Mình mới đăng ký một khóa học trên Coursera. Tên của nó là Learning How to Learn: Powerful mental tools to help you master tough subjectsMình tham gia khóa học này vì đã từng phải học một số vấn đề khá khó nhằn và phải vật lộn để vượt qua chúng, và có lẽ trong tương lai mình sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thứ như thế. Như Bác Lê-nin đã từng nói: "Học, học nữa, học mãi", và Bác Hồ đã từng dạy tự học và học tập suốt đời là vô cùng quan trọng, việc học không chỉ diễn ra trong trường học mà còn diễn ra ngay cả khi chúng ta đi làm, thậm chí khi đến tuổi nghỉ hưu chúng ta cũng vẫn cần phải học =))))))))
Mặc dù mới chỉ hoàn thành tuần đầu tiên của khóa học nhưng mình thấy thông tin nó cung cấp rất bổ ích, đặc biệt là những tài liệu đọc. Nó giúp mình hiểu được cách não bộ hoạt động và những cách để ghi nhớ thông tin hiệu quả nhất. Và mình đã chọn ra tài liệu mình thấy là hay nhất và dễ hiểu nhất để dịch và giới thiệu với các bạn. Tài liệu này không chỉ hữu ích với các bạn học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo mà còn hữu ích với những anh, chị, cô, chú, bác đã đi làm nhưng vẫn muốn tiếp tục quá trình học tập của mình. 

Đọc thêm:

Mình không phải dân chuyên văn, cũng không phải sinh viên ngành ngoại ngữ, cũng chưa bao giờ viết văn cả nên bài dịch của mình có thể không xuôi tai và khá lủng củng, mong các bạn thông cảm. Đây cũng là lần đầu tiên mình viết một bài dài như thế này kể từ khi tốt nghiệp cấp 3, cho nên cảm giác nó khá là thú vị và nó tạo động lực cho mình viết tiếp.
Đây là link tài liệu gốc bằng tiếng anh cho bạn nào muốn tham khảo thêm: https://www.aft.org/sites/default/files/periodicals/dunlosky.pdf
Còn đây là link khóa học trên Coursera: https://www.coursera.org/learn/learning-how-to-learn
OK, bây giờ sẽ vào bài luôn nhé. Đây là phần 1 của bài dịch. Khi nào mình dịch xong thì sẽ đăng tiếp lên.

Những phương pháp học tập
giúp tăng cường hiệu quả học tập
– John Dunlosky –
Đó là buổi tối trước bài kiểm tra môn Sinh học, và bạn học sinh đó chỉ vừa mới bắt đầu ôn tập. Bạn ấy lấy bút đánh dấu và đọc sách giáo khoa, vừa đọc vừa đánh dấu những điều cần ghi nhớ. Bạn ấy đọc lại những câu được cho là quan trọng nhất và thức trắng đêm, với mong muốn mình sẽ hiểu tài liệu đủ để có thể làm bài thi tốt trong ngày hôm sau. Đây là những phương pháp học tập mà bạn ấy có thể đã học được từ những người bạn của mình hoặc là từ những người thầy cô giáo, hoặc bạn ấy đã tự nghĩ ra và áp dụng cho mình. Bạn ấy không phải một trường hợp bất thường trong tình huống này, vì nhiều học sinh khác cũng dựa vào những phương pháp học tập như đánh dấu (highlighting), đọc lại (rereading), và học nhồi nhét  (cramming) vào buổi tối ngay trước ngày thi.
Khá thường xuyên, học sinh nghĩ rằng những phương pháp kém hiệu quả như vậy thực ra là những phương pháp hiệu quả nhất, và xét cho cùng thì khi nhìn thoáng qua, chúng có vẻ tốt, có lẽ bởi vì, ngay cả khi đã biến mình trở thành “người xuyên đêm”, những học sinh đó vẫn đạt vừa đủ điểm để vượt qua bài thi. Đáng tiếc rằng, khi đánh giá về công trình nghiên cứu của tôi, cả những đồng nghiệp và tôi đều thấy rằng những phương pháp học tập như vậy không hiệu quả, đặc biệt khi học sinh muốn ghi nhớ lâu những kiến thức và sự hiểu biết về nội dung bài học ngay cả khi bài thi đã kết thúc – rõ ràng, đó là một nhiệm vụ rất quan trọng của giáo dục.

Đọc thêm:

Vậy, tại sao học sinh lại không học về những phương pháp học tập hiệu quả nhất ? Tôi chỉ có thể suy đoán mà thôi, nhưng có một số lý do khả thi. Nội dung sách giáo khoa được tạo nên theo hướng làm nổi bật những nội dung mà giáo viên nên dạy, cho nên sự tập trung được dồn vào việc cung cấp những nội dung, chứ không phải việc dạy học sinh làm thế nào để hiểu được những nội dung đó tốt nhất. Nói cách khác, người ta nhấn mạnh vào những thứ học sinh cần học, và gần như bỏ qua (thậm chí không có) sự quan tâm đến việc dạy học sinh những cách mà chúng cần làm để học những thứ đó, những kỹ năng cần thiết để thúc đẩy việc học hiệu quả và hỗ trợ việc học bền vững và lâu dài. Tuy nhiên, việc dạy học sinh cách để học cũng quan trọng không kém việc dạy những kiến thức cho chúng, vì việc có được những phướng pháp học tập đúng đắn và những kiến thức nền tảng rất quan trọng – nếu không muốn nói là cực kỳ cần thiết – trong việc thúc đẩy quá trình học suốt đời.
Một lý do khác giải thích cho việc học sinh không học về những phương pháp hiệu quả có liên quan đến sự chuẩn bị của giáo viên. Các phương pháp học tập được thảo luận trong gần như tất cả các cuốn sách giáo khoa về khoa học tâm lý giáo dục, nên nhiều giáo viên rất có thể đã tiếp cận được ít nhất một số phương pháp. Mặc dù vậy, những đồng nghiệp và tôi đã phát hiện ra rằng, phần lớn, những cuốn sách giáo khoa hiện nay không đề cập đến các phương pháp học tập một cách đầy đủ; một số cuốn sách bỏ đi phần thảo luận về những phương pháp tốt nhất, nhiều cuốn sách không đưa ra những hướng dẫn về cách sử dụng chúng trong lớp học hoặc về cách dạy học sinh cách sử dụng chúng. Trong một số trường hợp, những phương pháp được thảo luận gần như không thể áp dụng trong thực tế. Vì vậy, tôi đồng cảm với những giáo viên muốn dành một phần thời gian trên lớp để dạy học sinh cách sử dụng những phương pháp học tập hiệu quả. Hơn nữa, xét đến việc dạy học hàng ngày tốn rất nhiều thời gian và công sức, giáo viên không thể dành đủ thời gian để tìm hiểu xem những phương pháp nào là hiệu quả nhất.
Tin tốt là hàng chục năm nghiên cứu đã tập trung vào việc đánh giá tính hiệu quả của rất nhiều phương pháp đầy hứa hẹn là sẽ giúp đỡ việc học của học sinh. Thực tế, những bằng chứng chứng minh tính hiệu quả của nhiều phương pháp có phạm vi rất rộng lớn và không dễ dàng diễn giải, đặc biệt khi tính đến mặt kỹ thuật của văn học (đoạn này nguyên gốc là the technical nature of literature, mình cũng không hiểu lắm). Do vậy, để giúp lan rộng việc học và sử dụng những phương pháp học tập hiệu quả, những đồng nghiệp và tôi đã kiểm chứng và đánh giá tính hiệu quả của 10 phương pháp sau đây:
1. Kiểm tra việc luyện tập (practice testing)
2. Luyện tập ngắt quãng (distributed practice)
3. Luyện tập trộn lẫn (interleaved practice)
4. Hỏi phức tạp (elaborative interrogation)
5. Tự giải thích (self-explanation)
6. Đọc lại (rereading)
7. Đánh dấu và gạch chận (highlighting & underlining)
8. Tóm tắt (summarization)
9. Thuật ghi nhớ bằng lời nói hoặc chữ viết (keyword mnemonic)
10. Hình ảnh hóa văn bản (imagery for text)
Trước khi mô tả những phương pháp này một cách chi tiết, tôi sẽ thêm một vài phương diện của việc đánh giá và kiểm chứng vào. Đầu tiên, mục đích của chúng tôi là khảo sát những phương pháp mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng mà không cần quá nhiều thời gian trên lớp học, và bất kỳ học sinh nào cũng có thể sử dụng được. Chúng tôi đã loại bỏ rất nhiều phương pháp và tài liệu yêu cầu có máy tính để thực hiện, tuy có nhiều tiềm năng, nhưng lại đòi hỏi nhiều thiết bị công nghệ mà nhiều học sinh có thể không có. Mặc dù một số phương pháp chúng tôi đánh giá có thể được thực hiện bằng phần mềm máy tính, chúng đều có thể được sử dụng thành thạo bởi một em học sinh có quyết tâm, với những dụng cụ đơn giản như bút mực hoặc bút chì, một vài tấm thẻ học (index cards), và có lẽ là một cuốn lịch.
Thứ hai, chúng tôi chọn đánh giá một số phương pháp (ví dụ như kiểm tra việc luyện tập) vì một khảo sát trước đó đã gợi ý rằng chúng tương đối hiệu quả, trong khi chúng tôi chọn một số phương pháp khác vì nhiều học sinh đã báo cáo rằng chúng thường xuyên sử dụng các phương pháp này nhưng chúng tôi vẫn đắn đo về tính hiệu quả của chúng.
Cuối cùng, một số phương pháp có những khác biệt về kiểu học mà chúng sẽ hỗ trợ tốt nhất. Ví dụ, một số phương pháp (ví dụ như đặt biểu tượng cho từ khóa, hình ảnh hóa văn bản) tập trung vào việc cải thiện khả năng ghi nhớ những khái niệm và sự thật cốt lõi. Một số khác (ví dụ như tự giải thích) tỏ ra có ích nhất trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về nội dung  mà một học sinh đang đọc. Những cái khác (ví dụ như kiểm tra việc luyện tập) hữu ích trong việc tăng cường cả trí nhớ lẫn sự hiểu biết.
 Trong những phần tiếp theo, tôi sẽ bàn luận về mỗi phương pháp, bắt đầu với những phương pháp hứa hẹn nhất cho việc cải thiện thành tích của học sinh.
(còn tiếp)