đang hướng đến, trước khi viết, và trước khi đặt kỳ vọng về một bài viết hay.
Cũng từ việc xác định độc giả, biết rằng mỗi cộng đồng sẽ có một "writing code" (giống với dress code) và bạn cần bỏ thời gian ra để bắt được cái "code" ấy. Việc này vô cùng quan trọng. "Writing code" của từng cộng đồng không phải "để đề phòng thế giới bị phá hoại" hay "bảo vệ nền hòa bình cho Trái Đất", tóm lại không dùng để tạo ra bình đẳng phổ quát hay mục đích nhân văn cao siêu, chúng ở đó trước hết để xây dựng chính cộng đồng ấy.
Chẳng hạn, writing code của nhóm Monster Box yêu cầu những bài viết và dịch có chất lượng, có đầu tư, có chiều sâu - không đến mức quá chính chuyên phức tạp như academic, nhưng cũng không vô nghĩa giải trí như pop-science dạng fact hay report. Mức độ yêu cầu cần đạt khoảng 7/10 so với những article của những tờ báo/tạp chí/blog tiếng Anh nổi tiếng.
Writing code này có thể được tuyên bố hoặc ngầm hiểu, nhìn chung nhằm mục đích bảo vệ giá trị cốt lõi của tập thể và loại bỏ những cá thể không phù hợp. Về lâu về dài, những người không phù hợp sẽ dần bị loại bỏ, trong khi những người ở lại sẽ càng tiệm cận hơn với giá trị cốt lõi và giúp sức xây dựng nên cộng đồng theo đúng tôn chỉ và writing code đặt ra từ đầu.
Vậy, trong khuôn khổ bài viết và khuôn khổ group, sau đây là những điều bạn cần chú ý đến nếu muốn có được bài viết hay cho những người trong nhóm. Đây chủ yếu là những điều nền tảng và chung nhất, không nhất thiết dẫn đến một lối viết cụ thể.

1. Hãy cực đoan với bản thân khi đi tìm mục đích viết bài.

Một bài viết bình thường (hay thậm chí tầm thường), bắt nguồn từ việc người viết không thực sự cực đoan với ý định của mình khi bắt đầu viết. Hay nói cách khác, họ phải viết, và do đó tất cả những gì họ làm là tạo ra một cái khung (hay thậm chí chẳng có khung nào cả) rồi lấp đầy chỗ trống sao cho trông bớt trống trải nhất có thể. Hoặc kiểu bài của những người muốn viết nhưng không muốn những gì mình viết ra có trọng lượng.
Việc lượm nhặt chỗ này một ít, lượm nhặt chỗ kia một ít để đắp vào bài của mình thường xuất hiện ở bài luận của những sinh viên học đối phó trong trường đại học, hoặc ở các công ty yêu cầu sản xuất nội dung theo số lượng. Những bài viết này tuyệt nhiên chính người viết đã không xem trọng người đọc.
Tuy vậy, sự thiếu đầu tư và chiều sâu của nội dung bài viết còn xuất hiện trên mạng xã hội khi người viết quá vô tư hoặc cố tình tạo ra những bài viết dạng vô thưởng vô phạt, cưỡi ngựa xem hoa. Viết những bài dạng này không được gì, và tất nhiên đọc chúng lại càng không được gì.
Khi viết bài, hãy cực đoan đến mức xác định rõ từ đầu bạn đặt tay xuống phím hay cầm bút lên là để thay đổi ý tưởng, quan điểm của người khác. Bạn phải xác định từ đầu việc viết nhằm khiến mọi người trầm trồ, ậm ừ và bắt đầu có những suy ngẫm của riêng họ, hay nóng lòng muốn lật đổ toàn bộ luận điểm của bạn. Một bài viết để người đọc “ờ” rồi bỏ đi, ấy là một bài viết tệ.
Việc cực đoan khi xác định mục đích thực chất không hề liên quan đến việc sử dụng câu chữ tiêu cực, văn phong gợi đòn hay thái độ lấc cấc khiến bài viết của bạn bớt hấp dẫn đi; ngược lại, nó giúp bạn tìm ra mọi cách để thuyết phục, thay đổi suy nghĩ của người khác hay biết cách đánh vào những vấn đề trực diện, nhạy cảm nhất của người đọc - khiến họ quan tâm đến bạn và ý tưởng của bạn.
Còn việc sử dụng lối khơi gợi cảm xúc để khiến bài viết tranh luận trở nên hấp dẫn hơn, thực chất chỉ là “cơm thêm” cho những bài đã có chất lượng. Bản thân việc lạm dụng cảm xúc không đủ để tạo nên một bài viết chất lượng, ngược lại, dễ dàng tạo ra những bài viết kém chất lượng.
Việc bạn có thuyết phục được người khác hay không là một phạm trù khác, nhưng nếu ngay từ đầu đã không có ý định muốn tác động đến người khác, sẽ thật khó để tạo ra được những bài viết giá trị. Bên cạnh đó, hãy biết rằng kiến thức bản thân nó cần sự va chạm. Việc học hỏi và tiến bộ bản thân nó không chỉ đến đến từ việc mọi người đồng ý với bạn, còn đến từ việc họ phản đối bạn. Viết ra một bài viết ai cũng “ờ” rồi bỏ qua, âu cũng là một cách để phí phạm thời gian cuộc đời hữu hạn này vậy.
Tóm tắt phần 1: Một bài viết hay nên bắt nguồn từ việc người viết muốn thay đổi quan điểm hoặc gieo ý tưởng mới mẻ cho người đọc.

2. Một bài viết hay cần cấu trúc tốt, trình bày rõ ràng và thuyết phục.

Sau khi đã xác định rõ độc giả, cũng như writing code, bạn cần xác định bài viết của mình phải tạo ra được sự ảnh hưởng. Chỉ khi đó, bài viết của bạn mới có giá trị. Để được như vậy, bài viết cần có cấu trúc tốt, rõ ràng và thuyết phục.
Một bài viết có cấu trúc tốt sẽ giúp người đọc dễ dàng hiểu được ý đồ của bạn và được dẫn dắt tốt hơn trong cuộc hành trình với những con chữ. Hơn hết, chúng giúp bạn viết được mạch lạc và rõ ràng hơn (thực ra còn giúp suy nghĩ trơn tru hơn).
Cấu trúc ở đây không phải về “mở bài, thân bài, kết bài”, chúng thường phức tạp tùy thuộc ý đồ và trình độ của người viết; và thường bao hàm cả cấu trúc bài, đoạn và câu văn.
Ví dụ về một dạng cấu trúc cơ bản cho mọi bài viết, tôi có lời khuyên rằng bạn nên tư duy như đang lập trình (ngay cả khi bạn không biết lập trình).
Cấu trúc của những bài viết kiểu này thường bắt đầu bằng việc (1) bạn đưa ra những khái niệm mới đến người đọc, và giải nghĩa nó để người đọc hiểu. Việc này tương tự với bước đặt biến trong lập trình giúp máy tính hiểu rằng chúng ta muốn nó cần hiểu những gì.
Tiếp theo, (1) những khái niệm được đưa ra ở đầu bài sẽ được ứng dụng vào một vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, trong bài viết đầu tuần về cổ tích, khái niệm cổ tích được giải thích ở phần đầu sau đó được dùng để nhắm vào vấn đề cụ thể là “việc xét lại cổ tích đang phổ biến ở thời hiện đại” (việc chọn vấn đề cũng quan trọng, nhưng ấy lại là chuyện bàn sau vậy). Tương tự ở lập trình, đây là bước dùng những biến để giải quyết vấn đề từ bài toán ban đầu.
Bước cuối cùng, ở lập trình, chính là sự biến đổi dữ liệu được giao thành sản phẩm cuối cùng có nghĩa và đúng với mục đích ban đầu. Trong bài viết cũng vậy, đây (3) là bước tác giả cần biến đổi ý tưởng, quan điểm của người đọc bằng trí tuệ và lập luận sắc sảo của bản thân - theo đúng như dự tính ban đầu.
Ngoài việc cần đảm bảo cấu trúc, chúng ta còn cần giữ mọi thứ được mạch lạc và rõ ràng. Việc sử dụng những biện pháp nghệ thuật cũng hay đấy, nhưng nếu chúng khiến ảnh hưởng tiêu cực đến sự mạch lạc của bài viết, nghĩa là bạn đã dùng sai cách.
Sự mạch lạc trong diễn đạt và cấu trúc tốt trong thi triển ý đồ là cách hay để dẫn dắt người đọc. Nếu bạn khiến họ phải đọc chậm lại, đọc đi đọc lại, hay bỏ cuộc, nghĩa là bạn đã tự khiến bản thân bị thiệt thòi (nhớ rằng chúng ta đã bỏ qua lỗi của những yếu tố ngoại cảnh khi xác định độc giả và writing code từ đầu).
Sức thuyết phục của bài viết sẽ đến từ cách chúng ta lựa chọn chủ đề, diễn đạt khái niệm, liên kết khái niệm với vấn đề cụ thể và lập luận để tác động đến góc nhìn của mọi người về vấn đề ấy.
Tóm tắt phần 2: một bài viết giá trị, cũng như một tư duy tốt, cần có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục.

3. Trick.

Trick, hay mánh mẹo nói chung, được sử dụng để khuếch đại những giá trị nội tại có sẵn, chứ không thể tạo ra được giá trị nội tại cho bài viết.
Có một vài cách dùng từ giúp việc thiết kế cấu trúc bài viết dễ dàng hơn, chẳng hạn: và, nhưng, bởi vì, trừ khi, mặc dù, tuy vậy, tiếp theo, chẳng hạn…
Một vài từ giúp mọi người biết rằng bạn có hiểu biết trong vấn đề bài viết đề cập: có ý kiến cho rằng, tồn tại một quan điểm rộng rãi về, báo cáo cho thấy, nhiều nghiên cứu chứng minh… (tất nhiên chúng cần được dùng vì sự thật là vậy, thay vì bịa ra).
Một số từ có thể tạo ra đột biến, căng thẳng và thu hút sự chú ý: tuy nhiên, mặc dù vậy, nhưng… Đây là điều nên làm, vì nó thách thức người đọc và khiến họ để tâm hơn đến bài viết của bạn.
… (có thể đọc thêm ở bài viết cũ trên trang Monster Box).

4. Bonus: cách trình bày, và một vài lời cuối cùng.

*Phần này đúng cho mọi bài đăng trên Facebook.
Writing code về cách trình bày trong nhóm đây.
- Ảnh minh họa:
Luôn dùng ảnh minh họa, đừng ép mọi người chết chìm trong đống chữ vì đây đã là 2020. Nên là ảnh khổ vuông hoặc chữ nhật dài (hạn chế chữ nhật ngang) vì đây là hai khổ ảnh hiển thị tối ưu nhất trên cả Facebook app và Facebook website.
Nếu không có ảnh tự thiết kế hoặc hình minh họa kèm theo bắt buộc, nên tìm những artwork liên quan đến vấn đề thay vì ảnh chụp. Thậm chí những bức tranh vẽ trừu tượng không liên quan đến bài viết vẫn giúp thu hút tốt hơn những bức ảnh chụp gượng ép.
Hạn chế dùng ảnh chụp dạng free stock. Có thể dùng meme nếu phù hợp.
Ảnh chất lượng cao là điều bắt buộc, ghi nguồn ảnh cũng vậy.
- Trình bày:
Hãy trình bày như bài viết này. Viết in hoa toàn bộ title, chọn H1. Những phần quan trọng nên được cân nhắc để bold hoặc in nghiêng (tuy vậy đừng quá lạm dụng việc này).
Nên có một vài chỗ được bỏ vào như thế này để tạo điểm nghỉ ngơi mắt giữa những đoạn văn dài, cũng như nhấn mạnh một vài câu văn sâu sắc.
- Cách dẫn link:
Ở những bài dịch, hoặc dùng references là liên kết ngoài, hãy thêm vào ở phần bình luận. Việc này sẽ giúp tối ưu hóa thuật toán hiển thị của Facebook.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến việc dùng #hashtag và thêm topic (sẽ cập nhật sau).
Và sau đây là những dòng cuối cùng:
- Luôn chú tâm đến mục đích của bản thân, biết rằng viết cho ai và viết để làm gì. Những quy tắc phía trên đây có thể không phù hợp với mục đích khác ngoài những mục đích đã đề cập.
- Khi đặt bút xuống và viết cho người khác ngoài chính bản thân bạn, biết rằng việc thuyết phục và thay đổi họ rất quan trọng.
- Luôn tuân theo quy tắc ở nơi bạn viết để được đánh giá cao ở đó, hoặc rời khỏi nó.
- Giá trị của thông tin không nằm ở bản thân chúng, mà nằm ở việc bạn dùng chúng như thế nào. Đừng thu nhặt tất cả thông tin người khác sử dụng để dùng cho bài viết bạn, nếu bản chất hai cách dùng không giống nhau. Nó có thể khiến bài viết của bạn trở nên lộn xộn và giảm giá trị đi nhiều lần. Hãy dùng thông tin một cách có chủ đích.
- Sự hiểu biết đến từ cả sự phản đối của những người khác, thay vì chỉ sự răm rắp đồng ý.
#MonsterBox

References and further reading: