Ắt hẳn, tất cả chúng ta ai cũng phải dùng đến kĩ năng viết trong công việc của mình, dù ít hay nhiều, từ viết đơn xin việc, thư điện tử cho đến viết sách và bài luận nghiên cứu. Với tầm quan trọng như vậy, kĩ năng viết xứng đáng được đầu tư một lượng lớn thời gian và công sức để mài dũa. Vậy, bắt đầu luyện viết như thế nào? Làm thế nào để có được một bài viết tốt?
Trong bài viết này, mình sẽ dẫn các bạn đi qua quá trình viết một bài hoàn chỉnh của mình, từ công tác chuẩn bị cho đến lúc đăng bài. Và trong mỗi giai đoạn, mình sẽ phân tích cụ thể các bước mình làm, đồng thời đưa thêm những mẹo hữu ích để các bạn có thể áp dụng ngay trong quá trình viết.
Trước khi bắt đầu bài viết, mình muốn khẳng định rằng những thông tin trong bài viết này hoàn toàn là do mình tự tìm hiểu và thử nghiệm hiệu quả. Thế nên, có những cách thức có thể sẽ không phù hợp với bạn. Các bạn nên giữ tư duy phản biện trong khi đọc, và nếu có gì sai các bạn hoàn toàn có thể góp ý cho mình, mình sẽ rất vui vẻ đón nhận.
Vậy còn chần chờ gì nữa, bắt đầu thôi nào!
Unsplash.com
Unsplash.com

1. Tìm ý tưởng để viết

Thường thì mình không đợi đến khi bắt đầu viết rồi mới nhìn vào tờ giấy trắng và suy nghĩ ý tưởng. Làm như thế sẽ giới hạn khả năng suy nghĩ và sáng tạo của chúng ta rất nhiều, đặc biệt là khi sát “deadline” rồi bạn mới bắt đầu viết.
Thay vào đó, mình xây dựng ý tưởng mỗi ngày, qua một quá trình lâu dài. Bất kể khi nào đọc sách, xem Youtube hay là nghe podcast, mình đều có điện thoại hoặc một cuốn sổ bên cạnh. Bắt được một ý nào hay, mình sẽ ngay lập tức ghi chú nó kèm theo thông tin về nguồn để sau này xem lại dễ dàng hơn.
Đến cuối ngày, mình sẽ mở ghi chú của mình và đọc lại một lượt. Nếu bất kì ghi chú nào có liên quan với nhau, mình sẽ ghép nó lại trong một file, và thế là mình đã có chủ đề mới để viết. Cứ như thế, khi nào mình ghi được điều gì mới liên quan đến những chủ đề mình đã tạo sẵn, mình sẽ đưa ghi chú ấy vào file.
Dần dần, mình đã có được rất nhiều ý tưởng và nguồn tài liệu, sau này khi nào mình muốn viết bài thì mình chỉ cần ngồi xuống và sắp xếp lại ý tưởng là xong. Như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc phải bắt đầu viết từ con số không.
Unsplash.com
Unsplash.com

2. Đặt tiêu đề

Hãy đặt tiêu đề ngắn gọn và giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó cho độc giả. Bạn nên tránh đặt những tiêu đề chung chung vì như vậy sẽ không gây được hứng thú. Lấy ví dụ từ chính trải nghiệm của bản thân mình, bài viết “Làm thế nào để nhớ sâu được những gì mình đã đọc” của mình đăng trên Spiderum (https://spiderum.com/bai-dangDoc-sach-the-nao-cho-hieu-qua-lr ) lúc đầu có tên là “Đọc sách thế nào cho hiệu quả”. Mới đầu khi vẫn để tên như thế thì bài viết của mình không hề có bất kì lượt tương tác nào, nhưng sau khi đổi tên mình đã có được hơn 10 lượt “upvote” chỉ trong một ngày.
Nếu bạn vẫn chưa hình dung được mình sẽ đặt tiêu đề như thế nào, bạn có thể sử dụng một số mẫu sau đây:
… cách nhanh nhất để …/ Sai lầm bạn đang gặp phải khi …/ 1 bí mật về … bạn phải biết./ Bạn đang lừa dối bản thân về …/ Nếu bạn đang chán ngấy … hãy thử../ Thoát khỏi … một lần và mãi mãi/ Cách để … trong 60 giây hoặc ít hơn.
Tuy nhiên, các bạn không nên đặt tiêu đề quá giật tít trong khi nội dung của mình không thực sự như thế. Có một trang báo khá nổi tiếng ở Việt Nam thường đặt tiêu đề giật gân trong khi nội dung bài viết lại không có gì, khiến cho người đọc dần chán ghét.
Unsplash.com
Unsplash.com

3. Trước khi bắt đầu viết

Bạn nên biết rõ mình muốn viết gì trước khi bắt đầu, tránh tình trạng viết tự do để rồi khiến mạch văn trở nên rời rạc, không liên kết. Trước mỗi hiệp viết, mình thường dành từ 5-10 phút chỉ để ngồi không và vạch ra tất cả những gì mà mình muốn truyền đạt, sau đó mình sẽ tổng hợp thành một đoạn tóm tắt nhỏ hoặc các ý gạch đầu dòng rồi đặt lên đầu trang viết. Từ đoạn tóm tắt đó, mình dần phát triển thành các đoạn văn rồi một bài văn hoàn chỉnh. Mỗi lần mình cảm thấy bài viết đang đi quá xa, mình sẽ nhìn lại đoạn tóm tắt đó để biết mình đang muốn hướng đến cái gì, từ đó lược bỏ những nội dung không liên quan.
Thêm nữa, mình thường nghe nhạc để lấy cảm hứng. Cái này thì còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi người; tuy nhiên, đối với mình, nghe những bài nhạc không lời nhẹ nhàng, vui tươi sẽ khiến cho tâm trạng của mình phấn chấn hơn. Các bạn nên tránh nghe những bài nhạc có lời vì nó có thể khiến bạn hát theo, dẫn đến mất tập trung.
Ngoài ra, các bạn cũng nên giữ cho mình chú tâm hết mức có thể. Hãy tắt hết các thiết bị dễ gây sao nhãng như điện thoại, báo trước với bố mẹ hay những người đang sống cùng nhà về việc mình đang viết để tránh bị làm phiền. Nếu các bạn không thể tập trung được vì có quá nhiều thứ đang diễn ra trong đầu mình, các bạn có thể thử chuẩn bị một tờ giấy trắng; khi nào nghĩ đến bất kì cái gì mà không liên quan đến bài viết thì hãy ghi nó vào đó. Sau khi ghi xong hãy úp nó lại rồi lập tức tiếp tục viết, đợi sau khi hoàn thành mới mở ra xem. Làm như thế các bạn vừa không bị mất mạch viết, vừa lưu lại được những điều quan trọng mà mình chợt nghĩ ra trong lúc viết.
Unsplash.com
Unsplash.com

4. Trong khi viết

4.1 Mô hình CRET
Khi đã có cho mình một dàn ý rõ ràng và một tinh thần thoải mái, các bạn có thể bắt tay vào viết bài. Để phát triển những luận điểm trong dàn ý, mình thường tuân theo mô hình CRET (Claim - Reasoning - Evidence - Tieback)
Claim: Nêu luận điểm
Reasoning: Giải thích luận điểm
Evidence: Đưa ra chứng cứ
Tieback: Tổng kết lại quan điểm của mình
Mỗi luận điểm được phát triển theo mô hình CRET sẽ thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên quá gò bó bản thân và ép mình theo mô hình CRET trong tất cả các đoạn văn. Đây chỉ là mô hình chuẩn để các bạn tham khảo lúc mới bắt đầu viết, còn sau khi đã viết quen rồi, các bạn sẽ tự rèn luyện được cho mình tư duy logic khi phát triển mạch ý. Một đoạn văn, một luận điểm có thể có nhiều cách trình bày. Các bạn chỉ cần đặt mình vào vị trí của người đọc, người đọc có thể hiểu được bạn đang viết về điều gì thì bạn đã thành công.
4.2 White Space (khoảng trống)
Các bạn hãy xem thử một bài viết nhưng được trình bày theo 2 cách khác nhau trong ảnh dưới đây:
Rõ ràng, khi có những khoảng trống ở giữa các đoạn, bài viết sẽ trở nên dễ nhìn hơn rất nhiều. Những khoảng trống ấy có vai trò tương tự như dấu phẩy trong câu văn, để độc giả dừng một nhịp nghỉ mắt trước khi tiếp tục đọc. Mỗi đoạn văn chỉ nên chứa từ 3-4 câu, sau đó cách dòng và để lại một khoảng trắng ở giữa. Như thế sẽ khiến hình thức bài viết trở nên mạch lạc hơn.
4.3 Bản “First Draft” (bản nháp đầu tiên)
Khi mới bắt đầu viết nháp, đừng ngại viết ra tất cả những gì bạn đang nghĩ trong đầu. Ngày xưa, mình thường không viết ra những gì mình suy nghĩ chỉ vì sợ nó không hay, chưa hoàn hảo; để rồi hai ba tiếng trôi qua, mình thậm chí vẫn chưa viết xong một đoạn hoàn chỉnh.
Trên thực tế, bản nháp của bạn chỉ có mỗi bạn xem chứ đâu có ai xem. Hơn nữa, bạn viết ra càng nhiều thì sau này chỉnh sửa bạn càng có nhiều tư liệu hơn thôi chứ có gì đâu. Khi viết ra rồi đọc lại, các bạn mới nhận ra mình viết chưa hay ở chỗ nào, từ đó cải thiện được kĩ năng viết của mình. Vì vậy, hãy đừng ngần ngại viết ra những gì mình nghĩ trong bản “First Draft” nhé!
Unsplash.com
Unsplash.com
4.4 Chình sửa “First Draft”
Sau khi mình hoàn thành bản nháp đầu tiên, mình sẽ làm việc khác và tạm thời quên bài viết; cho đến ngày hôm sau mình mới mở lại nó. Mình không chỉnh sửa và đăng bài viết luôn trong một buổi vì khi mới viết xong bài, thường thì ta sẽ quá tự hào về thành quả của mình mà quên không để ý đến những lỗi sai không đáng có. Ngày hôm sau nhìn lại thì mình mới có thể đánh giá bài viết với đôi mắt khách quan hơn.
Khi chỉnh sửa bài, mình dùng một số công cụ soát chính tả như là “Grammarly” (https://app.grammarly.com/), nếu là viết tiếng anh thì mình còn dùng thêm “Hemingway Editor” (https://hemingwayapp.com/). Grammarly là công cụ giúp ta soát lỗi chính tả cũng như hoàn thiện câu khá nổi tiếng. Còn Hemingway Editor thì có công dụng đề xuất chỉnh sửa bài viết tiếng Anh của ta trở nên đơn giản và dễ đọc hơn, phù hợp hơn với khán giả đại chúng.
Một cách soát lỗi khá truyền thống nhưng vẫn rất hiệu quả đó là đọc to bài viết của mình lên. Khi đọc thấy chỗ nào lấn cấn hoặc khó chịu thì hãy xem lại và sửa.
Mình còn nhờ một vài người bạn thân thiết xem và đánh giá bài viết. Làm thế này giúp mình củng cố tính khách quan của bài viết. Những người bạn của mình cũng thường chỉ ra những lỗi chính tả và lỗi tư duy mà khi viết mình không chú ý tới.
Thêm nữa, hãy nhớ kèm theo nguồn khi sử dụng tài liệu hoặc ảnh của người khác.
4.5 Ảnh
Hãy chọn những bức ảnh có chất lượng tốt cũng như khắc họa được rõ điều mà bạn muốn truyền đạt tới độc giả. Mình thường lấy ảnh ở 5 nguồn sau đây (hoàn toàn miễn phí):
Pixabay (https://pixabay.com/vi/)
Unsplash (https://unsplash.com/)
Vintage Stock Photos (https://vintagestockphotos.com/)
Life Of Pix (https://www.lifeofpix.com/)
Burst – Shopify (https://burst.shopify.com/) 
Unsplash.com
Unsplash.com

5. Luyện viết mỗi ngày như thế nào?

Muốn viết giỏi hơn, trước tiên bạn phải đọc giỏi đã. Rất hiếm ai có thể trở thành người viết giỏi mà không phải là một người đọc giỏi. Phải đọc nhiều, tiếp thu kiến thức nhiều thì mới có cái để mà viết đúng không nào?
Bạn cũng có thể nghe sách nói hay xem video để mở rộng vùng hiểu biết. Nhưng theo mình, đọc sách vẫn là cách hữu hiệu nhất để cải thiện khả năng viết. Bởi khi đọc sách, bạn có thể suy ngẫm từng câu, từng chữ mà tác giả sử dụng, từ đó áp dụng được kiến thức và lối hành văn vào bài viết của mình. Hơn nữa, từ khi chăm đọc sách hơn, mình ít mắc phải những lỗi diễn đạt cơ bản. Vốn từ vựng của mình cũng phong phú hơn rất nhiều.
Ngoài ra, hãy tạo cho mình thói quen viết mỗi ngày. Các bạn có thể viết bất cứ thứ gì, từ luận văn cho đến nhật ký, hay chỉ đơn giản là viết tất cả những điều mình suy nghĩ ra tờ giấy trắng. Dần dần, khi các bạn đã quen với việc viết ra những ý tưởng của mình, các bạn sẽ thấy quá trình viết trở nên dễ dàng hơn nhiều, mình cam đoan đấy.
Các bạn nên bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ, ví như viết mỗi ngày 50 từ. Sau khi tạo được thói quen rồi thì hãy nâng dần mức viết lên; sau một thời gian, mình tin rằng viết một nghìn từ sẽ chỉ là chuyện đơn giản đối với các bạn.
Unsplash.com
Unsplash.com

Kết

Để kết thúc bài viết, mình xin gửi đến các bạn một số tài liệu mà mình đã tập hợp và sử dụng. Những tài liệu này đã giúp mình cải thiện kĩ năng viết một cách đáng kể, và mình hy vọng nó cũng sẽ có ích đối với các bạn.
Mình vẫn chỉ là một đứa mới bắt chập chững tập viết, và đây hoàn toàn là những điều mà mình đã tự học và đúc rút ra được. Vậy nên, nếu bài viết có lỗi gì sai thì mong các bạn hãy cứ thoải mái góp ý, mình sẽ tiếp thu và cải thiện.
Chúc các bạn một ngày bình an.