Mới đây, kỳ thi THPT Quốc gia vừa mới diễn ra và chắc hẳn "Đại học" đang là 2 từ chiếm lấy tâm trí của không ít con người, không chỉ các bạn học sinh mà cả các bậc phụ huynh nữa. Đây là một phản ứng tự nhiên đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt trong suốt hàng chục năm qua và cả 12 năm đèn sách vất vả của các bạn. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi "Học đại học có thực sự cần thiết?" như nhiều người vẫn hay nói, hay bạn có nên tin vào những người nói "học đại học không để làm gì cả".
Mình biết có rất nhiều thắc mắc ở đây cần được lý giải, nhất là với những bạn trẻ đang chập chững bước vào đời mà chưa biết những điều các bạn cần phải biết. Vậy nên, thông qua bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn một góc nhìn tổng quan, một bức tranh toàn cảnh về vấn đề này để các bạn có thể đưa ra một quyết định hợp lý cho con đường tương lai của bản thân. Bắt đầu thôi!!!

1. Bạn học đại học để làm gì?

Đáng ra đây phải là câu hỏi đầu tiên mà bạn cần tự hỏi thay vì vội vàng nghĩ xem mình nên học trường nào. Câu hỏi này đòi hỏi bạn cần có một câu trả lời nghiêm túc, rõ ràng và chi tiết chứ không phải một mục tiêu nghe rất chung chung và không cụ thể. Mình thường nghe những câu trả lời ngây ngô như: học đại học để kiếm nhiều tiền, học đại học để đổi đời, học đại học để làm ông nọ bà kia, học đại học để sau này mở công ty khởi nghiệp, học đại học vì bố mẹ bảo thế... bla bla... Thật đáng buồn khi mình phải nói rằng mục đích của các bạn rất mông lung và mơ hồ, bạn chỉ đang mù quáng đẩy hoàn toàn trách nhiệm biến ước mơ của của bạn thành sự thật cho cái bằng đại học mà thôi.
- Học đại học xong cái có công việc nhiều tiền luôn á? => Ai đảm bảo cho bạn. - Học đại học xong cái là bạn sẽ thành triệu phú, tỷ phú luôn á? => Thức tỉnh đi bạn ơi, chặng đường còn xa lắm. - Học đại học xong có khiến bạn trở thành ông nọ bà kia luôn không? => Bạn nghĩ có ai dám tuyển một đứa trẻ con mới ra trường chưa có kinh nghiệm gì về làm các ví trí lãnh đạo luôn không? - Học đại học để mở công ty khởi nghiệp? => Bạn cần vốn, kiến thức về tài chính, quản trị, thị trường, marketing... cùng với bản lĩnh và sự nhạy bén, chứ có mỗi cái bằng đại học thì làm được gì nào? - Học đai học theo mong muốn của bố mẹ? => Cuộc đời của bạn sống cho mình còn chưa xong, làm gì còn thời gian đi xây dựng ước mơ thời trẻ của bố mẹ, với lại học xong thì bố mẹ bạn tạo ra việc làm cho bạn hay lại nhét bạn vào một chỗ nào đấy mà bố mẹ cũng chẳng biết tương lai của bạn sẽ đi về đâu?
Học đại học không đưa bạn thẳng đến với ước mơ của mình, nó chỉ giải quyết được những mục tiêu ngắn hạn hơn mà thôi.
M'
Bạn thấy đó, không phải bạn đứng ở ĐẠI HỌC là bước 1 bước đến ngay ƯỚC MƠ của bạn đâu, để đến cái đích ấy còn là một hành trình dài lắm chông gai cần bạn phải phấn đấu rất nhiều. Cho nên, thay vì những mục tiêu dài hạn kia bạn hãy nghĩ đến những mục tiêu ngắn hạn hơn như: học kỹ năng 1 nghề nghiệp cụ thể để đi làm, tiếp xúc với một môi trường có nhiều cá nhân xuất sắc để thay đổi tư duy và nâng cấp bản thân, trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để trở thành một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bạn đam mê, xây dựng mạng lưới quan hệ rộng và chất lượng... Đây là những mục tiêu bạn có thể đạt được ngay sau khi cầm tấm bằng đại học, thậm chí là trong quá trình học đại học. Những mục tiêu ngắn hạn này dù chưa giống với mục tiêu dài hạn của bạn nhưng nó đủ là nền móng giúp bạn xây dựng nên ước mơ của bạn sau này.
Ước mơ của bạn được xây dựng từ rất nhiều thứ chứ không phải chỉ từ mỗi cái bằng đại học
Ước mơ của bạn được xây dựng từ rất nhiều thứ chứ không phải chỉ từ mỗi cái bằng đại học
Vậy với những mục tiêu dài hạn thì sao? Ồ, chắc chắn rồi, ai cũng có một ước mơ cho mình và chẳng ai lại không muốn điều ấy thành sự thật cả. Lời khuyên của mình dành cho bạn như sau. Hãy tưởng tượng về hình ảnh thành công mà bạn ao ước trong tương lai! Bạn làm trong lĩnh vực nào? Bạn hướng đến giá trị gì trong sự nghiệp của mình? Bạn đã có kế hoạch sơ lược cho việc hiện thực hóa ước mơ ấy chưa? Hãy viết những điều ấy ra giấy và hỏi chuyện những người đã thành công trong lĩnh vực mà bạn đam mê. Với kinh nghiệm của bản thân, họ biết những khó khăn mà bạn sẽ gặp phải, biết những kiến thức mà bạn thực sự cần phải có, biết bạn cần phải làm những gì để xây dựng nền tảng và có thể đánh giá được tính khả thi trong kế hoạch của bạn. Qua đó, bạn sẽ biết mình thực sự cần những gì, có nhất thiết phải học đại học hay không. Đừng nghe mấy thầy cô tư vấn tuyển sinh làm gì vì họ chỉ dạy học chứ không trực tiếp hoạt động trong ngành đó. Hiểu biết của họ chỉ có từ việc nghe loáng thoáng từ truyền thông với cả truyền miệng chứ cũng chẳng khác gì nhiều so với những gì bạn vẫn hay nghe kể cả, mà nếu ngày xưa họ có hoạt động trong ngành thì những gì họ biết có khả năng cao là đã lỗi thời trong thời đại của bạn. Và lý do quan trọng nhất là, bạn nghĩ xem, nếu họ có thể thành công trong lĩnh vực bạn quan tâm thì hẳn là bây giờ họ đang bận rộn với sự nghiệp riêng của mình chứ chắc không rảnh mỗi kỳ thi lại ngồi hàng tiếng đồng hồ bốc phét với các bạn sỹ tử về triển vọng nghề nghiêp các thứ như vậy đâu.
Chương trình vô dụng nhất trong các mùa thi
Chương trình vô dụng nhất trong các mùa thi
Dù bạn có đi học bất kỳ trường đại học nào, đi học nghề hay đi làm thuê luôn thì mục đích gần như sau cùng vẫn là ĐI LÀM GÌ ĐẤY ĐỂ KIẾM TIỀN mà thôi. Tuy nhiên, trước khi được tuyển vào bất kỳ công việc nào thì bạn cũng phải vượt qua yêu cầu của nhà tuyển dụng về kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức đã. Những yêu cầu trên có thể đạt được thông qua ĐÀO TẠO CHÍNH QUY hoặc TỰ HỌC. Mức lương mà bạn được trả sẽ phụ thuộc vào hàm lượng kiến thức mà bạn có và khả năng ứng dụng chúng trong công việc. Hai tiêu chí này sẽ chỉ có thể đánh giá được thông qua số liệu thống kê về hiệu quả công việc sau một khoảng thời gian bạn làm việc tại doanh nghiệp. Bằng đại học có thể giúp bạn có một khởi đầu với mức lương tốt hơn vì nhà tuyển dụng có lý do để kỳ vọng vào bạn nhưng việc tăng lương lại phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực thực sự của bạn được đánh giá trên những số liệu thông kê chứ không còn vai trò của "tấm bìa" kia nữa.

2. Giá trị thực sự của một tấm bằng đại học

Với những công việc phổ thông, lao động chân tay thường không cần quá nhiều về trình độ, bạn gần như chẳng cần thông qua đào tạo nhiều nhưng vẫn có thể nhận việc. Những công việc này thường không vất vả về đầu óc nhưng lại vất vả về thể chất và thường có mức thu nhập thấp. Thứ 2 là những công việc dạng thợ lành nghề với mức thu nhập trung bình lại đòi hỏi về đào tạo nghề bài bản và tay nghề. Đây là kiểu công việc kết hợp cả lao động chân tay và lao động trí óc. Cuối cùng là những công việc trí óc có mức thu nhập cao, những công việc này gần như không cần đến lao động về tay chân nhưng đòi hỏi rất nhiều về chất xám, người đời nhìn vào vẫn thường nghĩ đấy là "việc nhẹ lương cao" hay "ngồi mát ăn bát vàng" trong truyền thuyết (nhưng vất vả về trí lực cũng không kém phần kinh khủng so với vất và thể chất đâu). Và đây chính là lý do mà bao bậc phụ huynh trong suốt hàng chục năm qua vẫn luôn định hướng thậm chí là áp đặt con em mình phải đi học đại học vì học đại học mới là thể hiện được mình là người tài giỏi có đào tạo, mới có thể có thu nhập cao mà "đỡ vất vả".
Và theo quy luật thị trường, có cung ắt có cầu, các trường đại học mới mọc lên như nấm sau mưa cộng với việc các trường đại học cũ mở rộng thêm các nhóm ngành không cần thiết (mà gần như không mấy giá trị lại chẳng kén chọn người học) cốt là để kiếm tiền trên nhu cầu cho con học đại học của các bậc phụ huynh khiến cho số lượng bằng đại học nhiều lên đáng kể và giá trị của nhiều tấm bằng cũng vì thế mà giảm đi khá nhiều. Bạn nghĩ sao nếu bạn mất 4 năm tuổi trẻ của mình (thậm chí là hơn nếu bạn chết đuối trong nợ môn T_T) và rất nhiều tiền bạc cho một thứ không mấy giá trị? Chắc hẳn là không đáng. Mình không có ý nói TẤT CẢ các bằng đại học là không chất lượng. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng mỗi một trường đại học sẽ có những ngành thế mạnh của họ và tạo ra danh tiếng cho trường ấy trước những nhà tuyển dụng, đó mới là những chuyên ngành đáng để bạn theo học và trau dồi kỹ năng ngành cho bản thân, còn những chuyên ngành còn lại thường chỉ được các trường tạo ra để kiếm thật nhiều tiền bằng cách "định hướng" càng nhiều sinh viên vào học càng tốt và nó không có nhiều giá trị. Những tấm bằng ấy thường không được các nhà tuyển dụng đánh giá cao cũng như kiến thức nền mà bạn học được ở đó cũng không đủ cứng để bạn có thể sẵn sàng với công việc mà bạn ứng tuyển.
Thực tế là chỉ có một số loại bằng có giá trị, số còn lại gần như là vô dụng
Thực tế là chỉ có một số loại bằng có giá trị, số còn lại gần như là vô dụng
Lời khuyên của mình dành bạn đó là:
Nếu không được học những chuyên ngành chất lượng có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh cho bạn trên thị trường lao động sau này thì cũng đừng nên lãng phí thời gian và tiền bạc cho những cái "bánh vẽ" của tư vấn tuyển sinh.
M'

3. Bức tranh toàn cảnh của thời sinh viên

Đây là điều chắc chắn bạn nên biết và để tâm hơn là những lời mời gọi hấp dẫn từ các câu lạc bộ của trường hay các đội sinh viên tình nguyện. Bởi vì bạn đến đây là để học và có những mục tiêu chính cần hoàn thành. Chỉ khi nào việc thực hiện mục tiêu chính của bạn vẫn đang diễn biến tốt thì bạn mới có thể yên tâm hướng đến những mục tiêu phụ được. Sinh viên có 2 cuộc sống trong giai đoạn này, đó là cuộc sống trên GIẢNG ĐƯỜNG và cuộc sống ngoài XÃ HỘI. Mình sẽ đi vào từng khía cạnh trên và chỉ ra những điều mà phụ huynh và các thầy cô không kể cho bạn nghe.

Đầu tiên là cuộc sống trên giảng đường.

Sự thật đầu tiên bạn cần phải biết, đó là thầy cô giảng bài trên bục giảng họ không biết và không quan tâm bạn là ai, họ chỉ đến giảng những bài giảng họ đã thuộc lòng và giảng đi giảng lại hết từ năm này qua năm khác.
Với số lượng sinh viên quá đông có thể lên đến vài trăm người ngồi trong cùng một giảng đường thì chuyện giảng viên họ không quan tâm được việc bạn có hiểu bài hay không là chuyện quá bình thường. Hãy quen dần với việc tự học, tự nghiên cứu, các thầy cô chỉ gợi ý được cái mà họ muốn bạn học mà thôi, để có thể ngồi nghe hiểu những gì họ giảng thì bạn cần tự học đến một ngưỡng đủ thông mới có thể nghe giảng như một sinh viên thực sự. Nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu việc học đại học của chúng em là tự học thì bọn em đi học làm *beep* gì? ^^ .
Bằng này con người thì ai nhớ mặt được nổi, chưa kể mỗi giảng viên còn phải dạy mấy lớp như vậy
Bằng này con người thì ai nhớ mặt được nổi, chưa kể mỗi giảng viên còn phải dạy mấy lớp như vậy
Không chỉ là tự giác trong chuyện học tập, các bạn cũng cần chủ động trong nắm bắt mọi cơ hội của chính mình. Từ việc tìm kiếm và đăng ký nhận các loại học bổng, xin suất nghiên cứu sinh, xây dựng các mối quan hệ chất lượng, sắp xếp đăng ký học tập cho đến cơ hội việc làm, các bạn đều cần chủ động hết. Không ai có trách nhiệm phải thông báo tận tai với bạn về những quyền lợi kia vì một lý do rất dễ hiểu, đó là GẦN NHƯ CHẲNG AI BIẾT BẠN LÀ AI CẢ. Đừng chờ đợi, hãy đứng dậy mà đi tìm.
Sự thật thứ 2, bạn sẽ phải phí tiền và thời gian học những thứ mà nhà trường cho là cần thiết nhưng sự thật thì nó không cần thiết với bạn
Có một sự thật là các bạn khi đi làm sẽ chỉ dùng 1 phần, 1 khía cạnh nhỏ nào đó trong khối lượng kiến thức khổng lồ các bạn được học trong suốt 4 năm đại học mà thôi. Điều đó đồng nghĩa với việc phần lớn những kiến thức còn lại sẽ gần như không dùng đến (mà nói thẳng ra là lãng phí thời gian học và nghiên cứu). Nhà trường nào cũng vậy, họ luôn bao biện rằng tất cả những môn, những tín chỉ họ sắp xếp vào chương trình học của bạn đều là cần thiết để bạn phải học những gì họ yêu cầu. Nhưng thực chất là khi học xong một môn nào đó, kiến thức không ở lại với bạn quá lâu và bạn sẽ quên dần những kiến thức này theo thời gian, tệ hơn là bạn nhiều khi còn chẳng biết mình học những môn ấy để làm gì và không có một lý do thực sự để ghi nhớ chúng. Chúng chỉ ở lại với bạn nếu bạn lôi ra và sử dụng thường xuyên thông qua luyện tập hoặc trực tiếp làm việc. Mình không phủ nhận việc bạn có độ am hiểu rộng về chuyên môn hơn những người đồng nghiệp cùng cấp là một lợi thế thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, chuyện bạn vẫn nhớ và thông thạo tất thảy các kiến thức được học trong suốt 4 năm đại học sau khi tốt nghiếp gần như là bất khả thi bởi vì bạn không đủ thời gian 1 ngày để ôn luyện lại toàn bộ mớ kiến thức khổng lồ đó cũng như không có 1 công việc nào cần sử dụng tất cả những kiến thức đó cả. Bạn thử nghĩ xem nếu bạn muốn làm một kỹ sư lập trình web thì bạn chỉ cần hiểu kiến thức về giao diện, về chức năng của web chứ đâu cần kiến thức chuyên sâu về học máy của trí tuệ nhân tạo...
Thực tế là bất kỳ trường đại học nào cũng đào tạo như thế, sinh viên phải học tất cả những môn của ngành học dù sau này có thể họ chẳng bao giờ dùng đến. Chúng ta cũng khó trách cách vận hành này của các trường đại học bởi vì họ không biết chúng ta sẽ đi theo định hướng nào trong chuyên ngành, vậy thì cứ dạy hết cho chắc, thừa còn hơn thiếu, méo mó có hơn không. Đây là sự thật mà đáng lẽ ra sinh viên cần phải biết ngay từ đầu để tránh ảo tưởng lệ thuộc vào sự định hướng của nhà trường. Nhà trường không bao giờ định hướng được cho bạn, chỉ có bạn làm được điều đó thôi. Thầy cô còn chưa chắc nhớ bạn là ai thì làm sao họ biết bạn phù hợp với định hướng nào và nên tập trung vào học cái gì? Và quan trọng hơn, nếu bạn không biết bạn là ai, bạn muốn cái gì thì còn ai biết được điều đó?
Hệ quả đi kèm với việc học đai học là lãng phí thời gian và tiền bạc cho những môn không cần thiết trong chương trình học
Hệ quả đi kèm với việc học đai học là lãng phí thời gian và tiền bạc cho những môn không cần thiết trong chương trình học
Sự thật thứ 3, phân ngành - sự ảo tưởng sức mạnh của các trường đại học
Phân ngành có lẽ không phải là cái gì quá xa lạ với mọi người, kể cả là với các bạn sỹ tử chưa học đại học 1 ngày nào. Mỗi trường lại có nhiều khoa-viện, mỗi khoa-viện lại phân ra thành nhiều ngành học khác nhau hướng tới những thị trường lao động cụ thể. Các ngành học lại được đánh giá và chọn lọc sinh viên thông qua điểm đầu vào hay điểm phân ngành. Nhưng bạn có nhận ra điều vô lý gì ở đây không? Trong khi các trường tự cho mình cái quyền phân ngành cho sinh viên với lý do trường muốn "đảm bảo" sự cân đối nguồn nhân lực cho các nhóm ngành và sinh viên phải đủ "tiêu chuẩn" để học ngành nào đó thì sự thật là các trường đại học KHÔNG CÓ NĂNG LỰC điều tiết thị trường lao động ngoài xã hội cũng như việc ép buộc sinh viên phải học những chuyên ngành không đúng với nguyện vọng của mình xem ra cũng chẳng phải điều hợp lý. Hiện trạng sinh viên ra trường làm trái ngành trở nên phổ biến đáng nhẽ ra phải là "gáo nước lạnh" cho sự ảo tưởng phân ngành của các trường đại học chứ nhỉ? Ấy vậy mà chẳng thấy mấy ai để tâm đến điều này mà cứ mù quáng đẩy tương lai của các em sinh viên cho một cơ chế vô dụng như vậy.
Quy luật cung - cầu của thị trường lao đông mới là thứ thực sự có quyền năng phân ngành lực lượng lao động chứ không phải là các trường đại học
Quy luật cung - cầu của thị trường lao đông mới là thứ thực sự có quyền năng phân ngành lực lượng lao động chứ không phải là các trường đại học
Thị trường lao động cũng tuân theo quy luật cung-cầu, có nghĩa là nhu cầu lao động của một ngành nào đó đang cao trong khi nguồn lao động cho ngành ấy lại thấp sẽ làm giá trị của ngành biểu thị qua mức lương trung bình tăng lên và thu hút thêm nguồn lao động mới tham gia vào nhóm ngành này. Điều đó tạo ra một xu thế "ngành hot" hấp dẫn nhiều bạn trẻ theo học nhóm ngành ấy. Ngược lại, khi lực lượng lao động đào tạo cho một ngành quá nhiều so với nhu cầu của thị trường sẽ làm giá trị thể hiện qua mức lương trung bình của ngành đó giảm đi và khiến nhóm ngành ấy trở nên kém hấp dẫn đi và có ít sinh viên muốn đăng ký học ngành đó hơn. Cung và cầu của thị trường là những đại lượng biến đổi theo những cách mà không một ai, không một tổ chức nào có khả năng dự báo chính xác tuyệt đối được. Việc phân ngành theo đó mà trở nên vô nghĩa vì nó vừa không điều tiết được thị trường lao động lại vừa không phục vụ nhu cầu học tập chính đáng của sinh viên.
Thực tế là việc phân ngành chỉ là một cách hợp lý hóa chuyện dồn bớt sinh viên sang những nhóm ngành kém giá trị hơn của các trường đại học. Các em muốn giữ được cái mác là sinh viên của trường ABCXYZ thì phải chấp nhận những học những nhóm ngành này, nếu không thì nghỉ. Đa số sinh viên sẽ chọn nhắm mắt đưa chân theo học những nhóm ngành không đúng nguyện vọng của mình sau kỳ phân ngành vì thấy tiếc thời gian, tiền bạc và công sức đã bỏ ra. Mình thấy khá là đáng tiếc cho các bạn nếu các bạn rơi vào trường hợp ấy. Vậy tốt hơn hết là nói ra sự thật này cho các bạn sỹ tử để các bạn biết và chọn cho mình một hướng đi hợp lý thay vì trở thành những tân sinh viên ngơ ngác nhìn người khác cướp mất đi quyền quyết định cuộc đời các bạn.
Sự thật thứ 4, nhiều kiến thức được dạy ở các trường đại học đã lỗi thời.
Mình sẽ không lấy làm lạ nếu như nhiều bạn bắt đầu đi làm, sau tốt nghiệp hay thực tập, sẽ có chút ngơ ngác, ngỡ ngàng và bật ngửa khi những gì các bạn đã học không dùng được nhiều mấy, các bạn đều phải trải qua sự đào tạo lại từ đầu của các công ty. Dễ hiểu thôi, vì những kiến thức các bạn được học phần nhiều đã LỖI THỜI và khó ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn. Công nghệ đang ngày càng phát triển, các công cụ mới liên tục ra đời, những phương thức hoạt động của doanh nghiệp cũng vì thế mà thay đổi theo, xã hội không ngừng đổi mới. Cả thế giới được kết nối với nhau qua internet và những sáng kiến mới chỉ mất vài ngày đã có thể vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, các giáo trình được giảng dạy tại các trường đại học lại không thể phát triển với một tốc độ tương tự. Người giảng dạy ở các trường đại học là ai? Đó là các giảng viên với kinh nghiệm lâu năm và già dặn tuổi nghề hoặc những thầy cô trẻ vừa tốt nghiệp xong với những kiến thức được dạy bởi những giảng viên gạo cội kia. Về cơ bản, họ sử dụng chung 1 bộ kiến thức truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Có nghĩa rằng những kiến thức ấy đã rất cũ. Tại sao họ không thay đổi giáo trình để kiến thức bắt kịp thời đại? Có rất nhiều lý do cho câu hỏi này. Đầu tiên là các giảng viên sử dụng những kiến thức cũ mà họ đã thông thạo đó là đủ để mang lại hiệu quả công việc rồi nên chẳng có lý do gì để họ phải đi học các kiến thức mới mà họ chưa thông thạo ngay để dạy làm gì cả. Thứ 2 là việc soạn đi soạn lại 1 bộ giáo trình dày cộp rất mất thời gian, từ học hỏi, thử nghiệm cho đến biên tập có khi phải mất vài tháng đến cả năm trời mới soạn ra được một bộ giáo trình như vậy, cơ bản là các trường sẽ không đủ thời gian và nhân lực cho những công cuộc này trừ khi kiến thức mà họ dạy đã quá cũ và không ai còn dùng được nữa. Thứ 3 là nhà trường tin rằng các kiến thức họ dạy là cơ bản và chỉ cần hiểu được những kiến thức này là có thể thích ứng được với những công nghệ mới vì chúng cũng phát triển từ nền tảng đó mà ra, họ tin chỉ cần học những kiến thức cũ như vậy là sinh viên có thể tự suy luận được. Nhưng có một điều rất nghịch lý ở đây, đó là số người có thể suy luận từ kiến thức cũ ra những kiến thức mới của thời đại không nhiều, ngay đến nhiều thầy cô còn chưa chắc đã làm nổi huống gì là sinh viên và sinh viên đến đây đa phần cốt là để học kỹ năng ngành và sẵn sàng cho công việc tương lai chứ đâu phải đi giải đố như những nghiên cứu sinh.
Phải biên tập lại những cuốn giáo trình dày cộp như thế này nghĩ thôi đã đủ thấy ngán ngẩm
Phải biên tập lại những cuốn giáo trình dày cộp như thế này nghĩ thôi đã đủ thấy ngán ngẩm
Vậy thì chúng ta cần làm gì trước thực trạng phải học những kiến thức lỗi thời như vậy? Chúng ta cần để ý đến triển vọng phát triển của từng ngành. - Nhóm ngành linh hoạt là những ngành như công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, marketing, kinh doanh... có bộ kiến thức thay đổi rất nhiều theo thời gian, các kiến thức bạn học được sẽ nhanh chóng bị lỗi thời trông thấy qua từng năm đòi hỏi sự linh hoạt của nhân lực trong việc thích nghi và ứng dụng những công cụ mới vào làm việc. Lợi thế cạnh tranh của bạn trong những lĩnh vực này không nằm quá nhiều ở kiến thức mà nằm chủ yếu ở khả năng thích ứng linh hoạt với sự những biến đổi liên tục của công việc. Việc mất 4 năm đại học cho những nhóm ngành như vậy xem ra khá lãng phí khi bạn phải mất quá nhiều thời gian học những kiến thức sẽ bị lỗi thời ở thời điểm bạn đi làm, và càng thảm họa hơn khi bạn sở hữu rất nhiều kiến thức, mất rất nhiều công sức học tập nhưng ngay năm sau chúng đã trở thành lỗi thời. Sự lựa chọn phù hợp hơn là các bạn nên chọn các khóa đào tạo ngắn, học những kiến thức cơ bản và bắt đầu thực tập sớm nhất có thể sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn vì những ngành này đòi hỏi kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh hơn là kiến thức chuyên môn. - Nhóm ngành ổn định là những nhóm ngành còn lại như cơ khí, hóa học, luật, điện, điện tử, y dược, xây dựng, kế toán, nông lâm... có bộ kiến thức không thay đổi quá nhiều theo thời gian, các kiến thức bạn học được gần như không bị mất quá nhiều giá trị qua từng năm, thậm chí là rất nhiều năm về sau. Điều đó có nghĩa rằng bạn càng sở hữu nhiều kiến thức trong các lĩnh vực này thì bạn sẽ càng có lợi thế cạnh tranh hơn và việc bỏ 4 năm đại học để học cho vững chắc những kiến thức ngành ấy là hoàn toàn xứng đáng và cần thiết. Với đặc thù công việc đòi hỏi tính ổn định cao, việc nắm vững các kiến thức sâu rộng để xử lý vấn đề tận gốc rõ ràng là điều được ưu tiên hơn so với việc xử lý tình huống linh hoạt nhưng không triệt để.
Ngành bạn muốn theo đuổi thiên về lý thuyết hay kinh nghiệm hơn?
Ngành bạn muốn theo đuổi thiên về lý thuyết hay kinh nghiệm hơn?
Một lời khuyên cho các bạn trong việc chọn ngành:
Nếu là một người có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, hãy chọn nhóm ngành linh hoạt. Nếu là một người đi theo hướng ổn định chắc chắn, hãy chọn nhóm ngành ổn định.
M'

Tiếp theo là cuộc sống ngoài xã hội

Đầu tiên, thách thức trước lối sống buông thả, vô kỷ luật
Sinh ra được bao bọc, che chở trong vòng tay của cha mẹ đã quen, các bạn tân sinh viên sẽ phải đối mặt với một cuộc sống mới rời xa vòng tay của gia đình - nơi các bạn không còn sống trong kỷ luật và sự chăm sóc của bố mẹ nữa. Đây là thời điểm bắt đầu cho những thói quen xấu mà rất nhiều bạn sinh viên đã phạm phải. Đó là những lần thức khuya thành thói quen, ăn uống không điều độ, bỏ bữa, ăn không đúng giờ, dành quá nhiều thời gian cho phim ảnh, anime, game, lướt mạng và các hình thức giải trí khác. Những thói quen xấu này trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của các bạn, khiến các bạn luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, kiệt quệ, thiếu năng lượng dẫn đến lười biếng, bỏ học, trốn tiết, sa đà vào lối sống hưởng thụ nhất thời. Nếu không thoát được ra sớm, các bạn sẽ lãng phí tuổi trẻ của mình và đánh mất tương lai. Bản chất của kỷ luật là ép buộc hà khắc nhưng không có nó thì tiến độ của các kế hoạch đặt ra sẽ không đảm bảo. Kỷ luật sẽ luôn nhắc nhở chúng ta về mục tiêu cần đạt được và kế hoạch ta cần phải thực hiện để đạt mục tiêu ấy. Tuy nhiên, quá kỷ luật sẽ khiến ta cảm thấy gò bó, thiếu đi sự thoải mái cần thiết. Vậy nên hãy sắp xếp thời gian biểu 1 ngày cho hợp lý, đảm bảo đủ thời gian học, thời gian ngủ nghỉ, thời gian ăn uống, thời gian thể dục thể thao, thời gian trải nghiệm và thời gian giải trí. Khung thời gian mẫu mà mình sẽ gợi ý cho các bạn như sau: - Đảm bảo ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng mỗi tối, cố gắng đi ngủ trước 23h (tốt nhất là 10h). - Ăn uống đầy đủ vào đúng các khung giờ: sáng 5-7h, trưa 11-12h, tối 17-19h. - Dành khoảng 30 phút đến 1 tiếng cho hoạt động thể thao - Đảm bảo đủ thời lượng lên lớp - Thời gian còn lại hãy phân chia hợp lý theo tỷ lệ 50% cho tri thức, 30% cho trải nghiệm và 20% cho giải trí
Đừng để bản thân trở thành phiên bản tệ hơn của chính mình
Đừng để bản thân trở thành phiên bản tệ hơn của chính mình
Khung thời gian mình gợi ý ở trên có thể không phải là cách phân bố thời gian tốt nhất, cũng có thể không phù hợp với nhiều bạn nhưng nó đảm bảo rằng bạn vẫn dành đủ thời gian cho học tập nhưng vẫn có đủ thời gian nghỉ ngơi và giải trí.
Thứ 2, ma trận của các mối quan hệ
Cũng không ngoa khi mình phải dùng từ ma trận, cũng vì sự phức tạp và chồng chéo của các mối quan hệ mà các bạn sinh viên sẽ thiết lập khi bắt đầu một cuộc sống tự lập rời xa gia đình. Khi còn ở nhà, sống trong khuôn khổ của gia đình cùng với lịch học cả ngày dài, các bạn không có nhiều các mối quan hệ ngoài những người bạn cùng lớp. Nhưng khi lên đại học thì câu chuyện hoàn toàn khác khi các bạn được hoàn toàn làm chủ quỹ thời gian của mình, các bạn khám phá nhiều thứ các bạn chưa từng thử, từ đó gặp gỡ nhiều người hơn và bắt đầu xây dựng nên một mạng lưới chằng chịt các mối quan hệ. Điều này khiến các bạn cảm thấy cuộc sống có màu sắc hơn và dần bị đắm chìm vào ma trận này. Cái gì cũng có 2 mặt và ma trận các mối quan hệ cũng vậy, bên cạnh những mặt tích cực như đem lại nhiều cơ hội, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, mang lại nhiều niềm vui,... là những mặt tiêu cực như tiếp xúc với những người có tư tưởng lệch lạc, lãng phí thời gian và tiền bạc cho những mối quan hệ vô giá trị, có quá nhiều mối quan hệ làm bạn sao nhãng những mục tiêu quan trọng,...
Vậy ta cần làm gì với ma trận các mối quan hệ này? Lời khuyên hữu ích của mình là các bạn nên đánh giá từng mối quan hệ, phân hạng chúng và đề ra sẵn kế hoạch về thời gian và tiền bạc cho từng mối quan hệ ấy theo mức độ quan trọng. Mình thường sử dụng bộ lọc này để đánh giá những mối quan hệ xung quanh, các bạn có thể tham khảo. Có 2 tiêu chí chính mình đánh giá một người: - Đạo đức: phân chia những người bạn quen thành 2 nhóm là CÓ THỂ TIN CẬYKHÔNG ĐÁNG TIN. - Tài năng: phân chia những người bạn quen thành 2 nhóm là HỖ TRỢ CÔNG VIỆCKHÔNG TƯƠNG TÁC.
Với những người KHÔNG ĐÁNG TIN KHÔNG TƯƠNG TÁC với công việc của bạn, bạn không cần lãng phí thời gian với những người này làm gì vì họ không mang lại lợi ích gì cho bạn cả. Đôi khi những người này có thể nhờ cậy tới bạn, bạn vẫn có thể giành thời gian giúp đỡ, tuy nhiên hãy tuân thủ theo kỷ luật thời gian ở trên để tránh lãng phí thời gian vô ích. Vì họ là những người KHÔNG ĐÁNG TIN nên hãy cẩn thận khi giúp đỡ những người này kẻo làm ơn mắc oán, hãy giao kèo trước và tránh giúp đỡ về vật chất để khỏi mang vạ vào thân.
Với những người CÓ THỂ TIN CẬY nhưng KHÔNG TƯƠNG TÁC với các công việc của bạn thì đó chỉ là những người bạn xã giao. Với bạn, những người bạn này cũng tốt nhưng chỉ để chơi cùng cho vui thôi còn với tương lai và sự nghiệp của bạn thì họ không giúp ích được gì, thỉnh thoảng đôi bên có thể giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường nhật, chỉ vậy thôi. Về cơ bản, đây là những mối quan hệ trung tính hơi nghiêng về phía tích cực một chút nhưng sẽ là không tốt nếu bạn mất quá nhiều thời cho những câu chuyện phiếm hay những cuộc vui giải trí với họ. Để những mối quan hệ như thế này đủ tích cực và tránh những hệ quả xấu, hãy tuân thủ khung thời gian mà mình đã đề cập ở trên, bạn không cần dành quá nhiều thời gian cho những mối quan hệ này nhưng hãy nên để lại ấn tượng tốt mỗi khi gặp họ và chỉ nên dành một chút thời gian trong quỹ giải trí của bạn là đủ để duy trì những mỗi quan hệ này.
Với những người HỖ TRỢ CÔNG VIỆC được cho bạn nhưng bạn cảm thấy KHÔNG ĐÁNG TIN, họ thường là những người cùng bạn làm việc nhưng luôn có mưu tính cho lợi ích cá nhân của họ hơn. Đây là nhóm người bạn cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc cùng và hạn chế qua lại nhiều, nếu không đủ bản lĩnh thì tốt nhất không nên qua lại với những hạng người như thế. Tuy nhiên có một vài trường hợp bất khả kháng bạn phải làm việc chung với những người như thế này thì phải làm sao? Sở hữu khả năng khống chế là cách hữu hiệu nhất để đối phó với nguy hiểm. Lời khuyên của mình cho các bạn cũng dựa trên nguyên lý này. Hãy nhận biết được thứ lợi ích mình đang sở hữu mà những người này hướng đến rồi khống chế nó để tạo ra những lợi thế cho bạn trong giao kèo trước công việc. Sau khi xong việc và đạt được kết quả như ý muốn, nhớ trả công đầy đủ cho họ theo giao kèo để hạn chế tối đa khả năng họ "chơi xấu" bạn trong tương lai.
Nhóm người còn lại là những người rất quý vì bạn vừa CÓ THỂ TIN CẬY lại vừa có thể HỖ TRỢ CÔNG VIỆC cho bạn. Mình thấy không nên tiếc thời gian cho những người như vậy, thậm chí ta nên phát triển mối quan hệ với họ lên mức bạn thân. Hãy đảm bảo rằng thời gian của bạn giành cho họ là những khoảng thời gian giá trị nhất. Đó là khoảng thời gian giành cho trao đổi tri thức, cùng nhau trải nghiệm và cả những giây phút giải trí bên nhau nữa. Hãy cùng họ đặt ra những mục tiêu chung để cả 2 cùng phấn đấu, đạt những đỉnh cao mới và luôn sẵn sàng tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Mình tin rằng nếu bạn xây dựng được cho bản thân một nhân cách tốt và một năng lực tốt ở ngưỡng nhất định thì rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ tìm được 1 người bạn như vậy mà thôi. Kể ra tình yêu cũng là một mối quan hệ như vậy, có điều là 2 người còn bị hấp dẫn thêm về cả ngoại hình của nhau nữa mà thôi.
Khai thác hiệu quả mạng lưới quan hệ của bản thân và hạn chế các tác hại của nó
Khai thác hiệu quả mạng lưới quan hệ của bản thân và hạn chế các tác hại của nó
Và một điều nữa mình cần các bạn phải lưu ý, đó là các chất lượng các mối quan hệ cũng có thể thay đổi theo thời gian. Theo định kỳ, có thể là sau vài tháng hoặc hàng năm, các bạn nên dành thời gian đánh giá lại các mối quan hệ của bạn xem nó đang dần tốt lên hay đang dần xấu đi, từ đó bạn đưa ra các quyết định mối quan hệ nào còn có thể cứu vãn, mối quan hệ nào nên duy trì như hiện tại, mối quan hệ nào cần phát triển thêm và mối quan hệ nào nên từ bỏ.
Thứ 3, có nên đi làm thêm kiếm tiền không?
Theo mình thì đây là chuyện không nên quá ưu tiên. Thứ nhất, những công việc này không bổ trợ cho mục tiêu học tập của bạn nhưng bạn vẫn phải dành khá nhiều thời gian cho nó. Thứ 2, thu nhập của bạn cũng không quá cao hoặc thiếu ổn định. Thứ 3, bạn dễ bị lệ thuộc vào những công việc này dẫn đến sao nhãng những mục tiêu chính. Nếu thực sự quá cần tiền gấp thì bạn có thể làm những công việc này trong một thời gian ngắn chứ không nên đắm chìm vào việc đi làm thêm. Bạn nên đảm bảo thời gian học tập để hướng đến công việc tương lai tốt hơn.
Làm thêm không nên là chuyện được ưu tiên
Làm thêm không nên là chuyện được ưu tiên
Thứ 4, câu chuyện đi thực tập
Bạn nghĩ thời điểm nào là tốt nhất để đi thực tập? Theo chương trình học của các trường, đa số đều có một môn thực tập ở năm gần cuối vì nhà trường cho rằng thời điểm đó sinh viên đã học kha khá các kiến thức và đủ để đi thực tập nhằm trau dồi những kinh nghiệm thực tế bổ trợ cho đồ án tốt nghiệp vào năm cuối. Tuy nhiên, mình lại không nghĩ như vậy. Mình nghĩ sinh viên nên đi phỏng vấn thực tập càng sớm càng tốt. Đừng lo lắng về việc bạn không đủ kiến thức hay kinh nghiệm vì chính là do bạn thiếu những thứ ấy nên mới phải đi thực tập. Nếu bạn phỏng vấn không đạt, ít nhất bạn cũng đã nghiên cứu hàng chục bài đăng tuyển và tiếp xúc với các câu hỏi phỏng vấn của nhà tuyển dụng để biết được thị trường lao động của ngành đang cần những gì để bạn nghiên cứu và học tập ngay từ bây giờ, tránh học lan man những thứ không cần thiết gây mất thời gian. Còn nếu bạn được nhận thì quá tuyệt vời, hãy trải nghiệm công việc ngay để có 1 - 2 năm kinh nghiệm tại thời điểm bạn cầm bằng tốt nghiệp trên tay. Những kinh nghiệm bạn có trong môi trường lao động thực tế thường sẽ có sức hấp dẫn cao hơn là thành tích học tập của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Hãy cố gắng đi thực tập sớm nhất có thể
Hãy cố gắng đi thực tập sớm nhất có thể
Những điều bạn cần chú ý ở cơ quan khi đi thực tập để mang lại lợi ích tối đa và lâu dài cho bản thân bao gồm: kiến thức chuyên môn, cách quản trị thời gian của những nhân viên ưu tú, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, quy trình làm việc của các phòng ban, các chế độ của cơ quan, văn hóa kỷ luật, kỹ năng lãnh đạo đội nhóm và tầm nhìn của các sếp... Đây là những điều các bạn sẽ không được học ở trường, hãy quan sát thật kỹ, nói chuyện trao đổi với đồng nghiệp trong công ty để hiểu rõ từng điều trên. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thăng tiến của bạn trong tương lai, thậm chí đó còn là những kiến thức hữu ích cho công cuộc khởi nghiệp của bạn.
Tuy nhiên có điều mình cần nhắc nhở với các bạn, đó là thực tập là việc các bạn ỨNG DỤNG NHỮNG KIẾN THỨC ĐÃ HỌC VÀO MÔI TRƯỜNG THỰC TIỄN. Có nghĩa là các bạn cần có kiến thức nền tảng trước để thích nghi với đặc thù công việc của doanh nghiệp chứ doanh nghiệp không thể đào tạo các bạn từ con số 0, zero to hero được. Vậy nên đừng kỳ vọng rằng ai đó có thể thay đổi bạn, chỉ có bạn tự làm được điều đó thôi.

Kết luận

Trên đây là những kinh nghiệm mà mình đã đúc kết từ trải nghiệm của bản thân và những người bạn đại học, từ kết quả mà mỗi người trong chúng mình đạt được. Mình ước rằng giá như ngày ấy có ai đó chia sẻ với mình những điều này vào cái ngày mình mới là tân sinh viên để tránh đi những sai lầm của mình trong quá khứ. Hy vọng những điều này sẽ được chia sẻ đến thật nhiều những bạn sỹ tử đang đứng trước ngưỡng cửa đại học để giúp các bạn có một lựa chọn sáng suốt và phù hợp với định hướng thực sự của các bạn. Đừng học đại học như một trào lưu nếu nó không giúp ích được gì cho bạn cả. Hãy làm những việc thực sự mang lại kết quả cho mơ ước của bạn. Học đại học chỉ là 1 trong những con đường có thể đi, không phải là con đường duy nhất, không phải là tất cả, nó chỉ là con đường có vẻ ổn định mà thôi. Đừng buồn nếu bạn trượt đại học, cũng đừng quá phấn khởi nếu bạn đỗ đại học. Chặng đường phía trước còn dài, đường dài mới biết ngựa hay. Hãy đi lên trên đôi chân của chính mình. Hãy để những người xung quanh có thể giúp đỡ bạn nhưng đừng dựa dẫm vào họ. Tương lai nằm trong quyết định của bạn chứ không nằm ở đâu khác.
Thân ái và quyết thắng!
M'